Nội dung toàn văn Chỉ thị 11/CT-UBND bảo vệ môi trường phòng ngừa giảm thiểu tác hại hải sản chết hàng loạt Thái Bình 2016
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Thái Bình, ngày 29 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TÁC HẠI CỦA HIỆN TƯỢNG THỦY, HẢI SẢN CHẾT HÀNG LOẠT
Trước tình trạng cá biển, bao gồm cá nuôi chết hàng loạt trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tỉnh đến Thừa Thiên - Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các cơ quan có liên quan xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.
Trong thời gian tới, do nắng nóng có khả năng làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, rác thải gây lên hiện tượng phú dưỡng, làm bùng phát tảo độc, lan truyền dịch bệnh và các chất độc hại. Thêm vào đó, hiện tượng gia tăng phân tầng mật độ nước biển do nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến làm giảm lượng ô xy trong các lớp nước sâu là một trong những nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Thực hiện văn bản số 1436/BTNMT-TCBHĐVN ngày 22/4/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hiện tượng thủy, hải sản (tôm, cá, ngao) tự nhiên cũng như nuôi trồng chết hàng loạt trên biển; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện ven biển và các tổ chức, cá nhân tập trung thực hiện có hiệu quả một số biện pháp cấp bách sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường biển cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định.
c) Thực hiện nghiêm túc việc quan trắc môi trường tự nhiên, môi trường nước sông, nước biển.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ môi trường phòng tránh gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản trên khu vực ven biển, trên biển; có giải pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các hiện tượng bất thường trong nuôi trồng thủy, hải sản; phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm ra nguyên nhân.
3. Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu, cụm công nghiệp ven biển thuộc thẩm quyền quản lý.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu, cụm công nghiệp ven biển.
4. Các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tiền Hải, UBND huyện Thái Thụy tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý.
5. UBND huyện Tiền Hải, UBND huyện Thái Thụy chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã ven biển khẩn trương thực hiện một số công việc như:
- Tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển; ngăn chặn mọi hình thức đổ thải tại các khu vực ven biển, ven sông;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển;
- Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển;
- Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng khi phát hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh thái biển để kịp thời có giải pháp xử lý; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, định hướng dư luận, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng chống phá.
6. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
7. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản ven biển, trên biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật về nuôi trồng thủy hải sản, bảo vệ môi trường; khi phát hiện những hiện tượng bất thường kịp thời báo cho các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý.
8. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo vệ môi trường biển để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện. Công khai phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường biển của các cơ sở, cá nhân có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung.
9. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |