Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15

Nội dung toàn văn Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc


ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Pháp lệnh số:   /2022/UBTVQH15

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2022

DỰ THẢO 2

 

 

PHÁP LỆNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14;

Căn cứ Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân (sau đây gọi chung là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 2. Nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy.

2. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

3. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết khi xét thấy không có biện pháp khác phù hợp hơn.

Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi chung là người bị đề nghị).  

4. Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bí mật riêng tư của người bị đề nghị phải được tôn trọng và bảo vệ.

5. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán thực hiện.

6. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

7. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

8. Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án là tiếng Việt.

Người bị đề nghị, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch.

9. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

10. Bảo đảm quyền của người bị đề nghị được giải trình trước Tòa án, tranh luận với cơ quan đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

11. Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 Điều 3. Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc Tòa án nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Điều 4. Kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.

Điều 5. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp trái pháp luật vào việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của Tòa án.

3. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

Điều 6. Trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân tối cao quản lý công tác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của các Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp trong việc đề xuất ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

2. Tổ chức việc thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

3. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

4. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của các Tòa án.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 7. Thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại điểm h khoản 2 Điều 20 của Pháp lệnh này; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Điều 8. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.

Điều 9. Phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh này, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thẩm phán được phân công phải là người có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

2. Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

3. Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 10. Những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp

1. Là người thân thích của người bị đề nghị.

2. Đã tiến hành xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó.

3. Đã tiến hành việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó.

4. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 11. Thông báo về việc thụ lý

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên Tòa án đã thụ lý hồ sơ;

c) Số, ngày, tháng, năm thụ lý hồ sơ;

d) Tên cơ quan đề nghị;

đ) Họ và tên, địa chỉ của người bị đề nghị.

Điều 12. Kiểm tra hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Thẩm phán được phân công phải kiểm tra hồ sơ về các nội dung sau đây:

a) Tài liệu trong hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy;

b)

Phương án 1

Thời hiệu quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng kể từ ngày người từ 12 đến dưới 18 tuổi thực hiện lần cuối cùng hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy;

Phương án 2

Không quy định nội dung này.

c) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế để làm rõ tình trạng nghiện của họ; tham vấn ý kiến của những người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau đây:

a) Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;

b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 13. Quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị

1. Kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý cho đến thời điểm Tòa án mở phiên họp, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án đã thụ lý.

2. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có thể được thực hiện tại Tòa án, gửi qua bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án hoặc thực hiện sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho Tòa án.

Điều 14. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ

1. Thẩm phán yêu cầu Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện bổ sung tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp sau đây:

a) Khi tài liệu chứng minh tình trạng nghiện của người bị đề nghị hoặc các tài liệu khác chưa rõ hoặc có mâu thuẫn mà không thể bổ sung, làm rõ được tại phiên họp;

b) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và lý do của việc yêu cầu bổ sung.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan được yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung cho Tòa án.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung hoặc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện không bổ sung tài liệu, chứng cứ, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 15. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Hết thời hiệu quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (nếu theo phương án 1 tại điểm b khoản 1 Điều 12);

b) Người bị đề nghị đã chết;

c) Người bị đề nghị không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy;

d) Người bị đề nghị là người không có năng lực trách nhiệm dân sự;

đ) Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị rút đề nghị;

g) Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện không bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh này;

h) Người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

e) Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại điện hợp pháp của người bị đề nghị thực hiện việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký các chất dạng thuốc phiện thay thế về điều trị cai nghiện.

2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Người bị đề nghị có hành vi có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó;

b) Người bị đề nghị bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu cơ quan đề nghị tiến hành trưng cầu giám định;

d) Có sự kiện bất khả kháng không thể mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.

Điều 16. Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có thể được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần.

2. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung chính sau đây:

a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị đề nghị;

b) Họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp;

c) Họ tên của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị;

đ) Ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp trực tiếp hoặc trực tuyến;

e) Họ và tên Thẩm phán và Thư ký phiên họp;

g) Họ và tên của Kiểm sát viên;

h) Họ và tên người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

i) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);

3. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i khoản 2 Điều này.

Điều 17. Thành phần phiên họp

1. Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp.

2. Người tham gia phiên họp gồm có Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, Kiểm sát viên, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

3. Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định, người phiên dịch, chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị đề nghị cư trú (trong trường hợp công an cấp huyện, công an cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị) hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp

1. Yêu cầu thay đổi người tiến hành phiên họp.

2. Được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem tài liệu trong hồ sơ đề nghị.

3. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, giải trình, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

4. Ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia phiên họp đối với trường hợp là người bị đề nghị.

5. Được nhận các quyết định của Tòa án.

6. Được khiếu nại theo quy định của Pháp lệnh này.

7. Phải có mặt tại phiên họp theo yêu cầu của Tòa án.

8. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nội quy phiên họp.

9. Chấp hành quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

10. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Tham gia phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Người tham gia phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh này phải có mặt tại phiên họp; trường hợp Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị, Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.

2. Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3. Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà Tòa án không thể chỉ định người thay thế ngay được thì phải hoãn phiên họp.

4. Thời hạn hoãn phiên họp không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo hoãn. Tòa án phải thông báo về việc hoãn phiên họp cho những người tham gia phiên họp và nêu rõ lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp.

Đối với người vắng mặt tại phiên họp thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản.

Điều 20. Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây:

a) Phổ biến nội quy phiên họp;

b) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp.

c) Trường hợp mở phiên họp trực tuyến thì Tòa án kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên họp thông qua so sánh trực tuyến các giấy tờ tùy thân hoặc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp.

b) Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán phải xem xét; nếu có căn cứ thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định. Nếu phải thay đổi Thẩm phán mà không có Thẩm phán khác thay thế thì phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Pháp lệnh này;

c) Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị trình bày nội dung đề nghị xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị trình bày ý kiến về nội dung đề nghị của cơ quan đề nghị;

đ) Người tham gia phiên họp trình bày ý kiến về điều kiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đề nghị hoặc không đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

g) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thẩm phán công bố quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh này.

Điều 21. Biên bản phiên họp

Biên bản phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; thành phần tham gia phiên họp; nội dung, diễn biến phiên họp; quyết định của Thẩm phán. Biên bản phiên họp trực tuyến phải ghi rõ điểm cầu nơi mở phiên họp. Sau khi kết thúc phiên họp, Thẩm phán phải kiểm tra biên bản, cùng với Thư ký phiên họp ký vào biên bản. Kiểm sát viên, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị được xem biên bản phiên họp, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký xác nhận.

Điều 22. Nội dung quyết định của Tòa án

1. Các quyết định của Tòa án quy định tại điểm h khoản 2 Điều 20 của Pháp lệnh này phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

d) Họ và tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

đ) Họ và tên Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị;

e) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tên và địa chỉ của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

g) Lý do và các căn cứ ra quyết định;

h) Quyết định về việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Thời hạn cai nghiện bắt buộc;

k) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;

l) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

m) Hiệu lực của quyết định;

n) Nơi nhận quyết định.

2.  Hiệu lực quyết định của Tòa án

a) Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

b) Các quyết định khác của Tòa án có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định.

Điều 23. Việc gửi quyết định của Tòa án

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ, cơ quan lập hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 24. Quản lý hồ sơ về việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Tài liệu, văn bản do Tòa án ban hành trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được lập thành hồ sơ, đánh số bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC HOÃN, MIỄN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC; TẠM ĐÌNH CHỈ, MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC CÒN LẠI

Mục 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC HOÃN, MIỄN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 25. Trường hợp được hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp bị bệnh nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó tự nguyện cai nguyện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không nghiện ma túy.

Điều 26. Người có quyền đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện, cha mẹ hoặc người giám hộ của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có thể nộp đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa cơ sở cai nghiện bắt buộc đến Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để xem xét, giải quyết.

Đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, kèm theo các giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh này, được gửi trực tiếp tại Tòa án, theo đường bưu chính hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Điều 27. Nhận, thụ lý đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho người có đơn đề nghị, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp được gửi kèm theo bản phô tô đơn đề nghị, các giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh này.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.

3. Sau khi xem xét đơn đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Không chấp nhận đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên người có đơn đề nghị;

đ) Số, ngày, tháng, năm quyết định của Tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;

g) Quyết định của Tòa án;

h) Hiệu lực thi hành.

5. Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định và phải được gửi cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 28. Hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cư trú phải gửi văn bản báo cáo cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện đã đề nghị.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện xem xét, có văn bản đề nghị Tòa án hủy quyết định hoãn chấp hành, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện đã đề nghị, Tòa án xem xét và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện;

b) Không chấp nhận đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện.

4. Quyết định xem xét hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án ra quyết định;

c) Số, ngày, tháng, năm của quyết định hoãn chấp hành;

d) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;

đ) Quyết định của Tòa án;

e) Hiệu lực thi hành.

5. Quyết định xem xét hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày ra quyết định và phải được gửi cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị đề nghị, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc nơi người phải chấp hành sẽ được đưa vào và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể

Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC TẠM ĐÌNH CHỈ, MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC CÒN LẠI

Điều 29. Trường hợp được tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại

1. Người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định trong trường hợp bị bệnh nặng phải điều trị nội trú hơn 10 ngày tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.

2. Người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đang cai nghiện bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo thì được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 30. Người có quyền đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại

Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có thể gửi hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc có trụ sở để xem xét, giải quyết.

Điều 31. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho người có đơn đề nghị, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp được gửi kèm theo bản phô tô các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.

3. Sau khi xem xét đơn đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại;

b) Không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

4. Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian  đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Tên cơ sở cai nghiện bắt buộc lập hồ sơ đề nghị;

đ) Số, ngày, tháng, năm quyết định của Tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;

g) Quyết định của Tòa án;

h) Hiệu lực thi hành.

5. Quyết định tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định và phải được gửi cho người đang phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 32. Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại

1. Khi điều kiện tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại không còn thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại cư trú phải gửi văn bản báo cáo cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện đã đề nghị.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện xem xét, có văn bản đề nghị Tòa án hủy quyết định tạm đình chỉ, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện đã đề nghị, Tòa án xem xét và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện;

b) Không chấp nhận đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện.

4. Quyết định xem xét hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án ra quyết định;

c) Số, ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ chấp;

d) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;

đ) Quyết định của Tòa án;

e) Hiệu lực thi hành.

5. Quyết định xem xét hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày ra quyết định và phải được gửi cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đã đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị đề nghị, và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Chương IV

KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ TRONG VIỆC ĐƯA VÀO CƠ SỞ
CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Mục 1.  KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 33. Các quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng ngh

1. Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Quyết định không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

6. Quyết định không chấp nhận đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

7. Quyết định hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

8. Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

9. Quyết định không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

10. Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại

Điều 34. Người có quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án

1. Cha, mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Cơ quan đề nghị có quyền kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

Điều 35. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Thời hạn khiếu nại của cha, mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định; trường hợp họ vắng mặt tại phiên họp thì thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Trường hợp do ốm đau, thiên tai, địch họa hoặc trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

2. Thời hạn kiến nghị của cơ quan đề nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định.

Điều 36. Thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Người khiếu nại phải gửi đơn đến Tòa án đã xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ khiếu nại.

2. Cơ quan đề nghị kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ kiến nghị, kháng nghị gửi đến Tòa án đã xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 37. Thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị, Tòa án đã xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi đơn hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết; đồng thời, thông báo về việc khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ, Tòa án cấp trên trực tiếp phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, cơ quan kiến nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản việc mở phiên họp cho những người quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có sự tham gia của người khiếu nại, người đại diện hợp pháp của người khiếu nại và đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; trường hợp đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Pháp lệnh này.

Người khiếu nại vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án phải hoãn phiên họp, nếu không có lý do chính đáng hoặc có đơn xin vắng mặt hoặc vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

Tòa án có thể mời chuyên gia y tế tham gia phiên họp để phát biểu ý kiến về vấn đề chuyên môn có liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

5. Người khiếu nại rút khiếu nại, cơ quan đề nghị rút kiến nghị, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Tòa án đình chỉ việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; trong trường hợp này, quyết định đã bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có hiệu lực thi hành.

Điều 38. Trình tự tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án

1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây:

a) Phổ biến nội quy phiên họp;

b) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập, nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp.

2. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;

b) Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán phải xem xét; nếu có căn cứ thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định. Nếu phải thay đổi Thẩm phán mà không có Thẩm phán khác thay thế thì phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Pháp lệnh này;

c) Người khiếu nại, người đại diện hợp pháp của họ trình bày nội dung khiếu nại; đại diện cơ quan đề nghị trình bày nội dung kiến nghị; Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị;

d) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến, tranh luận với đại diện cơ quan kiến nghị, kháng nghị về vấn đề có liên quan;

đ) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

e) Thẩm phán công bố một trong các quyết định quy định tại Điều 35 của Pháp lệnh này.

Điều 39. Thẩm quyền của Thẩm phán giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp huyện.

2. Chấp nhận một phần khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; sửa quyết định của Tòa án cấp huyện về thời hạn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Hủy quyết định của Tòa án cấp huyện, đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh này.

4. Hủy quyết định đưa vào hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án cấp huyện; trả hồ sơ cho Tòa án cấp huyện.

5. Hủy quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi xét thấy không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh này.

6. Hủy quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi xét thấy không có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 của Pháp lệnh này.

7. Hủy quyết định hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án cấp huyện và buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi không có căn cứ theo quy định của Pháp lệnh này.

8. Hủy quyết định không chấp nhận việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án cấp huyện và chấp nhận đề nghị cho hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có căn cứ theo quy định của Pháp lệnh này.

9. Hủy quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại của Tòa án cấp huyện khi quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại không đúng với quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 27 của Pháp lệnh này.

10. Hủy quyết định không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ, hoặc miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại của Tòa án cấp huyện và quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại khi có căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 27 của Pháp lệnh này.

11. Hủy quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi xét thấy không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này.

12. Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị khi người khiếu nại, cơ quan kiến nghị, kháng nghị rút toàn bộ khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; trong trường hợp này, quyết định của Tòa án cấp huyện có hiệu lực thi hành.

Điều 40. Nội dung và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

b) Tên Tòa án ra quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

c) Họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

d) Họ và tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

đ) Họ và tên người khiếu nại;

e) Tên cơ quan kiến nghị, Viện kiểm sát kháng nghị;

g) Nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

h) Lý do, căn cứ và nội dung của việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

i) Hiệu lực của quyết định;

k) Nơi nhận quyết định.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi cho những cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh này và Tòa án đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và các tài liệu, văn bản do Tòa án thu thập, ban hành trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải được đánh số bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Mục 2. KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH VI CỦA NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 41. Hành vi có thể bị khiếu nại trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại hành vi của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong việc giao, nhận hồ sơ, thụ lý, phân công Thẩm phán, yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, gửi quyết định của Tòa án, mở phiên họp, thành phần phiên họp, thời hạn giải quyết và hành vi khác trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Khiếu nại hành vi khác không liên quan đến việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án thì được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại hoặc khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 43. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của hành vi bị khiếu nại;

b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi bị khiếu nại.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về hành vi bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Thời hạn khiếu nại

Thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại biết được và cho rằng hành vi của người có thẩm quyền vi phạm pháp luật.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

Điều 45. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại

1. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án cấp huyện giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án cấp tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

2. Khiếu nại hành vi của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án cấp tỉnh do Chánh án Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã khiếu nại và Viện kiểm sát cùng cấp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể ngày     tháng   năm 2022.

 

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Vương Đình Huệ

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 01/2022/UBTVQH15

Loại văn bảnPháp lệnh
Số hiệu01/2022/UBTVQH15
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành24/03/2022
Ngày hiệu lực24/03/2022
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Trách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật2 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 01/2022/UBTVQH15

Lược đồ Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
                Loại văn bảnPháp lệnh
                Số hiệu01/2022/UBTVQH15
                Cơ quan ban hànhUỷ ban Thường vụ Quốc hội
                Người kýVương Đình Huệ
                Ngày ban hành24/03/2022
                Ngày hiệu lực24/03/2022
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Trách nhiệm hình sự
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật2 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

                          Lịch sử hiệu lực Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

                          • 24/03/2022

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 24/03/2022

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực