Văn bản khác 550/KH-UBND

Kế hoạch 550/KH-UBND năm 2017 thực hiện Kết luận 06-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW về "Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do tỉnh An Giang ban hành

Nội dung toàn văn Kế hoạch 550/KH-UBND 2017 đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học An Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 550/KH-UBND

An Giang, ngày 29 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 06-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA XII VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 50-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA IX VỀ “ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX về Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX.

- Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 16/6/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020.

- Ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy truyền đạt tại Công văn số 802-CV/VPTU ngày 17/4/2017 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc xây dựng Kế hoạch phát triển công nghệ sinh học.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tăng nhanh tỉ lệ nông - lâm - thủy sản chế biến, nhất là chế biến phục vụ xuất khẩu; tiến tới giảm nhập khẩu và tự cung cấp được một phần quan trọng nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân; áp dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường.

- Phát triển công nghệ sinh học đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; xây dựng nền công nghiệp sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân.

- Tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong nông nghiệp và nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tiếp cận, làm chủ ít nhất 10 - 15 quy trình công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ sinh học, đảm bảo đến năm 2030 có khoảng 20 tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học phụ trách nghiên cứu, phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh tại tỉnh.

- Chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu đã thành công vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương:

+ Tổ chức xây dựng ít nhất 20 mô hình trình diễn các thành tựu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học đến với người dân.

+ Ít nhất có 10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh và bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng phát triển các công nghệ mới, hiện đại như công nghệ gen, công nghệ tế bào,… để chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ đạo của tỉnh có năng suất, chất lương cao và kháng bệnh tốt vào sản xuất chiếm trên 30% cơ cấu giống hiện tại của tỉnh.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ vi sinh trong bảo vệ thực vật, phân bón, chế biến, bảo quản nông sản,…

- Thu hút, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp có tâm huyết trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 ươm tạo hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp về công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Đưa Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang trở thành đơn vị đầu ngành của tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ

a) Về cây trồng

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống mới, có đặc tính ưu việt, giống có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

- Nghiên cứu thử nghiệm, chọn tạo và nhân rộng các loại giống mới (đặc biệt là các giống lúa, rau màu…) có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về sản xuất lúa gạo xuất khẩu, sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu.

- Nghiên cứu xác lập “dấu tay di truyền“ (finger printing) cho các giống cây đặc sản bản địa của tỉnh để làm cơ sở cho việc bảo tồn quỹ gen quý hiếm, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu; đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

b) Về vật nuôi (gia súc, gia cầm)

- Nghiên cứu cải tiến, ứng dụng công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, thụ tinh trong ống nghiệm; áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử, công nghệ chuyển gien trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao.

- Nghiên cứu thử nghiệm và nhân rộng các mô hình nuôi gia cầm, lợn, bò từ một số giống mới có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu và kháng bệnh tốt, hoặc từ quy trình sản xuất mới, quy trình an toàn sinh học, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

c) Về nuôi trồng thủy sản

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để: điều khiển giới tính, tạo giống thủy sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt; tiến hành các phương pháp sinh sản nhân tạo ở một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu. Kết hợp chọn giống truyền thống với phân tích biến dị ADN và sử dụng kỹ thuật gen để lựa chọn gen quý, ưu việt trong chọn tạo giống đối với các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực quan trọng của tỉnh; tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

- Ứng dụng công nghệ vi sinh vật để phòng trị có hiệu quả các bệnh nguy hiểm thường gặp trên các đối tượng thủy sản chủ lực, xử lý nguồn nước, chất thải từ nuôi trồng, chế biến thủy sản phục vụ bảo vệ môi trường; Bảo tồn, phát triển, khai thác hợp lý và sử dụng bền vững các nguồn gen thủy sản quý.

d) Về công nghệ sau thu hoạch, chế biến và quản lý chất lượng

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein để sản xuất các sản phẩm sinh học an toàn cho sức khỏe con người nhằm thay thế các loại phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ hóa học dùng trong thực phẩm để bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

- Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ và chế phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, chế biến và bảo quản nông sản - thực phẩm, làm sạch nước sinh hoạt và xử lý các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông - thủy sản và sinh hoạt nông thôn.

đ) Về lĩnh vực y - dược, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong lĩnh vực y - dược để tạo ra các sản phẩm y - dược mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao nhằm phòng, chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe của người dân. Nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ động vật, thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững.

2. Giải pháp

a) Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo cơ chế thị trường

- Đầu tư phát triển công nghệ sinh học là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong việc tạo ra những bộ giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; bảo đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

- Tuyển chọn, xác định doanh nghiệp có tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học trong tỉnh để tập trung hỗ trợ về khoa học công nghệ. Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong các ngành công nghiệp nhất là công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp phân bón, công nghiệp hóa mỹ phẩm,... để tạo ra sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

* Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Công nghệ sinh học phải góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nông - lâm - thủy sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.

* Trong lĩnh vực y dược

Công nghệ sinh học có nhiệm vụ góp phần giảm nhập khẩu, từng bước tự túc các nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm sản xuất, cung cấp đủ các vắc xin thiết yếu và một số loại thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh từ cây dược liệu. Tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mũi nhọn để sản xuất vắc xin thế hệ mới và thuốc điều trị có nguồn gốc protein tái tổ hợp. Nhanh chóng đưa liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và sử dụng vi sinh vật tái tổ hợp để sản xuất kháng sinh, vitamin và axít amin.

* Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học (thực vật, vi sinh vật và thủy sinh vật) trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

b) Chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực

- Xây dựng và thực hiện cơ chế huy động nguồn đầu tư cho công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp.

- Liên kết với trường Đại học An Giang để đầu tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực tỉnh nhà. Tuyển nhân lực có trình độ đáp ứng chuyên môn theo yêu cầu của kế hoạch. Đưa đi đào tạo chuyên môn trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ năng lực cán bộ, công, viên chức để có thể tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; đồng thời tạo mọi điều kiện để phát huy năng lực cán bộ hình thành nên hệ thống chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng canh tác, kiến thức mới cho người dân.

- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư áp dụng công nghệ sinh học tiên tiến, thân thiện môi trường. Đặc biệt, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

- Đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ sinh học.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống cho cán bộ đảng viên và nhân dân; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác ứng dụng công nghệ sinh học với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình văn hóa- xã hội, quốc phòng - an ninh.

d) Phát triển cơ sở, vật chất, kỹ thuật cho công nghệ sinh học

- Xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia cho Trung tâm Công nghệ sinh học, các Trung tâm nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu đưa nhanh các thành tựu trong nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

- Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tạo điều kiện nghiên cứu, ứng dụng thực nghiệm và hệ thống chuyển giao khoa học công nghệ. Trong đó chú trọng việc kêu gọi đầu tư trong nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp.

đ) Nâng cao hiệu quả hợp tác về công nghệ sinh học

- Tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, các tổ chức khoa học và công nghệ để tiếp nhận các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, có giá trị sử dụng lớn trong sản xuất và đời sống.

- Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để hợp tác nghiên cứu; tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ sinh học mới mà tỉnh và trong nước chưa có thông qua con đường viện trợ hoặc thương mại.

- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học để đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng các chương trình, dự án công nghệ sinh học để đề xuất tài trợ, hỗ trợ thông qua các chương trình hợp tác quốc tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì phối hợp và đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt Kết luận số 06-KL/TW cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hình thức phù hợp, đảm bảo nghiêm túc và có hiệu quả. Chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện kế hoạch, đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra theo định hướng đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

- Giám sát thực hiện tốt kế hoạch theo các nội dung đã được phê duyệt. Cân đối đủ kinh phí và giải ngân phù hợp đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch.

- Hàng năm có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh; Định kỳ sơ kết (3 năm), tổng kết (5 năm) và kịp thời có ý kiến điều chỉnh nội dung kế hoạch khi có phát sinh, vướng mắc.

2. Trung tâm Công nghệ sinh học

- Chịu trách nhiệm điều phối chính trong việc triển khai thực hiện kế hoạch này và hàng năm có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung nếu thấy khó khăn, vướng mắc.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch, các đề xuất đặt hàng nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển công nghệ sinh học; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các nội dung và kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức khảo sát, tư vấn hợp tác sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Có trách nhiệm đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học để tỉnh xem xét và bổ sung vào danh mục nghiên cứu hàng năm của tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước về lĩnh vực Công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Tăng cường công tác khuyến nông nhằm hướng dẫn người dân ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này, định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi,…

- Phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, tham mưu chính sách về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền phân bổ vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghệ sinh học trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí các nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công nghệ sinh học trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng dự toán và phương án phân bổ kinh phí hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại vả Đầu tư, các Sở ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ sinh học; khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ sinh học trong nước và xuất khẩu.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh gắn với thị trường, tiêu thụ.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh bổ sung chuyên mục, chuyên trang, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung của Kết luận số 06-KL/TW; Chỉ thị 50-CT/TW; Kế hoạch này; Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, nêu gương điển hình tiên tiến trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở địa phương.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cập nhật bổ sung các dự án xây dựng khu, vùng phát triển CNSH vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối tỉnh An Giang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

9. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng các kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược để tỉnh xem xét và bổ sung vào danh mục nghiên cứu hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch, các đề xuất đặt hàng nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược.

10. Trường Đại học An Giang: Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, bổ sung các bộ môn đào tạo, huấn luyện kiến thức về công nghệ sinh học. Đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và kỹ thuật viên về lĩnh vực công nghệ sinh học có đủ tiêu chuẩn theo quy định.

11. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

Là cầu nối tập hợp các trí thức, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học tham gia hỗ trợ tư vấn, phản biện khoa học trong các nội dung, đề tài, dự án có liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh An Giang.

12. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể phổ biến sâu rộng nội dung kế hoạch đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các công nghệ mới, tổ chức sản xuất, tham gia xây dựng, phát triển các tổ hợp tác, câu lạc bộ, tham gia phối hợp thực hiện các dự án, đề án thuộc Kế hoạch định hướng đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Hàng năm, có trách nhiệm xem xét, đánh giá kết quả thực hiện để có đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung định hướng phát triển công nghệ sinh học phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Chánh, Phó VP.UB;
- Website An Giang;
- P.KTN, P.HCTC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 550/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu550/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/09/2017
Ngày hiệu lực29/09/2017
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 550/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 550/KH-UBND 2017 đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học An Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 550/KH-UBND 2017 đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học An Giang
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu550/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh An Giang
                Người kýLê Văn Nưng
                Ngày ban hành29/09/2017
                Ngày hiệu lực29/09/2017
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Kế hoạch 550/KH-UBND 2017 đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học An Giang

                            Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 550/KH-UBND 2017 đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học An Giang

                            • 29/09/2017

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 29/09/2017

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực