Tiêu chuẩn ngành 22TCN268:2000

Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành


TIÊU CHUẨN NGÀNH

22 TCN 268-2000

QUY ĐỊNH NỘI DUNG TIẾN HÀNH LẬP HỒ SƠ BÁO CÁO NCTKT VÀ KHẢ THI CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GTVT

PHẦN 1

QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) và báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) các dự án đầu tư mới, khôi phục, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông vận tải (đường ôtô, đường sắt, cầu, hầm, cảng biển và cảng sông, đường thủy).

1.2. Những điều quy định trong tiêu chuẩn này nhằm cụ thể hóa các yêu cầu chung đối với việc lập NCTKT và NCKT các dự án đầu tư đã quy định tại các Điều 23, 24, 25 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ và các văn bản Hướng dẫn khác có liên quan đến các điều nêu trên.

Trong tiêu chuẩn này có sử dụng các văn bản pháp lý được thống kê kèm theo. Khi các văn bản pháp lý đó thay đổi, thì các khoản mục có liên quan tại tiêu chuẩn này cũng phải thay đổi cho phù hợp.

1.3. Giải thích từ ngữ: Trong tiêu chuẩn này các cụm từ có nghĩa như sau:

1. Công trình xây dựng

- Công trình xây dựng là sản phẩm của công nghệ xây dựng, lắp đặt thiết bị gắn liền với đất tạo thành bởi vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị và lao động.

- Công trình xây dựng tổng hợp bao gồm nhiều công trình đơn vị, mỗi công trình đơn vị lại gồm một hoặc nhiều hạng mục công trình.

- Trong kết cấu hạ tầng GTVT có các loại hình:

+ Công trình xây dựng trải dài theo tuyến, ví dụ như:

+ Công trình xây dựng tuyến đường (đường ôtô, đường sắt, đường thủy) A-B (A;B là địa danh điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường, trên tuyến A-B có các công trình đơn vị như cầu, hầm, cống, kè, đường (gồm cả nền và mặt) các đoạn tuyến…

Mỗi công trình đơn vị lại gồm các hạng mục như cầu gồm các hạng mục mố, trụ, dầm…

+ Công trình xây dựng tập trung theo diện tại 1 điểm, ví dụ như:

Công trình xây dựng cầu (có tên gọi là địa danh hoặc lý trình của cầu đó trên tuyến) gồm các hạng mục: mố, trụ, dầm và đường hai đầu cầu.

+ Công trình xây dựng cảng (có tên gọi là địa danh hoặc tính chất của cảng) gồm các công trình đơn vị: cầu hoặc bến cảng, luống tàu, đường vào cảng, nhà làm việc, kho, bãi… Cầu cảng lại bao gồm các hạng mục trụ, dầm cầu cảng…

+ Công trình xây dựng ga (có tên gọi là địa danh hoặc tính chất của ga) gồm các hạng mục: bãi đường ga, nhà ga, tín hiệu ga…

2. Kết cấu hạ tầng GTVT

+ Kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia: là sở hữu nhà nước, công trình công ích phục vụ nền kinh tế quốc dân, được đầu tư xây dựng, bảo quản, sửa chữa bằng vốn ngân sách Nhà nước và gồm: cầu, hầm, cống, đường (chính tuyến và đường ga, đường và trang thiết bị trong các cơ sở sữa chữa đầu máy toa xe), thông tin tín hiệu, nhà cửa và trang thiết bị phục vụ chạy tàu, nhà cửa và trang thiết bị sản xuất cho CBCNV trông coi, bảo quản, sửa chữa kết cấu hạ tầng nêu trên.

+ Kết cấu hạ tầng ôtô gồm: cầu, hầm, cống, đường, bến xe, bến phà, trạm thu phí, trang thiết bị điều khiển giao thông, trang thiết bị an toàn giao thông, nhà cửa và trang thiết bị sản xuất cho CBCNV quản lý, bảo quản, sửa chữa kết cấu hạ tầng nêu trên;

+ Kết cấu hạ tầng đường thủy gồm: luồng tàu, công trình + thiết bị tín hiệu hướng dẫn chạy tàu, công trình + trang thiết bị an toàn giao thông, công trình chính trị, công trình điều tiết, nhà cửa + trang thiết bị sản xuất cho CBCNV quản lý, sửa chữa kết cấu hạ tầng trên;

+ Kết cấu hạ tầng cảng gồm: cầu hoặc bến cảng, kho bãi, đường sá, luồng vào cảng, tín hiệu, thông tin, nhà cửa + trang thiết bị sản xuất, nhà lưu trú cho CBCNV làm công tác quản lý, sửa chữa kết cấu hạ tầng nêu trên.

3. Giao thông: là việc đi lại từ nơi này đến nơi khác của người và phương tiện.

4. Vận tải: là chuyên chở người hoặc đồ vật trên quãng đường tương đối dài.

5. Hình thức đầu tư

+ Công trình khôi phục: là 1 công trình cũ do một lý do nào đó bỏ không dùng hoặc bị phá hoại, nay lại cần đến, phải đầu tư để khôi phục lại trạng thái kỹ thuật được thiết kế trước. Trong khi lập dự án, hình thức đầu tư của dự án là đầu tư khôi phục công trình.

+ Công trình cải tạo: là 1 công trình hiện đang khai thác, nay vì một lý do nào đó cần nâng cao sức chịu tải, nâng cao công suất v.v… do đó phải thay đổi một số tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản nhằm cải tạo công trình đó đáp ứng yêu cầu mới cao hơn, song vẫn chưa vượt cấp hạng kỹ thuật vốn có của công trình ấy. Trong dự án đầu tư, hình thức đầu tư của dự án là đầu tư cải tạo công trình.

+ Công trình nâng cấp: là 1 công trình hiện đang khai thác ứng với cấp hạng kỹ thuật được xác định khi thiết kế nó, nay vì yêu cầu mới cần phải thay đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản cũ bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản ở cấp hạng kỹ thuật cao hơn. Trong khi lập dự án, hình thức đầu tư của dự án là đầu tư nâng cấp công trình.

+ Công trình làm mới: là 1 công trình được xây dựng hoàn toàn mới. Trong khi lập dự án đầu tư, hình thức đầu tư của dự án là đầu tư mới.

Một công trình có thể có một trong các hình thức đầu tư nói trên hoặc kết hợp một số các hình thức đầu tư đó.

6. Dự án đầu tư: là 1 tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để tạo mới; mở rộng hoặc cải tạo những cơ sở vật chất nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng hoặc duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ trong khoảng thời gian xác định (chỉ bao gồm hoạt động đầu tư trực tiếp).

1.4. Báo cáo NCTKT là tài liệu ban đầu của dự án đầu tư nhóm A và một số dự án nhóm B khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định và có yêu cầu bằng văn bản. Mục đích của báo cáo NCTKT là để xem xét quyết định có nên tiến hành tiếp tục lập báo cáo NCKT các dự án thành phần (các tiểu dự án) hoặc toàn bộ dự án hay không. Báo cáo NCTKT còn là tài liệu để đàm phán với nước ngoài nhằm tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ.

1.5. Báo cáo NCKT là tài liệu cơ sở của dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có mức vốn đầu tư trên một tỷ đồng, được nghiên cứu, so sánh, lựa chọn phương án đầu tư để gửi cơ quan thẩm định đầu tư và trình người có thẩm quyền đầu tư xem xét quyết định.

1.6. Khi nhận nhiệm vụ lập NCTKT, NCKT đơn vị tư vấn phải lập đề cương nghiên cứu tương ứng.

Đề cương lập NCTKT, NCKT gồm:

· Tên dự án: phải đúng như quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

· Tên chủ đầu tư;

· Phạm vi nghiên cứu của từng đối tượng thiết kế trong dự án;

· Dự kiến các phương án về địa điểm công trình;

· Mức độ nghiên cứu các công trình đơn vị, các hạng mục công trình;

· Phạm vi điều tra, thu thập, khảo sát các thông tin cần thiết, phục vụ cho từng đối tượng thiết kế trong dự án, mức độ tương ứng với NCTKT hoặc NCKT và phù hợp với đặc trưng đơn giản hay phức tạp của đối tượng thiết kế;

· Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng cho dự án.

· Dự kiến các thời điểm lập xong các dự thảo báo cáo (đầu, giữa và cuối kỳ - nếu cần).

· Dự kiến phương pháp lập Tổng mức đầu tư;

· Các dự kiến khác (như lập mô hình toán, mô hình vật liệu và mô hình kiến trúc hoặc hình vẽ trưng cầu ý kiến về dáng vẻ kiến trúc…).

Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét đề cương do tư vấn lập và phải có tờ trình xin người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt đề cương trên.

1.7. Trong quá trình lập dự án, nếu người có quyền quyết định đầu tư thay đổi nội dung của đề cương đã duyệt, hoặc trong trường hợp cần thiết đơn vị tư vấn lập dự án có thể đề nghị sửa đổi một vài nội dung của đề cương cho phù hợp với thực tế và chính thức hóa kế hoạch thực hiện dự án (các bước tiếp theo cùng nội dung, các tổ chức tham gia nghiên cứu, bố trí nhân lực cụ thể… của các bước đó), đơn vị tư vấn phải lập lại đề cương mới, chủ đầu tư lại xem xét và trình người có quyền quyết định đầu tư duyệt lại.

1.8. Đơn vị tư vấn phải thu thập đủ các thông tin có ảnh hưởng quyết định đến dự án như các thông tin về vùng cấm đặt công trình, vùng có tài nguyên dưới lòng đất, các vùng nhạy cảm khác… trước khi triển khai công việc khảo sát, nghiên cứu.

Trường hợp khó khăn không thể tự thu thập được các thông tin quan trọng nói trên, đơn vị tư vấn phải dự thảo công văn để Chủ đầu tư ký gửi các ngành, các địa phương nắm các thông tin đó để họ cung cấp. Nếu sau một thời hạn (theo quy định về hành chính) mà không thu được trả lời, đơn vị tư vấn được quyền lập dự án theo nghiên cứu của mình, song phải đưa công văn của chủ đầu tư vào phụ lục của dự án.

1.9. Đối với các dự án nhóm A trong quá trình NCTKT, NCKT trước khi lập báo cáo chính thức, cần lập các báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và dự thảo báo cáo cuối cùng (ba giai đoạn báo cáo).

Đối với các dự án nhóm B có tính chất quan trọng và phức tạp trong quá trình NCTKT, NCKT cũng phải lập báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và dự thảo báo cáo cuối cùng.

Đối với các dự án nhóm B ít quan trọng và nhóm C do chủ đầu tư quyết định một hoặc hai giai đoạn báo cáo.

Nội dung báo cáo đầu kỳ là những kết quả điều tra, khảo sát, các số liệu cơ bản về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, vận tải, môi trường, các kết quả nghiên cứu, tính toán, dự báo về kinh tế, vận tải, giao thông để từ đó đề xuất cấp hạng, quy mô tổng quát của công trình.

Báo cáo giữa kỳ có thể làm một hoặc hai lần tùy thuộc vào mức độ phức tạp của dự án ứng với quá trình kết thúc từng giai đoạn nghiên cứu. Nội dung của báo cáo giữa kỳ là tập hợp các kết quả nghiên cứu đã nhận được tại các điểm dừng kỹ thuật của quá trình lập dự án, đề xuất khái quát về các phương án tổng thể.

Dự thảo báo cáo cuối cùng bao gồm toàn bộ kết quả điều tra, khảo sát, thiết kế nghiên cứu tính toán về kỹ thuật, kinh tế, môi trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đề cương lập dự án và các luật lệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

1.10. Ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng và chuyên gia bằng văn bản hoặc qua các cuộc hội thảo thông qua báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và dự thảo báo cáo cuối cùng là cơ sở để đơn vị tư vấn triển khai các bước tiếp theo và hoàn thiện báo cáo cuối cùng.

1.11. Phần Phụ lục kèm theo Quy định này là một số hướng dẫn mục lục báo cáo NCTKT, NCKT các công trình chuyên ngành (đường thủy, đường bộ, đường sắt, cầu lớn, cảng). Các hướng dẫn đó không đề cập hết các tính đa dạng của các loại hình công trình GTVT và tính khác biệt từ đơn giản đến phức tạp của đối tượng nghiên cứu; do đó đối với mỗi công trình cụ thể đơn vị tư vấn lập dự án cần dựa vào nội dung báo cáo NCTKT, NCKT và của các hướng dẫn tương ứng để biên soạn đề cương báo cáo cho phù hợp.

PHẦN 2

ĐIỀU TRA, THU THẬP VÀ KHẢO SÁT CÁC THÔNG TIN CẦN THIẾT

2.1. ĐIỀU TRA, THU THẬP, KHẢO SÁT CÁC SỐ LIỆU VỀ KINH TẾ XÃ HỘI

a. Điều tra, thu thập, khảo sát các số liệu về kinh tế xã hội cùng với số liệu về GTVT nhằm cung cấp các tài liệu cơ sở để:

· Làm căn cứ xác định sự cần thiết của dự án;

· Dự báo vận tải hàng hóa và hành khách;

· Xem xét quyết định địa điểm xây dựng công trình;

· Xem xét các tác động thuận lợi, bất lợi tới các ngành, các thành phần kinh tế, các nhóm cư dân vùng ảnh hưởng của dự án trong thời gian thực hiện dự án và khi đưa công trình vào khai thác.

b. Các số liệu kinh tế xã hội cần điều tra, thu thập, khảo sát gồm:

· Các chỉ tiêu chung về phát triển KTXH các năm trước khi lập dự án thông qua các niên giám thống kê, các ấn phẩm tổng kết năm của các ngành, các địa phương liên quan đến dự án.

· Các ngành kinh tế và các cơ sở kinh tế cụ thể trong vùng dự án, loại và lượng nguyên vật liệu sử dụng, nơi cung cấp, loại sản phẩm, sản lượng hàng năm và nơi tiêu thụ.

· Các quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển KHXH có liên quan đến dự án.

· Các dự báo về KTXH vùng dự án đã lập trước đây (nếu có).

· Hiện trạng địa điểm (nêu hiện nay địa điểm đang dùng làm gì)? những thuận lợi, khó khăn trong sử dụng đất đai, những vấn đề về phong tục tập quán của cư dân liên quan đến quyết định địa điểm.

· Các điều kiện về hạ tầng vùng dự án như:

+ Các đường điện cao hạ thế, chủ quản lý và khả năng cung cấp cho công trình; quy hoạch kế hoạch phát triển.

+ Các nguồn nước, chủ quản lý và khả năng cung cấp cho công trình, quy hoạch kế hoạch phát triển.

+ Các đường thông tin liên lạc và khả năng sử dụng cho công trình; quy hoạch kế hoạch phát triển v.v…

c. Tùy theo đối tượng nghiên cứu trong dự án NCTKT, NCKT có đặc trưng đơn giản hay phức tạp và khả năng thực tế về các mặt mà đề ra yêu cầu điều tra, thu thập khảo sát đầy đủ hoặc một số các số liệu kinh tế xã hội nói trên hoặc bổ sung các thông tin đặc thù khác cho các dự án đặc biệt (liên quan đến quốc phòng, công nghệ mới v.v…).

Thông thường ở bước NCTKT chỉ yêu cầu các số liệu trên ở mức khái quát. Ở bước NCKT mức chi tiết và đầy đủ hơn.

d. Người hoặc đơn vị làm nhiệm vụ điều tra, thu thập, khảo sát các số liệu kinh tế xã hội nói trên phải lập báo cáo kết quả công việc đã làm kèm theo các phân tích cần thiết…

2.2. ĐIỀU TRA, THU THẬP VÀ KHẢO SÁT CÁC SỐ LIỆU VỀ GTVT

Tùy theo đối tượng nghiên cứu trong dự án NCTKT, NCKT có đặc trưng đơn giản hay phức tạp và khả năng thực tế về các mặt mà đề ra các yêu cầu điều tra, thu thập, khảo sát đầy đủ hoặc một số các số liệu về GTVT như dưới đây:

2.2.1. Giao thông vận tải đường bộ

- Các đường ôtô [bao gồm cả bản đồ tỷ lệ nhỏ, mặt cắt dọc rút gọn (nếu có)] các bến bãi, cấp hạng, trạng thái kỹ thuật hiện tại của chúng, lưu lượng xe hiện tại, tình hình an toàn giao thông của các đường và bến bãi;

- Các chân hàng và yêu cầu về chuyên chở;

- Các cơ sở khác của GTVT đường bộ;

- Quy hoạch kế hoạch phát triển tương lai;

- Các dự báo đã lập ở các năm trước (nếu có).

2.2.2. Giao thông vận tải đường sắt

- Các đường sắt [bao gồm cả bản đồ tỷ lệ nhỏ, mặt cắt dọc rút gọn (nếu có)], nhà ga, cấp hạng, trạng thái kỹ thuật hiện tại, năng lực thông qua và năng lực vận tải hiện tại, tình hình an toàn giao thông của các đường đó.

- Các chân hàng và yêu cầu về chuyên chở.

- Các cơ sở khác của đường sắt.

- Quy hoạch, kế hoạch phát triển trong tương lai.

- Các dự báo đã lập ở các năm trước (nếu có).

2.2.3. Giao thông vận tải đường thủy

- Các tuyến giao thông vận tải thủy [bao gồm cả bản đồ tỷ lệ nhỏ, mặt cắt dọc rút gọn (nếu có)], cấp hạng, trạng thái kỹ thuật, lưu lượng tàu thuyền hiện tại tình hình an toàn giao thông trên các tuyến đó.

- Các cảng, trạng thái kỹ thuật và năng lực hiện tại của các cảng đó.

- Các cơ sở khác của đường thủy.

- Quy hoạch và kế hoạch phát triển trong tương lai.

- Các dự án đã lập ở các năm trước (nếu có).

2.2.4. Giao thông vận tải hàng không

- Các sân bay, cấp hạng, năng lực hiện tại.

- Quy hoạch, kế hoạch phát triển.

- Các dự báo đã lập ở các năm trước (nếu có).

2.2.5. Giao thông vận tải đô thị (trường hợp lập dự án đường đô thị)

- Các số liệu điều tra giao thông đô thị như số hiệu gia đình, số người trong hộ gia đình, phân theo độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, số phương tiện đi lại trong gia đình, khoảng cách đến bến xe buýt gần nhất, quãng đường đi, giờ đi và giờ đến, mục đích chuyến đi, phương tiện đi lại sử dụng của từng người trong gia đình v.v…

- Mạng lưới giao thông đô thị, trạng thái kỹ thuật hiện có và tình trạng giao thông hiện tại của từng đường;

- Mạng lưới giao thông vận tải công cộng, tình trạng hiện tại;

- Các nút giao thông, chủng loại giao cắt; phương thức chỉ huy điều khiển giao thông. Số lượng chủng loại xe cộ, số lượng bộ hành ra vào nút theo các hướng ở các giờ trong ngày.

- v.v…

- Các quy hoạch, kế hoạch phát triển.

- Các dự báo đã lập ở các năm trước (nếu có).

2.3. ĐIỀU TRA, THU THẬP VỀ MẶT TÀI CHÍNH CHO DỰ ÁN

- Điều tra về nguồn gốc; vốn ngân sách, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước (vay từ quỹ hỗ trợ phát triển) vốn từ trái phiếu chính phủ (công trái) vốn vay (nước ngoài hoặc trong nước, điều kiện vay, lãi suất, thời gian), vốn của doanh nghiệp…

- Điều tra thu thập các loại giá cả liên quan đến các hoạt động giao thông vận tải như giá nhân công (thợ lái tàu xe, công nhân viên phục vụ vận tải, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải…) giá nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng;

- Thu thập các quy định về khấu hao các loại phương tiện vận tải, bốc xếp…

- Điều tra thu thập các loại giá dịch vụ vận tải (cước hàng, cước khách, cước bốc xếp, bảo quản, lưu kho, lưu bãi…).

- Điều tra thu thập các loại phí (phí lưu hành phương tiện, phí cầu đường, các loại phí bảo hiểm cho phương tiện và người sử dụng…).

- Điều tra thu thập các loại chi phí chi trả cho tai nạn giao thông…

- Điều tra thu thập các số liệu về sự mất giá của đồng tiền (lạm phát), về tỷ giá hối đoái ở các năm trước khi lập dự án.

- v.v…

2.4. ĐIỀU TRA, THU THẬP, KHẢO SÁT CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

2.4.1. Yêu cầu chung về khảo sát các điều kiện tự nhiên và môi trường

2.4.1.1. Điều tra, thu thập và khảo sát các điều kiện tự nhiên và môi trường nhằm có được các tài liệu cần thiết để:

- Nghiên cứu dự kiến các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu của công trình và kết cấu công trình;

- Nghiên cứu vị trí đặt công trình (về mặt bằng, về độ cao) dự kiến phương án, xác định số lượng, khối lượng công trình;

- Nghiên cứu điều kiện xây dựng (mức độ khó, dễ, thời gian, thời điểm xây dựng thích hợp… chọn giải pháp xây dựng, chọn giải pháp bảo vệ công trình dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và môi trường;

- Nghiên cứu dự báo các thay đổi về điều kiện tự nhiên và môi trường dưới tác động của việc thio công và khai thác công trình;

- Xác lập các giải pháp bảo vệ môi trường khi thiết kế, khi xây dựng và khi đưa công trình vào khai thác.

2.4.1.2. Điều tra, thu thập, khảo sát các điều kiện tự nhiên và môi trường phải tiến hành phù hợp với các bước NCTKT, NCKT và phù hợp với đặc trưng đơn giản hay phức tạp của đối tượng nghiên cứu.

2.4.1.3. Trong trường hợp tài liệu của các cơ quan chuyên ngành (Tổng Cục địa chính, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục địa chất…) không đủ hoặc không có để dùng trong NCTKT, NCKT cần phải tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, mà thành phần và khối lượng khảo sát được thiết lập bằng đề cương khảo sát phù hợp với nhiệm vụ NCTKT, NCKT và phù hợp với nội dung dự toán được duyệt.

2.4.1.4. Thông thường thì đơn vị tư vấn lập NCTKT, NCKT phải lập bản nhiệm vụ kỹ thuật giao cho đơn vị khảo sát trên cơ sở đề cương đã được phê duyệt. Đơn vị khảo sát phải trên cơ sở bản nhiệm vụ kỹ thuật được giao viết về đề cương khảo sát và lập phương án thực hiện.

Bản nhiệm vụ kỹ thuật gồm:

· Tên đối tượng nghiên cứu thiết kế;

· Đơn vị thiết kế;

· Đặc tính xây dựng (xây dựng mới, khôi phục, cải tạo, nâng cấp);

· Các dạng khảo sát;

· Các tài liệu về vị trí và ranh giới yêu cầu khảo sát của các phương án;

· Các thông tin về những công tác khảo sát và nghiên cứu tiến hành trước đây; các văn bản, số liệu cần được các cơ quan hữu quan cấp;

· Các tài liệu về sự tương tác giữa các đối tượng thiết kế tới môi trường thiên nhiên và tới các công trình hiện có trong vùng ảnh hưởng;

· Những yêu cầu về độ chính xác, độ tin cậy, độ xác thực của các tài liệu khảo sát;

· Các yêu cầu về thành phần, nội dung, hình thức của hồ sơ điều tra, thu thập, khảo sát;

· Thời hạn giao nộp hồ sơ điều tra, thu thập, khảo sát;

· Những yêu cầu và thông tin phụ về các dạng khảo sát đặc biệt.

2.4.1.5. Đề cương khảo sát gồm:

· Tên gọi và vị trí đối tượng khảo sát (có chỉ rõ ranh giới hành chính của nơi có đối tượng khảo sát);

· Đặc điểm đối tượng khảo sát;

· Mục đích khảo sát;

· Nhiệm vụ khảo sát (nêu rõ khối lượng, phạm vi, yêu cầu kỹ thuật của các hạng mục cần thực hiện);

· Các tiêu chuẩn kỹ thuật dùng trong khảo sát, thí nghiệm;

· Những thông tin về điều kiện tự nhiên của vùng ảnh hưởng đến sự tổ chức và tiến hành khảo sát;

· Lập luận về sự thay đổi các ranh giới tiến hành khảo sát so với nhiệm vụ kỹ thuật được giao (nếu có);

· Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh nơi công tác;

· Các biện pháp bảo vệ môi trường xung quanh và các giải pháp loại trừ ô nhiễm môi trường khi tiến hành khảo sát và khi kết thúc khảo sát;

· Các biện pháp đảm bảo hoạt động bình thường của người và các sinh vật khác sau khi khảo sát;

· Tổ chức và cách tiến hành khảo sát;

· Danh mục và thành phần tài liệu khảo sát;

· Thời hạn kết thúc công tác khảo sát ngoại nghiệp và nội nghiệp;

· Thời hạn tổ chức nghiệm thu, bàn giao hồ sơ khảo sát.

2.4.1.6. Khảo sát các điều kiện tự nhiên và môi trường để soạn thảo báo cáo NCTKT, NCKT phải đảm bảo đủ phạm vi và yêu cầu nghiên cứu của các phương án.

2.4.1.7. Khảo sát các điều kiện tự nhiên và môi trường phải do các đơn vị có giấy phép hành nghề theo đúng chuyên môn thực hiện. Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước người đặt hàng và trước pháp luật về sự đầy đủ và độ tin cậy của các số liệu, tài liệu khảo sát.

2.4.1.8. Đơn vị khảo sát phải sử dụng máy móc thiết bị phù hợp với yêu cầu của từng hạng mục khảo sát. Khuyến khích các đơn vị khảo sát ứng dụng công nghệ khảo sát tiên tiến, sử dụng máy móc hiện đại.

2.4.1.9. Đơn vị khảo sát phải được sự thỏa thuận của các chủ nhà đất, chủ quản lý các công trình đê điều, đường giao thông, cơ quan quản lý tài nguyên (tài nguyên nằm dưới lòng đất, tài nguyên nước v.v…) về thời điểm, thời hạn, điều kiện tiến hành các công việc khảo sát mà các công việc này gây thiệt hại, gây cản trở, hoặc đe dọa đến các hoạt động bình thường của các công trình hiện hữu.

Khi tiến hành khảo sát tại các công trình trên, đơn vị khảo sát phải lập phương án khảo sát nhanh nhất, ít gây cản trở nhất, và phải cử người có trách nhiệm theo dõi thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố.

Trường hợp nơi khảo sát có bom mìn trong chiến tranh còn sót lại ảnh hưởng đến an toàn của công tác khảo sát, đơn vị khảo sát cần yêu cầu Chủ đầu tư thuê rà phá trước khi tiến hành.

2.4.2. Điều tra, thu thập và khảo sát địa hình

2.4.2.1. Bước NCTKT:

a. Ở bước này chủ yếu là sử dụng các bản vẽ địa hình có sẵn của Nhà nước, của các cơ quan đơn vị khác, trong trường hợp khôi phục, cải tạo, nâng cấp công trình hiện hữu là các bản vẽ địa hình khi thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công, các bản vẽ hoàn công và các bản vẽ do cơ quan quản lý công trình lập trong quá trình duy tu, sửa chữa.

Chỉ đo vẽ địa hình tại các trọng điểm công trình mà bản vẽ có sẵn không thỏa mãn yêu cầu lập báo cáo NCTKT được quy định trong Bản nhiệm vụ kỹ thuật (nội dung và yêu cầu xem các tiêu chuẩn TCVN, TCN có liên quan).

b. Nghiên cứu các bản vẽ địa hình có sẵn để dự kiến vị trí công trình được tiến hành tại văn phòng. Đơn vị tư vấn phải tiến hành thị sát hiện trường nơi đặt công trình để thu thập thêm các thông tin về địa hình, địa vật và từ đó xác định các trọng điểm và nội dung khảo sát trắc địa các trọng điểm đó.

c. Các trọng điểm khảo sát địa hình gồm:

- Các vị trí vượt sông lớn;

- Các vị trí sẽ phải xây dựng hầm lớn;

- Các đèo (từ chân đến đỉnh đèo về hai phía);

- Các vùng có các quá trình và hiện tượng địa chất nguy hiểm;

- Các vùng có các quá trình và hiện tượng thủy văn nguy hiểm;

- Các vùng đô thị đông đúc mà công trình giao thông dự kiến đi qua;

- Các nơi công trình giao thông hiện hữu không phù hợp khi khôi phục, cải tạo, nâng cấp;

- Các nơi giao cắt giữa công trình thuộc dự án và các tuyến giao thông, điện lực v.v…

d. Thành phần và nội dung báo cáo khảo sát trắc địa công trình đối với các trọng điểm (xem ở bước NCKT).

2.4.2.2. Bước NCKT:

a. Ở bước này cần phải tiến hành thu thập và phân tích các bản đồ địa hình: các bình đồ, các bản đồ ảnh, các bình đồ quy hoạch đất, quy hoạch rừng, các bản vẽ TKKT thi công, BVTC, các bản vẽ hoàn công công trình cũ…

b. Các tỷ lệ bản vẽ địa hình để lập NCKT công trình giao thông đã được quy định trong các tiêu chuẩn khảo sát. Trường hợp cần thiết dùng tỷ lệ khác phải tùy từng đối tượng nghiên cứu mà quy định trong bản đề cương lập NCKT.

c. Phải tiến hành công tác ngoại nghiệp sau:

- Kiểm tra tình trạng nguyên vẹn của các mốc thuộc lưỡi trắc địa khống chế trong trường hợp sử dụng lại lưới khống chế có sẵn của các năm trước.

- Kiểm tra sự trùng hợp của các bản vẽ địa hình thu thập từ các nguồn khác nhau và kiểm tra sự trùng hợp của chúng với địa hình địa vật tại thực địa.

d. Khi các tài liệu địa hình thu thập được không đạt yêu cầu về chất lượng dùng trong NCKT thì phải đo vẽ bổ sung hoặc đo vẽ mới.

- Đo vẽ bổ sung áp dụng cho trường hợp một phần địa hình cũ nay đã thay đổi, hoặc chưa đủ thông tin cần thiết cho một đối tượng nghiên cứu nào đó (như bổ sung cao độ lòng sông, ranh giới bãi cạn và mép nước…).

- Đo vẽ mới áp dụng cho trường hợp đại bộ phận tài liệu địa hình đã qua cũ, nay đã có quá nhiều thay đổi, không sử dụng lại được.

e. Đo vẽ bổ sung hoặc đo vẽ mới địa hình phục vụ cho nghiên cứu từng đối tượng trong NCKT phải theo đúng bản nhiệm vụ kỹ thuật do người thiết kế đề ra và theo đúng đề cương khảo sát.

f. Báo cáo khảo sát trắc địa công trình phải bao gồm tất cả các công tác trắc địa công trình cho từng hạng mục thiết kế, các thông tin đầy đủ về ý nghĩa, tổ chức, phương pháp, chất lượng và công việc đã hoàn thành cũng như đặc điểm thực hiện chúng (có xét đến kết quả ứng dụng các thành tựu mới nhất của khoa học trắc địa).

Báo cáo khảo sát trắc địa công trình gồm phần thuyết minh, các phụ lục và các bản vẽ.

· Phần thuyết minh:

- Khái quát các thông tin chung (về các tài liệu thu thập, phân tích, xử lý và sử dụng chúng);

- Sơ lược về điều kiện địa lý của vùng khảo sát;

- Mức độ nghiên cứu trắc địa địa hình vùng khảo sát;

- Lưới trắc địa khống chế;

- Lưới đo vẽ;

- Đo vẽ địa hình bao gồm đo vẽ cả các công trình ngầm và trên không;

- Đo vẽ đường sá, kênh mương và các công trình hiện hữu… trên mặt đất;

- Các công tác khảo sát trắc địa khác;

- Các công tác trắc địa thủy văn công trình;

- Các công tác trắc địa nghiên cứu các hiện tượng địa chất và thủy văn nguy hiểm;

- Kiểm tra kỹ thuật và nghiệm thu;

- Liệt kê các tài liệu giao nộp;

- Kết luận;

· Phần các phụ lục:

- Bản sao nhiệm vụ kỹ thuật;

- Bản đề cương khảo sát;

- Sơ đồ lưới trắc địa mặt bằng (lưới khống chế mặt bằng);

- Sơ đồ lưới trắc địa độ cao (lưới mốc cao độ);

- Sơ đồ và tọa độ của các điểm trắc địa xuất phát (được cấp);

- Sơ đồ và cao độ của các điểm thủy chuẩn xuất phát (được cấp);

- Sơ đồ các lưới đo vẽ;

- Sơ đồ có tọa độ, độ cao các điểm khoan, đào;

- Sơ đồ có tọa độ, độ cao các điểm quan trắc thủy văn;

- Các sơ đồ công trình ngầm kèm theo độ cao các điểm đặc trưng;

- Các sơ đồ công trình trên không, kèm theo độ cao các điểm đặc trưng (thường là các điểm thấp nhất giữa 2 cột).

- v.v…

· Phần các bản vẽ:

- Các bản vẽ địa hình thu thập được (bình đồ, bình diện, ảnh, các mặt cắt…)

- Các bản vẽ địa hình mới đo đạc

2.4.3. Điều tra, thu thập và khảo sát địa chất

2.4.3.1. Bước nghiên cứu tiền khả thi:

a. Ở bước này chủ yếu là tiến hành thu thập, sử dụng các tài liệu địa chất lưu trữ ở Cục Địa chất và các cơ quan địa chất liên quan khác, sử dụng các tài liệu khảo sát địa chất tại các công trình lân cận trong vùng lập dự án.

Chú trọng tới những tài liệu về điều kiện địa chất công trình địa chất thủy văn, các quá trình và các hiện tượng địa chất, các tính chất cơ lý địa đá tại các trọng điểm nói tại Điểm c Mục 2.4.2.1.

b. Đối chiếu các tài liệu thu thập với hiện trường để phát hiện, bổ sung những sự thay đổi về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn. Đối với các công trình đã xây dựng trong vùng dự án hoặc lân cận đó, nếu có biến dạng cần tìm hiểu nguyên nhân đưa đến biến dạng, biện pháp xử lý.

c. Khi không thu thập đủ các tài liệu địa chất cần thiết cho nghiên cứu các đối tượng thiết kế của dự án tiền khả thi mới cần tiến hành điều tra, khảo sát ở mức khái quát các trọng điểm địa chất công trình.

d. Ở bước NCTKT cần sơ bộ xác định vùng nên tránh xây dựng công trình, vùng xây dựng công trình chịu nhiều điều kiện hạn chế, phải có các biện pháp phức tạp, đắt tiền để đảm bảo ổn định và tập trung chú ý vào vùng này.

e. Nên sử dụng các phương pháp thăm dò, khảo sát địa chất công trình như giải đoán ảnh viễn thám, thăm dò điện, quan sát lộ trình v.v... hạn chế công tác khoan đào (khoan đào nhằm biết địa tầng, không cần lấy mẫu thí nghiệm).

Khi cần thiết phải khoan, đào thì số lượng, độ sâu của các hố đào, lỗ khoan và khoảng cách trung bình giữa chúng phải tùy theo mức độ phức tạp của điều kiện địa chất công trình và tỷ lệ đo vẽ địa chất công trình mà quy định trong bản đề cương khảo sát.

f. Thành phần và nội dung báo cáo điều tra thu thập, khảo sát địa chất công trình gồm phần thuyết minh, phụ lục và các bản vẽ (xem 2.4.3.2).

2.4.3.2. Bước nghiên cứu khả thi:

a. Ở bước này việc thu thập, phân tích, đối chiếu các tài liệu địa chất công trình, địa chất thủy văn tuân theo các Điểm a, b Mục 2.4.3.1.

b. Khi không thu thập đủ các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu các đối tượng thiết kế của dự án khả thi, cần tiến hành điều tra khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn đối với toàn bộ các phương án vùng bố trí công trình xây dựng.

c. Trên cơ sở tài liệu điều tra thu thập ban đầu, cần phải phân định ranh giới các vùng theo các điều kiện xây dựng khác nhau:

- Vùng rất thuận lợi cho xây dựng công trình;

- Vùng xây dựng công trình với một số ít điều kiện hạn chế, chỉ phải sử dụng các biện pháp đơn giản để đảm bảo ổn định;

- Vùng xây dựng đặc biệt khó khăn do chịu nhiều điều kiện hạn chế, phải sử dụng nhiều biện pháp phức tạp, đắt tiền để đảm bảo ổn định công trình;

- Vùng tránh xây dựng công trình và tập trung công tác thăm dò, khảo sát địa chất vào 2 vùng giữa sau khi đã biết chắc chắn 2 vùng đầu và cuối.

Chú trọng các phương pháp thăm dò khảo sát địa chất có độ tin cậy cao: hố đào, lỗ khoan, kèm theo các thí nghiệm. Số lượng hố đào, lỗ khoan, đường kính ban đầu của lỗ khoan, số lượng mẫu thí nghiệm và khoảng cách trung bình giữa các điểm thăm dò khảo sát tùy theo mức độ phức tạp của các điều kiện địa chất và tỷ lệ đo vẽ mà quy định trong đề cương khảo sát (nội dung và các yêu cầu xem các tiêu chuẩn TCVN, TCN có liên quan).

d. Ở bước này phải điều tra, khảo sát sơ bộ các mỏ vật liệu xây dựng (đất đá, cát, sỏi v.v..) khảo sát sơ bộ các nơi có thể đổ chất thải xây dựng bảo đảm cho công trình hoạt động bình thường và hạn chế ảnh hưởng bất lợi tới môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.

e. Nội dung thành phần báo cáo điều tra, thu thập, khảo sát địa chất công trình gồm: thuyết minh, phụ lục và các bản vẽ.

Thuyết minh phải gồm các mục và thông tin sau đây:

· Mở đầu:

- Nhiệm vụ điều tra thu thập, khảo sát địa chất công trình;

- Vị trí vùng khảo sát (tên địa phương, tọa độ địa lý, trên cạn, dưới nước…);

- Diện khảo sát (giới hạn của vùng theo chiều dài, chiều rộng);

- Số liệu về đối tượng thiết kế;

- Dạng và khối lượng công việc, thời hạn tiến hành (bắt đầu, kết thúc);

- Những người thực hiện, chức danh.

· Mức độ nghiên cứu điều kiện địa chất công trình:

- Đặc tính, ranh giới của các khu vực đã tiến hành khảo sát trước đây;

- Tên những cơ quan đơn vị đã thực hiện;

- Thời gian thực hiện;

- Những kết quả chủ yếu và khả năng sử dụng chúng;

- Những thông tin về việc sử dụng khai khác vùng dự án, kinh nghiệm xây dựng ở địa phương bao gồm cả đặc điểm và nguyên nhân biến dạng công trình xây dựng trong vùng dự án (nếu có).

· Điều kiện địa lý, vật lý: địa bình, địa lý thủy văn, địa mạo.

· Cấu tạo địa chất và điều kiện địa chất công trình:

- Điều kiện thế nằm của đất đá;

- Đặc điểm thạch học của các loại đất đá theo nguồn gốc, điều kiện kiến tạo, đánh giá điều kiện địa chất công trình của vùng và dự báo khả năng thay đổi của chúng khi xây dựng và sử dụng công trình;

- Ảnh hưởng của các điều kiện địa chất thủy văn đối với các giải pháp thiết kế (khi cần thiết có phần mô tả riêng điều kiện địa chất thủy văn, phương pháp thực hiện nghiên cứu địa chất thủy văn).

· Tính chất cơ lý của đất đá:

Đặc điểm, thành phần, trạng thái, tính chất cơ lý của các loại đất đá. Nếu khảo sát các vùng có đất đá đặc biệt (đất sụt lún, đất trương nở, các đất yếu, các đất mặn, các đất eluvi, các đất nhân tạo, vùng cactơ) cần có thêm các thông tin khác về các loại đất đá đặc biệt này.

· Điều kiện địa chất công trình và phân vùng:

- Mô tả kết quả chính nghiên cứu địa mạo, cấu tạo địa chất, điều kiện địa chất thủy văn, tính chất đất đá, sự phát triển của các quá trình địa chất và các nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng.

- Phân vùng địa chất công trình nơi thực hiện dự án, đánh giá mức độ thuận lợi cho xây dựng. Dự báo đến những thay đổi môi trường địa chất trong khu vực dự án và đề xuất các khuyến nghị về bảo vệ công trình.

· Kết luận:

- Các kết luận và khuyến nghị chính về giải pháp thiết kế

- Các khảo sát ở giai đoạn sau.

Ghi chú:

- Trong trường hợp các quá trình địa chất phát triển mạnh, có ảnh hưởng quyết định đến giải pháp thiết kế thì phải viết một mục riêng để nói về quá trình đó.

- Trong dự án khả thi có thêm mục khảo sát vật liệu xây dựng.

Phụ lục gồm:

· Bản sao nhiệm vụ kỹ thuật;

· Bản đề cương khảo sát;

· Bản phôtôcopy các tài liệu (ngoài bản đồ) thu thập được;

· Bản kết quả phân tích thí nghiệm đất đá, nước (ở NCTKT có thể không có);

· Bản kết quả nghiên cứu địa vật lý và nghiên cứu hiện trường;

· Bản mô tả các điểm quan sát (hoặc dạng thăm dò khác);

· Danh mục tọa độ, độ cao các vị trí hố đào, lỗ khoan, các điểm xuyên, nghiên cứu địa vật lý;

· Các tài liệu khác.

Các bản vẽ:

· Các bản vẽ thu thập được;

· Các bản vẽ khảo sát mới về địa chất công trình đối với các phương án trong dự án;

· Trong trường hợp cần thiết có các bản vẽ địa chất thủy văn (phân bố tầng chứa nước, chiều sâu mức nước ngầm, đường đẳng áp, chiều sâu phân bố tầng cách nước;

· v.v…

2.4.4. Điều tra, thu thập và khảo sát các số liệu khí tượng thủy văn

2.4.4.1. Bước nghiên cứu tiền khả thi:

a. Ở bước này chủ yếu là thu thập, phân tích, xử lý và sử dụng các tài liệu khí tượng, thủy hải văn có tại các trạm quan trắc, tại các cơ quan đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các tài liệu khí tượng thủy hải văn khi lập thiết kế các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng khác trong vùng lập dự án. Cũng cần chú ý đến các ấn phẩm định kỳ, các bản kê các kết quả quan trắc quốc gia, các tài liệu về trạng thái môi trường thiên nhiên mà tại đây có chứa đựng các thông tin về các hiện tượng khí tượng thủy hải văn quan trọng (các trận bão, lụt, lũ ống, lũ quét các thiệt hại do thiên tai…).

b. Kết hợp tài liệu thu thập được nói trên với điều tra hiện trường để xác định sơ bộ các vùng chịu tác động của các quá trình và hiện tượng khí tượng thủy hải văn nguy hiểm:

- Vùng lụt lội;

- Vùng sóng thần;

- Vùng vòi rồng;

- Vùng bão lớn;

- Vùng lòng sông dịch chuyển;

- Vùng xói mòn bờ sông, bờ biển;

- Vùng dòng chảy bùn đá.

c. Đối với các vùng trên, xác định sơ bộ các đặc tính tác dụng, phạm vi phân bố tác dụng của quá trình và hiện tượng khí tượng thủy hải văn nguy hiểm để người thiết kế vạch phương án công trình ở ngoài phạm vi ảnh hưởng nguy hiểm (nếu có thể được).

d. Ở bước này chỉ điều tra, thu thập, tính toán các đặc trưng khí tượng, thủy hải văn quan trọng phù hợp với yêu cầu nghiên cứu các trọng điểm của dự án và được chỉ rõ trong bản nhiệm vụ kỹ thuật giao cho đơn vị khảo sát.

e. Thành phần, nội dung báo cáo điều tra, thu thập, khảo sát, tính toán các số liệu khí tượng thủy hải văn (xem Mục 2.4.4.2).

2.4.4.2. Bước nghiên cứu khả thi:

a. Việc thu thập, đối chiếu tài liệu thu thập, điều tra hiện trường thực hiện như các Điểm a, b, c Mục 2.4.4.1.

b. Ở bước này phải điều tra, thu thập, khảo sát đủ các đặc trưng cần thiết phục vụ các đối tượng thiết kế của dự án. Các đặc trưng đó là:

Các số liệu khí tượng, nhiệt độ, độ ẩm, gió bão, mây mù, mưa… diễn biến trong năm của nhiều năm đặc trưng;

Các số liệu thủy hải văn: các mực nước cực trị, trung bình, diễn biến trong năm của nhiều năm đặc trưng, các loại lưu tốc, lưu hướng, lưu lượng dòng chảy ứng với các mức nước trên, các loại sóng (hướng sóng, chiều cao sóng theo các mùa gió) của các năm đặc trưng trong nhiều năm…

Khi cần thiết phải khảo sát đo đạc các bản đồ, các mặt cắt… phục vụ việc tính toán các đặc trưng thủy hải văn tại vùng dự án do không thu thập được các đặc trưng này một cách trực tiếp tại vị trí công trình dự kiến.

c. Điều tra, thu thập, khảo sát các công trình hiện hữu hoặc dự kiến xây dựng mà các công trình này ảnh hưởng đến việc nghiên cứu dự án (loại công trình: đê, đập, hồ chứa nước… tính chất vĩnh cửu hay tạm thời, tình trạng kỹ thuật hiện tại, điều kiện vận hành…).

d. Thành phần, nội dung báo cáo điều tra, thu thập, khảo sát các số liệu khí tượng, thủy hải văn gồm bản thuyết minh, phụ lục và các bản vẽ.

Thuyết minh:

· Mở đầu:

Đề cập đến nhiệm vụ điều tra thu thập khảo sát số liệu khí tượng, thủy hải văn phục vụ từng đối tượng nghiên cứu của dự án:

Vị trí vùng khảo sát (tên địa phương, tọa độ địa lý);

Dạng và khối lượng công việc;

Những người thực hiện, chức danh của từng người.

· Điều kiện tự nhiên vùng khảo sát: đề cập đến các thông tin về khí hậu, địa hình, thủy văn…

· Mức độ nghiên cứu khí tượng, thủy hải văn;

· Thành phần, khối lượng và phương pháp thực hiện;

· Kết quả điều tra, thu thập, khảo sát, tính toán;

· Đánh giá mức độ tin cậy của các tính toán đã thực hiện và đánh giá các điều kiện khí tượng, thủy hải văn làm cơ sở cho thiết kế công trình;

· Kết luận về điều kiện khí tượng, thủy hải văn của đối tượng xây dựng, về sự đủ, thiếu của các công tác đã thực hiện và yêu cầu bổ sung ở bước sau;

Phụ lục:

· Bản sao nhiệm vụ kỹ thuật;

· Đề cương khảo sát;

· Các bảng biểu thể hiện kết quả điều tra, thu thập, khảo sát.

Các bản vẽ:

· Bản đồ khái quát vùng điều tra, thu thập, khảo sát, trên đó chỉ ra các điểm quan trắc, điều tra, các trạm khí tượng, thủy văn…

· Các bản vẽ cần thiết khác theo yêu cầu của đề cương.

2.4.5. Điều tra, thu thập, khảo sát về môi trường

Theo Quy trình "Đánh giá tác động môi trường khi lập dự án và thiết kế xây dựng của công trình giao thông" 22TCN 242-98.

2.5. ĐIỀU TRA, THU THẬP, KHẢO SÁT CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRƯỚC ĐÂY

a. Trong trường hợp khôi phục, cải tạo, nâng cấp công trình xây dựng trước đây, cần điều tra, thu thập, khảo sát các số liệu về kích thước hình học, kết cấu, tình trạng khai thác công trình cũ (khả năng vận tải, an toàn giao thông) nhằm đối chiếu với yêu cầu và tiêu chuẩn thiết kế mới trong dự án để xếp loại công trình theo mức độ sử dụng: loại tốt, loại còn sử dụng được nhưng phải sửa chữa, loại phải phá bỏ.

b. Cần thu thập các số liệu, tài liệu về công trình xây dựng trước đây tại các cơ quan lưu trữ nhà nước, cơ quan thiết kế, duyệt thiết kế và cơ quan quản lý công trình. Tại cơ quan quản lý công trình còn có thể thu thập được các tài liệu theo dõi sự hoạt động của công trình và các tài liệu của các lần sửa chữa công trình.

c. Trường hợp không thu thập được các tài liệu, số liệu về kết cấu công trình cũ tại các cơ quan nói trên, có thể điều tra tại địa phương, qua đơn vị, cá nhân những người xây dựng, quản lý xây dựng công trình cũ để biết được một số thông tin quan trọng như: năm xây dựng (qua đó suy ra quy phạm hoặc tiêu chuẩn thiết kế ở thời gian đó) cấp tải trọng, chiều sâu đặt móng, loại móng…

d. Khi cần thiết ở bước NCKT có thể tiến hành khảo sát nhằm có được một số thông tin quan trọng nhất. Công việc khảo sát, phương pháp tiến hành được thể hiện trong bản nhiệm vụ kỹ thuật và đề cương khảo sát.

e. Thành phần và nội dung báo cáo điều tra, thu thập, khảo sát công trình xây dựng trước đây gồm bản thuyết minh kèm phụ lục và các bản vẽ.

· Thuyết minh:

- Đề cập tới nhiệm vụ điều tra, thu thập, khảo sát

- Tên công trình, hạng mục công trình và các tài liệu số liệu điều tra thu thập được. Đối chiếu với yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để xếp loại: loại tốt, loại phải sửa chữa và mức độ sửa chữa, loại phải phá bỏ.

- Tên công trình, hạng mục công trình đã điều tra, hoặc khảo sát. Phương pháp tiến hành điều tra, khảo sát và kết quả điều tra khảo sát. Phân loại như nói trên.

- Kiến nghị đối với giai đoạn khảo sát thiết kế sau.

· Phụ lục và các bản vẽ:

- Các tài liệu, số liệu, bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công, bản vẽ các lần sửa chữa.

- Các tài liệu quan trắc, theo dõi sự làm việc hoặc biến dạng công trình của cơ quan đơn vị quản lý.

- Các bản vẽ đăng ký, khảo sát công trình cũ.

PHẦN 3

NỘI DUNG BÁO CÁO NCTKT, NCKT

3.1. NHỮNG YÊU CẦU CHUNG

3.1.1. Nội dung báo cáo NCTKT, NCKT phải tuân theo cơ sở pháp lý sau:

· Văn bản của người có quyền quyết định đầu tư cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

· Văn bản duyệt đề cương lập dự án kèm theo đề cương được duyệt;

· Quyết định thông qua báo cáo NCTKT và báo cáo NCTKT được thông qua;

· Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập dự án;

· Các văn bản quyết định về quy hoạch, về chiến lược của ngành hoặc vùng lãnh thổ có liên quan đến dự án; các tài liệu pháp lý khác có liên quan đến dự án do chủ đầu tư cấp;

· Các luật lệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

3.1.2. Các tiêu chuẩn xây dựng bao gồm: các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) các tiêu chuẩn ngành TCN (GTVT là 22TCN) và các quy phạm kỹ thuật xây dựng được dùng làm cơ sở thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình giao thông.

Những nội dung thuộc các lĩnh vực sau đây của tiêu chuẩn xây dựng được coi là "bắt buộc sử dụng";

- Số liệu khí hậu xây dựng;

- Số liệu địa chất thủy văn;

- Phân vùng động đất;

- Phòng chống cháy, nổ;

- Phòng chống sét;

- Bảo vệ môi trường;

- An toàn công trình dưới tác động của khí hậu địa phương.

- An toàn giao thông.

Nếu chưa có tiêu chuẩn Việt Nam thì được phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, nhưng phải phù hợp điều kiện của Việt Nam và phải được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng.

3.1.3. Những nội dung không thuộc các lĩnh vực bắt buộc áp dụng nêu ở Mục 3.1.2 hoặc những tiêu chuẩn không có trong danh mục tiêu chuẩn bắt buộc do Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT công bố được coi là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng. Bộ GTVT khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam bao gồm TCVN, 22 TCN, TCXD thuộc các lĩnh vực tự nguyện áp dụng.

3.1.4. Đối với các tiêu chuẩn xây dựng của các tổ chức và các nước sau đây: ISO, EURO, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật và Úc nếu muốn áp dụng vào thiết kế xây dựng các công trình giao thông phải được Bộ GTVT chấp thuận bằng văn bản.

3.1.5. Trong trường hợp đề xuất phương án khác với phương án quy hoạch đã duyệt và xét thấy có lợi, đơn vị tư vấn cần lập 2 loại phương án: Loại 1 gồm các phương án theo quy hoạch đã được duyệt và loại 2 gồm các phương án xin điều chỉnh quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền cân nhắc, phê duyệt.

3.1.6. Đối với công trình làm mới báo cáo NCTKT, NCKT phải có ít nhất 2 phương án vị trí công trình.

Đối với công trình khôi phục, cải tạo, nâng cấp đơn giản có thể chỉ có 1 phương án địa điểm, song phải có ít nhất 2 phương án về tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc kết cấu.

3.1.7. Các phương án địa điểm cần tránh các công trình hiện hữu. Trường hợp không thể tránh được hoặc xét thấy có lợi do cải vị trí công trình hiện hữu, đơn vị tư vấn phải lấy ý kiến của cơ quan đơn vị quản lý công trình hiện hữu đó. Văn bản làm việc với cơ quan đơn vị quản lý nói trên phải đưa vào phụ lục của báo cáo.

3.1.8. Khi bố trí công trình trong dự án đưa đến việc phải cải dịch công trình hiện hữu, ở NCTKT có thể dùng các ước lượng về quy mô và chi phí cải dịch do cơ quan đơn vị quản lý công trình hiện hữu cung cấp hoặc đơn vị tư vấn tự điều tra để đưa vào dự án, nhưng ở dự án NCKT nhất thiết việc nghiên cứu cải dịch phải do đơn vị tư vấn có đủ điều kiện kinh doanh khảo sát thiết kế xây dựng theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng (Đơn vị tư vấn lập dự án GTVT phải hợp đồng với thầu phụ để thầu phụ này viết phần công trình phải cải dịch trong NCKT).

3.1.9. Trường hợp dự án công trình GTVT có nhiều công trình chuyên ngành khác nhau, kể cả các chuyên ngành ngoài GTVT, đơn vị tư vấn chính lập dự án phải hợp đồng với các thầu phụ có các chuyên môn phù hợp để họ lập phần chuyên ngành của họ trong dự án.

3.1.10. Nội dung báo cáo NCKT phải xác định rõ ranh giới quản lý của các chuyên ngành trong công trình GTVT nói ở 3.1.9 và phải làm rõ ranh giới quản lý đất đai thuộc công trình GTVT với chính quyền địa phương.

3.1.11. Nội dung phân tích các mặt trong dự án, đơn vị tư vấn phải thể hiện quan điểm tổng thể và lợi ích quốc gia, không được thiên vị lợi ích của một ngành, một địa phương nào.

3.1.12. Nội dung của dự án không được tiết lộ các vấn đề có liên quan đến an ninh chính trị, kinh tế, quốc phòng.

3.2. BÁO CÁO NCTKT BAO GỒM:

3.2.1. Phần 1 nêu các căn cứ pháp lý:

· Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

· Quyết định duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT và đề cương được duyệt:

· Hợp đồng kinh tế ký giữa Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập dự án;

· Những vấn đề tiên quyết như những quyết định về chiến lược, về quy hoạch vùng lãnh thổ, về quy hoạch ngành và những chính sách kinh tế xã hội… liên quan đến dự án;

3.2.2. Phần 2 nêu những nội dung chủ yếu của báo cáo NCTKT

3.2.2.1. Sự cần thiết phải đầu tư:

· Tình hình KTXH, GTVT; lấy các thông tin điều tra, thu thập khảo sát có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của dự án và phân tích sử dụng những thông tin ấy.

· Phân tích đánh giá, lựa chọn mô hình dự báo và tính toán dự báo về vận tải, xếp dỡ (dự báo loại hàng và lượng hàng, lượng khách, điểm đi, điểm đến, phân tích đánh giá về các đường giao thông, bến bãi hiện có và từ đó phân bổ vận tải, xếp dỡ cho dự án và tính toán nhu cầu giao thông, bến bãi của dự án phải đảm nhận.

· Trong tình hình nước ta hiện nay nên ít nhất 2 ¸ 3 kịch bản về dự báo kinh tế, vận tải:

- Kịch bản phát triển nhanh (lạc quan)

- Kịch bản phát triển vừa phải.

- Kịch bản phát triển chậm (hoặc thậm chí bi quan).

· Từ các phân tích trên đưa ra kết luận sự cần thiết phải đầu tư;

· Phân tích các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong đầu tư, xây dựng ứng với các kịch bản trên.

3.2.2.2. Dự kiến hình thức đầu tư, quy mô và phương án GTVT:

· Sơ bộ phân tích các phương thức giao thông vận tải (nếu vùng dự án có cả 3 phương thức vận tải sắt thủy bộ hay 2 trong số đó). Nếu dự án đã chỉ rõ 1 phương thức vận tải, thì phân tích các phương án tổ chức vận tải, tổ chức giao thông, công nghệ vận tải, xếp dỡ…

· Đề xuất các phương án về hình thức đầu tư và lựa chọn: khôi phục, cải tạo, nâng cấp hay xây dựng mới công trình.

· Tính toán quy mô công trình (cấp hạng kỹ thuật, số lượng đường, số làn xe, số bến hoặc cầu tàu).

3.2.2.3. Khu vực địa điểm:

· Phân tích, đề nghị khu vực địa điểm xây dựng và dự kiến vị trí các phương án:

- Các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu;

- Điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn);

- Mô tả các phương án, so sánh, lựa chọn.

· Các yêu cầu về mặt bằng cần thỏa mãn; nêu sơ bộ về ranh giới chiếm đất của công trình, diện tích đất dự kiến cho công trình.

· Các đánh giá tổng quát về các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xây dựng: nên chia dự án thành các vùng xây dựng theo mức độ thuận lợi, trung bình, khó khăn. Ở mỗi vùng cần phân tích các yếu tố như có sử dụng được vật liệu tại chỗ hay không? có cần các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định của công trình hay không? việc thi công có chịu các cản trở do thời tiết, do cản trở giao thông…?

· Các đánh giá tổng quát về các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí khai thác: cũng nên chia dự án thành các vùng khai thác thuận lợi, trung bình, khó khăn. Vùng thuận lợi là vùng hoạt động của phương tiện, thiết bị không hoặc rất ít bị hạn chế (tốc độ chạy tàu, chạy xe gần với tốc độ tính toán). Vùng khó khăn và vùng hoạt động của phương tiện thiết bị hạn chế (tốc độ tàu, xe chỉ nhỏ hơn nửa tốc độ thiết kế).

· Xem xét địa điểm của dự án trong quy hoạch tổng thể ngành và vùng lãnh thổ xem có phù hợp hay không, có đề xuất gì về điều chỉnh quy hoạch.

· Các mặt xã hội của địa điểm: Hiện trạng địa điểm (là vùng đất trống, vùng cây nông nghiệp, vùng rừng… hiệu quả sử dụng đất hiện tại), những thuận lợi và khó khăn trong việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư kể cả các phong tục tập quán liên quan đến địa điểm xây dựng. Những dự định và chính sách khác về sử dụng địa điểm dự án (phương án cạnh tranh về địa điểm với dự án - nếu có). Các mặt trên nghiên cứu ở mức khái quát.

3.2.2.4. Phân tích lựa chọn về công nghệ kỹ thuật:

Giới thiệu khái quát về các loại hình công nghệ giao thông vận tải hoặc xếp dỡ (công nghệ truyền thống hiện dùng phổ biến trong nước hay nhập ngoại), ưu nhược điểm, các ảnh hưởng tới sinh thái và môi trường, hướng giải quyết về nguồn và điều kiện cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, khả năng tiếp nhận. Từ các so sánh trên sơ bộ đề nghị công nghệ lựa chọn.

3.2.2.5. Phân tích lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng, sơ bộ phân tích tác động môi trường, sơ bộ về tổ chức khai thác:

a. Phân tích lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng:

· Khối lượng xây lắp các công trình đơn vị;

· Nhu cầu về nguyên vật liệu và phương án cung cấp

· Yêu cầu về công nghệ, thiết bị phải nhập ngoại để đáp ứng loại hình kết cấu đã chọn (nếu có);

· Phân tích sơ bộ các phương án xây dựng (khái quát về các giải pháp xây dựng, tiến độ thi công các công trình trọng điểm thuộc dự án);

· Sơ đồ ngang thể hiện khái quát tiến độ thực hiện dự án.

b. Sơ bộ phân tích tác động môi trường và yêu cầu xử lý:

· Sơ bộ phân tích tác động môi trường (theo 22TCN 242-98);

· Yêu cầu xử lý: nêu yêu cầu và chi phí xử lý các tác động bất lợi tới môi trường trong giai đoạn thi công và trong giai đoạn khai thác.

c. Sơ bộ về tổ chức khai thác công trình

· Ước tính nhu cầu lao động, công trình và thiết bị cho khai thác, cho duy tu bảo dưỡng;

· Giải pháp về tổ chức khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình.

3.2.2.6. Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động các nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và trả nợ thu lãi

· Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư;

· Nguồn vốn và điều kiện tạo nguồn [vốn ngân sách, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ (công trái) từ vay (nước ngoài hoặc trong nước), điều kiện vay: lãi suất, thời gian…].

· Phân chia nguồn vốn nói trên cho kết cấu hạ tầng;

· Vốn của doanh nghiệp vận tải, xếp dỡ cho phương tiện thiết bị (cũng nên nêu rõ nguồn vốn này từ đâu);

· Ước tính chi phí khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình, phương tiện;

· Phân tích khả năng hoàn vốn, trả nợ, thu lãi;

· Trong trường hợp dự án BOT cần lập các phương án tài chính.

3.2.2.7. Phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội

· Tính toán phân tích đánh giá dự án về mặt kinh tế;

· Các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

3.2.2.8. Xác định tính độc lập khi vận hành, khai thác của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu dự án được đề nghị lập tiếp NCKT và nếu chia được dự án thành nhiều tiểu dự án thì xếp thứ tự, dự án khả thi làm trước, dự án khả thi làm sau, xác định tiến độ đầu tư, vốn đầu tư cho từng tiểu dự án).

3.2.3. Phần 3 nêu các kết luận và kiến nghị:

· Có lập báo cáo NCKT hay bỏ dự án;

· Các hướng NCKT cần phải lưu ý và các giới hạn của NCKT;

· Để tư vấn trong nước hay nước ngoài làm (hình thức thuê cả hay từng phần hoặc chuyên gia) đối với dự án mà trong nước chỉ làm được một phần.

3.2.4. Tập hợp các kết quả điều tra, thu thập và khảo sát các thông tin cần thiết nêu ở Phần 2. Phần này có thể đóng riêng thành một tập kèm theo báo cáo NCTKT.

3.3. BÁO CÁO NCKT BAO GỒM:

3.3.1. Phần 1 nêu những căn cứ lập NCKT:

3.3.1.1. Xuất xứ (hay đặt vấn đề nghiên cứu).

3.3.1.2. Các căn cứ pháp lý như:

· Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

· Quyết định thông qua báo cáo NCTKT và dự án NCTKT được thông qua (nếu trước báo cáo NCKT có bước NCTKT);

· Quyết định duyệt đề cương lập NCKT kèm theo đề cương được duyệt;

· Tờ trình của Chủ đầu tư xin duyệt để cương lập NCKT;

· Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập dự án.

3.3.1.3. Các vấn đề tiên quyết:

· Những vấn đề đã được quyết định trong báo cáo NCTKT (nếu có báo cáo đó);

· Những vấn đề đã được quyết định trong chiến lược, quy hoạch vùng lãnh thổ có liên quan tới dự án;

· Những chính sách KTXH liên quan đến phát triển ngành và những ưu tiên được phân định.

3.3.1.4. Các tài liệu được bên A cấp (trích tóm tắt).

3.3.1.5. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng.

3.3.1.6. Nguồn gốc các tài liệu sử dụng cho dự án.

3.3.2. Phần 2 nêu những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT:

3.3.2.1. Xác định sự cần thiết phải đầu tư.

· Tình hình kinh tế xã hội: lấy các số liệu, tài liệu thu thập, điều tra, khảo sát có liên quan tới đối tượng nghiên cứu của dự án và phân tích sử dụng những số liệu tài liệu ấy.

· Phân tích, đánh giá, lựa chọn mô hình dự báo về vận tải (xếp dỡ) hàng và vận tải hành khách theo các năm tính toán và tỷ lệ tăng giữa các năm đó:

- Về hàng hóa cần nêu rõ loại hàng, lượng hàng, đặc tính của từng loại hàng, nơi đi, nơi đến, hệ số không cân bằng theo hướng vận tải, hệ số không cân bằng theo mùa vụ,…

- Về khách cần nêu rõ số lượng, nơi đi, nơi đến, đặc trưng mùa vụ, đặc trưng đi lại (đường ngắn, đường dài, ngoại ô, nội ô, liên tỉnh)...

· Các yêu cầu phát triển chính trị, KTXH, các yêu cầu vận tải quân sự (nếu có).

· Xác định sự cần thiết phải đầu tư:

Xét các mặt:

- Công suất vận tải (xếp dỡ) xứng đáng đầu tư công trình;

- Chiều dài vận tải bình quân thuộc vùng ưu việt đối với phương thức vận tải trong dự án;

- Phân tích các điều kiện và lợi ích của việc thực hiện dự án.

· Phân tích lựa chọn công suất thích hợp.

3.3.2.2. Phân tích lựa chọn hình thức đầu tư  (khôi phục, cải tạo, nâng cấp hay xây dựng mới công trình hoặc kết hợp giữa các hình thức đó).

3.3.2.3. Các phương án công nghệ GTVT:

· Các phương án thành phần đoàn tàu (tàu hỏa, tàu sông, tàu biển), đoàn xe chở hàng, chở khách [loại sức kéo, loại đầu kéo và công suất, loại phương tiện bị kéo (xe, tàu) và đặc trưng kỹ thuật như tự trọng, trọng tải, số ghế, số giường, cấp hạng dịch vụ… ]. Phân tích lựa chọn.

· Số lượng đoàn tàu, đoàn xe hàng và khách hoạt động trong ngày ở các năm tính toán của phương án lựa chọn.

· Biểu đồ hoạt động tàu xe trong ngày ở các năm tính toán.

· Các phương án công nghệ xếp dỡ hàng hóa cùng các thiết bị xếp dỡ tại các đầu mối, bến bãi.

· Các phương án điều khiển giao thông.

· Các nhu cầu về phương tiện, thiết bị và các giải pháp đảm bảo.

3.3.2.4. Các phương án địa điểm công trình (thiết kế sơ bộ)

· Các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản của công trình chủ yếu (đề xuất, lựa chọn).

· Các phương án địa điểm của toàn công trình (thuyết minh thiết kế các phương án địa điểm).

· Các phương án thiết kế từng công trình đơn vị của từng phương án địa điểm:

- Các nguyên tắc thiết kế;

- Các tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Các phương án bố trí chung, so sánh lựa chọn;

- Các phương án kết cấu, so sánh, lựa chọn;

(Mỗi công trình đơn vị đều cần thuyết minh thiết kế; phân tích điều kiện tự nhiên môi trường, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội (đường sá điện, nước, thông tin…), hiện trạng địa điểm, yêu cầu và phương án giải phóng mặt bằng, phân tích các vấn đề ảnh hưởng đến chi phí xây dựng…).

- Liệt kê khối lượng xây lắp các hạng mục công trình;

· So sánh lựa chọn phương án địa điểm của toàn công trình:

- Lập bảng tổng hợp các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế của các phương án địa điểm;

- Phân tích so sánh, chọn lựa.

· Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của toàn bộ công trình (phần chia ra nhu cầu sử dụng đất vĩnh viễn, nhu cầu sử dụng đất tạm thời).

3.3.2.5. Phương án giải phóng mặt bằng, kế hoạch tái định cư (nếu có)

3.3.2.6. Phương án tổ chức thi công xây lắp

· Khối lượng xây lắp các hạng mục công trình, công trình đơn vị;

· Nhu cầu về nguyên vật liệu, phương án cung cấp;

· Yêu cầu về công nghệ, thiết bị và kỹ thuật xây lắp đáp ứng kết cấu lựa chọn;

· Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động.

· Phương án tổ chức thi công (địa bàn thi công, cung ứng nguyên vật liệu, điện nước thi công, thiết bị thi công, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông, công xưởng phục vụ xây lắp);

· Lựa chọn giải pháp thi công các công trình đơn vị, các hạng mục công trình chính;

· Các phương án về tổng tiến độ thi công, phân tích, so sánh lựa chọn.

3.3.2.7. Đánh giá tác động môi trường và giải pháp xử lý

· Đánh giá tác động môi trường (theo 22 TCN 242-98).

· Giải pháp xử lý các tác động bất lợi tới môi trường trong giai đoạn xây dựng và chi phí xử lý.

· Giải pháp xử lý các tác động bất lợi tới môi trường ở giai đoạn khai thác và chi phí xử lý.

3.3.2.8. Phương án quản lý khai thác và sử dụng lao động

· Dự kiến phân chia khu vực quản lý khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình;

· Dự kiến bố trí các cơ sở quản lý công trình và định biên CBCNV;

· Xác định yêu cầu đào tạo CBCNV khi áp dụng công nghệ mới trong khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình. Chi phí cho đào tạo.

3.3.2.9.Tổng mức đầu tư, nguồn vốn

3.3.2.9.1. Tổng mức đầu tư được xác định bao gồm:

a) Vốn cho chuẩn bị đầu tư gồm các khoản chi phí:

- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu phục vụ cho lập báo cáo NCTKT; NCKT;

- Lập báo cáo NCTKT, báo cáo NCKT (kể cả tư vấn);

- Phí thẩm định dự án.

b) Vốn chuẩn bị thực hiện đầu tư gồm các khoản chi phí:

- Dàn xếp về vốn (trong trường hợp vay vốn nước ngoài được Ngân hàng nhà nước chấp nhận);

- Đấu thầu thực hiện dự án và xét thầu:

+ Chuẩn bị đấu thầu:

· Lập hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

· Thông báo mời thầu (đăng báo, nếu có).

+ Tổ chức đấu thầu:

· Phát hành hồ sơ mời thầu (in ấn tài liệu, gửi hồ sơ mời thầu)

· Tổ chức hội nghị tiền đấu thầu (nếu có)

· Bảo quản hồ sơ dự thầu (nếu có)

· Tổ chức mở thầu.

+ Xét thầu và thẩm định kết quả đấu thầu:

· Đánh giá hồ sơ dự thầu

· Thẩm định kết quả đấu thầu

- Các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn hỗ trợ quản lý, giám sát, tư vấn xây dựng;

- Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật ban đầu;

- Khảo sát thiết kế xây dựng;

- Thiết kế, thẩm định thiết kế;

- Lập Tổng dự toán, thẩm định Tổng dự toán;

- Đền bù giải phóng mặt bằng;

- Thực hiện tái định cư có liên quan đến đền bù; giải phóng mặt bằng của dự án (nếu có);

- Chuẩn bị mặt bằng.

c) Vốn thực hiện đầu tư gồm:

- Chi phí thiết bị;

- Chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị;

- Các chi phí khác:

+ Sử dụng mặt đất, mặt nước

+ Đào tạo

+ Lập phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định về phòng cháy, chữa cháy.

d) Chi phí chuẩn bị sản xuất: Chi phí nguyên, nhiên vật liệu, nhân công để chạy thử không tải, có tải trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được (đối với công trình GTVT bao gồm các chi phí lâm quản).

e) Nghiệm thu

f) Lãi vây của Chủ đầu tư.

g) Vốn lưu động ban đầu cho sản xuất (đối với dự án sản xuất) do Bộ Tài Chính quy định.

h) Chi phí bảo hiểm công trình.

i) Dự phòng.

k) Các khoản thuế theo quy định

l) Thẩm định phê duyệt quyết toán.

Một số dự án nhóm A có yêu cầu đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép còn bao gồm các chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ có liên quan đến dự án. Mức chi phí do Thủ tướng Chính phủ quy định cho từng dự án.

3.3.2.9.2. Các biểu tính toán Tổng mức đầu tư:

- Biểu tính chi phí đầu tư cho các khoản mục xây lắp (ghi rõ khối lượng, đơn giá chi phí);

- Biểu tính mua sắm thiết bị (ghi rõ mã hiệu thiết bị số lượng đơn giá);

- Biểu tính các chi phí khác.

- Biểu tính chi phí huy động vốn để trả nợ theo lịch trả nợ vay cả gốc và lãi.

Trường hợp có phân kỳ đầu tư, các biểu tính toán trên cần được lập theo từng thời kỳ đầu tư.

3.3.2.9.3. Nguồn vốn:

- Nguồn vốn cho kết cấu hạ tầng (vốn ngân sách, vốn tín dụng do Nhà Nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của Nhà Nước, vốn vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn - vay trong nước, ngoài nước) thời hạn và điều kiện vay, trả lãi, các căn cứ, cơ sở biện pháp đảm bảo nguồn vốn).

- Vốn do doanh nghiệp vận tải tự lo từ các nguồn khác nhau để đầu tư các công trình thiết bị ngoài kết cấu hạ tầng.

- Hình thức vốn [tiền Việt Nam, ngoại lệ, tài sản (vay trả chậm, thiết bị, nguyên liệu) và các dạng khác];

- Tiến độ thực hiện chi phí vốn (phù hợp với các giai đoạn và thời gian đầu tư).

3.3.2.10. Phân tích hiệu quả, đầu tư

3.3.2.10.1. Các biểu tính toán kinh tế tài chính:

- Biểu tính các chi phí khai thác (vận tải, bảo dưỡng công trình, thiết bị).

- Biểu tính thu, chi trong thời gian khai thác công trình, (từ năm đưa công trình vào khai thác đến năm tính toán dự báo về vận tải);

- Biểu tính lỗ lãi, trên cơ sở đó đưa ra nhận xét về thời gian hoàn vốn, điểm hòa vốn.

Trong trường hợp dự án dùng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, dự án xây dựng khai thác- chuyển giao BOT… cần lập các phương án tài chính.

3.3.2.10.2. Phân tích các hiệu quả khác:

- Giá trị dịch vụ khai thác đạt được;

- Tạo bao nhiêu việc làm và thu nhập của người lao động;

- Đóng góp ngân sách;

- Các lợi ích về mặt xã hội - môi trường (các mục tiêu xã hội mà dự án mang lại, những đối tượng được hưởng lợi);

- Những tác động chính trị xã hội (những gì xã hội phải gánh chịu - các tồn tại xã hội chưa giải quyết được).

3.3.2.11. Các mốc thời gian chính thực hiện dự án (nếu kết luận dự án là khả thi):

· Thời gian cần thiết cho khảo sát thiết kế và duyệt thiết kế

· Thời gian cần thiết lập kế hoạch đấu thầu (mời thầu, đánh giá năng lực nhà thầu, lập hồ sơ đấu thầu, xét thầu).

· Thời gian giải phóng mặt bằng.

· Thời gian khởi công (chậm nhất).

· Thời gian hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng (chậm nhất).

3.3.2.12. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án (nếu dự án được kết luận là khả thi).

3.3.2.13. Xác định chủ đầu tư (nếu dự án được kết luận là khả thi).

3.3.2.14. Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án (nếu dự án được kết luận là khả thi).

3.3.3. Phần 3 nêu các kết luận và kiến nghị

3.3.3.1. Các kết luận về:

· Tính khả thi của dự án về các mặt.

· Yêu cầu đầu tư và thời gian đầu tư vào công trình thuộc dự án và các công trình liên quan đến dự án.

· Bước thiết kế kỹ thuật và các lưu ý cho bước này.

· Những vấn đề khác

3.3.3.2. Các kiến nghị.

3.2.4. Tập hợp các kết quả điều tra, thu thập và khảo sát các thông tin cần thiết nêu ở Phần 2. Phần này có thể đóng riêng thành một tập kèm theo báo cáo NCKT.

PHẦN 4

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO

4.1. LẬP TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

4.1.1. Tổng mức đầu tư bao gồm những chi phí cho việc chuẩn bị đầu tư, chi phí chuẩn bị thực hiện đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư và xây dựng, chi phí chuẩn bị sản xuất, lãi vay ngân hàng của Chủ đầu tư trong thời gian thực hiện đầu tư, vốn lưu động ban đầu cho sản xuất (đối với các dự án sản xuất), chi phí bảo hiểm, chi phí dự phòng. Đối với các dự án nhóm A và một số dự án có yêu cầu đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép, tổng mức đầu tư còn bao gồm các chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ có liên quan đến dự án.

Tổng mức đầu tư chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp:

a. Nhà nước ban hành những quy định mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá trị đầu tư và xây dựng.

b. Do thay đổi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ đối với phần sử dụng ngoại tệ của dự án (nếu trong tổng mức đầu tư chưa ghi rõ phần ngoại tệ phải sử dụng).

c. Do các trường hợp bất khả kháng.

(Điều 25 Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP).

Từ các quy định trên của Nhà nước, yêu cầu của việc lập tổng mức đầu tư ở bước báo cáo nghiên cứu khả thi là phải tương đối đầy đủ và tương đối chính xác làm cơ sở và khống chế cho bước thiết kế kỹ thuật lập Tổng dự án.

4.1.2. Báo cáo NCTKT là tài liệu nghiên cứu ban đầu về dự án đầu tư nhóm A, hoặc nhóm B (trong trường hợp cần thiết có văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền quyết định đầu tư) nên ở bước này chỉ yêu cầu xác định sơ bộ tổng mức đầu tư (tức làm ở mức khái toán).

4.1.3. Nội dung lập mức đầu tư:

Theo thông tư 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư "Nội dung chi tiết Tổng mức đầu tư theo Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư". Tại Thông tư 06/1999/TT-BKH ngày 24/11/1999 và Thông tư số 07/2000/TT-BKH ngày 03-7-2000 của Bộ Bộ phận và Đầu tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 06/1999/TT-BKH mới có hướng dẫn về nội dung Tổng mức đầu tư, chưa nêu phương pháp và căn cứ tính Tổng mức đầu tư. Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và căn cứ tính tổng mức đầu tư như nói trên, ở đây quy định tạm xác định cách thức tính Tổng mức đầu tư như sau:

4.1.3.1. Tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở năng lực sản xuất theo thiết kế, khối lượng các công tác chủ yếu và suất đầu tư, giá chuẩn, đơn giá tổng hợp.

- Suất đầu tư là chỉ tiêu đầu tư để hoàn thành 1 km (đường ôtô, đường sắt theo từng cấp đường, khổ đường), 1m2 cầu (trên đường ôtô, trên đường sắt tùy loại cầu nhỏ, cầu trung, cầu lớn, cầu đặc biệt) 1m2 cảng (theo từng loại kết cấu và theo loại cảng sông, cảng biển…).

- Giá chuẩn là chỉ tiêu xác định chi phí bình quân cần thiết để hoàn thành 1 km (đường ôtô, đường sắt của từng cấp đường, khổ đường tùy theo địa hình loại dễ, loại trung bình, loại khó), 1m2 cầu (cầu đường ôtô, cầu đường sắt và theo loại cầu nhỏ, cầu trung, cầu lớn, cầu đặc biệt), 1m2 cảng (theo từng loại kết cấu và theo loại cảng sông, cảng biển…). Trong giá chuẩn không bao gồm các chi phí như xử lý nền đường đặc biệt, các chi phí công trình phòng hộ nền đường, chi phí công trình uốn nắn dòng chảy… của cầu, cảng.

- Đơn giá tổng hợp bao gồm toàn bộ chi phí xã hội cần thiết gồm chi phí về vật liệu, nhân công và chi phí sử dụng máy thi công, chi phí chung, lãi, thuế cho từng loại công việc hoặc một đơn vị khối lượng công tác xây lắp tổng hợp hoặc một kết cấu hoàn chỉnh và được xác định trên cơ sở định mức dự toán tổng hợp.

4.1.3.2. Ở bước NCTKT nên sử dụng suất đầu tư rút ra từ các công trình tương tự đã được xây dựng và các hệ số điều chỉnh để lập tổng mức đầu tư.

4.1.3.3. Ở bước NCKT nên dùng giá chuẩn, đơn giá tổng hợp của các công trình tương tự đã xây dựng, hoặc biên soạn các loại đó để lập tổng mức đầu tư.

4.1.3.4. Thành phần chi phí đầu tư:

a1. Chi phí chuẩn bị đầu tư:

· Chi phí khảo sát bước NCTKT (nếu có) và bước NCKT được tính trên cơ sở đơn giá khảo sát xây dựng do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và khối lượng công tác khảo sát được thể hiện trong đề cương khảo sát. Trong khi chưa có các tập đơn giá khảo sát do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thì vẫn áp dụng các tập giá khảo sát hiện hành.

· Chi phí lập NCTKT (nếu có) và lập NCKT (theo 14/2000/QĐ-BXD ngày 20/7/2000 của Bộ Xây dựng).

· Lệ phí thẩm định NCKT (theo 141/1999/QĐ-BTC ngày 16/11/1999 của Bộ Tài chính) Trường hợp thuê các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thực hiện thẩm định dự án đầu tư theo 14/2000/QĐ-BXD ngày 20/7/2000.

· Chi phí tuyên truyền quảng cáo dự án (nếu có)

· Chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ có liên quan đến dự án (đối với dự án nhóm A và một số dự án có yêu cầu đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

a2. Chi phí thực hiện đầu tư:

a2.1. Chi phí xây lắp:

· Chi phí phá dỡ các vật kiến trúc cũ (nếu tính đến giá trị vật tư, vật liệu thu hồi nếu có);

· Chi phí san lấp mặt bằng xây dựng;

· Chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công (điện, nước, đường sá thi công, nhà xưởng..) nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công (nếu có);

"Chi phí nhà ở tạm của công nhân xây dựng được tính toán căn cứ vào nhu cầu cần thiết của loại nhà ở tạm cần xây dựng nhưng không vượt quá 2 % giá trị xây lắp trong Tổng dự toán đã được phê duyệt của công trình [đối với công trình mới khởi công ở xa khu dân cư, những công trình theo tuyến (đường xá, kênh mương cấp I, đường dây, đường lâm nghiệp)]; và không vượt quá 1 % giá trị xây lắp trong Tổng dự toán đã được phê duyệt của công trình (đối với công trình khác) (Thông tư 09/1999/TT-BXD ngày 17/7/2000). Các chi phí công trình tạm, công trình phụ trợ khác lán trại nói trên, ở NCKT được ước tính;

· Chi phí xây dựng các hạng mục công trình;

· Chi phí lắp đặt thiết bị công trình (đối với các thiết bị cần lắp đặt);

· Chi phí di chuyển lớn thiết bị thi công và lực lượng xây dựng (trong trường hợp chỉ định thầu nếu có).

a2.2. Chi phí thiết bị:

· Chi phí mua sắm thiết bị, công nghệ (bao gồm cả thiết bị phi tiêu chuẩn cần sản xuất, gia công nếu có), các trang thiết bị khác phục vụ sản xuất, làm việc sinh hoạt của công trình (bao gồm thiết bị lắp đặt và thiết bị không lắp đặt) được xác định theo số lượng thiết bị từng loại và giá trị cho 1 tấn hoặc 1 cái thiết bị và giá mua;

· Chi phí vận chuyển từ cảng hoặc nơi mua đến công trình, chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container (nếu có) tại cảng Việt Nam (đối với các thiết bị nhập khẩu), chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại kho bãi ở hiện trường;

· Thuế và phí bảo hiểm thiết bị công trình.

a2.3. Chi phí khác ở giai đoạn thực hiện đầu tư:

· Chi phí khảo sát phục vụ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tính trên cơ sở đơn giá khảo sát do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và khối lượng yêu cầu khảo sát thể hiện trong đề cương khảo sát. Trong khi chưa có các tập đơn giá khảo sát do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thì vẫn áp dụng các tập giá khảo sát hiện hành;

· Chi phí thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tính theo định mức chi phí thiết kế công trình xây dựng (ban hành theo quyết định số 01/2000/QĐ-BXD ngày 03/01/2000 của Bộ Xây dựng) và khối lượng thiết kế (ước tính trong đề cương lập NCKT);

· Lệ phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (tính theo Quyết định 141/1999/QĐ-BTC); Trường hợp thuê các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thẩm định TKKT thì theo 14/2000/QĐ-BXD ngày 20/7/2000.

· Lệ phí thẩm định tổng dự toán (tính theo Quyết định 141/1999/QĐ-BTC); Trường hợp thuê các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thẩm định Tổng dự toán thì theo 14/2000/QĐ-BXD ngày 20/7/2000;

· Chi phí lập hồ sơ mời thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu xây lắp (tính theo Quyết định 14/2000/QĐ-BXD);

· Chi phí lập hồ sơ mời thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu mua sắm vật tư thiết bị (tính theo Quyết định 14/2000/QĐ-BXD);

· Chi phí rà phá bom mìn (nếu có);

· Chi phí đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng (nếu có);

· Chi phí đền bù và tổ chức thực hiện trong quá trình đền bù đất đai hoa màu, di chuyển dân cư và các công trình trên mặt bằng xây dựng, chi phí cho công tác tái định cư và phục hồi đối với công trình xây dựng của dự án đầu tư có yêu cầu tái định cư và phục hồi) căn cứ văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đặt công trình của dự án (thi hành Nghị định 90/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ).

· Chi phí chuyển quyền sử dụng đất hoặc thuê đất căn cứ vào văn bản quy định khung giá các loại đất của UBND tỉnh, thành phố nơi đặt công trình của dự án (thi hành luật thuế chuyển quyền sử dụng đất).

· Lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy phép xây dựng (đối với dự án, nhóm A được Chính phủ quyết định đầu tư, không phải xin giấy phép xây dựng);

· Chi phí khởi công công trình (nếu có phải ước tính);

· Chi phí kiểm định chất lượng (nếu có) được ước tính;

· Chi phí giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (theo 14/2000/QĐ-BXD);

· Chi phí Ban quản lý dự án (theo 09/2000/TT-BXD);

· Chi phí lập, thẩm tra đơn giá dự toán, quản lý chi phí xây dựng công trình (ước tính);

· Chi phí bảo hiểm công trình (theo 137/1999/TT-BTC);

a2.4. Chi phí khác ở giai đoạn kết thúc xây dựng:

· Chi phí thực hiện việc đổi vốn;

· Chi phí thẩm tra và phê duyệt quyết toán công trình (theo 136/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính;

· Chi phí thu dọn vệ sinh công trình (ước tính);

· Chi phí tháo dỡ công trình tạm, công trình phụ trợ, lán trại (ước tính và trừ giá trị thu hồi);

· Chi phí đào tạo CNKT và cán bộ quản lý khai thác (ước tính);

· Chi phí lập phương án chống cháy, nổ theo quy định về phòng chống chữa cháy;

· Chi phí thuê chuyên gia vận hành thiết bị mới và công nghệ khai thác mới trong thời gian chạy thử (nếu có được ước tính);

· Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng và nhân lực cho khai thác vật tải thử (ước tính);

· Các khoản lãi vay của Chủ đầu tư trong thời gian thực hiện đầu tư thông qua hợp đồng tín dụng đầu tư;

· Chi phí nghiệm thu, khánh thành, bàn giao (ước tính);

· Chi phí cắm cọc chỉ giới.

a.2.5. Chi phí dự phòng:

Chi phí dự phòng được tính tối đa bằng 10 % của tổng các khoản chi chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.

4.1.4. Do công trình hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư thành nhiều giai đoạn ứng với công suất tính toán yêu cầu tương ứng nên tổng mức đầu tư cũng được lập thành nhiều giai đoạn tương ứng.

Trường hợp báo cáo NCTKT chia ra nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án phải tính vốn đầu tư cho từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án.

4.2. ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

4.2.1. Phương pháp luận đánh giá dự án dựa vào mô hình Chi phí - Lợi ích. Mô hình này đưa ra sự so sánh giữa các khoản chi phí cho xây dựng ban đầu, vận hành dự án trong quá trình khai thác với các khoản doanh lợi (gọi chung là lợi ích) do dự án mang lại từ khi đưa công trình vào khai thác trở về sau.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các chi phí và lợi ích của dự án đều có thể đo lường được bằng đồng tiền, vì vậy tùy theo điều kiện tiền tệ hóa được của chi phí và lợi ích mà có 3 phương pháp đánh giá dự án sau đây:

1. Phương pháp phân tích Chi phí - Lợi ích: ở phương pháp này các chi phí và lợi ích đều định giá được bằng tiền.

2. Phương pháp phân tích Chi phí - HIệu quả: ở phương pháp này các chi phí định giá được bằng tiền, còn các lợi ích không định giá được bằng tiền.

3. Phương pháp phân tích đa chỉ tiêu: ở phương pháp này cả các chi phí và lợi ích đều không được định giá đầy đủ, chính xác bằng tiền.

Vận dụng phương pháp nào trong 3 phương pháp trên là tùy thuộc vào từng dự án xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT cụ thể để lựa chọn.

4.2.2. Khi dùng phương pháp phân tích Chi phí - Lợi ích, để đánh giá dự án thường dùng các chỉ tiêu sau:

1. Thời gian hoàn vốn (N) là chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư được sử dụng rộng rãi nhất trong nền kinh tế có kế hoạch, đặc biệt là trong trường hợp không xét đến việc chiết khấu đồng tiền trong các thời gian khác nhau.

N là quãng thời gian tính bằng năm mà mọi lợi ích tích lũy lại của dự án vừa bằng tổng chi phí ban đầu.

 - Tổng vốn đầu tư đã thực hiện (giả thiết đã hoàn tất ở năm thứ 0).

Bt, Ct - Những khoản thu và chi trong năm khai thác thứ t.

Chỉ tiêu N càng ngắn thì dự án càng có hiệu quả.

Biểu thức trên không xét đến giá trị đồng tiền theo thời gian. Trường hợp xét giá trị tiền tệ theo thời gian, cần hiện tại hóa (quy đổi về năm gốc) các dòng chi phí và lợi ích như giới thiệu ở các phần dưới.

2. Giá trị hiện tại ròng (NPV): là hiệu số giữa tổng giá trị hiện tại hóa của dòng lợi ích và tổng giá hiện tại hóa của dòng chi phí:

trong đó:

II - Chi phí hàng năm giai đoạn đầu tư

m - Số năm đầu tư.

Bt, Ct - Những khoản thu và chi trong giai đoạn khai thác

N - Tuổi kinh tế của dự án

I - Suất hiện tại hóa

Rn - Giá trị còn lại của các tài sản cố định thuộc dự án ở thời điểm cuối tuổi kinh tế của dự án.

Nếu NPV < 0 chứng tỏ dự án không có hiệu quả;

Nếu NPV = 0 chứng tỏ lợi ích của dự án vừa bù đủ chi phí;

Nếu NPV > 0 chứng tỏ dự án có hiệu quả.

Khi so sánh những phương án đối kháng nhau (chọn phương án này thì loại phương án kia) thì chọn dự án có NPV cao nhất trong các phương án.

3. Suất thu lợi nội tại (IRR) của một dự án là tỷ suất mà tại đó giá trị hiện tại ròng NPV bằng "0":

trong đó:

a - Suất thu lợi nội tại, các ký hiệu khác đã giới thiệu ở trên.

Dự án không có hiệu quả là dự án có IRR thấp hơn suất thu lợi tối thiểu chấp nhận được.

4. Tỷ số lợi ích - Chi phí , còn gọi là chỉ số sinh lợi xác định bằng cách lấy tổng giá trị hiện tại hóa của dòng lợi ích ròng chia cho tổng giá trị hiện tại hóa của dòng chi phí:

Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ tính riêng tỷ số Lợi ích - Vốn đầu tư ban đầu.

Dự án không có hiệu quả là dự án có

Dự án đáng giá đầu tư là dự án có

5. Tỷ suất lợi ích năm đầu (FYBCR) là tỷ số giữa các lợi ích trong năm khai thác trọn vẹn đầu tiên so với chi phí trực tiếp của dự án, tức là:

Các lợi ích năm đầu

Các chi phí trực tiếp của dự án

Lợi ích của năm đầu bao gồm tất cả mọi lợi ích trong trọn 1 năm đầu tiên khai thác dự án như giảm chi phí khai thác, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí duy tu…

Các chi phí trực tiếp của dự án bao gồm toàn bộ các chi phí đã xuất hiện tính đến năm khánh thành dự án, xét tới cả chi phí phát sinh.

Chỉ tiêu này được áp dụng trong trường hợp khi chưa có dự báo chi tiết về vận tải trong tương lai hoặc trong trường hợp khi mà các dự án so sánh có mức độ phát triển lợi ích trong tương lai là tương tự nhau.

Thông thường FYBCR càng cao dự án càng có hiệu quả.

4.2.3. Phương pháp phân tích Chi phí - Hiệu quả áp dụng trong trường hợp xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT vì mục tiêu thực hiện chính sách xã hội, chi phí xây dựng công trình định giá được đầy đủ bằng tiền, song lợi ích không định giá được bằng tiền (hoặc định giá sẽ bị sai lệch) khi đó dự án có hiệu quả là dự án đạt được mục tiêu đề ra với chi phí nhỏ nhất.

4.2.4. Phương pháp phân tích đa chỉ tiêu thường xét đến các chỉ tiêu sau:

- Các chỉ tiêu về mặt kinh tế;

- Các chỉ tiêu về môi trường;

- Các chỉ tiêu về văn hóa xã hội;

- Các chỉ tiêu khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư (nếu có).

Để đánh giá được mức độ tác động của các chỉ tiêu này đối với dự án thường dùng cách cho điểm kết hợp với xác định trọng số của từng loại chỉ tiêu.

Mỗi chỉ tiêu cần được quy định cụ thể về tiêu chuẩn để thống nhất khi cho điểm.

Những chỉ tiêu được phân biệt ở mức độ quan trọng khác nhau qua trọng số khác nhau.

Thường dùng thang điểm 10, thang bậc của trọng số từ 1 đến 5.

Kết quả phân tích đa chỉ tiêu là tổng số điểm của tường phương án, phương án được chọn cũng tức là phương án có hiệu quả là phương án có tổng số điểm cao nhất.

4.2.5. Để đảm bảo ổn định của kết luận cuối cùng về dự án khi áp dụng phương pháp phân tích Chi phí - Lợi ích cần phải phân tích độ nhạy. Phân tích độ nhạy là xem xét một số rủi ro có thể xảy ra và ảnh hưởng của chúng đối với dự án. Các rủi ro thường gặp là:

- Rủi ro về kỹ thuật trong khi xây dựng ảnh hưởng đến giá thành công trình;

- Rủi ro về tài chính do lạm phát dẫn tới nâng cao lãi suất vốn vay, nâng cao tỷ giá hối đoái.

- Rủi ro gắn với dự báo nhu cầu vận tải cho một thời kỳ tính toán dài thường không chính xác. Khi nhu cầu vận tải thay đổi, ảnh hưởng tới chi phí khai thác và đến lợi ích do dự án mang lại.

- v.v…

- Thông thường nên lượng hóa mức độ rủi ro trong phân tích độ nhạy như sau:

Tăng chi phí + 10 %; + 20 %

Giảm lợi ích - 10 %; - 20 %

4.2.6. Đánh giá dự án đầu tư theo phương pháp phân tích Chi phí - Lợi ích nên tiến hành cả hai mặt là: đánh giá tài chính và đánh giá kinh tế.

So sánh khái quát giữa đánh giá tài chính và đánh giá kinh tế xem bảng sau:


Bảng so sánh khái quát giữa đánh giá tài chính và kinh tế dự án GTVT

Các khái niệm

Đánh giá tài chính

Đánh giá kinh tế

1. Tác nhân cần xét trong dự án

· Doanh nghiệp

- Nhà nước

- Tư nhân

· Các nhà cấp vốn

· Nhà nước

· Toàn thể cộng đồng

- Doanh nghiệp

- Các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương

· Cư dân trong vùng

· Các tổ chức có liên quan

2. Hệ thống giá

· Giá thị trường (bao gồm các loại thuế)

· Có xét tới lạm phát

· Giá mở (không tính thuế và các áp đặt khác)

· Không xét tới lạm phát.

3. Chi phí

· Chi phí tài chính

· Suất hiện tại hóa: lãi suất vốn vay

· Chi phí kinh tế

· Suất hiện tại hóa: chi phí cơ hội của vốn

4. Lợi ích

· Các khoản thu từ dự án

· Tài sản còn lại khi hết tuổi thọ dự án

· Các lợi ích kinh tế trong ngành

· Các lợi ích kinh tế ngoài ngành

5. Trạng thái so sánh

· Trạng thái "trước" và "sau" khi có dự án

· Trạng thái "có" và "không có" dự án

6. Chỉ tiêu đánh giá

· Các chỉ tiêu N, NPV, IRR, B/C tài chính

· Các chỉ tiêu từ bảng kết toán

· Các chỉ tiêu N, NPV, IRR, B/C kinh tế

· hoặc đa chỉ tiêu

7. Phân tích độ nhạy

· Rủi ro do chi phí xây dựng

· Rủi ro do biến động kinh tế tài chính

· Rủi ro do dự báo GTVT không đúng

· Rủi ro do các chi phí kinh tế

· Rủi ro do dự báo GTVT

 


CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ LÀM CĂN CỨ CHO BIÊN SOẠN TIÊU CHUẨN NÀY:

1. Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ.

2. Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư (thay cho Thông tư 08/1999/TT-BXD ngày 16/11/1999).

3. Quyết định số 14/2000/QĐ-BXD ngày 20/7/2000 của Bộ Xây dựng ban hành định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (thay cho Quyết định số 45/1999/QĐ-BXD ngày 2/12/1999).

4. Quyết định số 01/2000/QĐ-BXD ngày 3/1/2000 của Bộ Xây dựng ban hành định mức chi phí thiết kế công trình xây dựng.

5. Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 2/8/2000 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định Quản lý chất lượng công trình xây dựng (thay cho Quyết định 35/1999/QĐ-BXD ngày 12/11/1999).

6. Thông tư số 06/1999/TT-BKH ngày 24/11/1999 của Bộ Kế hoạch đầu tư hướng dẫn nội dung Tổng mức đầu tư, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và báo cáo đầu tư.

7. Thông tư số 07/2000/TT-BKH ngày 3/7/2000 hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 06/1999/TT-BKH ngày 24/11/1999 của Bộ KHĐT hướng dẫn nội dung Tổng múc đầu tư, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và báo cáo đầu tư.

8. Quyết định số 141/1999/QĐ-BTC ngày 16/11/1999 của Bộ Tài chính ban hành định mức thu lệ phí thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán.

9. Thông tư số 136/1999/TT-BTC ngày 19/11/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.

10. Thông tư số 137/1999/TT-BTC ngày 19/11/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm công trình.

11. Thông tư số 07/2000 TT/BXD ngày 12/7/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lặp đơn giá khảo sát và quản lý chi phí khảo sát xây dựng.

12. Nghị định số 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ quy định khung giá các loại đất.

13. Nghị định số 90 ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, quốc gia, lợi ích công cộng.

14. Nghị định số 19/2000/NĐ-CP ngày 8/6/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thuế chuyển quyền sử dụng đất và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

15. Chỉ thị số 566/1999/CT-BGTVT ngày 25/11/1999 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường công tác quản lý áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật vào xây dựng các công trình giao thông.

 

PHỤ LỤC 1

HƯỚNG DẪN MỤC LỤC NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI VÀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THỦY

A. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI

A.1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài liệu sử dụng

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCTKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và giao thông vận tải khu vực nghiên cứu.

2.1.2. Hiện trạng mặt bằng tuyến chạy tàu.

2.1.3. Các công trình trên tuyến chạy tàu (cầu, phà, đường dây điện qua sông, cống thủy lợi…).

2.1.4. Các điểm trở ngại giao thông trên tuyến luồng (đoạn cong, đoạn cạn, dòng chảy xiết, đá ngầm, thác ghềnh…)

2.1.5. Mật độ và kích thước phương tiện giao thông hiện tại trên tuyến luồng.

2.1.6. Hiện trạng và phương hướng phát triển các cảng có tàu thuyền qua lại trên tuyến luồng nghiên cứu.

2.1.7. Dự báo hàng hóa, hành khách qua tuyến đường thủy cho các năm tính toán.

2.1.8. Dự báo thành phần và lưu lượng tàu

2.1.9. Kích thước tàu tính toán

2.1.10. Phân tích sự cần thiết đầu tư cho dự án.

2.2. Dự kiến hình thức đầu tư đối với các công trình trên tuyến đường thủy: khôi phục, cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới

2.3. Khu vực địa điểm xây dựng

2.3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực dọc tuyến luồng

a. Đặc điểm địa lý và địa hình

b. Điều kiện địa chất.

c. Điều kiện khí tượng thủy hải văn.

d. Điều kiện môi trường.

2.3.2. Quy hoạch mặt bằng tuyến luồng

a. Cấp thiết kế của tuyến luồng cho các năm tính toán

b. Các kích thước tiêu chuẩn của tuyến luồng thiết kế

c. Các phương án mặt bằng tuyến luồng

d. Phương án mặt bằng tuyến luồng kiến nghị

2.3.3. Phương án bố trí và kết cấu các công trình chỉnh trị trên tuyến luồng

a. Công trình chỉnh trị các đoạn cong (các phương án và lựa chọn)

b. Công trình chỉnh trị các đoạn cạn (các phương án và lựa chọn)

c. Giải pháp khắc phục các điểm trở ngoại chạy tàu khác

2.3.4. Phân tích đánh giá việc sử dụng đất đai và ảnh hưởng về môi trường xã hội với tuyến luồng và các công trình chỉnh trị trên tuyến.

2.4. Phương án điều khiển giao thông

2.4.1. Hệ thống phao tiêu tín hiệu trên tuyến luồng

2.4.2. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều kiện giao thông (nếu có)

2.5. Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng, sơ bộ đánh giá tác động môi trường, sơ bộ về tổ chức khai thác.

2.5.1. Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng

a. Khối lượng xây lắp và thiết bị (kê cho từng công trình đơn vị)

b. Khái quát về các giải pháp xây dựng và tiến độ thi công các công trình trọng điểm của dự án.

c. Sơ đồ ngang thể hiện khái quát tiến độ thực hiện dự án.

2.5.2. Sơ bộ đánh giá tác động môi trường

a. Dự báo các biến động môi trường khi thi công và khai thác tuyến luồng

b. Khuyến nghị phương án tối ưu về quy hoạch mặt bằng tuyến, giải pháp và quy mô các công trình cải tạo tuyến luồng. Ước tính chi phí bảo vệ môi trường trong thời gian thi công và khi đưa công trình vào khai thác.

2.5.3. Sơ bộ về tổ chức khai thác công trình

a. Sơ bộ ước tính nhu cầu lao động, công trình, thiết bị cho khai thác, duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường thủy.

b. Giải pháp về tổ chức khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình

2.6. Ước tính tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư, phương án huy động các nguồn vốn

2.6.1. Ước tính Tổng mức đầu tư cho xây lắp và thiết bị

2.6.2. Phân kỳ đầu tư

2.6.3. Khả năng, điều kiện và phương án huy động các nguồn vốn

2.6.4. Khả năng hoàn vốn trả nợ và thu lãi.

2.7. Phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội

2.7.1. Phân tích đánh giá dự án về mặt kinh tế, tài chính.

2.7.2. Các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

2.8. Xác định tính độc lập khi vận hành, khai thác của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu dự án được kết luận lập tiếp NCKT và có thể chia dự án ra nhiều tiểu dự án, sắp xếp các tiểu dự án theo mức độ ưu tiên)

Phần 3. Các kết luận và kiến nghị

3.1. Những kết luận chính (có lập báo cáo NCKT hay bỏ dự án, các hướng NCKT cần lưu ý và các giới hạn của NCKT).

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1: Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2: Quyết định duyệt đề cương lập báo cáo NCKT và đề cương được duyệt;

Phụ lục 3: Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT

Phụ lục 4: Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn;

Phụ lục 5: Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, chiến lược của ngành vùng lãnh thổ;

Phụ lục 7: Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 8: Các văn bản của UBND địa phương (tỉnh, thành phố) các ban ngành ở Trung ương có liên quan đến dự án.

Phụ lục 9: Các thông số về báo cáo NCTKT đầu kỳ giữa kỳ và cuối kỳ.

A.2. CÁC BẢN VẼ

1. Bản vẽ vị trí tuyến luồng trong mạng lưới tuyến vận tải (tỷ lệ 1/10.000 - 1/500.000)

2. Bản đồ vị trí hiện trạng và quy hoạch phát triển các cảng, khu công nghiệp, đô thị nằm dọc tuyến sông nghiên cứu (tỷ lệ 1/10.000-1/500.000).

3. Bình đồ các đoạn cần cải tạo (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

4. Mặt bằng tuyến theo các phương án (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

5. Trắc dọc theo tim tuyến luồng

6. Mặt cắt ngang, cắt dọc các đoạn nạo vét và kết cấu công trình cải tạo (tỷ lệ 1/100-1/500).

B. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

B.1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

1.2. Các giải pháp thiết kế được duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có).

1.3. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.4. Tổ chức thực hiện

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và giao thông khu vực nghiên cứu.

2.1.2. Hiện trạng mặt bằng tuyến chạy tàu

2.1.3. Các công trình trên tuyến chạy tàu (cầu, phà, đường dây điện qua sông, cống thủy lợi…).

2.1.4. Các điểm trở ngại giao thông trên tuyến luồng (đoạn cong, đoạn cạn, dòng chảy xiết, đá ngầm, thác ghềnh…).

2.1.5. Mật độ và kích thước phương tiện giao thông hiện tại trên tuyến luồng.

2.1.6. Hiện trạng và phương hướng phát triển các công trình chỉnh trị thủy, thủy năng, tưới tiêu có ảnh hưởng đến tuyến luồng nghiên cứu.

2.1.7. HIện trạng và phương hướng phát triển các cảng có tàu thuyền qua lại trên tuyến luồng nghiên cứu.

2.1.8. Dự báo hàng hóa, hành khách qua tuyến đường thủy cho các năm tính toán.

2.1.9. Dự báo thành phần và lưu lượng tàu cho các năm tính toán.

2.1.10. Kích thước tàu tính toán

2.1.11. Phân tích sự cần thiết đầu tư cho dự án.

2.2. Hình thức đầu tư đối với các công trình trên tuyến đường thủy (khôi phục, cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới).

2.3. Phương án địa điểm

2.3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực dọc tuyến luồng

a. Đặc điểm địa lý và địa hình

b. Điều kiện địa chất ven bờ, lòng sông, bãi cạn

c. Điều kiện khí tượng, thủy hải văn, bùn cát

d. Điều kiện môi trường.

2.3.2. Quy hoạch mặt bằng tuyến luồng

a. Cấp thiết kế của tuyến luồng cho các năm tính toán

b. Các kích thước tiêu chuẩn của tuyến luồng thiết kế

c. Các phương án mặt bằng tuyến luồng

d. Phương án mặt bằng tuyến luồng kiến nghị

2.3.3. Các công trình chỉnh trị trên tuyến luồng

a. Công trình chỉnh trị các đoạn cong

b. Công trình chỉnh trị các đoạn cạn

c. Giải pháp khắc phục các điểm trở ngại chạy tàu khác

2.4. Phương án điều khiển giao thông

2.4.1. Hệ thống phao tiêu tín hiệu tên tuyến luồng

2.4.2. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều khiển giao thông (nếu có)

2.5. Phương án thi công xây lắp

2.5.1. Khối lượng xây lắp và thiết bị (kê cho từng công trình đơn vị)

2.5.2. yêu cầu về công nghệ thiết bị kỹ thuật xây lắp đáp ứng kết cấu lựa chọn

2.5.3. Các yêu cầu về nguyên vật liệu phương án cung cấp

2.5.4. Phương án tổ chức thi công, giải pháp thi công và lựa chọn

2.5.5. Các biện pháp phòng chống cháy, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động.

2.6. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có)

2.7. Đánh giá tác động môi trường chi tiết

2.7.1. Phân tích hiện trạng tài nguyên môi trường khu vực có tuyến luồng đi qua.

2.7.2. Phân tích các tác động môi trường khi thực hiện các giải pháp cải tạo và khai thác tuyến luồng.

2.7.3. Các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động của dự án cải tạo tuyến luồng đối với môi trường

2.7.4. Kế hoạch giám sát môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác tuyến luồng

2.8. Tổ chức quản lý và khai thác tuyến luồng

2.8.1. Mô hình tổ chức quản lý và duy tu tuyến luồng

2.8.2. Cơ cấu và số lượng lao động

2.8.3. Công trình và thiết bị cho công tác quản lý và duy tu.

2.9. Tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư, nguồn vốn

2.9.1. Khối lượng xây lắp và thiết bị

2.9.2. Tổng mức đầu tư cho xây lắp và thiết bị

2.9.3. Phân kỳ đầu tư

2.9.4. Khả năng, điều kiện, và phương án huy động vốn.

2.10. Phân tích hiệu quả đầu tư

2.10.1. Đánh giá dự án về kinh tế và tài chính

2.10.2. Đánh giá các hiệu quả khác

2.11. Các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư [thời gian KSTK, thời gian giải phóng mặt bằng, thời gian đấu thầu, thời gian khởi công (chậm nhất), thời gian hoàn thành đưa công trình vào khai thác (chậm nhất)].

2.12. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án

2.13. Xác định chủ đầu tư

2.14. Các mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án.

Phần 3. Các kết luận và kiến nghị

3.1. Các kết luận về

3.1.1. Tính khả thi của dự án về các mặt (kinh tế, tài chính, xã hội, môi trường).

3.1.2. Yêu cầu đầu tư và thời gian vào các công trình thuộc dự án và các công trình liên quan đến dự án.

3.1.3. Bước thiết kế kỹ thuật hoặc Thiết kế kỹ thuật thi công và các lưu ý.

3.1.4. Những vấn đề khác

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập báo cáo NCKT và đề cương được duyệt;

Phụ lục 3. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập báo cáo NCKT;

Phụ lục 4. Hoạt động kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư;

Phụ lục 5. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, chiến lược của ngành vùng lãnh thổ;

Phụ lục 7. Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 8. Các văn bản của UBND địa phương (tỉnh, thành phố) các ban ngành ở Trung ương có liên quan đến dự án.

Phụ lục 9. Các thông báo về báo cáo NCKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ (nếu có).

B.2. CÁC BẢN VẼ

1. Bản đồ vị trí tuyến luồng trong mạng lưới tuyến vận tải (tỷ lệ 1/10.000-1/500.000)

2. Bản đồ vị trí hiện trạng và quy hoạch phát triển các cảng, khu công nghiệp, đô thị nằm dọc tuyến sông nghiên cứu (tỷ lệ 1/10.000-1/500.000).

3. Bình đồ các đoạn cần cải tạo (1/.000-1/10.000)

4. Mặt bằng tuyến theo các phương án (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000).

5. Trắc dọc theo tim tuyến luồng

6. Mặt cắt ngang, cắt dọc các đoạn nạo vét và kết cấu công trình cải tạo (tỷ lệ 1/100-1/500).

 

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN MỤC LỤC NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI VÀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG ÔTÔ

A. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI

A1. THUYẾT MINH

Phần 1. Giới thiệu chung

1.1. Cơ sở pháp lý lập báo cáo NCTKT

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài liệu sử dụng để lập báo cáo NCTKT

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo NCTKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư:

2.1.1. Dân số trong vùng (hiện tại tương lai và các chính sách về dân số)

2.1.2. Tình hình kinh tế xã hội văn hóa trong vùng (hiện tại và chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, các chỉ tiêu phát triển chính…)

2.1.3. Sơ qua tình hình kinh tế xã hội của nước ngoài (nếu dự án có liên quan đến nước ngoài).

2.1.4. Về mạng lưới giao thông vận tải trong vùng và quy hoạch phát triển.

a. Về giao thông vận tải đường bộ (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng, vận tải, tai nạn): quy hoạch phát triển.

b. Về giao thông vận tải đường sắt (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn): quy hoạch phát triển.

c. Về giao thông vận tải đường thủy (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn): quy hoạch phát triển.

d. Về giao thông vận tải hàng không (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn): quy hoạch phát triển.

2.1.5. Dự báo nhu cầu vận tải trong vùng

a. Dự báo nhu cầu vận tải của các phương thức vận tải sắt, thủy, bộ, hàng không (nếu cần thiết);

b. Dự báo nhu cầu vận tải của tuyến đường thuộc dự án (lưu lượng và thành phần dòng xe).

2.1.6. Sơ bộ phân tích lập luận sự cần thiết phải đầu tư xây dựng tuyến đường

2.2. Lựa chọn quy mô đầu tư, hình thức đầu tư

2.2.1. Sơ bộ xác định quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật

a. Quy trình quy phạm áp dụng

b. Lựa chọn cấp đường, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cho tuyến đường, cầu cống, mặt đường v.v..

2.2.2. Hình thức đầu tư đối với các công trình thuộc dự án (là khôi phục cải tạo, nâng cấp, làm mới).

2.3. Sơ bộ về các phương án thiết kế

2.3.1. Các điều kiện tự nhiên vùng tuyến dự án (địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn).

2.3.2. Sơ bộ về thiết kế tuyến

Dùng bản đồ tỷ lệ theo 22-TCN-263-2000 "Quy trình khảo sát đường ôtô".

· Các điểm khống chế;

· Hướng tuyến và các phương án tuyến;

· Bình diện của các phương án tuyến;

· Trắc dọc của các phương án tuyến;

· Các công trình phòng hộ của các phương án tuyến

· Khối lượng công trình các phương án tuyến

2.3.3. Sơ bộ về thiết kế cầu và các công trình dọc tuyến (của các phương án tuyến).

2.3.4. Tổng hợp so sánh chọn phương án tuyến

2.3.5. Tổng hợp sơ bộ về khối lượng giải phóng mặt bằng phương án kiến nghị.

2.3.6. Phân tích đánh giá về việc sử dụng đất đai và ảnh hưởng về môi trường xã hội và tái định cư.

2.4. Sơ bộ về công nghệ điều khiển giao thông

2.4.1. Hệ thống các thiết bị điều khiển và kiểm soát giao thông

2.4.2. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy giao thông

2.5. Phân tích lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng, sơ bộ đánh giá tác động môi trường, sơ bộ về quản lý duy tu công trình.

2.5.1. Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án xây dựng:

a. Khối lượng xây lắp các loại;

b. Yêu cầu về công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu phải nhập ngoại để đáp ứng loại hình kết cấu đã chọn.

c. Phân tích lựa chọn sơ bộ các giải pháp và tổ chức xây dựng;

d. Sơ đồ ngang thể hiện khái quát tiến độ thực hiện dự án.

2.5.2. Sơ bộ đánh giá tác động môi trường và yêu cầu phải xử lý

Phân tích tác động môi trường theo Tiêu chuẩn 22 TCN 242-98, lưu ý đến:

a. Sơ bộ hiện trạng môi trường dọc tuyến

b. Sơ bộ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn thi công và trong giai đoạn khai thác.

c. Nêu các yêu cầu phải xử lý

2.5.3. Quản lý duy tu tuyến đường

a. Tổ chức quản lý tuyến

b. Yêu cầu về lao động, về thiết bị, về công trình cho việc quản lý duy tu tuyến đường.

2.6. Tổng mức đầu tư, nguồn vốn

2.6.1. Khái quát

2.6.2. Khối lượng xây dựng

2.6.3. Tổng mức đầu tư

2.6.4. Phân kỳ, phân đoạn xây dựng tuyến đường

2.6.5. Sơ bộ nêu giải pháp cho nguồn vốn đầu tư

2.7. Tính toán sơ bộ hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế xã hội của dự án.

2.7.1. Phương pháp phân tích kinh tế tài chính và các giả thiết cơ bản

2.7.2. Phương pháp tính toán và kết quả tính toán sơ bộ về kinh tế tài chính.

2.7.3. Phân tích các lợi ích và hậu quả khác.

2.8. Xác định tính độc lập khi vận hành khai thác của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu dự án chia được ra nhiều dự án thành phần hay tiểu dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên).

Phần 3. Các kết luận và kiến nghị

3.1. Các kết luận chính (có lập báo cáo NCKT hay bỏ dự án, các hướng NCKT cần lưu ý, các giới hạn của NCKT…)

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư

2. Quyết định duyệt đề cương lập NCTKT.

3. Đề cương lập NCTKT (được duyệt).

4. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập NCTKT

5. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập NCTKT.

6. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, về chiến lược của ngành và vùng lãnh thổ.

7. Các tài liệu được bên A cấp.

8. Các văn bản của UBND địa phương (tỉnh, thành phố, các Ban ngành ở TW có liên quan về hướng tuyến và điểm khống chế).

9. Các văn bản thống kê chi tiết các yếu tố hình học, tổng hợp khối lượng các loại (như: nền mặt, giải phóng mặt bằng).

10. Các thông báo về báo cáo NCTKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

A.2. PHẦN CÁC BẢN VẼ

1. Bản đồ hướng tuyến (bao gồm cả phần mạng đường, tuyến mới tô màu đỏ, các đường hiện có tô màu vàng đậm).

Tỷ lệ bản vẽ: theo 22-TCN-263-2000.

2. Bình đồ tuyến tỷ lệ 1/25.000 (dùng bản đồ đã có để thiết kế, nếu khu vực dự kiến có tuyến đi qua chưa có bản đồ tỷ lệ 1/25.000 dùng bản đồ 1/50.000 phong thành bản đồ tỷ lệ 1/25.000 để dùng).

3. Trắc dọc tuyến

Trắc dọc tuyến phải thể hiện được các vị trí cầu lớn, cầu trung, cầu nhỏ.

Trong trường hợp chiều cao của trắc dọc không bị hạn chế thì ghép bình đồ và trắc dọc vào một bản vẽ (bình đồ trên, trắc dọc dưới).

4. Bản thống kê các cống (trong trường hợp đường khôi phục, cải tạo, nâng cấp)

5. Bản thống kê các cầu (gồm cầu lớn, cầu trung và cầu nhỏ)

6. Các bản vẽ điển hình sơ lược về cầu lớn và cầu trung (bản vẽ bố trí chung)

7. Bản thống kê các công trình phòng hộ

8. Bản thống kê các nút giao

9. Bản thống kê các công trình an toàn giao thông

10. Các trắc ngang điển hình và kết cấu mặt đường (tỷ lệ 1/50 hoặc 1/100) mỗi loại dự kiến thiết kế thể hiện 1 bản vẽ (kết cấu mặt đường vẽ bên cạnh trắc ngang).

11. Bản thống kê các công trình phục vụ khai thác.

B. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

B1. THUYẾT MINH

Phần 1. Giới thiệu chung

1.1. Cơ sở pháp lý lập báo cáo NCKT (bao gồm cả nội dung được duyệt trong báo cáo NCTKT nếu có).

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Quá trình nghiên cứu và tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài liệu sử dụng để lập báo cáo NCKT

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Dân số trong vùng (hiện tại, tương lai và các chính sách về dân số)

2.1.2. Tổng sản phẩm trong vùng. Tình hình kinh tế-xã hội-văn hóa trong vùng (hiện tại và chiến lược phát triển, các chỉ tiêu chính…)

2.1.3. Tình hình hiện tại và khả năng ngân sách (toàn khu vực hoặc các tỉnh trong khu vực)

2.1.4. Hiện trạng kinh tế xã hội và tương lai phát triển của các vùng xung quanh có liên quan đến dự án.

2.1.5. Tình hình kinh tế xã hội và tương lai phát triển của các nước có liên quan đến dự án (nếu dự án có liên quan đến nước ngoài).

2.1.6. Về mạng lưới GTVT trong vùng và quy hoạch phát triển

a. Giao thông vận tải đường bộ (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn); quy hoạch phát triển.

b. Giao thông vận tải đường sắt (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn); quy hoạch phát triển.

c. Giao thông vận tải đường thủy (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn); quy hoạch phát triển.

d. Giao thông vận tải hàng không (tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác, lưu lượng vận tải, tai nạn); quy hoạch phát triển.

2.1.7. Các quy hoạch khác có liên quan đến dự án

a. Các đô thị khu công nghiệp tập trung, khu định cư v.v…

b. Quy hoạch và các dự án về thủy lợi

c. Quy hoạch và các dự án về năng lượng

d. Quy hoạch và các dự án về lâm nghiệp

e. Quy hoạch và các dự án khu bảo tồn, các di tích văn hóa lịch sử.

2.1.8. Đánh giá về vận tải và dự báo nhu cầu vận tải

a. Đánh giá về vận tải trong vùng

b. Dự báo về khu vực hấp dẫn

c. Dự báo về nhu cầu vận tải trong vùng của các phương thức vận tải sắt, thủy, bộ, hàng không (nếu cần thiết).

d. Dự báo nhu cầu vận tải của tuyến dự án (lưu lượng, thành phần dòng xe).

2.1.9. Tổng hợp những vấn đề có liên quan và lập sự cần thiết phải đầu tư xây dựng tuyến đường.

2.2. Chọn lựa hình thức đầu tư (khôi phục, cải tạo, nâng cấp, làm mới đối với các đoạn tuyến dự án).

2.3. Các phương án địa điểm (thiết kế sơ bộ)

2.3.1. Xác định quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật

a. Quy trình, quy phạm áp dụng

b. Lựa chọn cấp đường quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cho tuyến đường

c. Tiêu chuẩn thiết kế cầu cống…

d. Tiêu chuẩn thiết kế các công trình khác (nếu có)

2.3.2. Các phương án thiết kế sơ bộ

a. Các điều kiện tự nhiên vùng tuyến đi qua (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, môi trường)

b. Thiết kế tuyến

· Các điểm khống chế

· Hướng tuyến và các phương án tuyến

· Kết quả thiết kế các phương án tuyến

- Bình diện

- Trắc dọc

- Nền đường (thông thường và đặc biệt)

- Mặt đường

- Thoát nước (cống, rãnh…)

- Công trình phòng hộ

- An toàn và tổ chức giao thông

- Công trình phục vụ khai thác

c. Thiết kế cầu

· Nguyên tắc thiết kế

· Các giải pháp thiết kế:

- Mặt cắt ngang

- Kết cấu nhịp

- Kết cấu nền móng

- Các kết cấu phụ trợ

· Kết quả thiết kế (các phương án thiết kế và lựa chọn)

- Cầu lớn

- Cầu trung

- Cầu nhỏ

d. Tổng hợp khối lượng xây dựng nền, mặt, cầu, cống và một số công trình chính khác của từng phương án tuyến

e. Tổng hợp so sánh chọn phương án tuyến

f. Tổng hợp khối lượng giải phóng mặt bằng của phương án kiến nghị.

2.4. Phương án công nghệ điều khiển, kiểm soát giao thông

2.5. Phân tích lựa chọn phương án tổ chức thi công

2.6. Phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có)

2.7. Đánh giá tác động môi trường và giải pháp xử lý

2.7.1. Đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn trong Tiêu chuẩn 22 TCN 242-98, lưu ý đến:

· Đặc trưng địa hình, địa chất và tài nguyên đất

· Khí hậu

· Chất lượng không khí

· Mức ồn

· Thủy văn và tài nguyên nước

· Các hệ sinh thái đặc trưng

· Tài nguyên khoáng sản

· Đặc điểm kinh tế xã hội

· Dự báo những diễn biến môi trường khi không thực hiện dự án.

2.7.2. Đánh giá tác động môi trường

· Mô tả các hoạt động của dự án gây tác động lớn đến môi trường

· Các phương pháp sử dụng để đánh giá tác động

· Đánh giá tác động môi trường

2.7.3. Các giải pháp xử lý và chi phí xử lý (tương ứng ở giai đoạn thi công và khai thác)

2.8. Quản lý duy tu tuyến đường

2.8.1. Tổ chức quản lý duy tu tuyến đường

2.8.2. Yêu cầu về lao động, về thiết bị, về công trình cho việc quản lý duy tu tuyến đường.

2.9. Tổng mức đầu tư, nguồn vốn

2.9.1. Khối lượng xây lắp

2.9.2. Tổng mức đầu tư

a. Các căn cứ lập tổng mức đầu tư

b. Cấu thành của tổng mức đầu tư

c. Tổng mức đầu tư cho các phương án kiến nghị

2.9.3. Phân kỳ, phân đoạn xây dựng tuyến đường theo phương án kiến nghị

2.9.4. Giải pháp cho nguồn vốn đầu tư

2.10. Phân tích hiệu quả đầu tư

2.10.1. Phương pháp phân tích kinh tế tài chính và các giả thiết cơ bản.

2.10.2. Phương pháp tính toán và các kết quả tính toán Kinh tế tài chính trong đánh giá dự án.

2.10.3. Phân tích các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

2.11. Các mốc thời gian chính thực hiện dự án

2.12. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án

2.13. Xác định Chủ đầu tư

2.14. Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án

Phần 3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận về:

3.1.1. Tính khả thi các mặt của phương án kiến nghị. Tổng mức đầu tư của phương án kiến nghị.

3.1.2. Yêu cầu và thời gian đầu tư vào công trình thuộc dự án và các tuyến có liên quan.

3.1.3. Bước thiết kế kỹ thuật hay TKKT-TC và các lưu ý.

3.2. Các kiến nghị.

PHẦN PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập NCKT và đề cương được duyệt

Phụ lục 3. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập NCKT

Phụ lục 4. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập NCKT

Phụ lục 5. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, chiến lược của ngành hoặc của vùng lãnh thổ liên quan đến dự án.

Phụ lục 6. Các văn bản làm việc UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan đến hướng tuyến, vị trí cầu lớn và các điểm khống chế khác.

Phụ lục 7. Các bản thống kê chính:

- Các yếu tố hình học của tuyến

- Bản tổng hợp khối lượng nền đường từng km

- Thống kê khối lượng các loại rãnh thoát nước

- Thống kê chi tiết về giải phóng mặt bằng.

Phụ lục 8. Các bản tính, kiểm toán về kết cấu mặt đường, cầu, xử lý nền đất yếu (nếu có) v.v…

Phụ lục 9. Các thông báo về báo cáo NCKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ (nếu có)

B2. PHẦN CÁC BẢN VẼ

1. Bình đồ hướng tuyến

- Tỷ lệ: theo 22 TCN 263-2000

- Tô màu:

Hướng tuyến tô màu đỏ; các đường hiện có tô màu vàng đậm; các sông suối gần khu vực tuyến hoặc cắt qua tuyến tô màu xanh; các địa danh, điểm khống chế, điểm cuối tuyến tô màu vàng chanh (bút đánh dấu).

2. Các trắc ngang điển hình:

- Tỷ lệ: 1/50 hoặc 1/100

- Yêu cầu: Phải có đủ các loại trắc ngang đã thiết kế như nền đắp, nửa đào đắp, đào hoàn toàn, nền có công trình phòng hộ (kè, tường chắn, rãnh đỉnh, ốp đá v.v…) và phải thể hiện các thành phần cấu thành của một trắc ngang như kích thước nền, mặt, lề đường, rãnh, taluy âm dương v.v..

3. Bản vẽ kết cấu mặt đường

Thể hiện đầy đủ các loại kết cấu đã thiết kế (bao gồm cả kết cấu cho lớp mặt và gia cố nền)

4. Bình đồ tuyến:

- Tỷ lệ: theo 22 TCN 263-2000

- Yêu cầu:

+ Nét vẽ tuyến tô đậm

+ Thể hiện đầy đủ các địa danh quan trọng, các vị trí cầu, cống, đường nối; các điểm giao cắt v.v… và các quy định khác đối với loại bình đồ.

5. Trắc dọc:

- Tỷ lệ:

Tương ứng với bình đồ tuyến (dài 1/2.000 cao 1/200 v.v…)

- Yêu cầu:

Phải thể hiện đầy đủ vị trí cầu, cống, chiều dài các cầu, đường cong nối dốc v.v… (riêng phần đế của trắc dọc theo quy định trong hồ sơ mẫu).

Trong trường hợp chiều cao của trắc dọc không bị hạn chế có thể vẽ ghép bình đồ và trắc dọc vào một bản vẽ (bình đồ trên, trắc dọc dưới).

6. Bảng thống kê các cống trên toàn tuyến (theo quy định trong hồ sơ mẫu)

7. Các bản vẽ điển hình các cống.

Vẽ các loại cống đã thiết kế, mỗi loại vẽ một bản.

8. Bảng thống kê các cầu toàn tuyến (theo mẫu)

9. Bản vẽ điển hình các cầu trung

Mỗi cầu vẽ bình đồ vị trí cầu và bố trí chung của cầu

Đối với cầu lớn lập thành 1 hồ sơ riêng

10. Bảng thống kê các công trình phòng hộ.

(Bao gồm kè, tường chắn, ốp mái taluy v.v…) (theo hồ sơ mẫu)

11. Các bản vẽ điển hình các công trình phòng hộ

(Mỗi loại đã thiết kế một bản)

12. Bảng thống kê các nút giao, đường giao

13. Bản vẽ điển hình các nút giao

(Mỗi loại nút giao đã thiết kế vẽ 1 bản)

14. Bảng thống kê các công trình về an toàn giao thông

(Bao gồm cọc tiêu, lan can bằng tôn sóng, hộ lan, biển báo các loại, tín hiệu, rào chắn, sơn kẻ đường…)

15. Bảng thống kê các công trình phục vụ khai thác

(Bao gồm nhà thu phí, nhà quản lý đường, các hạt giao thông, nhà nghỉ, nhà chờ v.v…)

16. Bản vẽ điển hình các công trình phục vụ khai thác.

 

PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN MỤC LỤC NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI VÀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT

A. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI

A1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài nguyên sử dụng

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCTKT

2.1. Các căn cứ, sự cần thiết phải đầu tư, các thuận lợi, khó khăn

2.1.1. Các căn cứ về kinh tế - xã hội;

2.1.2. Các căn cứ về quy hoạch, kế hoạch dài hạn;

2.1.3. Các chủ trương của các cấp chính quyền.

2.1.4. Các thuận lợi, khó khăn;

2.1.5. Dự báo nhu cầu vận tải.

a. Dự báo nhu cầu vận tải khách và hàng ở các năm tính toán (năm thứ 10, thứ 20 kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).

Có thể dự báo nhu cầu vận tải khách và hàng cho các phương thức vận tải trong đó có đường sắt hoặc chỉ có dự báo nhu cầu vận tải khách và hàng do đường sắt đảm nhận.

b. Tổ chức chạy tàu khách và tàu hàng:

· Các loại đoàn tàu khách, thành phần các đoàn tàu khách, số lượng các loại tàu khách chạy trong ngày ở các năm tính toán.

· Các loại đoàn tàu hàng, thành phần các đoàn tàu hàng, số lượng các loại tàu hàng chạy trong ngày ở các năm tính toán.

· Sơ đồ thể hiện mật độ đoàn tàu trên các đoạn tuyến dự án.

2.1.6. Sơ bộ phân tích và lập luận sự cần thiết phải đầu tư

2.2. Dự kiến hình thức đầu tư, quy mô xây dựng

2.2.1. Các hình thức đầu tư (khôi phục, cải tạo, làm mới hoặc kết hợp giữa các hình thức đó - kê rõ theo đoạn đường, công trình, hạng mục chủ yếu ứng với các hình thức đó).

2.2.2. Quy mô xây dựng ở các năm tính toán

Căn cứ vào mật độ đoàn tàu các đoạn để sơ bộ xác định quy mô các công trình chủ yếu: là đường đơn hay đường đôi, giao cắt cùng mức hay lập thể các đường giao thông khác, quy mô các ga khu đoạn…

2.3. Giới thiệu về các công trình xây dựng (địa điểm và các phương án)

2.3.1. Những yếu tố kỹ thuật chủ yếu:

· Khổ đường;

· Cấp đường;

· Số lượng đường chính;

· Loại sức kéo;

· Loại đầu máy;

· Độ dốc chỉ đạo (cho các hướng tuyến)

· Tín hiệu - liên khóa - đóng đường.

2.3.2. Điều kiện tự nhiên vùng tuyến dự án

· Khí hậu, khí tượng, thủy văn;

· Địa hình;

· Địa chất;

· Hiện trạng môi trường;

2.3.3. Công trình xây dựng

a. Công trình tuyến:

- Các phương án hướng tuyến (mô tả việc chọn tuyến, điểm nối ray, tránh các chướng ngại vật, các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo đoạn vạch tuyến tự do, đoạn vạch tuyến gò bó…);

- Nền đường (mặt cắt ngang đại diện cho nền đào, nền đắp, dự đoán các đoạn nền đường đặc biệt phải xử lý, các đoạn cần có công trình phòng hộ…).

- Khối lượng công trình.

b. Công trình ga:

- Phân bổ ga dọc tuyến cho các phương án hướng tuyến;

- Bảng sơ đồ đường ga cho các phương án hướng tuyến;

- Khối lượng công trình.

c. Công trình cầu:

- Các phương án vị trí cầu lớn;

- Dự kiến loại hình kết cấu phần trên, phần dưới;

- Thống kê số lượng các cầu trên tuyến (phân ra loại cầu nhỏ, cầu vừa, cầu lớn và chiều dài tương ứng).

d. Công trình hầm:

- Các phương án vị trí hầm lớn;

- Dự kiến phân đoạn chiều dày áo hầm cho các hầm;

- Thống kê số lượng các hầm trên tuyến (phân ra loại hầm nhỏ, hầm vừa, hầm lớn và chiều dài tương ứng).

e. Kiến trúc tầng trên:

- Loại ray dùng trên tuyến chính, loại ray dùng trên đường ga;

- Loại ghi dùng trên tuyến chính, loại ghi dùng trên đường ga;

- Loại tà vẹt và số lượng đặt trên tuyến chính và trên đường ga;

- Loại balat và chiều dày balat trên tuyến chính và trên đường ga;

- Khối lượng công trình.

g. Tín hiệu - liên khóa - đóng đường:

- Loại hình dự kiến;

- Sơ đồ mẫu (cho 1 ga tránh và 1 ga trung gian).

h. Thông tin

- Loại hình dự kiến về đường dây truyền dẫn và tổng đài;

- Sơ đồ mạng thông tin liên lạc (dự kiến cho từng phương án hướng tuyến).

i. Cơ sở đầu máy toa xe:

Ước tính số lượng xí nghiệp đầu máy, toa xe, số lượng các trạm đầu máy, toa xe vừa quy mô khái quát của xí nghiệp, trạm (có thể xếp hạng theo lớn, vừa, nhỏ).

2.3.4. Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án

a. Ước tính chi phí xây dựng của các phương án

b. Tính toán thu chi trong thời gian khai thác của các phương án.

c. So sánh sơ bộ các phương án về mặt kinh tế - kỹ thuật, xã hội, môi trường

2.3.5. Phân tích đánh giá về việc sử dụng đất đai và ảnh hưởng về môi trường xã hội, tái định cư.

2.4. Phân tích lựa chọn sơ bộ công nghệ kỹ thuật GTVT đường sắt (công nghệ phổ biến hiện dùng trong nước hay phải nhập ngoại, ưu nhược điểm, điều kiện cung cấp, chuyển giao công nghệ).

2.5. Sơ bộ phân tích các phương án tổ chức thi công, đánh giá tác động môi trường và sơ bộ về tổ chức khai thác

2.6. Ước tính tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn

2.6.1. Ước tính tổng mức đầu tư (chia ra đầu tư cho kết cấu hạ tầng thuộc các chủ đầu tư khác nhau và đầu tư cho phương tiện vận tải) của các phương án.

2.6.2. Phương án huy động vốn

2.7. Tính toán sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế xã hội của dự án

2.7.1. Phân tích dự án về mặt kinh tế tài chính.

2.7.2. Phân tích các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

2.8. Xác định tính độc lập khi vận hành khai thác của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có và nếu kết luận dự án cần tiếp tục lập NCKT)

Phần 3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận về:

3.1.1. Có lập báo cáo nghiên cứu khả thi hay bỏ dự án;

3.1.2. Các hướng nghiên cứu khả thi cần phải lưu ý và các giới hạn của nghiên cứu khả thi.

3.2. Kiến nghị:

3.2.1. Kiến nghị để tư vấn trong nước lập nghiên cứu khả thi hay các hình thức phối hợp giữa tư vấn trong nước và nước ngoài hoặc thuê tư vấn nước ngoài lập nghiên cứu khả thi.

3.2.2. Các kiến nghị khác

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 3. Đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi (được duyệt);

Phụ lục 4. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 5. Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 6. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, về chiến lược của ngành hoặc vùng lãnh thổ có liên quan đến dự án;

Phụ lục 7. Các tài liệu bên A cấp;

Phụ lục 8. Các văn bản khác liên quan đến dự án;

Phụ lục 9. Các thông báo về báo cáo NCTKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ

A2. CÁC BẢN VẼ

Bản vẽ 1. Bản đồ giao thông khu vực nghiên cứu dự án;

Bản vẽ 2. Bình đồ tỷ lệ 1:25.000 hoặc 1:50.000 (có thể dùng bản đồ tỷ lệ 1:10.000) trên đó có vẽ các phương án hướng tuyến;

Bản vẽ 3. Mặt cắt dọc các phương án tuyến;

Bản vẽ 4. Bố trí chung của các cầu;

Bản vẽ 5. Bố trí chung các hầm lớn;

Bản vẽ 6. Bình diện các ga khu đoạn, ga lập tàu.

B. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

B1. THUYẾT MINH

Phần 1. Xuất xứ, các căn cứ pháp lý, các tiên đề…

1.1. Xuất xứ (hay đặt vấn đề nghiên cứu);

1.2. Căn cứ pháp lý cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (như quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư, quyết định thông qua nghiên cứu tiền khả thi, quyết định duyệt đề cương lập nghiên cứu khả thi kèm theo đề cương lập nghiên cứu khả thi của đơn vị lập dự án và tờ trình của Chủ đầu tư xin duyệt đề cương đó, hợp đồng kinh tế…)

1.3. Các vấn đề tiên quyết: nêu tóm tắt những vấn đề đã được quyết định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có báo cáo này được thông qua) hoặc những vấn đề đã được quyết định trong chiến lược phát triển vùng lãnh thổ hoặc ngành, những vấn đề đã được quyết định trong quy hoạch ngành, hoặc lãnh thổ…

1.4. Phạm vi và mức độ nghiên cứu đối với các công trình, thiết bị trong dự án.

1.5. Các tài liệu được bên A cấp (trích tóm tắt).

1.6. Các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình áp dụng.

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT

2.1. Những căn cứ để xác định sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Tình hình kinh tế, xã hội (hiện tại và tương lai phát triển)

2.1.2. Tình hình giao thông vận tải:

a. Giao thông đường bộ:

- Các đường ôtô, các bến xe, trạng thái các đường, lưu lượng xe của các đường đó;

- Các chân hàng và năng lực vận tải.

- Dự kiến về giao thông vận tải đường bộ trong tương lai.

b. Giao thông đường thủy:

- Các tuyến vận tải thủy, trạng thái và lưu lượng tàu thuyền trên các tuyến đó;

- Các cảng, trạng thái và khả năng của các cảng đó.

- Dự kiến về giao thông vận tải thủy trong tương lai.

c. Giao thông đường sắt:

- Các tuyến đường sắt, trạng thái và năng lực thông qua hiện tại;

- Các chân hàng, các ga hiện có;

- Các cơ sở khác của đường sắt.

d. Dự báo lượng vận tải khách và hàng:

- Tính theo các năm khai thác thứ 2, 5, 10 và tỷ lệ tăng trong tương lai;

- Các yêu cầu về quốc phòng (nếu có);

- Các yêu cầu của địa phương (nếu có).

e. Đặc trưng luồng hàng và loại hàng:

- Tỷ trọng luồng hàng trực thông;

- Hệ số không cân bằng giữa hai hướng;

- Các hàng đặc biệt thích hợp với vận tải đường sắt (siêu trường, siêu trọng, container..).

f. Xác định sự cần thiết làm tuyến đường sắt:

Xét các mặt:

- Công suất vận tải yêu cầu xứng đáng làm đường sắt, số T-km, số khách-km, số đôi tàu/ngày;

- Chiều dài vận tải bình quân thuộc vùng ưu việt đối với vận tải đường sắt;

- Tính ưu việt so với các phương thức vận tải khác.

2.2. Lựa chọn hình thức đầu tư

Hình thức đầu tư đối với các công trình đơn vị là làm mới, khôi phục, cải tạo, nâng cấp (kê rõ từng công trình).

2.3. Các phương án địa điểm

2.3.1. Các đặc tính tự nhiên vùng dự án: địa hình, địa mạo, khí hậu thủy văn, địa chất.

2.3.2. Chọn lựa các yếu tố cơ bản:

· Khổ đường;

· Cấp đường;

· Số lượng đường chính (đường đơn hay đường đôi);

· Loại sức kéo;

· Loại đầu máy kéo tàu khách và loại đầu máy kéo tàu hàng;

· Độ dốc chỉ đạo;

· Tín hiệu - liên khóa- đóng đường.

2.3.3. Thiết kế tổ chức chạy tàu (cho từng phương án hướng tuyến và cho các năm tính toán)

a. Tổ chức chạy tàu khách:

- Các loại tàu khách, số lượng các loại toa trong từng loại đoàn tàu khách;

- Tính toán số lượng các loại tàu khách trên từng hướng đi, về.

b. Tổ chức chạy tàu hàng:

- Các loại tàu hàng, số lượng các loại toa xe trong từng loại đoàn tàu hàng;

- Tính toán số lượng các loại đoàn tàu hàng trên từng hướng.

c. Các phương án quay vòng đầu máy tàu khách, tàu hàng và lựa chọn phương án.

2.3.4. Các phương án công trình (thiết kế sơ bộ)

2.3.4.1. Công trình tuyến đường

a. Bình diện tuyến đường:

- Các nguyên tắc chọn tuyến đường;

- Các phương án hướng tuyến, so sánh lựa chọn;

- Các phương án điểm nối ray, so sánh lựa chọn;

- Các phương án trị số R min và so sánh lựa chọn;

- Các chỉ tiêu thiết kế bình diện của phương án lựa chọn (chiều dài đường chim bay, chiều dài tuyến, hệ số triển tuyến, chiều dài đoạn thẳng, chiều dài đoạn cong (chia theo R lớn hơn thông thường, R thông thường, R min tương ứng với số lượng đường cong).

b. Mặt cắt dọc tuyến đường:

- Các trị số độ dốc chỉ đạo có khả năng và sơ bộ chọn trị số này cho các phương án tuyến;

- Các nguyên tắc thiết kế mặt cắt dọc (tùy tình hình địa hình, địa chất, thủy văn mà thiên về đào hay đắp, phối hợp giữa đường đỏ và định chiều dài cầu cạn, hầm, giao cắt…);

- Phân đoạn thiết kế mặt cắt dọc (đoạn vạch tuyến tự do, đoạn vạch tuyến gò bó);

- Các chỉ tiêu thiết kế mặt cắt dọc của phương án lựa chọn (số lượng dốc nhỏ hơn dốc chỉ đạo và số lượng dốc lớn hơn dốc chỉ đạo/ chiều dài tương ứng…).

c. Nền đường (các phương án):

- Phân đoạn nền đường thông thường và nền đường đặc biệt;

- Các mặt cắt ngang điển hình ứng với nền đường thông thường;

- Các giải pháp thiết kế xử lý ứng với đoạn nền đường đặc biệt;

- Các công trình thoát nước dọc tuyến (có thể ở trong phạm vi nền đường, có thể ở ngoại phạm vi nền đường);

- Các mở đất, đường vận chuyển đất và cự ly vận chuyển;

- Khối lượng công trình các loại (ghi rõ phạm vi tính) và giải pháp xây dựng (khái quát).

d. Các công trình cải dịch và giao cắt (các phương án):

- Thống kê các công trình hiện hữu phải cải dịch, đề nghị để đơn vị nào lập thiết kế cải dịch (đối với các công trình chuyên ngành);

- Các công trình cụ thể phải cải dịch do đơn vị lập dự án khả thi đường sắt thực hiện trong dự án (có công trình lớn phải lập hồ sơ như đường và cầu ôtô vượt đường sắt, cải đoạn sông suối dài, cải một đoạn ôtô dài…);

- Các giao cắt cùng mức và khác mức với các đường giao thông;

- Khối lượng công trình các loại và giải pháp xây dựng (khái quát).

e. Kiến trúc băng trên (KTTT) chính tuyến:

- Nguyên tắc lựa chọn loại hình KTTT;

- Mặt cắt ngang điển hình KTTT;

- Khối lượng kiến trúc tầng trên (ghi rõ phạm vi tính) và giải pháp xây dựng (khái quát).

2.3.4.2. Công trình điểm phân giới  (cho từng phương án):

· Xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế phân bố điểm phân giới;

· Dự kiến địa điểm, chức năng, nhiệm vụ, quy mô các ga ứng với các năm khai thác tính toán;

· Thiết kế các ga;

· Khối lượng công trình các ga (nêu rõ phạm vi tính) và giải pháp xây dựng (khái quát).

2.3.4.3. Công trình cầu (cho từng phương án)

· Xác định tải trọng thiết kế, khổ giới hạn, tĩnh không thông thuyền, tần suất lũ tính toán (tĩnh không cầu vượt, cao độ đường phải vượt);

· Dự kiến vị trí, loại hình kết cấu phần dưới và phần trên;

· Tính toán khẩu độ, dự kiến bố trí các nhịp cầu;

· Tính toán khẩu độ, dự kiến bố trí các nhịp cầu;

· Dự kiến giải pháp xây dựng (khái quát);

· Khối lượng công trình chủ yếu.

2.3.4.4. Công trình hầm (cho từng phương án tuyến)

· Khổ giới hạn thiết kế (trên đường thẳng và trên đường cong cho các hầm trên đường cong);

·  Căn cứ vào tình hình cụ thể để dự kiến vị trí cửa vào, cửa ra, để phân đoạn áp dụng các loại áo hầm khác nhau;

· Phương án thông gió (thông gió tự nhiên, nhân tạo) phương án thoát nước, phương án chiếu sáng;

· Dự kiến giải pháp xây dựng (khái quát);

· Khối lượng công trình từng hầm và từng phương án tuyến.

2.3.4.5. Công trình cống (cho từng phương án tuyến)

· Thống kê cống (theo loại hình và chiều dài tương ứng)

2.3.4.6. Công trình nhà xưởng:

· Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, định biên CBCVN cho yêu cầu sản xuất để xác định địa điểm, diện tích sử dụng đất, diện tích các khu nhà, cấp nhà;

· Thống kê nhà xưởng toàn tuyến của phương án tuyến lựa chọn (vị trí chức năng nhà, cấp nhà, diện tích xây dựng, diện tích sàn, các công trình phụ ở từng khu vực).

· Thiết kế sơ bộ các nhà ga tại các ga khu đoạn (tại các ga tránh dùng thiết bị định hình).

2.3.4.7. Công trình đầu máy:

· Các tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế để thiết kế công trình đầu máy;

· Tính toán thiết kế công trình đầu máy (số Km chạy/năm của đầu máy trên tuyến, số đầu máy sử dụng, số đầu máy chi phối, số đầu máy chữa các cấp (ky, cấp II, cấp I, giữa kỳ) số vị trí sửa chữa các cấp);

· Xác định địa điểm, chức năng nhiệm vụ, công suất của các đoạn (xí nghiệp) và của các trạm đầu máy;

· Dự kiến các công trình, thiết kế chủ yếu cho các đoạn, trạm đầu máy;

· Xác định quan hệ hợp tác với các đoạn, trạm thuộc các tuyến liên quan.

· Thiết kế các xí nghiệp, trạm đầu máy.

2.3.4.8. Công trình toa xe:

· Các tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế để thiết kế công trình toa xe;

· Tính toán số toa xe vận dụng, số toa xe cần thiết, số toa xe sửa chữa các cấp.

· Xác định địa điểm, chức năng nhiệm vụ, công suất của các đoạn (xí nghiệp) và của các trạm toa xe;

· Xác định quan hệ hợp tác với các đoạn, trạm thuộc các tuyến liên quan;

· Dự kiến các công trình, thiết bị chủ yếu cho các đoạn, trạm toa xe.

· Thiết kế các xí nghiệp, trạm toa xe.

2.3.4.9. Công trình tín hiệu, liên khóa, đóng đường (TLĐ):

· Nguyên tắc thiết kế;

· Xác định loại hình thiết bị TLĐ đối với các ga, các khu gian, các đường ngang;

· Khối lượng công trình xây lắp và thống kê các thiết bị chủ yếu;

· Yêu cầu nhà xưởng TLĐ.

2.3.4.10. Công trình thông tin:

· Nguyên tắc thiết kế;

· Phạm vi thiết kế công trình thông tin;

· Các phương án thiết kế mạng thông tin [các hệ thông tin, các trạm thông tin (tổng đài, các thiết bị đầu cuối, các thiết bị ghép kênh), đường dây truyền dẫn];

· Yêu cầu về nhà cửa cho thông tin.

· Khối lượng công trình xây lắp và thiết bị.

2.3.4.11. Công trình cấp điện, cấp nước:

· Xác định các hộ tiêu thụ điện, nước và yêu cầu điện nước của các hộ đó;

· Dự kiến về nguồn điện, nguồn nước;

· Phạm vi thiết kế và mức độ thiết kế (công trình trong và ngoài hàng rào);

· Dự kiến khối lượng công trình, thiết bị chủ yếu.

2.3.5. Phân tích lựa chọn các phương án

a. Tính toán chi phí xây dựng của các phương án

b. Tính toán thu chi trong thời gian khai thác của các phương án

c. So sánh lựa chọn các phương án về mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường.

2.4. Phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật công nghệ GTVT đường sắt (công nghệ phổ biến trong nước hay phải nhập ngoại, ưu nhược điểm, điều kiện cung cấp trang thiết bị chuyển giao công nghệ).

2.5. Phân tích lựa chọn các phương án tổ chức thi công

2.6. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có)

2.7. Đánh giá tác động môi trường đối với các phương án

2.7.1. Hiện trạng môi trường khu vực dự án;

2.7.2. Tác động của tuyến đường tới môi trường (được xem xét trong giai đoạn nghiên cứu chọn tuyến, trong bố trí các công trình, trong giai đoạn xây dựng, khi đưa đường vào khai thác)

2.7.3. Các biện pháp và chi phí để giảm thiểu các tác động bất lợi tới môi trường ở các giai đoạn;

2.7.4. Bảng kê các thông số môi trường (các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường, nguồn và giá trị, mối hại môi trường, khuyến nghị các biện pháp bảo vệ, đánh giá tác động môi trường (chia ra loại có ý nghĩa, loại nhỏ, loại trung bình, loại lớn).

2.7.5.  Kết luận.

2.8. Phương án quản lý khai thác, sử dụng lao động

2.8.1. Dự kiến phân chia khu vực quản lý khai thác chạy tàu và duy tu bảo dưỡng cầu, đường, thông tin - tín hiệu, đoạn trạm đầu máy - toa xe;

2.8.2. Dự kiến định biên CBCNV tại các cơ sở đường sắt trong dự án;

2.8.3. Xác định yêu cầu đào tạo CBCNV (khi áp dụng loại hình thiết bị mới, công nghệ khai thác mới) và dự kiến chi phí thực hiện.

2.9. Tổng mức đầu tư, nguồn vốn

2.9.1. Xác định tổng mức đầu tư của các phương án;

2.9.2. Nguồn vốn chia ra vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng và trang thiết bị khai thác thuộc các chủ đầu tư khác nhau - Phương án huy động các nguồn vốn;

2.9.3. Phân kỳ đầu tư.

2.10. Phân tích hiệu quả đầu tư

2.10.1. Phân tích đánh giá dự án về mặt kinh tế, tài chính

2.10.2. Phân tích đánh giá dự án về mặt xã hội và môi trường

2.11. Các mốc thời gian chính thực hiện dự án

2.12. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án

2.13. Xác định chủ đầu tư

2.14. Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án

Phần 3. Các kết luận và kiến nghị

3.1. Các kết luận về:

+ Tính khả thi kinh tế, kỹ thuật của dự án;

+ Yêu cầu và thời gian đầu tư vào công trình thuộc dự án và cho các tuyến liên quan;

+ Bước thiết kế kỹ thuật và các lưu ý cho bước này;

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 3. Quyết định duyệt đề cương, dự toán lập báo cáo nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 4. Đề cương lập nghiên cứu khả thi (được duyệt);

Phụ lục 5. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 6. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 7. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, các quyết định về chiến lược phát triển ngành, vùng lãnh thổ;

Phụ lục 8. Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 9. Các văn bản khác (như văn bản làm việc với các địa phương vùng thực hiện dự án, văn bản họp có các quyết định liên quan đến nội dung của dự án, các văn bản trả lời của các ngành, các địa phương liên quan đến dự án…).

Phụ lục 10. Các thông báo về báo cáo NCKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

B2. DANH MỤC CÁC BẢN VẼ THIẾT YẾU TRONG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT

1. Bản đồ giao thông khu vực thực hiện dự án;

2. Bình đồ cao độ tỷ lệ 1:10.000 trên đó có vạch các phương án tuyến;

3. Bình diện các ga tỷ lệ 1:2000;

4. Mặt cắt dọc các phương án tuyến;

5. Mặt cắt ngang nền đường đại diện;

6. Mặt cắt ngang kiến trúc tầng trên;

7. Bố trí chung các cầu lớn, các cầu trung;

8. Bố trí chung các hầm lớn và hầm vừa;

9. Sơ đồ thông tin liên lạc;

10. Sơ đồ tín hiệu các ga;

11. Kiến trúc của các nhà ga lớn (tại các thị trấn, thị xã);

12. Các bản vẽ bố trí chung và dây truyền công nghệ tại các xí nghiệp, trạm đầu máy, toa xe.

13. Các bản vẽ cải dịch các công trình hiện hữu do tuyến dự án chiếm dụng vị trí của các công trình đó.

14. Các bản vẽ thể hiện sự cải tạo, nâng cấp các công trình lên tuyến hiện tại (do dự án tuyến mới nối vào tuyến hiện tại mà phải cải tạo, nâng cấp tuyến hiện tại).

 

PHỤ LỤC 4

HƯỚNG DẪN MỤC LỤC NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI VÀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH CẦU LỚN

A. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI

A1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài nguyên sử dụng

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCTKT

2.1. Các căn cứ, sự cần thiết phải đầu tư, các thuận lợi, khó khăn

2.1.1. Hiện trạng kinh tế xã hội

a. Sơ lược về hiện trạng kinh tế, xã hội trong khu vực

b. Sơ lược về một số ngành kinh tế

2.1.2. Quy hoạch phát triển

a. Mục tiêu tổng quát của phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

b. Định hướng dài hạn phát triển công nghệ (các khu công nghiệp, các vùng kinh tế v.v…).

c. Định hướng phát triển du lịch - dịch vụ

d. Định hướng phát triển nông-lâm-ngư nghiệp

2.1.3. Dự báo nhu cầu vận tải

a. Tình hình mạng lưới giao thông vận tải khu vực

- Hệ thống cảng biển

- Hệ thống đường bộ

- Hệ thống đường sông

- Hệ thống đường sắt

- Hệ thống hàng không

- Đường sông.

b. Tình hình vận tải trong khu vực:

Mô tả trạng thái kỹ thuật và tình hình vận tải tuyến đường cần xây dựng cầu (hiện tại và tương lai phát triển) nêu rõ công trình phương tiện vượt sông hiện tại cùng các ưu nhược điểm của công trình phương tiện đó.

c. Dự báo nhu cầu vận tải

- Mô hình và phương pháp dự báo vận tải

- Dự báo khu vực hấp dẫn và kết quả dự báo.

2.1.4. Phân tích sự cần thiết phải đầu tư, các thuận lợi khó khăn

2.2. Dự kiến hình thức đầu tư (khôi phục, cải tạo hay xây dựng mới)

2.3. Chọn khu vực địa điểm xây dựng cầu

2.3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực dự án

a. Đặc điểm địa hình

b. Đặc điểm khí tượng, thủy văn

c. Đặc điểm địa chất

2.3.2. Các phương án kỹ thuật

a. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật

b. Các phương án lựa chọn vị trí cầu

c. Các phương án kết cấu cầu

d. Các phương án đường dẫn hai đầu cầu.

2.3.3. Phân tích đánh giá về việc sử dụng đất và ảnh hưởng về môi trường xã hội, tái định cư.

2.4. Phân tích lựa chọn sơ bộ các phương án thi công

2.5. Đánh giá sơ bộ các tác động môi trường

2.5.1. Mở đầu

2.5.2. Các điều kiện mục tiêu hiện tại

a. Khí hậu

b. Tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái

c. Chất lượng cuộc sống con người

2.5.3. Đánh giá sơ bộ các tác động môi trường

2.5.4. Kết luận

2.6. Tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn

2.6.1. Khối lượng xây lắp (các phương án)

2.6.2. Kiến nghị chỉ tiêu giá thành xây dựng để tính tổng mức đầu tư

2.6.3. Ước tính tổng mức đầu tư (các phương án)

2.6.4. Kết quả so sánh lựa chọn phương án

2.6.5. Phương án huy động vốn.

2.7. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CỦA DỰ ÁN

2.7.1. Đánh giá kinh tế tài chính

2.7.2. Các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

2.8. Phân tích tính độc lập khi khai thác để đề xuất sự phân kỳ đầu tư (nếu được và nếu kết luận dự án cần tiếp tục bước NCKT)

Phần 3. Kết luận kiến nghị

3.1. Kết luận

3.2. Kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư.

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 3. Đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi (được duyệt);

Phụ lục 4. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 5. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 6. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, về chiến lược của ngành hoặc vùng lãnh thổ có liên quan đến dự án;

Phụ lục 7. Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 8. Các văn bản khác liên quan đến dự án;

Phụ lục 9. Các thông báo về báo cáo NCTKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

A2. CÁC BẢN VẼ KÈM THEO

Bản vẽ 1. Bản đồ giao thông khu vực nghiên cứu dự án.

Bản vẽ 2. Bình đồ tỷ lệ 1:25.000 hoặc 1:50.000, trên đó có vẽ các phương án vị trí cầu.

Bản vẽ 3. Mặt cắt dọc các phương tuyến vị trí cầu.

Bản vẽ 4. Bố trí chung các phương án kết cấu.

B. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

B1. THUYẾT MINH

Bản đồ vị trí tổng quát

Vị trí nghiên cứu khu vực dự án

Phối cảnh

Phần 1. Giới thiệu chung

1.1. Cơ sở dự án

1.1.1. Căn cứ pháp lý cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (như quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư, quyết định thông qua nghiên cứu tiền khả thi, quyết định duyệt đề cương lập nghiên cứu khả thi kèm theo đề cương lập nghiên cứu khả thi của đơn vị dự án và tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương đó, hợp đồng kinh tế…).

1.1.2. Các vấn đề tiên quyết: nếu tóm tắt những vấn đề đã được quyết định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có báo cáo này được thông qua) hoặc những vấn đề đã được quyết định trong chiến lược phát triển vùng lãnh thổ hoặc ngành, những vấn đề đã được quyết định trong quy hoạch ngành, hoặc lãnh thổ…

1.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi ở mức độ nghiên cứu đối với các công trình, thiết bị trong dự án.

1.3. Tiến độ nghiên cứu và phác thảo dự án

1.4. Tổ chức nghiên cứu

1.5. Các thông báo cuộc họp đã tổ chức trong thời gian nghiên cứu

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Các kế hoạch và chính sách kinh tế

a. Các kế hoạch và chính sách kinh tế

b. Triển vọng phát triển kinh tế

2.1.2. Cơ cấu tổ chức kinh tế, xã hội

a. Tình hình dân số và sự biến động của dân số

b. Tổng sản phẩm xã hội trong vùng và mục tiêu phát triển

2.1.3. Quy hoạch giao thông và quy hoạch tổng thể khu vực

a. Các quy hoạch giao thông

b. Quy hoạch của tỉnh khu vực dự án

c. Các dự án hiện nay

d. Triển vọng của mô hình giao thông.

2.1.4. Khảo sát giao thông và nhu cầu giao thông trong tương lai, sự cần thiết phải đầu tư

2.1.4.1. Khảo sát giao thông đường bộ.

a. Dịch vụ phà (nếu có)

b. Lưu lượng giao thông đường bộ

c. Việc sử dụng các phương tiện

d. Mục đích các chuyến đi và các loại hàng hóa

e. Nơi khởi hành và nơi đến

2.1.4.2. Hoạt động của bến phà (nếu có)

a. Thời gian chờ đợi và ở trên phà

b. Giá vé qua phà

2.1.4.3. Khảo sát giao thông đường thủy

a. Các đường thủy nội địa

b. Lượng giao thông đường thủy nội địa

c. Các loại hàng hóa và việc sử dụng tàu thuyền

d. Nơi khởi hành và nơi đến

2.1.4.4. Khảo sát giao thông đường sắt (nếu có)

a. Các đường sắt nội địa

b. Lượng giao thông đường sắt nội địa

c. Các loại hàng hóa

d. Nơi khởi hành và nơi đến

2.1.4.5. Dự báo yêu cầu giao thông

a. Các loại giao thông

b. Loại xe

c. Năm dự báo

d. Phân vùng

e. Mô hình dự báo

f. Giao thông bình thường và tăng thêm

g. Giao thông chuyển hướng

h. Giao thông được thu hút

2.1.4.6. Kết quả dự báo yêu cầu giao thông

a. Các trường hợp nghiên cứu

b. Kết quả dự báo cho các năm tính toán

2.1.4.7. Phân tích sự cần thiết phải đầu tư

2.2. Hình thức đầu tư (khôi phục cải tạo nâng cấp hay làm mới)

2.3. Phương án địa điểm cầu, phương án kết cấu cầu, phương án đường đầu cầu

2.3.1. Khảo sát và đánh giá điều kiện tự nhiên

a. Khảo sát địa hình, địa mạo

b. Khảo sát điều kiện khí hậu, khí tượng, thủy văn, thủy lực

c. Khảo sát điều kiện địa chất công trình.

2.3.2. Quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật

a. Tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật

b. Tải trọng thiết kế

c. Tiêu chuẩn thiết kế hình học

2.3.3. Lựa chọn vị trí cầu

a. Nguyên tắc lựa chọn phương án-vị trí cầu

b. Các phương án vị trí cầu

c. Phân tích so sánh và lựa chọn phương án kiến nghị

2.3.4. Các phương án kết cấu cầu

a. Nguyên tắc thiết kế

b. Phân tích, lựa chọn, các dạng kết cấu tối ưu sử dụng

· Chiều dài nhịp tối ưu và loại cầu chính

· Loại cầu tối ưu và chiều dài nhịp cho cầu dẫn (nếu có)

· Độ dốc phần cầu dẫn (nếu có)

· Mặt cắt dọc và mặt cắt ngang

· Chiều cao đường đắp

· Loại nút giao (nếu có)

c. Các phương án thiết kế

d. Phân tích lựa chọn phương án kiến nghị

2.3.5. Các phương án tuyến hai đầu cầu

a. Cơ sở lựa chọn các phương án tuyến

· Những nét đặc trưng của địa điểm

· Kế hoạch tương lai và các dự án hiện nay

b. Các phương án tuyến

c. Kết cấu đường

d. Phân tích và lựa chọn phương án tuyến hai đầu cầu

2.4. Thiết kế tổ chức xây dựng

2.4.1. Tổng quát

2.4.2. Phác họa dự án

2.4.3. Những hạng mục thi công chính

2.4.4. Thi công kết cấu bên trên

2.4.5. Thi công kết cấu vật liệu xây dựng

2.4.6. Nguồn cung cấp vật liệu xây dựng

2.4.7. Phần chia gói thầu và tiến độ xây dựng

a. Gói thầu xây dựng

b. Tiến độ xây dựng

2.5. Phương án giải phóng mặt bằng, kế hoạch tái định cư (nếu có)

2.6. Đánh giá tác động môi trường

2.6.1. Môi trường tự nhiên hiện hữu

a. Môi trường vật lý

b. Môi trường sinh học

c. Việc sử dụng đất và tài nguyên nước

d. Chất lượng nước

e. Chất lượng không khí và tiếng ồn

f. Giá trị về cảnh quan / thẩm mỹ

g. Khu bảo tồn và tình trạng bảo tồn thiên nhiên.

2.6.2. Đánh giá tác động môi trường tự nhiên

a. Dự báo tác động môi trường trong trường hợp không có dự án

b. Dự báo và đánh giá tác động môi trường tự nhiên.

2.6.3. Môi trường kinh tế xã hội hiện hữu

a. Môi trường xã hội hiện hữu

b. Môi trường kinh tế hiện hữu

c. Các khu định cư hiện nay tại tuyến phà và vị trí cầu dự kiến

d. Những vấn đề tổng quát về quyền sử dụng đất, việc thu hồi đất và tái định cư.

2.6.4. Đánh giá tác động môi trường kinh tế xã hội

a. Dự báo tác động kinh tế xã hội trong trường hợp không có dự án

b. Dự báo và đánh giá tác động kinh tế xã hội trong giai đoạn thi công.

c. Dự báo và đánh giá tác động kinh tế xã hội trong giai đoạn sử dụng cầu.

2.6.5. Biện pháp giảm nhẹ được đề xuất

a. Biện pháp giảm nhẹ tác động môi trường tự nhiên

b. Biện pháp giảm nhẹ tác động kinh tế xã hội bất lợi

2.6.6. Chương trình theo dõi đề xuất

2.6.7. Ước tính chi phí môi trường

a. Chi phí đền bù cho việc mất nhà cửa và đất đai

b. Chi phí thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động môi trường và chương trình theo dõi.

2.7. Quản lý duy tu bảo dưỡng công trình

2.7.1. Tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình

2.7.2. Công trình, thiết bị, lao động cho quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình

2.8. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn

2.9. Phân tích hiệu quả đầu tư

2.9.1. Phân tích kinh tế

2.9.1.1. Các lợi ích

a. Lợi ích trực tiếp

b. Lợi ích gián tiếp

c. Ước tính các lợi ích

2.9.1.2. Chi phí kinh tế

a. Những tình huống của dự toán kinh tế (giá mờ)

b. Phương pháp dự toán kinh tế

c. Chi phí xây dựng kinh tế

2.9.1.3. Đánh giá kinh tế

a. Điều kiện để đánh giá kinh tế

b. Kết quả đánh giá

c. Phân tích tính độ nhạy

2.9.2. Phân tích tài chính

2.9.2.1. Tổng quát về phạm vi và phương pháp phân tích tài chính

2.9.2.2. Thu nhập

a. Mức tiền thu

b. Kết quả dự báo thu nhập

2.9.2.3. Chi phí tài chính

a. Chi phí xây dựng và duy tu bảo dưỡng

b. Chi phí liên quan đến hệ thống thu nhập

2.9.2.4. Đánh giá tài chính

a. Điều kiện đánh giá tài chính

b. Những trường hợp nghiên cứu

c. Kết quả

d. Kiến nghị

2.9.3. Phân tích các hiệu quả khác

2.10. Các mốc chính thực hiện dự án

2.10.1. Phác họa dự án

2.10.2. Các gói thầu

2.10.3. Lịch biểu thực hiện (trong đó có các mốc thời gian chính thực hiện dự án, thời gian khởi công chậm nhất, thời gian hoàn thành đưa dự án vào khai thác chậm nhất…).

2.10.4. Chi phí dự án

2.10.5. Lịch biểu ngân sách hàng năm

2.11. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án

2.12. Xác định chủ đầu tư

2.13. Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến dự án

Phần 3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

3.1.1. Tính khả thi kinh tế, kỹ thuật của dự án;

3.1.2. Yêu cầu và thời gian đầu tư vào công trình thuộc dự án và cho các tuyến liên quan;

3.1.3. Bước thiết kế và các lưu ý cho bước này;

3.1.4. Những vấn đề khác

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

Phụ lục 3. Quyết định duyệt đề cương, dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 4. Đề cương lập nghiên cứu khả thi (được duyệt);

Phụ lục 5. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập nghiên cứu khả thi;

Phụ lục 6. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, các quyết định về chiến lược phát triển ngành, vùng lãnh thổ;

Phụ lục 7.  Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 8. Các văn bản khác (như văn bản làm việc với các địa phương vùng thực hiện dự án, văn bản họp có các quyết định liên quan đến nội dung của dự án, các văn bản trả lời của các ngành, các địa phương liên quan đến dự án…).

B2. DANH MỤC CÁC BẢN VẼ THIẾT YẾU TRONG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH CẦU LỚN

1. Bản đồ mạng lưới giao thông khu vực có thể hiện vị trí công trình trong mạng lưới. Tỷ lệ 1/100.000 - 1/25.000

2. Bình đồ tỷ lệ 1/1000 trên đó thể hiện các phương án vị trí công trình, (trong đó bao gồm công trình chính, công trình phụ thuộc…).

3. Bản vẽ đường biểu diễn mực nước tỷ lệ 1/5.000 (đối với dự án cầu).

4. Mặt cắt địa chất công trình và những chỉ tiêu cơ lý cơ bản các vị trí công trình, tỷ lệ 1/1.000

5. Bản vẽ công trình cầu cũ (nếu có) thể hiện các kích thước cơ bản, các mặt cắt, mặt chính.

6. Bản vẽ bố trí chung các phương án công trình, mặt cắt ngang, mặt chính có thể hiện các kích thước cơ bản, bảng khối lượng công trình, vật liệu chủ yếu, tỷ lệ 1/1.000 - 1/500

7. Bản vẽ bố trí chung các công trình phụ thuộc như đường hai đầu cầu công trình nút giao thông, công trình chỉnh trị…

8. Bản vẽ các phương án cải tạo sửa chữa, gia cố (nếu là công trình khôi phục, cải tạo, nâng cấp). Tỷ lệ 1/1.000 - 1/500.

9. Bản vẽ các phương án đảm bảo giao thông khu vực công trình trong thời gian xây dựng.

10. Các bản vẽ biện pháp thi công tổng quát kèm ước tính khối lượng vật liệu thi công.

11. Bản vẽ dự kiến tổng mặt bằng xây dựng.

 

PHỤ LỤC 5

HƯỚNG DẪN MỤC LỤC NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI VÀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CÔNG TRÌNH CẢNG BIỂN & CẢNG SÔNG

A. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI

A1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu

1.3. Tổ chức thực hiện

1.4. Nguồn tài liệu sử dụng

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCTKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Xác định vùng hấp dẫn của cảng.

2.1.2. Hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và giao thông khu vực nghiên cứu.

2.1.3. Dự báo hàng hóa, hành khách qua cảng cho các năm tính toán.

2.1.4. HIện trạng và khuynh hướng phát triển đội tàu.

2.1.5. Dự báo đội tàu ra vào cảng.

2.1.6. Phân tích sự cần thiết phải đầu tư.

2.2. Hình thức đầu tư: khôi phục, cải tạo, nâng cấp đối với các công trình đơn vị của cảng.

2.3. Khu vực địa điểm xây dựng

2.3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực xây dựng cảng

a. Đặc điểm địa lý và địa hình.

b. Điều kiện địa chất

c. Điều kiện khí tượng, thủy hải văn

d. Điều kiện môi trường.

2.3.2. Quy mô và giải pháp kết cấu các hạng mục công trình chủ yếu

a. Công trình bến.

b. Đê chắn sóng.

c. Luồng tàu vào cảng và khu nước.

d. Kho và bãi chứa hàng.

e. Các công trình kiến trúc.

f. Đường giao thông trong cảng.

g. Mạng công trình kỹ thuật.

2.3.3. Quy hoạch mặt bằng cảng

a. Các phương án quy hoạch mặt bằng (tương lai xa và trước mắt)

b. So sánh lựa chọn phương án quy hoạch mặt bằng.

c. Sơ bộ phân tích về việc sử dụng đất đai và ảnh hưởng môi trường xã hội, tái định cư.

2.4. Công nghệ xếp dỡ hàng hóa

2.4.1. Phân tích khối lượng hàng hóa theo nhóm hàng và phương thức đi, đến cảng.

2.4.2. Sơ đồ công nghệ xếp dỡ các nhóm hàng.

2.4.3. Năng lực thông qua của các bến.

2.5. Phân tích sơ bộ phương án xây dựng, sơ bộ đánh giá tác động môi trường và sơ bộ về tổ chức quản lý khai thác cảng.

2.6. Ước tính tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư và nguồn vốn

2.6.1. Khối lượng xây lắp và thiết bị.

2.6.2. Ước tính tổng mức đầu tư cho xây lắp và thiết bị.

2.6.3. Phân kỳ đầu tư.

2.6.4. Khả năng và điều kiện huy động các nguồn vốn.

2.7. Phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế xã hội

2.7.1. Phân tích đánh giá dự án về mặt kinh tế - tài chính

2.7.2. Các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội.

2.8. Xác định tính độc lập khi vận hành khai thác của các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có và nếu kết luận dự án cần tiếp tục lập NCKT)

Phần 3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Những kết luận chính

3.2. Các kiến nghị

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT và đề cương được duyệt;

Phụ lục 3. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT

Phụ lục 4. Hợp đồng kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn;

Phụ lục 5. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, chiến lược của ngành vùng lãnh thổ;

Phụ lục 7. Các tài liệu bên A cấp;

Phụ lục 8. Các văn bản của UBND địa phương (tỉnh, thành phố) các ban ngành ở Trung ương có liên quan đến dự án.

Phụ lục 9. Các thông báo về báo cáo NCTKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

A2. CÁC BẢN VẼ

1. Bản đồ vị trí cảng, vùng hấp dẫn và mạng lưới giao thông khu vực (tỷ lệ 1/10.000-1/250.000).

2. Bình đồ địa điểm xây dựng (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

3. Các mặt cắt địa chất điển hình.

4. Tổng mặt bằng cảng theo các phương án (Tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

5. Mặt bằng các mạng công trình kỹ thuật (tỷ lệ 1.1000-1/10.000)

6. Sơ đồ công nghệ bốc xếp các loại hàng hóa (tỷ lệ 1/200-1/500)

7. Mặt cắt ngang, cắt dọc các công trình quan trọng (tỷ lệ 1/200-1/500).

B. BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI

B1. THUYẾT MINH

Phần 1. Mở đầu

1.1. Các căn cứ pháp lý lập báo cáo nghiên cứu khả thi

1.2. Nội dung được duyệt trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có)

1.3. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu.

1.4. Tổ chức thực hiện.

1.5. Nguồn tài liệu sử dụng.

Phần 2. Những nội dung chủ yếu của báo cáo NCKT

2.1. Sự cần thiết phải đầu tư

2.1.1. Xác định vùng hấp dẫn của cảng

2.1.2. Hiện trạng kinh tế, xã hội và giao thông khu vực nghiên cứu dự án

2.1.3. Phương hướng phát triển và các dự án kinh tế, xã hội, giao thông khu vực nghiên cứu

2.1.4. Dự báo hàng hóa, hành khách qua cảng cho các năm tính toán

2.1.5. Hiện trạng và khuynh hướng phát triển đội tàu

2.1.6. Dự báo đội tàu ra vào cảng

2.1.7. Phân tích sự cần thiết phải đầu tư

2.2. Hình thức đầu tư (khôi phục, cải tạo, nâng cấp xây dựng mới đối với các công trình đơn vị của cảng)

2.3. Các phương án địa điểm

2.3.1. Điều kiện tự nhiên khu vực xây dựng cảng

a. Đặc điểm địa lý và địa hình

b. Điều kiện địa chất

c. Điều kiện khí tượng

d. Điều kiện thủy hải văn

e. Điều kiện môi trường sinh thái và nhân văn

2.3.2. Quy mô và giải pháp kết cấu các hạng mục công trình chủ yếu

a. Công trình bến

b. Đê chắn sóng

c. Luồng tàu cào cảng và khu nước

d. Kho và bãi chứa hàng

e. Các công trình kiến trúc

f. Đường giao thông trong cảng

g. Mạng công trình kỹ thuật

2.3.3. Quy hoạch mặt bằng cảng

a. Các phương án quy hoạch mặt bằng (tương lai xa và trước mắt)

b. So sánh lựa chọn phương án quy hoạch mặt bằng

2.4. Công nghệ xếp dỡ hàng hóa

2.4.1. Phân tích khối lượng hàng hóa theo nhóm hàng và phương thức đi, đến cảng

2.4.2. Sơ đồ công nghệ xếp dỡ các nhóm hàng

2.4.3. Số lượng và chủng loại các thiết bị trong dây chuyền công nghệ bốc xếp.

2.4.4. Năng lực thông qua của các bến.

2.5. Phương án tổ chức thi công xây lắp

2.6. Phương án giải phóng mặt bằng, kế hoạch tái định cư

2.7. Đánh giá tác động môi trường chi tiết

2.7.1. Phân tích hiện trạng tài nguyên môi trường khu vực xây dựng cảng.

2.7.2. Phân tích các tác động môi trường khi xây dựng và khai thác cảng.

2.7.3. Các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường.

2.7.4. Kế hoạch giám sát môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác cảng.

2.8. Tổ chức quản lý và khai thác cảng

2.8.1. Mô hình tổ chức quản lý và khai thác cảng.

2.8.2. Cơ cấu và số lượng lao động.

2.8.3. Công trình, phương tiện, thiết bị cho quản lý, duy tu.

2.9. Tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư, nguồn vốn

2.9.1. Khối lượng xây lắp và thiết bị

2.9.2. Tổng mức đầu tư cho xây lắp và thiết bị

2.9.3. Phân kỳ đầu tư

2.9.4. Phương án huy động các nguồn vốn

2.10. Phân tích hiệu quả đầu tư

2.10.1. Đánh giá hiệu quả tài chính

2.10.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế

2.10.3. Các lợi ích và hậu quả về mặt xã hội

2.10.4. Đánh giá chung hiệu quả đầu tư

2.11. Các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư

2.12. Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án

2.13. Xác định chủ đầu tư

2.14. Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án

Phần 3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Những kết luận chính

3.2. Các kiến nghị

B2. CÁC BẢN VẼ

1. Bản đồ vị trí cảng, vùng hấp dẫn và mạng lưới giao thông khu vực (tỷ lệ 1/10.000-1/250.000)

2. Bình đồ địa điểm xây dựng (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

3. Bình đồ vị trí lỗ khoan (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

4. Các mặt cắt địa chất điển hình.

5. Tổng mặt bằng cảng theo các phương án (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

6. Mặt bằng cắt mạng công trình kỹ thuật (tỷ lệ 1/1.000-1/10.000)

7. Sơ đồ công nghệ bốc xếp các loại hàng hóa (tỷ lệ 1/200-1/500)

8. Mặt cắt ngang, cắt dọc các công trình quan trọng (tỷ lệ 1/200-1/500).

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO THUYẾT MINH

Phụ lục 1. Quyết định cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư;

Phụ lục 2. Quyết định duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT và đề cương được duyệt;

Phụ lục 3. Tờ trình của chủ đầu tư xin duyệt đề cương lập báo cáo NCTKT

Phụ lục 4. Hoạt động kinh tế ký giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn;

Phụ lục 5. Bản trích sao các quyết định về quy hoạch, chiến lược của ngành vùng lãnh thổ;

Phụ lục 6. Các tài liệu được bên A cấp;

Phụ lục 7. Các văn bản của UBND địa phương (tỉnh, thành phố) các ban ngành ở Trung ương có liên quan đến dự án.

Phụ lục 8. Các thông báo về báo cáo NCTKT đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ (nếu có).

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính TCVN 22TCN268:2000

Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
Số hiệu22TCN268:2000
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành17/11/2000
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật3 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
                Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
                Số hiệu22TCN268:2000
                Cơ quan ban hànhBộ Giao thông vận tải
                Người ký***
                Ngày ban hành17/11/2000
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật3 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

                            Lịch sử hiệu lực Tiêu chuẩn ngành 22TCN 268:2000 về quy định nội dung tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

                            • 17/11/2000

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực