Quyết định 2653/QĐ-UBND

Nội dung toàn văn Quyết định 2653/QĐ-UBND 2023 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê Hà Tĩnh đến 2040


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2653/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 10 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN HƯƠNG KHÊ ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020; Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng - QCVN 01:2021/BXD;

Căn cứ Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 20/02/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ;

Thực hiện Văn bản số 4572/UBND-XD ngày 14/7/2020 của UBND tỉnh về việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh;

Căn cứ Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch vùng huyện Hương Khê đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 275/BC-SXD ngày 19/9/2023 (trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Hương Khê tại Tờ trình số 157/TTr-UBND ngày 08/9/2023; sau khi tổng hợp ý kiến các sở, ngành liên quan); ý kiến thống nhất đồng ý của Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh qua Phiếu biểu quyết.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Hương Khê

3. Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch: Liên danh Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Hà Tĩnh và Viện Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh.

4. Thành phần danh mục bản vẽ được phê duyệt:

- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng (QH-01).

- Bản đồ hiện trạng vùng (phần phân bố dân cư, sử dụng đất và hệ thống hạ tầng xã hội), tỷ lệ 1/25.000 (QH-02A).

- Bản đồ hiện trạng vùng (phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật), tỷ lệ 1/25.000 (QH-02B).

- Bản đồ phân vùng quản lý phát triển, tỷ lệ 1/25.000 (QH-03).

- Bản đồ định hướng phát triển không gian vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-04).

- Bản đồ định hướng chuẩn bị kỹ thuật vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-05).

- Bản đồ định hướng giao thông vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-06).

- Bản đồ định hướng hệ thống điện vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-07).

- Bản đồ định hướng cấp nước vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-08).

- Bản đồ định hướng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-09).

- Bản đồ định hướng hạ tầng viễn thông thụ động vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-10).

5. Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch:

5.1. Phạm vi, ranh giới: Toàn bộ ranh giới hành chính huyện Hương Khê (gồm có: Thị trấn Hương Khê, Điền Mỹ, Gia Phố, Hà Linh, Hòa Hải, Hương Bình, Hương Đô, Hương Giang, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Long, Hương Thủy, Hương Trà, Hương Trạch, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Lộc Yên, Phú Gia, Phú Phong, Phúc Đồng, Phúc Trạch); với tổng diện tích tự nhiên: 1.262,94km2.

- Phía Bắc giáp huyện Vũ Quang, huyện Can Lộc.

- Phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình

- Phía Đông giáp huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà.

- Phía Tây giáp Lào.

5.2. Thời hạn quy hoạch: Đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

6. Tính chất, mục tiêu quy hoạch:

6.1. Tính chất:

- Là vùng kinh tế tổng hợp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

- Là vùng có tiềm năng phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hóa lịch sử.

6.2. Mục tiêu:

- Khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo để xây dựng huyện Hương Khê trở thành huyện có ngành nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển; kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh.

- Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác thế mạnh về vị trí địa lý của huyện, các tiềm năng, lợi thế có sẵn và thu hút đầu tư để tạo đà tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Cụ thể hóa phương hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phát triển hành lang kinh tế Trung du, miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2022 - 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

- Thiết lập các vùng kinh tế động lực, vùng đô thị tập trung, các cơ sở, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (như thị trấn, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội…) là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện theo hướng cân bằng và bền vững.

- Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển nông thôn theo hướng “Công nghiệp - Công nghệ cao”- không gian đô thị cấp huyện, xác định tính chất quy mô của hệ thống đô thị, lập kế hoạch cải tạo nâng cấp, xây mới, phân loại đô thị…

- Bảo vệ môi trường, di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa địa phương.

- Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, lập chương trình, kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

7. Tầm nhìn:

Khai thác thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ kết hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, tận dụng tối đa cơ sở và bản sắc văn hóa, tiềm năng kinh tế địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đón đầu các xu thế phát triển chung của tỉnh, quốc gia và quốc tế để làm cơ sở và động lực phát triển vùng.

8. Dự báo phát triển vùng:

8.1. Các chỉ tiêu kinh tế

Cơ cấu kinh tế:

+ Năm 2040: Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản: 27,5%; công nghiệp - xây dựng: 37,5%; dịch vụ - thương mại: 35%.

+ Năm 2050: Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản: 30%; công nghiệp - xây dựng: 30%; thương mại - dịch vụ: 40%.

8.2. Dân số

- Hiện trạng: Tổng dân số 99.437 người, trong đó dân số đô thị 11.565 người.

- Đến năm 2040: Tổng dân số khoảng 124.882 người, trong đó dân số đô thị đạt 41.594 người.

- Đến năm 2050: Tổng dân số khoảng 141.438 người, trong đó dân số đô thị khoảng 49.975 người.

8.3. Đất đai

- Dự báo đất đai năm 2030: Đất ở mới phát triển đô thị tăng thêm 200 ÷ 250 ha; Đất phát triển các điểm dân cư nông thôn tăng thêm 150 ÷ 200 ha; Đất dịch vụ, công cộng tăng thêm 150 ÷ 200 ha; Đất du lịch tăng thêm 100 ÷ 160 ha; Đất công nghiệp tăng thêm 100 ÷ 155 ha; Đất sản xuất nông nghiệp giảm 650 ÷ 800 ha.

- Dự báo biến động đất đai giai đoạn 2030-2040: Đất ở mới phát triển đô thị tăng thêm 100 ÷ 150 ha; Đất phát triển các điểm dân cư nông thôn tăng thêm 100 ÷ 150 ha; Đất dịch vụ, công cộng tăng thêm 200 ÷ 300 ha; Đất du lịch tăng thêm 100 ÷ 150 ha; Đất công nghiệp tăng thêm 10 ÷ 20 ha; Đất sản xuất nông nghiệp giảm 550 ÷ 850 ha.

- Dự báo biến động đất đai giai đoạn 2040-2050: Đất ở mới phát triển đô thị tăng thêm 50 ÷ 75ha; Đất phát triển các điểm dân cư nông thôn tăng thêm 100 ÷ 150 ha; Đất dịch vụ, công cộng tăng thêm 30 ÷ 50 ha; Đất du lịch tăng thêm 50 ÷ 75 ha; Đất công nghiệp không tăng thêm; Đất sản xuất nông nghiệp giảm 200 ÷ 370 ha.

9. Định hướng phát triển không gian vùng:

9.1. Quan điểm phát triển vùng:

- Phát triển không gian vùng huyện Hương Khê phát triển đa dạng, phù hợp đặc điểm tự nhiên và vị trí địa lý của các vùng sinh thái: Vùng đồi núi cao, trung du miền núi.

- Phát triển thị trấn Hương Khê trở thành đô thị trung tâm của huyện; các đô thị Phúc Đồng, Hương Trà, Hương Trạch trở thành các đô thị động lực cho các vùng trong huyện.

- Xây dựng huyện Hương Khê đạt chuẩn tiến tới đạt chuẩn nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

- Phát triển bền vững, có mũi nhọn và thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tận dụng lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở văn hóa, đầu mối giao thông, phát triển vùng huyện Hương Khê bền vững, ổn định, cân bằng từ đô thị đến nông thôn trong sự phát triển chung toàn tỉnh và quốc gia và thích ứng biến đổi khí hậu.

9.2. Phân vùng phát triển đô thị:

- Thị trấn Hương Khê: Là đô thị Trung tâm; trên cơ sở ranh giới thị trấn Hương Khê hiện trạng sáp nhập thêm xã Phú Phong và một phần địa giới hành chính các xã: Hương Xuân, Phú Gia, Gia Phố, Hương Long; từng bước hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng và các điều kiện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của toàn huyện, là đô thị trọng điểm trong phát triển kinh tế chuỗi các đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh và các ga tàu đường sắt Bắc Nam.

- Đô thị Phúc Đồng: Trên cơ sở ranh giới xã Phúc Đồng hiện trạng, đến năm 2030 từng bước hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng và các điều kiện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V; phát triển chủ lực vào công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistic, là đô thị động lực cho vùng phía Bắc của huyện gắn với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15 và đường sắt Bắc Nam.

- Đô thị La Khê: Trên cơ sở ranh giới xã Hương Trạch hiện trạng, đến năm 2030 từng bước hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng và các điều kiện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V; tập trung đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, logistic và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cây Dó Trầm, … là đô thị động lực cho vùng phía Nam của huyện gắn với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15 và đường sắt Bắc Nam.

- Đô thị Hương Trà: Trên cơ sở ranh giới xã Hương Trà hiện trạng, đến năm 2030 từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V. Phát triển chủ lực vào dịch vụ, thương mại, kết hợp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, logistic và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chè, cây ăn quả như bưởi, cam... Là đô thị động lực cho vùng trung tâm của huyện gắn với đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 553 và tuyến đường sắt Bắc Nam.

9.3. Phân vùng phát triển trung tâm kinh tế:

- Vùng kinh tế phía Bắc: Thuộc khu vực các xã Hà Linh, Điền Mỹ, Hương Thủy, Hòa Hải, Hương Giang và đô thị Phúc Đồng. Là trung tâm kinh tế động lực phía Bắc của huyện, trọng tâm là đô thị Phúc Đồng, tạo ra động lực phát triển kinh tế cho khu vực này và các vùng phụ cận, gắn với phát triển kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15 và các ga tàu đường sắt Bắc Nam.

- Vùng kinh tế Trung tâm: Thuộc khu vực thị trấn Hương Khê và các xã Lộc Yên, Hương Xuân, Phú Phong, Hương Vĩnh, Hương Long, Hương Bình,Gia Phố, Phú Gia và Hương Trà. Là vùng trung tâm kinh tế toàn huyện, trọng tâm là đô thị Thị trấn Hương Khê (đô thị Trung tâm), đô thị Hương Trà tạo ra động lực phát triển kinh tế trong khu vực và các vùng phụ cận; cùng với phát triển đô thị tạo ra chuỗi phát triển dọc theo đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 553 và các ga tàu đường sắt Bắc Nam.

- Vùng kinh tế phía Nam: Thuộc khu vực các xã, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Trạch. Là trung tâm kinh tế phía Nam của huyện, trọng tâm là đô thị La Khê, Tạo ra động lực phát triển cho khu vực này và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và các ga tàu đường sắt Bắc Nam.

9.4. Phân vùng phát triển du lịch:

- Vùng du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng kết hợp các hồ đập lớn: Thuộc khu vực rừng núi các xã Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình, Hòa Hải.

- Vùng du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử: Thuộc các xã Hương Trạch, Hương Đô, Phú Phong, Hương Vĩnh, Phú Gia, Gia Phố.

- Vùng du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm trang trại, vườn đồi theo chương trình nông thôn mới: Hình thức du lịch kết hợp sản xuất với các vườn mẫu, các trang trại, các khu homestay, du lịch trải nghiệm sẽ là hướng phát triển mới góp phần giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương đến với du khách, sẽ góp một phần không nhỏ phát triển kinh tế du lịch cho toàn huyện.

- Định hướng quy hoạch khu du lịch sinh thái Thác Vũ Môn là khu du lịch trọng điểm của huyện, dự kiến có tổng diện tích khoảng 350ha trải dài từ khu dân cư và đồn biên phòng lên đến khu vực thác.

9.5. Phân vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

+ Cụm công nghiệp làng nghề Gia Phố: Đến năm 2030 diện tích 11,07ha, giai đoạn sau 2030 giữ nguyên diện tích 11,07ha; vị trí tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê; nguồn gốc sử dụng đất hiện trạng chủ yếu là đất trồng cây lâu năm và hàng năm đã được giao và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình, cá nhân. Dự kiến hoàn thành hạ tầng trước năm 2025. Là cụm công nghiệp đa ngành nghề.

+ Cụm công nghiệp Hương Phúc: Đến năm 2030 diện tích 50ha, giai đoạn sau 2030 diện tích 60 ha; vị trí tại 2 xã Phúc Trạch và Hương Trạch, huyện Hương Khê; nguồn gốc sử dụng đất hiện trạng chủ yếu là đất lúa, một phần đất ở và đất trồng cây lâu năm đã được giao và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình, cá nhân.

+ Cụm công nghiệp Hương Long: Quy hoạch đến năm 2030 diện tích 25ha, giai đoạn sau năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 diện tích vẫn giữ nguyên 25ha; vị trí tại xã Hương Long, huyện Hương Khê; nguồn gốc đất hiện trạng chủ yếu là đất trồng cây lâu năm và một phần đất ở đã được giao và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình, cá nhân.

+ Cụm công nghiệp Phúc Đồng: Đến năm 2030 diện tích 70 ha, giai đoạn sau năm 2030 diện tích vẫn giữ nguyên 70ha; vị trí tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê; nguồn gốc sử dụng đất hiện trạng chủ yếu là đất lúa và đất hoa màu đã được giao và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó phát triển các khu vực tiểu thủ công nghiệp ở các xã đã có trong quy hoạch nông thôn mới.

9.6. Phân vùng phát triển dân cư đô thị và nông thôn:

Vùng dân cư đô thị và nông thôn được bố trí trên cơ sở các đồ án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch phân khu thị trấn. Phân bố trên 20 xã và 01 thị trấn. Đây là diện tích để phát triển nhà ở tại các địa phương. Tuy nhiên sau năm 2030 một số dân cư nông thôn sẽ chuyển đổi thành dân cư đô thị bởi sự hình thành các đô thị loại V như Phúc Đồng, La Khê (Hương Trạch) và sự mở rộng của đô thị Hương Khê.

9.7. Các khu vực bảo tồn:

- Khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: Tổng diện tích đất rừng của huyện là 99.143,76ha, trong đó rừng sản xuất có 50.861,47ha, rừng phòng hộ có 30.971,19ha, rừng đặc dụng có 17.311,09ha. Rừng Hương Khê chủ yếu là rừng tự nhiên chiếm 72,2% tổng diện tích rừng, trong đó có các loại gỗ quý như Pơmu, lim, gụ, dổi, táu, vàng tâm...

- Khu vực hồ đập: Trên địa bàn huyện có các hồ, đập có quy mô lớn, vừa và nhỏ có dung tích 0,1 triệu m3 đến 20 triệu m3. Khi khai thác du lịch và nguồn nước ngọt cung cấp sinh hoạt cần có các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập và lưu vực nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn hồ đầu nguồn.

- Khu vực di tích quan trọng: Các khu vực di tích lớn cần được bảo vệ: Thành Sơn Phòng - Hàm Nghi (xã Phú Gia), Đền Trầm Lâm và Đền Đức Đại Vương ngàn Trụ (xã Phú Gia), Rôộc Cồn (xã Phú Phong); Chùa Vĩnh Đại và đền thờ Trần Phúc Hoàn tại xã Hương Vĩnh. Di tích Sở Chỉ huy tiền phương tổng cục hậu cần, Đoàn 559, đoàn 500 (xã Hương Đô), Khu chứng tích chiến tranh Hương Phúc (xã Hương Trạch) và các di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia khác.

9.8. Phân vùng phát triển hạ tầng xã hội:

Hạ tầng xã hội cấp thị trấn, huyện tập trung chủ yếu ở đô thị thị trấn Hương Khê với quỹ đất xây dựng các công trình chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng, y tế, TDTT … cấp thị trấn trở lên. Vị trí cụ thể được quy định tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Hạ tầng xã hội cấp xã được bố trí tại trung tâm của các xã, bao gồm quỹ đất xây dựng các công trình thiết chế chính trị, văn hóa xã hội cấp xã. Bao gồm 20 đơn vị xã với các vị trí công trình cụ thể được quy định trong các đồ án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch khu trung tâm.

9.9. Phân vùng phát triển sử dụng đất:

- Giai đoạn đến năm 2030: Thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Hương Khê đã được phê duyệt, trong đó trọng tâm thực hiện quy hoạch sử dụng đất các khu đất định hướng phát triển đô thị, đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất văn hóa - thể thao, ...

- Giai đoạn 2030-2040 tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục phát huy hiệu quả quỹ đất đã được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 và quy hoạch các khu đất định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

10. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

10.1. Định hướng phát triển giao thông:

- Quốc lộ đi qua địa bàn huyện Hương Khê có 02 tuyến Quốc lộ, bao gồm:

+ Đường Hồ Chí Minh: Tuyến đi qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 41km.

+ Quốc lộ 15: Đoạn 1: Động Bụt - Phúc Đồng, dài 15,8km; đoạn 2: thị trấn Hương Khê - La Khê dài 22,5km.

- Đường tỉnh: Huyện Hương Khê có 01 tuyến đường tỉnh ĐT553 đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài khoảng 39,68km, điểm đầu bắt đầu từ địa phận xã Lộc Yên, điểm cuối tại Bản Giàng xã Hương Vĩnh.

- Đường huyện: Toàn huyện có 14 tuyến với tổng chiều dài 157,1km.

- Đường liên xã: Toàn huyện có 13 tuyến với tổng chiều dài 106,74km.

- Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua huyện Hương Khê có chiều dài 45 km khổ 1,0m.

- Đường thủy: Gồm có 01 tuyến là tuyến sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn huyện Hương Khê có chiều dài 45km, chiều rộng luồng mùa cạn khoảng 40m; chiều sâu luồng 3-4m, điểm đầu thượng nguồn tại xã Hương Vĩnh, điểm cuối giáp ranh huyện Đức Thọ.

- Bến thủy nội địa: Trên địa bàn huyện Hương Khê định hướng quy hoạch hai bến thủy nội địa như sau:

+ Bến Lộc Yên tại KM68+00 thuộc sông Ngàn Sâu.

+ Bến Địa Lợi Hà Linh tại KM 51+00 thuộc sông Ngàn Sâu.

- Công trình phục vụ giao thông: Quy hoạch 02 tuyến xe buýt vận tải hành khách:

+ Tuyến thành phố Hà Tĩnh - thị trấn Hương Khê - Ga La Khê xã Hương Trạch.

+ Tuyến thị trấn Hương Khê - thành phố Vinh.

- Quy hoạch mới 01 bến xe Hương Khê với quy mô loại 3, diện tích khoảng 5.000m2.

10.2. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật:

- San nền:

+ Cao độ xây dựng khống chế các khu vực phải được lựa chọn trên cơ sở khoa học, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Có hệ thống thoát nước mặt hoàn chỉnh và phải đảm bảo thoát hết n ước mặt trên toàn lưu vực ra các trục tiêu.

+ Đặc biệt, đối với khu vực ven sông cần kết hợp với các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, các ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng.

+ Không được chọn đất xây dựng đô thị tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất,...

- Thoát nước mưa:

+ Lưu vực 1: Khu vực các xã: Hương Long, Hương Bình, Phúc Đồng, Hòa Hải, Điền Mỹ được thu gom qua hệ thống khe suối, sông Rào Nổ và thoát ra sông Ngàn Sâu.

+ Lưu vực 2: Khu vực các xã: Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Xuân, Hương Trà, Phú Phong được thu gom qua hệ thống khe suối và thoát ra Sông Tiêm và đổ về sông Ngàn Sâu.

+ Lưu vực 3: Khu vực các xã: Hương Lâm, Hương Liên được thu gom qua hệ thống khe suối và thoát ra hệ thống công trình thủy điện Hố Hô đổ ra sông Ngàn Sâu.

+ Lưu vực 4: Khu vực các xã, thị trấn: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Thị Trấn Hương Khê, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh được thu gom qua hệ thống khe suối và thoát ra sông Ngàn Sâu.

10.3. Định hướng cấp điện:

Định hướng giai đoạn 2021 đến 2025 lấy điện từ các nguồn như sau:

- Từ trạm 110kV Hương Khê công suất 25MVA, có 04 lộ đường dây 35kV: 371, 373, 375, 377 (lộ 371, 373 để đấu nối thủy điện Hố Hô); 03 lộ đường dây 22kV để đấu nối vào lưới điện 10kV sau trạm trung gian Hương Khê.

- Từ đường dây 35kV trạm 110kV Thạch Linh (E18.1) đi Hương Khê.

- Từ đường dây 35kV trạm 110kV Đức Thọ (E18.2) đi Hương Khê.

- Từ đường dây 35kV trạm 110kV Hương Sơn (E18.8) đi Hương Khê.

Xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, các tuyến truyền tải năng lượng xanh như: Các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên lòng hồ, tại các diện tích đất năng suất thấp.

10.4. Định hướng cấp nước:

Phân vùng cấp nước:

- Vùng 1: Cấp nước cho các xã: Hòa Hải, đô thị Phúc Đồng và Điền Mỹ, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước Hòa Hải, đến năm 2050 công suất là 5.500 m3/ng.đ

- Vùng 2: Cấp nước cho các xã: Hương Giang, Hà Linh, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước Hương Giang, đến năm 2050 công suất là 2.000 m3/ng.đ.

- Vùng 3: Cấp nước cho Thị trấn Hương Khê và các xã phụ cận gồm: Thị trấn Hương Khê, Lộc Yên, Hương Trà, đô thị Hương Trà, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Gia Phố, Hưng Đô, Hương Thủy nguồn nước được lấy từ nhà máy nước đầu nguồn sông Tiêm đặt tại xã Phú Gia; đến năm 2050 công suất là 16.000 m3/ng.đ.

- Vùng 4: Cấp nước cho các xã: Phúc Trạch, xã Hương Trạch, đô thị La Khê và cụm công nghiệp Hương Phúc, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước xã Phúc Trạch, đến năm 2050 công suất là 5.500 m3/ng.đ.

- Vùng 5: Cấp nước cho xã Hương Lâm, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước Hương Lâm, đến năm 2050 công suất là 2.500 m3/ng.đ.

- Vùng 6: Cấp nước cho xã Hương Liên, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước Hương Lâm, đến năm 2050 công suất là 1.000 m3/ng.đ.

10.5. Định hướng thông tin liên lạc:

Khu vực nghiên cứu trong giai đoạn tới sẽ được tổ chức thành các hệ thống riêng trên cơ sở hệ thống hiện có. Đảm nhiệm chức năng thoại, truyền hình, truyền số liệu và truy nhập Internet và mạng truyền thanh, truyền hình.

10.6. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Khu vực đô thị: Giai đoạn đến năm 2030, tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước tại đô thị trung tâm tách riêng nước thải và nước mặt . Nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tại thị trấn Hương Khê lên 3.000 m3/ngđ để đáp ứng nhu cầu của thị trấn và vùng phụ cận.

- Khu vực nông thôn: 100% các hộ gia đình phải sử dụng hố xí hợp vệ sinh, khuyến khích sử dụng bể tự hoại hợp quy cách đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.

- Khu du lịch: Yêu cầu cao về vệ sinh môi trường, khu du lịch có mật độ xây dựng thấp, phân tán. Do đó, ưu tiên xử lý cục bộ nước thải cho từng công trình hoặc nhóm công trình bằng các loại bể tiên tiến.

- Các khu chức năng đặc biệt: Nước thải y tế phải được thu gom theo hệ thống riêng và phải xử lý theo quy trình riêng đến giới hạn cho phép trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước.

- Nước thải công nghiệp:

+ Cụm công nghiệp, các điểm sản xuất trong các xã, thị trấn. Nước thải xử lý cục bộ trong nhà máy, điểm sản xuất. Làm sạch lần 2 tại trạm XLNT tập trung.

+ Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề: xử lý nước thải sơ bộ đạt cột B theo QCVN 40-2011/BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp” trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước.

- Chất thải rắn:

+ Đối với chất thải lây nhiễm: Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom; chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế.

+ Đối với chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế.

+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Xử lý dứt điểm lượng rác thải tồn đọng, duy trì hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Hương Thủy theo hướng từng bước chuyển đổi công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn theo tình hình mới, dự kiến đến năm 2040 nâng công suất nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Hương Thủy lên 170 tấn/ng.đ để đảm bảo nhu cầu phục vụ.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp: Khai thác tối đa công suất Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh để xử lý chất thải công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và các địa bàn khác trong tỉnh. Xây dựng thêm 01 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp để đảm bảo nhu cầu xử lý chất thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn.

- Nghĩa trang:

+ Quy hoạch 02 nghĩa trang tập trung: Tại xã Hương Thủy (khoảng 25ha) phục vụ cho Thị trấn, Phú Phong, đô thị Phúc Đồng và các xã Hương Thủy, Hương Long, Hương Bình, Gia Phố và các vùng phụ cận; tại xã Hà Linh (khoảng 30ha) phục vụ cho xã Hà Linh và các vùng phụ cận.

+ Khu vực nông thôn: Các nghĩa trang phân tán khu vực nông thôn, không đủ khoảng cách ly theo quy chuẩn phải có kế hoạch ngừng hung táng, trồng cây xanh cách ly. Sử dụng nghĩa trang theo quy hoạch chung xã.

10.7. Bảo vệ môi trường:

- Tập trung các giải pháp bảo vệ những vùng ngập lũ, vùng rừng núi đầu nguồn. Dành đất dự trữ để phát triển đê, điều, xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm chống úng ngập.

- Ưu tiên cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các hồ điều hòa trong đô thị và các khu dân cư nông thôn. Nạo vét sông suối và các kênh mương thoát nước trong khu vực đô thị. Sắp xếp nhà ở dân cư hợp lý, tránh các vùng rốn lũ và xây dựng dân cư ở các vùng cao. Đầu tư xây dựng các công trình tránh lũ như nhà tránh lũ, kênh mương thoát lũ, hạ tầng cơ sở đường cứu hộ, cứu nạn…

- Lồng ghép, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành trên địa bàn đô thị. Tăng cường vai trò của chính quyền đô thị trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

11. Các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện

11.1. Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Hoàn thành các dự án đầu tư để huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

- Xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ, cải tạo nâng cấp các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê, huyện Hương Khê.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải tại đô thị Hương Khê.

- Đường giao thông nối từ đường Hồ Chí Minh vào khu vực biên giới xã Hòa Hải, huyện Hương Khê.

- Đường vào các xã Hà Linh, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên, Hương Đô và Phúc Trạch, huyện Hương Khê.

- Đường giao thông bảo vệ an ninh biên giới, kết hợp bảo vệ phát triển thác Vũ Môn và phát triển vùng, huyện Hương Khê.

- Xây dựng hồ Vũ Môn (hồ Trại Dơi).

- Nghĩa trang công viên vĩnh hằng Hà Linh.

- Nghĩa trang Phúc Đồng - Hòa Hải.

- Sân vận động huyện.

- Nhà máy nước Hòa Hải.

- Nhà máy nước Hương Liên.

- Nhà máy nước Hương Lâm.

- Kho vũ khí trang bị K19.

- Trang trại chăn nuôi tập trung xã Hương Trạch và xã Hòa Hải.

- Hạ tầng cụm CN Gia Phố, Hương Phúc, Hương Long, Phúc Đồng.

- Trung tâm thương mại, dịch vụ (chợ, siêu thị,...).

11.2. Nguồn lực thực hiện

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hạ tầng các vùng sản xuất tập trung.

- Nguồn vốn nước ngoài: Từ các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào các ngành công nghiệp, du lịch.

- Nguồn vốn từ các doanh nghiệp: Đầu tư vào các hoạt động du lịch, thương mại, đô thị, sản xuất nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện.

- Nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nguồn ngân sách xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh bổ sung cho ngân sách cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025 theo nghị quyết của HĐND.

Điều 2. UBND huyện Hương Khê (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định, đề xuất) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung thẩm định, sự phù hợp với các quy định pháp luật và các kiến nghị, đề xuất tại các Văn bản trình, thẩm định nêu trên.

Điều 3. Giao trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan:

1. UBND huyện Hương Khê ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch; tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch; thực hiện quản lý quy hoạch, quản lý đất đai theo đúng quy định hiện hành; tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tham gia quản lý và thực hiện quy hoạch.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hàng năm cân đối, tham mưu bố trí, lồng ghép nguồn vốn ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch được duyệt.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Chủ tịch UBND huyện Hương Khê và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Báu Hà

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2653/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2653/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/10/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật6 tháng trước
(20/10/2023)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2653/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2653/QĐ-UBND 2023 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê Hà Tĩnh đến 2040


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2653/QĐ-UBND 2023 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê Hà Tĩnh đến 2040
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2653/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Hà Tĩnh
                Người kýTrần Báu Hà
                Ngày ban hành13/10/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật6 tháng trước
                (20/10/2023)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Quyết định 2653/QĐ-UBND 2023 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê Hà Tĩnh đến 2040

                            Lịch sử hiệu lực Quyết định 2653/QĐ-UBND 2023 Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê Hà Tĩnh đến 2040

                            • 13/10/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực