Nội dung toàn văn Chỉ thị 02/1998/CT-TTg tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn hiện nay
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/1998/CT-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Trong công cuộc đổi mới của đất nước ta hiện nay, công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt.
Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''.
Trong những năm qua nhiều Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã có cố gắng trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, và đã thu được những kết quả tốt, đáp ứng được một phần yêu cầu của việc tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được đặt ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cấp, các ngành để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, và sự tham gia của toàn xã hội. Vì những hạn chế đó, nhu cầu thông tin về pháp luật của nhân dân trong thời gian qua chưa được đáp ứng đầy đủ.
Để đổi mới và đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật theo tinh thần Nghị quyết nêu trên của Đảng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Mỗi cán bộ, viên chức nhà nước phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình. Cán bộ, viên chức Nhà nước phải là những người gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước và góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kịp thời chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương theo Chương trình ban hành kèm theo Chỉ thị này.
Trước mắt các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải làm tốt các việc sau đây:
a) Kiện toàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương, lấy tổ chức pháp chế ngành và cơ quan tư pháp làm nòng cốt; bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
b) Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng trong việc phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật cần thiết cho từng đối tượng, nhất là cán bộ chính quyền cấp cơ sở, các tầng lớp nhân dân.
c) Huy động lực lượng đông đảo cán bộ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng tham gia hoạt động này.
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hướng dẫn chính quyền địa phương các cấp đưa công tác này vào nề nếp. Cần chú trọng việc xây dựng đề cương, hướng dẫn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho từng đối tượng, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ tuyên truyền về pháp luật. Cần làm tốt việc phối hợp với ủy ban Dân tộc và Miền núi, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; thực hiện phương châm xoá mù chữ kết hợp với xoá mù pháp luật cho nhân dân.
4. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng dành thời lượng thông tin thích đáng cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật với các hình thức thích hợp. Tăng cường đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về pháp luật của các báo, đài trung ương và địa phương. Phải kịp thời uốn nắn những lệch lạc, bảo đảm cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện đúng hướng, đạt kết quả cao; khẩn trương có biện pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất bản, in ấn sách báo về pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác giảng dạy pháp luật trong các trường học. Sớm nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục pháp luật với tỷ lệ đơn vị học trình hợp lý, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu môn học pháp luật cho học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp giảng dạy pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy pháp luật trong các trường học. Phải xác định rõ pháp luật là môn học chính khoá trong mọi cấp học, bậc học; phải có kiểm tra, tiến tới thi hết môn. Kết quả học tập môn này được xem là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá về việc rèn luyện tư cách, đạo đức của học sinh, sinh viên.
6. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Học viện Hành chính Quốc gia chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy pháp luật phục vụ cho việc bồi dưỡng, đào tạo công chức, viên chức Nhà nước tại các trường hành chính, trường chính trị, trường cán bộ quản lý của các ngành, đoàn thể. Phải phối hợp với Bộ, ngành đưa nội dung pháp luật vào thi tuyển, thi nâng bậc, chuyển ngạch công chức, viên chức phù hợp với từng loại đối tượng. Chú trọng tập huấn bồi dưỡng chuyên đề về pháp luật thường xuyên cho cán bộ, nhân viên ở các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương.
7. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất chỉ đạo nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
8. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, tổ chức kiểm tra thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi địa phương mình.
9. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ban hành kèm theo Quyết dịnh số: 03/1998/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhiệm vụ được phân công và dự toán kinh phí triển khai Kế hoạch này theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đối với các đơn vị hưởng ngân sách nhà nước thì chi phí phổ biến, giáo dục pháp luật được tính trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
10. Đề nghị các cơ quan của Đảng, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Luật gia và các thành viên khác của Mặt trận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
11. Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |