Nội dung toàn văn Công văn 4038/BGDĐT-KHTC đề nghị quyết định mức học phí cụ thể hằng năm 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4038/BGDĐT-KHTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2016 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (Nghị định 86) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung sau đây:
1. Học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông:
a) Căn cứ khung học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 quy định tại Nghị định 86 và chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp thực tế của người dân.
b) Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2. Học phí đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trực thuộc:
Căn cứ mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86 tương ứng với từng năm học, từng loại hình đơn vị, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân quyết định về mức học phí cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của địa phương, trong đó phải đảm bảo:
a) Mức thu học phí không được vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86 đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo từng loại hình đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
- Đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác, cơ sở giáo dục chủ động tính toán và quy định mức thu học phí và có sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục đào tạo, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
- Đối với học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên, mức thu không được vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định số 86.
b) Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện chương trình chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí phù hợp cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ trang trải chi phí đào tạo, trình cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương thông qua trước khi thực hiện.
3. Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông và cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên nghèo; học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định tại Nghị định 86.
4. Lộ trình tăng học phí hàng năm phải theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 86, trong đó lưu ý thời điểm thực hiện tăng học phí không trùng với thời điểm tăng giá dịch vụ y tế tại địa phương để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.
5. Hàng năm, các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời việc dạy thêm, học thêm và thu chi trái quy định trong trường học. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái quy định hiện hành./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |