Nội dung toàn văn Công văn 3250/BYT-KCB 2019 khám giám định thương tật đối với thương binh tai nạn lao động
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3250/BYT-KCB | Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2019 |
Kính gửi: | - Hội đồng Giám định y khoa Trung ương 1, 2, 3; |
Bộ Y tế nhận được ý kiến phản ánh, đề nghị của một số Hội đồng Giám định y khoa về hướng dẫn cụ thể việc khám giám định tai nạn lao động đối với người lao động, khám giám định thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (Sau đây viết tắt là Thông tư số 56/2017/TT-BYT); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 25/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn khám giám định thương tật đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (Sau đây viết tắt là TTLT số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH) và các văn bản có liên quan, Bộ Y tế hướng dẫn Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) khám giám định tai nạn lao động đối với người lao động, khám giám định thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (Sau đây gọi chung là thương binh) như sau:
1. Việc khám giám định tai nạn lao động đối với người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật an toàn, vệ sinh lao động; khám giám định thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do Hội đồng GĐYK các cấp thực hiện.
2. Hồ sơ khám giám định:
a) Đối với tai nạn lao động, thân nhân người lao động: hồ sơ được thực hiện theo quy định tại các Điều: 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Thông tư số 56/2017/TT-BYT;
b) Đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: hồ sơ theo quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH.
3. Nội dung khám giám định:
a) Đối với tai nạn lao động, thân nhân người lao động: Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể: Hội đồng GĐYK căn cứ Giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ khám giám định như đã nêu tại điểm a, Mục 2 công văn này và các giấy tờ có liên quan theo quy định để khám giám định;
b) Đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH , cụ thể: Hội đồng GĐYK căn cứ Giấy chứng nhận bị thương hoặc Bản trích lục hồ sơ thương tật, hồ sơ khám giám định như đã nêu tại điểm b, Mục 2 công văn này và các giấy tờ có liên quan theo quy định để khám giám định;
c) Trong quá trình khám, giám định, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với mỗi đối tượng, Hội đồng GĐYK cần lưu ý thực hiện:
- Khám xác định vị trí, tính chất, mức độ, tình trạng tổn thương của thương tích do tai nạn lao động (đối với người lao động), hoặc thương tật do vết thương, chấn thương (đối với thương binh) gây ra;
- Khám xác định “Có” hay “Không có” di chứng tổn thương của thương tích do tai nạn lao động (đối với người lao động), hoặc thương tật do vết thương, chấn thương (đối với thương binh) gây ra. Nếu có di chứng thì đánh giá tính chất, mức độ, tình trạng của di chứng đó;
- Xác định mức độ (tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể/suy giảm khả năng lao động, viết tắt là tỷ lệ % TTCT) của thương tích do tai nạn lao động (đối với người lao động), hoặc thương tật do vết thương, chấn thương (đối với thương binh) gây ra, bao gồm cả tỷ lệ % tổn thương của thương tích và tỷ lệ % do di chứng tổn thương gây ra (nếu có).
4. Trình tự khám giám định, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng GĐYK thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng GĐYK các cấp.
Để bảo đảm thực hiện đúng quy định, Bộ Y tế yêu cầu Hội đồng GĐYK các cấp nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành và các hướng dẫn tại công văn này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Hội đồng GĐYK các cấp khẩn trương báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) để được xem xét, giải quyết kịp thời./.
| KT. BỘ TRƯỞNG
|