Nội dung toàn văn Chỉ thị 36/2007/CT-UBND xây dựng thực hiện quy ước ấp khu phố Tiền Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2007/CT-UBND | Mỹ Tho, ngày 20 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY ƯỚC ẤP, KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Thực hiện Nghị quyết 24/2001/NQ-HĐNDK6 ngày 01/3/2001 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về định hướng nội dung quy ước ở ấp (khu phố, khóm), ngày 20/6/2001 Ủy ban nhân dân tỉnh có Văn bản số 741/CV.UB hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện quy ước ở ấp (khu phố, khóm) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua 6 năm tổ chức triển khai thực hiện, đến nay có 995/1009 ấp (khu phố, khóm) đã xây dựng quy ước được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn ấp (khu phố, khóm) đạt tỷ lệ 90%. Việc xây dựng và thực hiện quy ước ấp (khu phố, khóm) góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, một số quy ước có nội dung mang tính rập khuôn theo quy ước mẫu, chưa cụ thể với điều kiện riêng của ấp (khu phố, khóm); việc xây dựng quy ước chưa phù hợp quy định pháp luật nên phải chỉnh sửa nhiều lần, việc thực hiện quy ước chưa được thường xuyên, liên tục trong cộng đồng dân cư.
Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy ước ấp, khu phố, góp phần phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng cộng đồng dân cư, đồng thời để tổ chức thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của quy ước, tích cực tham gia xây dựng và tự giác thực hiện quy ước ấp, khu phố.
2. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Báo Ấp Bắc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận phối hợp chỉ đạo lồng ghép việc thực hiện quy ước với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" góp phần xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn nội dung quy ước đảm bảo có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, không lặp lại những nội dung đã được pháp luật quy định, thể hiện cao tính tự quản của nhân dân, giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa ở địa phương, góp phần hỗ trợ cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
- Phối hợp Sở Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc của địa phương, cơ sở trong quá trình xây dựng và thực hiện quy ước.
- Hướng dẫn trình tự thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước, thẩm quyền công nhận quy ước phù hợp quy định Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã nâng cao chất lượng thẩm định nội dung quy ước trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận quy ước, đảm bảo các quy ước có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, có tính khả thi trong thực tiễn.
4. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Tư pháp đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của việc xây dựng và thực hiện quy ước, các mô hình mẫu về nếp sống văn hóa, gắn với việc tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở; nêu gương những điển hình tiên tiến, phát hiện và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái hoặc lợi dụng quy ước để duy trì các hủ tục, tập quán lạc hậu.
- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành, thị trong việc thẩm định các quy ước ấp, khu phố đảm bảo các quy ước khi được công nhận không trái quy định pháp luật, không lặp lại các nội dung đã được điều chỉnh bằng quy định pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện quy ước cho cán bộ cấp xã, trưởng ấp, trưởng khu phố, người trực tiếp tham gia soạn thảo quy ước.
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở và triển khai thực hiện quy ước. Phấn đấu đến cuối năm 2008, có 100% ấp, khu phố trên địa bàn cấp huyện xây dựng xong quy ước và được Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận.
- Kiểm tra việc triển khai quy ước, đảm bảo quy ước được công nhận phải được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư, đến từng người dân. Tăng cường việc kiểm tra thực hiện quy ước trong ấp, khu phố.
- Theo dõi việc thực hiện quy ước, chỉ đạo hướng dẫn cơ sở kịp thời sửa đổi, bổ sung nội dung quy ước, đảm bảo quy ước không trái với quy định chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp điều kiện thực hiện cụ thể tại địa bàn dân cư ấp, khu phố.
- Chỉ đạo ấp (khu phố, khóm) tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện quy ước gắn với ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hàng năm. Khen thưởng những khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước.
- Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc xây dựng và thực hiện quy ước (gởi về Sở Tư pháp và Sở Văn hóa - Thông tin tổng hợp).
6. Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện quy ước, xem xét nội dung quy ước và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận quy ước theo quy định.
Sở Tư pháp và Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện và định kỳ năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |