Nội dung toàn văn Kế hoạch 1882/KH-UBND 2014 thực hiện quản lý sử dụng khai thác công trình cấp nước sạch Hà Nam
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1882/KH-UBND | Hà Nam, ngày 22 tháng 10 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THÔNG TƯ 54/2013/TT-BTC NGÀY 04/05/2013 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
Thực hiện Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Công văn số 4718/BTC-QLCS ngày 11/4/2014 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC ; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Đánh giá hiện trạng chất lượng công trình, xác định giá trị công trình; xác lập sở hữu nhà nước, cập nhật cơ sở dữ liệu đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng từ tất cả các nguồn vốn.
- Làm căn cứ để các Sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các đơn vị quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung triển khai thực hiện Thông tư số 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng và khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
- Phân công nhiệm vụ, yêu cầu thời gian, nội dung công việc cụ thể để các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, thị trấn triển khai thực hiện.
2. Yêu cầu:
- Kiểm tra, rà soát, nắm bắt hiện trạng tất cả các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xác định lại giá trị công trình để có số liệu bàn giao công trình cho đơn vị quản lý trực tiếp công trình.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Công trình cung cấp nước sạch cho dân cư nông thôn được đầu tư toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước, có nguồn gốc ngân sách nhà nước, công trình được xác lập sở hữu nhà nước như đầu tư từ các nguồn vốn, gồm: Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước...
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
1. Nội dung công việc:
- Rà soát, đánh giá, xác lập cơ sở dữ liệu công trình, xác định lại giá trị công trình, tổ chức lưu trữ hồ sơ công trình; xác lập sở hữu nhà nước đối với các công trình để quản lý và khai thác.
- Đánh giá, đề xuất phương án loại bỏ khỏi danh sách đối với các công trình cũ đã ngừng hoạt động, đã có công trình khác thay thế hoặc có chủ trương đầu tư xây dựng công trình mới để thay thế.
- Lập phương án đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành và khai thác công trình; nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình.
- Tổ chức hạch toán, khấu hao, bảo trì công trình; xác định giá thành nước sạch, giá tiêu thụ nước sạch;
- Rà soát hiện trạng quản lý, làm rõ những tồn tại, nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của các công trình, đề xuất mô hình quản lý phù hợp với quy định hiện hành để phát huy hiệu quả đầu tư.
2. Giải pháp thực hiện:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 54/2013/T-BTC ngày 04/5/2013 đến cán bộ, đơn vị quản lý các công trình, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ, duy trì hoạt động các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
- Tăng cường chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số công trình. Khôi phục, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến công trình, tổ chức lưu trữ hồ sơ từ cơ quan cấp tỉnh, địa phương và đơn vị quản lý sử dụng. Rà soát đánh giá hiện trạng công trình, hiện trạng quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu của các công trình.
- Đưa thông tin, giáo dục, truyền thông thường xuyên đến được với người dân thông qua hoạt động dựa vào cộng đồng với nội dung tập trung vào việc làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với việc sử dụng, bảo vệ, duy trì hoạt động của các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn cũng như việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Động viên nhân dân tham gia tổ chức thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có bị xuống cấp.
- Tăng cường truyền thông, tập huấn để nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa công trình cho cán bộ cơ sở trực tiếp tham gia quản lý vận hành công trình.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn; đẩy mạnh công tác xã hội hóa quản lý, đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình.
3. Thời gian thực hiện:
- Thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tài sản, Tổ khảo sát hiện trạng xong trước 30/10/2014.
- Điều tra khảo sát, đánh giá lại giá trị, xác lập cơ sở dữ liệu các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh xong trước 30/11/2014.
- Xây dựng phương án giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác công trình, trình UBND tỉnh xong trước ngày 31/12/2014.
4. Kinh phí thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tạm thời huy động phương tiện, thiết bị, cán bộ chuyên môn của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.
- Các đơn vị chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.
IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, CÁC CẤP
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý công trình rà soát, thu thập tài liệu liên quan đến công tác đầu tư xây dựng công trình, lập báo cáo kê khai lần đầu về từng công trình, hoàn thiện hồ sơ hình thành và giao công trình cho các đơn vị quản lý sử dụng.
- Căn cứ hồ sơ, hiện trạng của công trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng các công trình lựa chọn phương án xử lý đối với từng công trình. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án giao công trình cho đơn vị quản lý và tổ chức lưu trữ hồ sơ theo quy định.
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định về thời gian trích khấu hao công trình làm cơ sở hạch toán, xác định tài sản theo quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình lập báo cáo kê khai công trình; kiểm tra tính đầy đủ, chính xác và thực hiện xác nhận báo cáo kê khai công trình, gửi Sở Tài chính đăng nhập vào phần mềm.
- Tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tài sản, Tổ khảo sát hiện trạng và xác định lại giá trị công trình.
- Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn cho các đơn vị liên quan về các nội dung khác thuộc lĩnh vực phụ trách quy định trong Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố các đơn vị liên quan thực hiện xác lập sở hữu nhà nước đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn thuộc đối tượng xác lập sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định xác lập sở hữu nhà nước của các công trình;
- Báo cáo kê khai, cập nhật dữ liệu về công trình, thường xuyên hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu đã nhập vào cơ sở dữ liệu về công trình;
- Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn cho các đơn vị liên quan về các nội dung khác quy định trong Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn về công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn mình quản lý và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công việc được giao.
- Chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổng hợp, chuẩn bị hồ sơ liên quan đến công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, kiểm tra hiện trạng và xác định lại giá trị công trình và lập báo cáo kê khai lần đầu về công trình theo quy định của Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính và hướng dẫn số 4718/BTC-QLCS ngày 11/4/2014 của Bộ Tài chính;
- Hoàn thiện hồ sơ liên quan đến các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để xác lập sở hữu công trình, cơ sở dữ liệu công trình;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình trên địa bàn;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính.
- Định kỳ tổng hợp báo cáo quá trình quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để cập nhật dữ liệu công trình.
4. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Tham gia Tổ khảo sát để kiểm tra, xác định lại giá trị công trình và hiện trạng quản lý, sử dụng, khai thác các công trình nước sạch trên địa bàn.
- Chuẩn bị hồ sơ liên quan đến công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để xác lập sở hữu công trình, cơ sở dữ liệu công trình;
5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý, khai thác, sử dụng công trình nước sạch nông thôn tập trung:
Thực hiện các nội dung của kế hoạch theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Sở Tài chính.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Căn cứ nội dung kế hoạch và nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc thực hiện kế hoạch này theo lĩnh vực được phân công phụ trách, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
- Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các ngành chức năng liên quan triển khai thực hiện hoàn thành các nội dung trên đúng thời gian quy định; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |