Nội dung toàn văn Công văn 9675/BNN-QLCL năm 2015 tổ chức triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9675/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2015 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
Ngày 19/10/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 8534/KH-BNN-QLCL triển khai đợt cao điểm hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10/2015 đến hết tháng 2/2016, trong đó xác định ba mũi đột phá: một là, tăng cường truyền thông ATTP; hai là, tăng cường kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm, triệt để tận gốc vi phạm ATTP; ba là, kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản có văn bản hướng dẫn hoạt động kết nối và kiểm tra, giám sát, thí điểm cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn. Để thống nhất triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở Ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung sau:
1. Đối tượng được cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn là các sản phẩm được bày bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị,...) và chủ các cơ sở này có nhu cầu, tự nguyện đăng ký cấp giấy xác nhận. Cơ quan cấp giấy xác nhận là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý thuộc Sở được giao nhiệm vụ.
2. Điều kiện cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn:
- Các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm từ cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) đến cơ sở bày bán nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ) hoặc được chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận tương đương (Global GAP, ASC ...).
- Sản phẩm đăng ký cấp giấy xác nhận được cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát tại cơ sở bày bán theo quy định và có kết quả kiểm nghiệm đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Trường hợp doanh nghiệp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm từ cơ sở sản xuất ban đầu đến cơ sở bày bán nông sản thực phẩm, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý thuộc Sở được giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất trong chuỗi và lấy mẫu giám sát tại cơ sở bày bán, thí điểm cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn để giảm thủ tục và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong đợt cao điểm hành động.
4. Đối với những nơi bày bán sản phẩm chưa đủ điều kiện cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn, đề nghị các địa phương cần tổ chức thí điểm bố trí các thiết bị, kít thử nhanh được công nhận của ngành Y tế để người tiêu dùng có điều kiện sử dụng dịch vụ thử nhanh trong lựa chọn thực phẩm an toàn.
5. Cùng với hoạt động kết nối và kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng, thí điểm cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở Ngành liên quan phối hợp tổ chức các hội chợ giới thiệu các sản phẩm được cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn; đồng thời chỉ đạo công bố công khai, tuyên truyền rộng rãi các địa chỉ bán sản phẩm được cấp giấy xác nhận nông sản thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và dễ tiếp cận.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị địa phương có văn bản gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) để được phối hợp triển khai./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |