Nội dung toàn văn Chỉ thị 08/CT-UBND quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố Hà Nội 2016
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG, THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ
Những năm qua, Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hà Nội đã triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 và đến nay đã triển khai ở 100% xã, phường, thị trấn, xây dựng mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại Phường Trung Liệt (Đống Đa) và Tuyến phố Núi Trúc (Ba Đình) và 30 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. Triển khai đồng bộ các hoạt động và nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua quá trình triển khai đến nay 99% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện ATTP với chính quyền địa phương, kiến thức thực hành các nhóm đối tượng tăng so với năm 2013 (người quản lý tăng từ 59,1% lên 86,8%, người kinh doanh chế biến tăng từ 58% lên 82,9%, người tiêu dùng tăng từ 72,6% lên 83,5%); điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện; nhận thức về vai trò quản lý, kiểm soát của chính quyền ở phường có sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên canh những chuyển biến tích cực, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng còn một số tồn tại như: khoảng 17 % cơ sở chưa đạt các điều kiện an toàn thực phẩm; cơ sở chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm an toàn, lấn chiếm vỉa hè....Những tồn tại này làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng và mất mỹ quan đô thị.
* Nguyên nhân:
- Nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người chế biến còn hạn chế.
- Không đảm bảo về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường: Nhiều cơ sở có địa điểm cố định thì diện tích chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình, hay lấn chiếm vỉa hè. Bán hàng rong thì không có đủ dụng cụ đảm bảo vệ sinh, bán hàng cạnh cống rãnh thoát nước...
- Hoạt động thức ăn đường phố thường biến động và thay đổi chủ cơ sở, người chế biến. Do chạy theo giá cả nên cơ sở mua thực phẩm rẻ, không đảm bảo an toàn.
- Ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
- Một số chính quyền địa phương nhất là xã, phường chưa quan tâm thường xuyên, còn nể nang ngại va chạm do quen biết, nên chưa quyết liệt trong quản lý và xử phạt vi phạm.
- Chưa có quy hoạch và quản lý phù hợp đối với hoạt động thức ăn đường phố.
Trước thực tế đó, để tạo sự chuyển biến tích cực rõ nét trong quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và văn minh đô thị, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành liên quan khẩn trương thực hiện:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại địa phương. Duy trì và nhân rộng mô hình điểm về thức ăn đường phố, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường thị trấn, an toàn thực phẩm tại 30 tuyến phố văn minh đô thị. Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm an toàn thực phẩm theo phân cấp. Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm quận, huyện định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường quản lý.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai quyết liệt các công việc sau:
+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tới các nhóm đối tượng, trọng tâm người chủ cơ sở và người chế biến. Yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thường xuyên thực hiện đầy đủ các tiêu chí an toàn thực phẩm, thu gom rác thải ngay, đảm bảo mặt nền cơ sở luôn gọn sạch không có giấy, rác; phải có tủ kính chứa đựng thực phẩm (trừ hàng rong có dụng cụ chứa đựng thực phẩm kín phù hợp đảm bảo vệ sinh) để tạo sự thay đổi rõ nét đảm bảo an toàn thực phẩm, mỹ quan và vệ sinh môi trường sạch đẹp.
+ Huy động cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra đảm bảo mỹ quan đô thị; kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
+ Tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm, kịp thời thông báo tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng.
+ Quy hoạch một số tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bảo đảm các điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng để đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.
+ Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
2. Sở Y tế
Là cơ quan đầu mối thường trực giúp UBND Thành phố triển khai kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn các quận, huyện, thị xã quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mô hình điểm về cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, hỗ trợ chuyên môn cho đơn vị tuyến dưới. Tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng tuyến quận, huyện kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, do quận, huyện, xã, phường quản lý.
3. Công an Thành phố
Chỉ đạo đơn vị trong ngành phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu chính quyền tổ chức tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, dẹp bỏ các cơ sở lấn chiếm vỉa hè, bán hàng tại các địa điểm không được phép, các hàng rong cổng trường học, bệnh viện, chợ cóc chợ tạm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, báo Kinh tế đô thị, các cơ quan thông tin truyền thông của Thành phố thường xuyên đưa tin về công tác quản lý an toàn thực phẩm của chính quyền quận, huyện, xã, phường; hoạt động các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, các cơ sở chưa tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm.
5. Các sở, ngành Thành phố theo chức năng nhiệm vụ triển khai và chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.
Hằng năm, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành chức năng tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, báo cáo UBND Thành phố (gửi Sở Y tế để tổng hợp)./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |