Nội dung toàn văn Chỉ thị 03/2014/CT-UBND tăng cường hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính Kon Tum
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03 /2014/CT-UBND | Kon Tum, ngày 06 tháng 05 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM.
Trong những năm qua, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp của tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các cơ quan, địa phương đã triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như: Một số ngành chậm rà soát, công bố thủ tục hành chính theo quy định; công tác niêm yết công khai thủ tục hành chính tại một số cơ quan, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc; công tác đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ và lấy ý kiến đối với quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ít được quan tâm thực hiện; tình trạng không tuân thủ quy trình, hồ sơ, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra và chưa được chấn chỉnh triệt để....
Nhằm đảm bảo các điều kiện thi hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện tốt Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ và các chỉ đạo của UBND tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan, địa phương gắn công tác kiểm soát thủ tục hành chính với công tác cải cách hành chính. Xác định kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trực thuộc.
2. Thường xuyên rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, địa phương; quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện chi trả đúng, đủ chế độ hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh;
Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ; biên soạn, in ấn và cấp phát sổ tay nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Quyết định số 1108/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính:
- Các cơ quan, địa phương được giao chủ trì xây dựng dự thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh có quy định về thủ tục hành chính phải tuân thủ nghiêm quy trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, đánh giá tác động và tính toán chi phí tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành các quy định về thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất. Đảm bảo sự tham gia của cán bộ, công chức làm công tác đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chứa quy định thủ tục hành chính;
- Việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ đối với các quy định về thủ tục hành chính và tổ chức lấy ý kiến đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh (Sở Tư pháp) được thực hiện đồng thời với thời gian lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL theo quy định;
- Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động và tính toán chi phí tuân thủ đối với quy định về thủ tục hành chính cho các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh có chức năng tham mưu, hoạch định chính sách của UBND tỉnh.
- Các cơ quan, địa phương không được ban hành các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Trong trường hợp cần thiết phải có các quy định thủ tục hành chính để thực hiện giao dịch với tổ chức, cá nhân nhưng chưa được quy định cụ thể tại các văn bản của cấp có thẩm quyền, thì các cơ quan, địa phương phải chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành để thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ;
Khi ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến cá nhân, tổ chức, các cơ quan, địa phương phải gửi 01 bản đến Sở Tư pháp để theo dõi, kiểm soát. Trong trường hợp phát hiện những hướng dẫn không phù hợp với quy định, trái thẩm quyền... Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan ban hành chấn chỉnh, sửa chữa.
4. Nghiêm túc tổ chức thực hiện công tác rà soát thống kê, kiểm soát chất lượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới ban hành, các thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và giải quyết mọi hậu quả gây ra do việc chậm công bố thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
5. Tổ chức tốt công tác công khai thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Rà soát các quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông do cơ quan, địa phương ban hành theo đúng quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính sai thẩm quyền nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh;
- Nghiêm túc thực hiện công tác công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định về thủ tục hành chính mới được công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hết hiệu lực... để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; kiểm tra sửa chữa, thay đổi các phương tiện dùng để công bố thủ tục hành chính đã cũ nát, sờn ố... nhằm đảm bảo mỹ quan trong công khai thủ tục hành chính.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn của tỉnh chịu trách nhiệm giải quyết mọi hậu quả gây ra do việc chậm công khai, công khai không đầy đủ, thiếu chính xác hoặc không công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết sau khi đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố theo quy định.
6. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
- Các cơ quan, địa phương và cán bộ, công chức được phân công giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình theo quy định tại các Điều 18 và Điều 20 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ;
- Tổ chức giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo đúng trình tự, quy định về thủ tục hành chính đã được công bố, công khai. Các cơ quan, địa phương không được tự đặt ra các quy định về hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí... ngoài quy định của pháp luật trong xử lý các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết;
- Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị và địa phương trực thuộc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi hách dịch, nhũng nhiễu, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục hành chính đã được công bố...
7. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác rà soát quy định hành chính, đơn giản hóa việc thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
- Chủ động rà soát các quy định hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành, khi có sự sửa đổi, bổ sung phải phối hợp với Sở Tư pháp triển khai ngay việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định có liên quan (nếu có) thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương.
- Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả, chủ động phối hợp với Sở Tư pháp kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính. Nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông giữa các cơ quan hành chính cấp tỉnh với nhau và giữa các cơ quan hành chính cấp tỉnh với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính.
- Chú trọng việc thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ và Quyết định số 53/2013/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 của UBND tỉnh.
8. Các cơ quan thông tin, đại chúng của tỉnh dành thời lượng phù hợp để thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, địa phương; nêu gương những cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, tận tâm, tận tụy trong phục vụ nhân dân; đồng thời phản ánh những điểm chưa phù hợp của các quy định hành chính, những hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan hành chính các cấp nhằm giúp cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ, xử lý theo quy định.
9. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh phát huy vai trò giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương; tập hợp và gửi những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như các hành vi: từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm; không công khai hoặc công khai không đầy đủ thủ tục hành chính tại nơi giải quyết thủ tục hành chính... của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xử lý, tháo gỡ. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các kiến nghị trên.
10. Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký. Các chỉ đạo trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trái với Chỉ thị này đều bãi bỏ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |