Quyết định 2536/QĐ-UBND

Quyết định 2536/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030

Nội dung toàn văn Quyết định 2536/QĐ-UBND 2017 Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản Bình Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2536 /QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 31 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀ THAN BÙN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân tỉnh Bình Thuận khóa X, kỳ họp thứ 4 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2661/TTr-SXD ngày 09 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như bản tóm tắt kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Căn cứ quan điểm và mục tiêu phát triển đã được xác định trong quy hoạch, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ trách nhiệm và quyền hạn được giao, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện trong kế hoạch 05 năm, nhằm bảo đảm thực hiện tốt các quan điểm và mục tiêu đề ra. Trước mắt cần tập trung chỉ đạo thực hiện các vấn đề trọng tâm như sau:

1. Sở Xây dựng:

- Công bố, công khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định của pháp luật.

- Định kỳ rà soát trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định để Quy hoạch phù hợp với thực tế tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Rà soát, đánh giá các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép về mức độ tuân thủ pháp luật, khai thác không hiệu quả, không chú trọng công tác bảo vệ giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, danh lam thắng cảnh để chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép nếu cố tình vi phạm.

- Rà soát lại các vị trí, các khu vực đã khai thác khoáng sản chưa cải tạo phục hồi môi trường trên địa bàn toàn tỉnh để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật.

- Đối với các mỏ quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ các đối tượng được quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Khi giải quyết cấp phép các mỏ này phải thực hiện việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp phép theo đúng quy định tại Điều 25 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

- Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần chú ý thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2017, nhất là các vấn đề sau:

+ Đối với các mỏ chồng lấn đất lúa, đất rừng phải kiên quyết đưa ra ngoài quy hoạch khai thác khoáng sản.

+ Đánh giá lại hiệu quả khai thác cát dưới các lòng sông để có quy hoạch phù hợp.

+ Khu vực núi Tà Zôn không quy hoạch cấp phép khai thác mới, các mỏ đã cấp giấy phép được hoạt động khai thác đến ngày giấy phép hết hạn và không được gia hạn.

- Phối hợp với Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch.

- Phối hợp với Sở Xây dựng định kỳ rà soát trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định để Quy hoạch phù hợp với thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

3. Các Sở, ngành liên quan:

- Chỉ đạo theo thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.

- Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo luật định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Có trách nhiệm cập nhật các khu vực quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b) Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có quy hoạch khoáng sản.

d) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

e) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Công thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Bộ Công thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

TÓM TẮT

QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀ THAN BÙN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2536 /QĐ-UBND ngày 31 /8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, công trình xây dựng của tỉnh trước mắt và lâu dài nên phải có quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng hợp lý, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản, huỷ hoại cảnh quan môi trường, thất thu ngân sách nhà nước. Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh phải gắn với nhu cầu thị trường và được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ góp phần thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp cũng như các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông, xây dựng đô thị, dịch vụ du lịch và lĩnh vực an ninh quốc phòng,… trên địa bàn tỉnh.

- Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phải có năng lực, ý thức, tinh thần, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Phát triển và quy hoạch các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản phải đạt được mục tiêu sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an ninh chính trị và an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

- Thực hiện Quy hoạch phù hợp với chiến lược thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản chung của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành liên quan, góp phần xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản Bình Thuận từng bước phát triển tương đối toàn diện, có cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ hiện đại; tăng dần giá trị gia tăng trong công nghiệp khai thác khoáng sản, góp phần vào việc giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện kết cấu hạ tầng ở những vùng khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

- Bảo đảm việc Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; gắn với việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; đảm bảo quốc phòng an ninh; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả trước mắt và lâu dài, trước hết là phục vụ nhu cầu trong tỉnh. Khai thác phải gắn với đổi mới công nghệ và chế biến sâu, sử dụng phù hợp với tiềm năng khoáng sản địa phương, khai thác phải đảm bảo việc cải tạo, phục hồi môi trường. Không quy hoạch thăm dò và khai thác trên diện tích đất lúa, đất quy hoạch 03 loại rừng, đất có rừng tự nhiên, đất trồng cây thanh long, đất an ninh quốc phòng.

- Giúp cơ quan quản lý nhà nước xác định được nguồn tài nguyên khoáng sản, hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

- Định hướng phát triển đến năm 2030 cho ngành công nghiệp khoáng sản để kêu gọi đầu tư, thăm dò, chế biến khoáng sản.

- Làm cơ sở cho việc minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản, phát huy giá trị kinh tế của khoáng sản,… thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

- Xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp, than bùn trong kỳ quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trên cơ sở các mục tiêu trên, Báo cáo và Bản đồ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, xác định và thể hiện rõ các khu vực, mỏ và loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn cần đầu tư thăm dò, khai thác; các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than bùn; các khu vực dự trữ khoáng sản định hướng cho giai đoạn 2020 - 2030; các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

III. NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH VÀ PHÂN CHIA KHU VỰC HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

1. Nguyên tắc quy hoạch

- Các khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác được bố trí hợp lý, xem xét kỹ vấn đề môi trường, cảnh quan, đời sống dân cư nơi có mỏ khai thác; hạn chế quy hoạch gần hoặc phải đi qua khu dân cư.

- Quy hoạch phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh trong thời kỳ quy hoạch, đã giảm bớt số điểm mỏ đưa vào khai thác, nhất là ở các địa bàn trong thời gian qua có số điểm khai thác nhiều, cung đã vượt cầu và đối với khoáng sản đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng; cắt giảm tối đa hoặc đưa vào quy hoạch dự trữ các điểm đưa vào quy hoạch khai thác có liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất có rừng tự nhiên, đất an ninh - quốc phòng, di tích lịch sử - văn hóa; hạn chế đến mức tối đa các điểm quy hoạch khoáng sản gần hoặc phải đi qua khu dân cư.

2. Phân chia khu vực hoạt động khoáng sản theo luật định

Căn cứ quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng và pháp luật khác liên quan. Phân chia các khu vực hoạt động khoáng sản như sau:

- Khu vực cấm hoạt động khoáng sản gồm:

+ Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa;

+ Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất;

+ Khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

+ Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

+ Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.

- Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật Khoáng sản năm 2010.

IV. PHÂN VÙNG LÃNH THỔ QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN

Dựa vào điều kiện tự nhiên, quy luật phân bố tài nguyên khoáng sản và quy hoạch phát triển về cơ cấu kinh tế trên lãnh thổ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; Cơ cấu quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường đã phân chia vùng quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn theo từng huyện, thị xã và thành phố để công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về hoạt động khoáng sản của các địa phương được thuận lợi. Các vùng quy hoạch bao gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh.

V. ĐỐI TƯỢNG QUY HOẠCH

- Đối tượng khoáng sản làm làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đã được lựa chọn đưa vào quy hoạch bao gồm:

+ Đá xây dựng các loại (granitoid, phun trào a xít đến trung tính, phun trào bazan, các thành tạo trầm tích cát kết, cát bột kết phân lớp dày hoặc bị sừng hóa).

+ Sét nguyên liệu.

+ Cát xây dựng các nguồn gốc (sông, sông - hồ, sông - biển, biển).

+ Vật liệu san lấp các loại (sỏi laterit, sỏi bồi nền, cát bột bồi nền, đất bồi nền).

+ Than bùn.

- Thứ tự ưu tiên đưa vào quy hoạch cho các loại khoáng sản như sau:

+ Các khu vực quy hoạch đã cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản: Các mỏ đang còn hiệu lực khai thác, các mỏ đã được cấp phép thăm dò gồm 105 mỏ các loại, trong đó (đá xây dựng 36; cát xây dựng 25; sét gạch ngói 22; vật liệu san lấp 22).

+ Các khu vực quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Tổng số đưa vào quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm 62 khu vực (cát xây dựng 11; sét gạch ngói 01; vật liệu san lấp 50).

Các khu vực đã được Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định danh sách các mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản: gồm 23 khu vực (19 khu vực theo Quyết định số 2059/QĐ-UBND và 04 khu vực theo Quyết định số 351/QĐ-UBND) Trong tổng số 23 mỏ nêu trên, đã có 13/23 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, còn lại 10 mỏ tiếp tục đưa vào quy hoạch. Ngoài ra, bổ sung 52 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề suất mới.

Quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ: “Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi; thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hệ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới”.

+ Các khu vực quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Có 154 điểm quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó (đá xây dựng 18, cát xây dựng 37, sét gạch ngói 12, vật liệu san lấp 86 và than bùn 1).

+ Các khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản: là các khu vực khoáng sản có trữ lượng còn lại sau kỳ quy hoạch và tài nguyên của các điểm khoáng sản còn lại, được đưa vào quy hoạch dự trữ định hướng đến năm 2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo.

Số lượng các điểm khoáng sản mới được quy hoạch vào dự trữ khoáng sản gồm 83 điểm, trong đó (đá xây dựng 38, cát xây dựng 25, sét gạch ngói 5, vật liệu san lấp 14; than bùn 1).

VI. NỘI DUNG QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN

1. Khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản

Công tác khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm của tỉnh Bình Thuận đã dần hoàn thiện. Hiện tại, tỉnh đã khoanh định 161 khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đã được các Bộ, ngành liên quan thống nhất và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2016.

2. Quy hoạch đã được cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 105 mỏ đang còn hiệu lực khai thác và đã cấp giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó 36 mỏ đá xây dựng, 25 mỏ cát xây dựng, 22 mỏ sét gạch ngói, 22 mỏ vật liệu san lấp).

Số hiệu trên bản đồ quy hoạch của các mỏ thuộc diện đã cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản như sau:

- Đá xây dựng 36 mỏ: Từ KT-D-1 đến KT-D-36.

- Cát xây dựng 25 mỏ: Từ KT-C-1 đến KT-C-25.

- Sét gạch ngói 22 mỏ: Từ KT-S-1 đến KT-S-22.

- Vật liệu san lấp bồi nền 22 mỏ: Từ KT-SL-1 đến KT-SL-22.

- Đối với đá xây dựng: Toàn bộ 36 mỏ đang hoạt động khai thác và đã cấp phép thăm dò được tiếp tục đưa vào quy hoạch. Trữ lượng tham gia vào kỳ quy hoạch của các mỏ là 13.244.808m3.

- Đối với cát xây dựng: Toàn bộ 25 mỏ đang hoạt động khai thác và đã cấp phép thăm dò được tiếp tục đưa vào quy hoạch. Trữ lượng đưa vào kỳ quy hoạch của các mỏ là 3.514.081m3.

- Đối với sét gạch ngói: Toàn bộ 22 mỏ đang hoạt động khai thác và đã cấp phép thăm dò được tiếp tục đưa vào quy hoạch. Trữ lượng đưa vào kỳ quy hoạch của các mỏ là 2.950.410m3.

- Đối với vật liệu san lấp: Toàn bộ 22 mỏ đang hoạt động khai thác được tiếp tục đưa vào quy hoạch. Trữ lượng đưa vào kỳ quy hoạch của các mỏ này là 2.894.158m3.

Thông tin tổng hợp và chi tiết các mỏ Quy hoạch đã được cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản có Phụ lục 1 kèm theo.

3. Quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP “Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi; thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hệ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tổng số khu vực đưa vào quy hoạch không đấu giá kỳ này bao gồm 62 khu vực. Trong đó, cát xây dựng 11, sét gốm gọ 01 và vật liệu san lấp 50.

Số hiệu trên bản đồ quy hoạch của các mỏ quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản như sau:

- Cát xây dựng 11 mỏ: Từ KĐG-C-1 đến KĐG-C-11.

- Sét gốm gọ 01 mỏ: KĐG-S-1.

- Vật liệu san lấp 50 mỏ: Từ KĐG-SL-1 đến KĐG-SL-50.

- Đối với cát xây dựng: Gồm 11 mỏ chưa hoạt động khai thác được đưa vào quy hoạch. Trữ lượng tham gia vào kỳ quy hoạch được dự tính tham gia trong 02 năm cuối của kỳ quy hoạch là 340.000m3.

- Đối với sét gốm gọ: Gồm 01 mỏ chưa hoạt động khai thác được đưa vào quy hoạch. Trữ lượng tham gia vào kỳ quy hoạch được dự tính tham gia trong 02 năm cuối của kỳ quy hoạch là 20.000m3.

- Đối với vật liệu san lấp: Gồm 50 mỏ chưa hoạt động khai thác được đưa vào quy hoạch. Trữ lượng tham gia vào kỳ quy hoạch được dự tính tham gia trong 02 năm cuối của kỳ quy hoạch là 2.280.000m3.

Thông tin tổng hợp và chi tiết các mỏ Quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản có Phụ lục 2 kèm theo.

3. Quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trữ lượng của các mỏ có thu tiền cấp quyền khai thác, các mỏ không đấu giá quyền khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của kỳ quy hoạch cho mỗi loại khoáng sản. Do đó, phải lựa chọn các khu vực khoáng sản đã được phổ tra khảo sát về quy mô, chất lượng và có điều kiện thuận lợi cho khai thác, không nằm trong các vùng cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong kỳ quy hoạch này.

Dựa trên tài liệu hiện có về đặc điểm phân bố khoáng sản, thống nhất với các cấp lãnh đạo địa phương lựa chọn các diện tích mới từ các cấp xã, phường, các huyện, thị để đưa vào quy hoạch gồm 154 điểm (trong đó 18 điểm đá xây dựng; 37 điểm cát xây dựng; 12 điểm sét gạch ngói; 86 điểm vật liệu san lấp và 1 điểm than bùn). Các điểm khoáng sản này, sẽ quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Số hiệu trên bản đồ quy hoạch của các mỏ quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản như sau:

- Đá xây dựng 18 điểm: Từ ĐGKT-D-1 đến ĐGKT-D-18.

- Cát xây dựng 37 điểm: Từ ĐGKT-C-1 đến ĐGKT-C-37.

- Sét gạch ngói 12 điểm: Từ ĐGKT-S-1 đến ĐGKT-S-12.

- Vật liệu san lấp 86 điểm: Từ ĐGKT-SL-1 đến ĐGKT-SL-86.

- Than bùn 01 điểm: ĐGKT-TB-1.

- Đối với đá xây dựng: Gồm 18 điểm được đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tài nguyên tham gia vào kỳ quy hoạch được dự tính trong hai năm cuối của kỳ quy hoạch là 2.850.000m3.

- Đối với cát xây dựng: Gồm 37 điểm được đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tài nguyên tham gia vào kỳ quy hoạch được tính trong hai năm cuối của kỳ quy hoạch là 2.838.300m3.

- Đối với sét gạch ngói: Gồm 12 điểm được đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tài nguyên tham gia vào kỳ quy hoạch được dự tính trong hai năm cuối của kỳ quy hoạch là 1.060.000m3.

- Đối với vật liệu san lấp: Gồm 86 điểm được đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tài nguyên tham gia vào kỳ quy hoạch được tính trong hai năm cuối của kỳ quy hoạch là 7.800.000m3.

- Đối với than bùn:

Gồm 01 điểm được đưa vào quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tài nguyên tham gia vào kỳ quy hoạch được tính trong hai năm cuối của kỳ quy hoạch. Kết quả là 50.000m3. Tài nguyên còn lại của điểm khoáng sản này, sẽ đưa vào khai thác của kỳ quy hoạch tiếp theo, chi tiết được thống kê theo bảng sau.

Thông tin tổng hợp và chi tiết các mỏ Quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản có Phụ lục 3 kèm theo.

4. Quy hoạch dự trữ khoáng sản

Các khu vực được quy hoạch vào dự trữ tài nguyên khoáng sản bao gồm những diện tích khoáng sản đã được điều tra hoặc khảo sát trước đây cho thấy đạt yêu cầu về chất lượng và có triển vọng về quy mô và những điểm khoáng sản được tính dự báo tài nguyên trên cơ sở các tiền đề địa chất thuận lợi. Các điểm khoáng sản đưa vào quy hoạch dự trữ khoáng sản được thống nhất với chính quyền địa phường từ cấp xã, phường đến cấp huyện, thị xã và thành phố để có biện pháp bảo vệ.

Các khu vực mỏ hoặc điểm quặng nêu trên có những thông số chất lượng và tài nguyên dự báo ban đầu đạt yêu cầu cho việc thành lập các đề án thăm dò của các kỳ quy hoạch tiếp theo. Dựa trên tài liệu hiện có về đặc điểm phân bố tài nguyên khoáng sản, lựa chọn các diện tích để đưa vào quy hoạch dự trữ khoáng sản, định hướng cho giai đoạn 2020-2030, gồm 83 điểm (trong đó 38 điểm đá xây dựng; 25 điểm cát xây dựng; 5 điểm sét gạch ngói; 14 điểm vật liệu san lấp; 01 điểm than bùn). Các điểm khoáng sản này, được quy hoạch dự trữ khoáng sản.

Số hiệu trên bản đồ quy hoạch của các khu vực dự trữ khoáng sản như sau.

- Đá xây dựng 38 điểm: Từ DT-D-1 đến DT-D-38.

- Cát xây dựng 25 điểm: Từ DT-C-1 đến DT-C-25.

- Sét gạch ngói 5 điểm: Từ DT-S-1 đến DT-S-5.

- Vật liệu san lấp 14 điểm: Từ DT-SL-1 đến DT-SL-14.

- Than bùn 01 điểm: DT-TB-1.

- Đối với đá xây dựng: Các khu vực quy hoạch dự trữ tài nguyên khoáng sản đá xây dựng định hướng giai đoạn 2021 - 2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo gồm 38 điểm với tổng tài nguyên dự báo là 358.950.000m3.

- Đối với cát xây dựng: Các khu vực quy hoạch dự trữ tài nguyên khoáng sản cát xây dựng định hướng đến năm 2021 - 2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo gồm 25 điểm với tổng tài nguyên dự báo là 76.445.200m3.

- Đối với sét gạch ngói: Các khu vực quy hoạch dự trữ tài nguyên khoáng sản sét gạch ngói định hướng đến năm 2021 - 2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo gồm 5 điểm với tổng tài nguyên dự báo là 9.900.000m3.

- Đối với vật liệu san lấp bồi nền: Các khu vực quy hoạch dự trữ tài nguyên khoáng sản vật liệu san lấp bồi nền định hướng đến năm 2021 - 2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo gồm 14 điểm với tổng tài nguyên dự báo là 30.870.000m3.

- Đối với than bùn: Các khu vực quy hoạch dự trữ tài nguyên khoáng sản than bùn định hướng đến năm 2021-2030 và các kỳ quy hoạch tiếp theo gồm 01 điểm với tổng tài nguyên dự báo là 110.000 tấn.

Thông tin tổng hợp và chi tiết các mỏ Quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản có Phụ lục 4 kèm theo.

Bảng tổng hợp quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn toàn tỉnh

Loại khoáng sản

Tổng trữ lượng, tài nguyên tham gia kỳ Quy hoạch

2016 - 2020 (m3)

Nhu cầu giai đoạn 2016-2020

Tổng trữ lượng, tài nguyên dự trữ định hướng giai đoạn 2021-2030 (m3)

Các mỏ đã cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản

Các mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Các mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản

TỔNG CỘNG

ĐÁ XÂY DỰNG

13.244.808

-

2.850.000

16.094.808

15.532.410

620.364.440

CÁT XÂY DỰNG

3.514.081

340.000

2.838.300

6.692.381

5.950.000

96.151.544

SÉT GẠCH NGÓI

2.950.410

20.000

1.060.000

4.030.410

3.600.360

44.273.916

VẬT LIỆU SAN LẤP

2.894.158

2.280.000

7.800.000

12.974.158

12.665.000

85.065.312

THAN BÙN

-

-

50.000

50.000

 

560.000

VII. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

1. Hiện trạng và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong tỉnh

- Đối với đá xây dựng: Trong tỉnh hiện có 36 mỏ đá xây dựng đang hoạt động khai thác, ngoài các mỏ đá khai thác ở dạng đá chẻ viên thì hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng đều có các trạm xay nghiền chế biến tại mỏ.

- Đối với cát xây dựng: Hầu hết các mỏ khai thác cát xây dựng chưa có trạm sàng tuyển cát có quy mô công nghiệp, cơ bản là tuyển cát mang tính thủ công như bơm hút để loại bỏ bùn, tạp chất.

- Đối với sét gạch ngói: Trên địa bàn tỉnh hiện có 55 lò tuynel và hoffman đang hoạt động có tổng công suất khoảng 876 triệu viên. Trong đó, lò tuynel (đầu tư mới): Có 12 lò, với tổng công suất khoảng 360 triệu viên/năm/nhà máy (lò quy chuẩn có công suất trung bình 30 triệu viên/năm/nhà máy); lò hoffman (chuyển đổi từ lò thủ công): Có 43 lò, với tổng công suất khoảng 516.000 triệu viên/năm/nhà máy (lò quy chuẩn có công suất trung bình 12 triệu viên/năm/nhà máy).

2. Định hướng chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong kỳ quy hoạch 2016 - 2020 và những năm tiếp theo

- Đối với đá xây dựng: Hầu hết các huyện, thị xã đều có khai thác đá xây dựng (trừ thành phố Phan Thiết), định hướng chế biến đá xây dựng cho các mỏ độc lập thì xây dựng các trạm chế biến gắn với mỏ và quy mô phù hợp với công suất khai thác của từng mỏ độc lập. Đối với các cụm mỏ thì xây dựng các trạm chế biến tập trung, trong tỉnh có các cụm mỏ: Huyện Tuy Phong (có các trạm chế biến đá tại các mỏ đá thuộc khu vực xã Vĩnh Hảo, xã Phước Thể và xã Phong Phú), huyện Hàm Thuận Bắc (có các trạm chế biến đá của 6 mỏ đá tập trung tại xung quanh chân núi Tà Zôn), huyện Hàm Thuận Nam (có các trạm chế biến đá tại mỏ núi Chóp Vung, núi Đá xã Tân Lập), huyện Hàm Tân (có các trạm chế biến đá tại các mỏ thuộc các xã Tân Đức, Tân Phúc, Tân Hà và xã Tân Xuân), huyện Tánh Linh (có 1 trạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác Chế biến Khoáng sản Hồng Sơn – Bình Thuận tại mỏ đá thuộc thị trấn Lạc Tánh).

- Đối với cát xây dựng: Hầu hết các mỏ khai thác cát xây dựng chưa có trạm sàng tuyển cát có quy mô công nghiệp. Định hướng xây dựng các trạm sàng tuyển cát gắn với các mỏ khai thác độc lập đơn lẻ trên địa bàn tỉnh và phù hợp với công suất khai thác của từng mỏ. Đối với các cụm mỏ cần xây dựng trạm sàng tuyển cát có quy mô công nghiệp như cụm mỏ khu vực sông Dinh và cụm mỏ xã Tân Đức thuộc huyện Hàm Tân; cụm mỏ khu vực các xã Trà Tân, Đức Hạnh thuộc huyện Đức Linh; cụm mỏ các xã Thuận Minh, Hàm Chính thuộc huyện Hàm Thuận Bắc.

- Đối với sét gạch ngói: Các lò gạch công nghệ hoffman (chuyển đổi từ lò thủ công), trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động chuyển đổi đầu tư sang công nghệ tuynel nhằm tiếp tục hoàn thiện và cải tiến công nghệ theo hướng quy mô công nghiệp. Đồng thời, hạn chế đầu tư mới lò tuynel để giảm dần việc sử dụng gạch đất sét nung chuyển sang sử dụng gạch không nung theo chủ trương của Chính phủ.

VIII. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, trong đó chủ yếu tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1. Tăng cường quản lý nhà nước của địa phương đối với hoạt động khoáng sản, hoàn chỉnh cơ chế chính sách trong điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về khoáng sản và văn bản pháp luật liên quan. Quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó chú ý phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

2. Rà soát đánh giá các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép nhưng khai thác không hiện quả, không chú trọng công tác bảo vệ giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, danh lam thắng cảnh để chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép nếu cố tình vi phạm. Tiếp tục rà soát để công bố công khai những điểm cấm và tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định. Đánh giá lại hiệu quả khai thác cát dưới các lòng sông để có quy hoạch phù hợp. Riêng núi Tà Zôn không quy hoạch cấp phép khai thác mới, các mỏ đã cấp giấy phép được hoạt động khai thác đến ngày giấy phép hết hạn và không được gia hạn. Bảo đảm các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản, thu nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Tổ chức tốt việc đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản, xóa cơ chế “xin - cho”. Tăng cường quản lý chặt chẽ các khu vực đang hoạt động khoáng sản đúng pháp luật, nâng công suất để phục vụ cho sự nghiệp phát triển dân sinh kinh tế tại địa phương, chỉ triển khai khai thác theo quy hoạch các điểm mỏ mới khi thật sự cần thiết. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa công nghệ từ khâu khai thác đến chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, ít ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

3. Đối với các mỏ trong quy hoạch không đấu giá, có thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng khai thác của từng mỏ về mức độ tuân thủ pháp luật, tính toán lại việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Khoáng sản. Đối với các điểm quy hoạch sự trữ khoáng sản, các sở, ngành chức năng, các địa phương có liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo luật định.

4. Căn cứ quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này. Trường hợp khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nằm trong khu vực quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi; thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thì báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

5. Tăng cường công tác giám sát việc cải tạo phục hồi môi trường. Ban hành quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật san ủi, hoàn thổ, cải tạo, trồng cây phục hồi môi trường, tính toán tiền ký quỹ phục hồi môi trường, bảo đảm cho việc phục hồi môi trường được thực hiện đúng quy định. Rà soát lại các vị trí, các khu vực đã khai thác khoáng sản, chưa cải tọa phục hồi môi trường trên địa bàn toàn tỉnh để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo sau khi hoàn thổ xong toàn bộ diện tích khai thác được tái sử dụng vào các mục đích khác có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác chỉnh lý biến động đất đai đúng hiện trạng sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã chủ trì phối hợp với các ngành chức năng đề ra biện pháp phục hồi môi trường hữu hiệu nhất.

6. Kiện toàn công tác tổ chức, quản lý, thanh tra và giám sát các cơ sở sản xuất thông qua việc hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuân thủ Luật khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan khác trong các hoạt động khoáng sản; tuân thủ nghiêm pháp lệnh về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; rà soát kiên quyết xử lý để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cấp tỉnh, huyện, xã; tăng cường nguồn nhân lực có tay nghề khai thác, quản lý mỏ cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

7. Thực hiện tốt việc công bố công khai rộng rãi nội dung quy hoạch để người dân biết, giám sát.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Sau khi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận được phê duyệt. Để tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, cơ bản phải tiến hành theo các bước như sau:

- Quy hoạch sẽ được công bố công khai bằng nhiều hình thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành trong tỉnh xây dựng các chương trình liên ngành để tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Đối với các mỏ được quy hoạch có thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường, các huyện, thị, thành phố cùng với các tổ chức, cá nhân đang trực tiếp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trong tỉnh rà soát, đánh giá thực trạng khai thác của từng mỏ về mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện việc tính toán thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định Luật Khoáng sản.

- Đối với các điểm khoáng sản quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường lập, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời lập và thông báo hồ sơ mời đấu giá; tiếp nhận hồ sơ đấu giá và chuẩn bị điều kiện để tổ chức các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

- Đối với các điểm khoáng sản quy hoạch dự trữ khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo luật định./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2536/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2536/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/08/2017
Ngày hiệu lực31/08/2017
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2536/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2536/QĐ-UBND 2017 Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản Bình Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2536/QĐ-UBND 2017 Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản Bình Thuận
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2536/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Thuận
                Người kýNguyễn Ngọc Hai
                Ngày ban hành31/08/2017
                Ngày hiệu lực31/08/2017
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 2536/QĐ-UBND 2017 Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản Bình Thuận

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 2536/QĐ-UBND 2017 Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản Bình Thuận

                  • 31/08/2017

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 31/08/2017

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực