Nội dung toàn văn Công văn 8926/BKHĐT-GSTĐĐT 2014 thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư BOT BT
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8926/BKHĐT-GSTĐĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 16005/BTC-TCT ngày 03/11/2014 của Bộ Tài chính về một số nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp tại doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Về chi phí lãi vốn để góp vốn điều lệ cho Doanh nghiệp dự án:
Vốn để thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), bao gồm vốn chủ sở hữu (vốn tự có) và vốn vay.
Tại Điều 5 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2009/NĐ-CP) quy định cụ thể tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án so với tổng vốn đầu tư của Dự án.
Tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP có quy định, vốn chủ sở hữu là vốn thực có của Nhà đầu tư được cam kết góp vào vốn điều lệ của Doanh nghiệp dự án và được xác định trên cơ sở tổng vốn đầu tư của từng Dự án.
Như vậy, với tất cả các dự án thực hiện theo hình thức BOT, BTO, BT đều phải có số lượng vốn tự có theo tỷ lệ được quy định tại Điều 5 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.
Với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, việc xác định chi phí lãi vốn trong thời gian xây dựng Dự án là cơ sở để xác định giá trị Công trình dự án, nhằm mục đích xác định thời gian kinh doanh hoàn vốn (với dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO), hoặc quyết toán với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (với dự án đầu tư theo hình thức BT).
Tại Điều 12 Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về điều kiện và phương thức thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT, BTO, BT có quy định, Nhà đầu tư được tính lãi vốn vay trong thời gian xây dựng Công trình dự án, với mức vay tối đa của Nhà đầu tư được xác định bằng tỷ lệ vốn phải huy động ngoài phần vốn chủ sở hữu theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP; lãi vay huy động vốn đầu tư của Nhà đầu tư chỉ được áp dụng đối với phần vốn Nhà đầu tư phải đi vay để đầu tư dự án BOT, BTO, BT, không tính lãi vay đối với phần vốn chủ sở hữu Nhà đầu tư phải đảm nhận theo quy định.
Như vậy, với các dự án có thời gian kinh doanh thu hồi vốn (BOT, BTO), Nhà đầu tư chỉ được tính lãi vốn vay (ngoài phần vốn tự có, Nhà đầu tư phải đảm nhận theo quy định) vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các Doanh nghiệp dự án
Theo quy định tại khoản 8, Điều 2 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Doanh nghiệp BOT, Doanh nghiệp BTO, Doanh nghiệp BT (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp dự án) là doanh nghiệp do Nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý Công trình dự án và để thực hiện Dự án khác. Như vậy, Doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư và để phục vụ dự án đầu tư.
Tại Điều 38 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định, Doanh nghiệp BOT và Doanh nghiệp BTO được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; với Doanh nghiệp dự án BT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Dự án khác được áp dụng tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Quý Bộ căn cứ vào thông tin cụ thể của từng doanh nghiệp, hướng dẫn thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |