Văn bản khác 787/KH-UBND

Kế hoạch 787/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Nội dung toàn văn Kế hoạch 787/KH-UBND 2018 Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Kon Tum


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 787/KH-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI, GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-TTg , ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường công tác phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; giảm khoảng cách giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Đồng thời giúp cho các đối tượng yếu thế được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn hoặc được hỗ trợ thông qua các chế độ, chính sách của Nhà nước.

2. Yêu cầu

Đảm bảo sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội của tỉnh. Huy động sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong việc tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của Trung ương, phấn đấu ngang tầm với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của các đối tượng yếu thế, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

- Tạo môi trường thuận lợi, an toàn, lành mạnh và nâng cao năng lực cho trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Giảm khoảng cách về giới trong các lĩnh vực, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới.

- Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, cải tạo nâng cấp hoàn thiện Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng công tác cai nghiện ma túy, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, phục vụ công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (cơ sở bảo trợ xã hội công lập), Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn II nhằm tăng quy mô chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế lên 300 người/cơ sở (1) vào năm 2020; tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý ca từ các cơ sở trợ giúp xã hội lên 30% vào năm 2020. Tiếp tục thí điểm các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; xây dựng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi (2) có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cấp huyện, xã. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về trợ giúp xã hội.

- 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống Bảo vệ trẻ em. Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng; 86,5 % trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, bị bạo hành được can thiệp trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; Duy trì các dịch vụ công tác xã hội và mô hình bảo vệ trẻ em tại cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố.

- Đến năm 2020 có 60% cán bộ, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp, 50% người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; 50% nữ cán bộ trong diện quy hoạch được tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và các kỹ năng mềm; 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cán bộ tham mưu kế hoạch thực hiện chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế ở các cơ quan, ban, ngành tại địa phương; cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp và đội ngũ cộng tác viên về bình đẳng giới được tập huấn bổ sung kiến thức, kỹ năng hoạt động về bình đẳng giới; tối thiểu 50% huyện, thành phố triển khai ít nhất một trong các mô hình về hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp; “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp; mô hình “vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới” tại doanh nghiệp: có 02 Trung tâm thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới, nạn nhân bị bạo lực giới được hỗ trợ, áp dụng đạt chuẩn công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh và Trung tâm Công tác xã hội thành phố); tối thiểu có 10 mô hình địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng được thí điểm cung cấp dịch vụ đạt chuẩn; trên 90% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ; 50% số người gây bạo lực hoặc có nguy cơ cao gây bạo lực được phát hiện, tư vấn.

- 90% người nghiện ma túy có quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời; Số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị từ 70%; Tăng tỷ lệ người nghiện ma túy được dạy nghề 65%; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật; 90% xã, phường được tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm: 90% số nạn nhân bị mua bán được phát hiện, được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Triển khai Dự án 1 : Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội

a) Nội dung hoạt động:

- Thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, nâng cấp, mở rộng 02 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, bảo đảm mục tiêu đề ra. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội công lập đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu và cung cấp dịch vụ công tác xã hội; ưu tiên hỗ trợ mua sắm trang thiết bị vận chuyển đối tượng, sơ cấp cứu, sinh hoạt và phục hồi chức năng cho đối tượng. Các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập phấn đấu tiếp cận các tiêu chuẩn chăm sóc theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hộ gia đình, đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội: Tập huấn kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối lượng hộ gia đình có người khuyết tật tối thiểu 100 lượt người/năm. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp xã hội, công tác xã hội (bình quân 110 người/năm).

- Truyền thông, nâng cao nhận thức: Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần và đối tượng khác; Triển khai các nội dung được cấp Trung ương tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường kỹ năng trợ giúp xã hội cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội: Xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng trợ giúp xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội cho cán bộ. nhân viên và cộng tác viên; nhất là đạo đức nghề công tác xã hội.

- Kiểm tra, giám sát công tác thí điểm các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; xây dựng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện phát triển nghề công tác xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, khuyến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

d) Kinh phí thực hiện Dự án 1: 67.400 triệu đồng (theo Phụ lục 1 đính kèm) trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn sự nghiệp: 30.600 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương, vốn sự nghiệp: 33.480 triệu đồng;

- Huy động xã hội hóa: 3.320 triệu đồng.

2. Triển khai Dự án 2: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em3

2.1. Hoạt động 1: Hoàn thiện và duy trì hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (BVTE) chuyên biệt:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Tiếp tục duy trì có hiệu quả và mở rộng hệ thống BVTE, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên BVTE từ cấp thôn, xã trên địa bàn toàn tỉnh: năm 2018: duy trì hoạt động hệ thống tại 42 xã, phường, thị trấn4; năm 2019: thành lập mới và đưa vào hoạt động Hệ thống BVTE tại 10 xã, phường, duy trì hoạt động tại 42 xã phường đã có hệ thống; năm 2020: duy trì hoạt động hệ thống tại 52 xã. phường.

- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong đó chú trọng đến trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, trẻ em bị tai nạn thương tích, tảo hôn, trẻ em thiếu kỹ năng tự bảo vệ...được tiếp nhận và quản lý trường hợp, can thiệp, trợ giúp để đáp ứng kịp thời việc cung cấp các dịch vụ BVTE hiệu quả.

- Áp dụng các thủ tục hành chính mới quy định có hiệu quả; triển khai áp dụng thực hiện quy trình tiếp nhận và cung cấp dịch vụ BVTE.

- Duy trì, nhân rộng mô hình nhận nuôi thay thế tại cộng đồng: thực hiện theo chế độ chính sách bảo trợ xã hội đối với trẻ em.

- Bố trí 01 cán bộ chuyên trách thực hiện Công tác xã hội trẻ em tại mỗi xã, phường, thị trấn của tỉnh (Unicef Việt Nam hỗ trợ 01 cán bộ Công tác xã hội trẻ em tại mỗi xã trong 09 xã vùng dự án Chương trình Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017-2021).

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2.2. Hoạt động 2: Duy trì hoạt động hệ thống BVTE cấp tỉnh và hỗ trợ trang thiết bị, duy trì hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ BVTE cho hợp phần trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội cấp tỉnh.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng nhiệm vụ phù hợp đối với các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE cấp tỉnh, bao gồm cả cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập đáp ứng yêu cầu của công tác BVTE.

- Rà soát thực trạng trang thiết bị hiện có tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh xem xét nhu cầu cần hỗ trợ đảm bảo hoạt động thuận lợi, hiệu quả đạt chuẩn theo quy định.

- Mô hình chăm sóc trẻ khuyết tật bán trú ban ngày tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh hoạt động, hỗ trợ tích cực cho trẻ em khuyết tật khắc phục khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

- Nhân viên công tác xã hội trẻ em được đào tạo và thực hành tốt kỹ năng tham vấn can thiệp, trợ giúp, liệu pháp tâm lý đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: trẻ em tự kỷ, trầm cảm, tăng động giảm chú ý...

- Hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh tiếp tục hoạt động, kết nối giữa các ngành thành viên tích cực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu BVTE tại cấp tỉnh và chuyển tuyến theo yêu cầu.

- Duy trì và thành lập hoạt động các mô hình công tác xã hội cấp tỉnh (tại các ngành y tế, công an, giáo dục....).

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia BVTE cấp tỉnh cho tuyến huyện, xã.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch; Tòa án tỉnh; Công an tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2.3. Hoạt động 3: Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, hoạt động mô hình cung cấp dịch vụ BVTE theo 3 cấp độ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE cấp huyện hoặc Văn phòng tư vấn BVTE cấp huyện.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Đến năm 2020 sẽ thành lập mới và duy trì hoạt động được 05 Văn phòng/Trung tâm Công tác xã hội trẻ em cấp huyện, thành phố. Bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng (hoặc lồng ghép trong Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện), trang bị cơ sở vật chất cho Văn phòng/Trung tâm Công tác xã hội trẻ em cấp huyện (Unicef Việt Nam hỗ trợ thành lập Văn phòng tư vấn tại 03 huyện vùng dự án: Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, ĐăkGLei; nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thành lập mới 01 văn phòng Công tác xã hội cấp huyện tại huyện Đăk Tô bắt đầu từ 2019; duy trì hoạt động Trung tâm công tác xã hội thành phố Kon Tum, đến năm 2020 sẽ duy trì hoạt động được 05 Văn phòng/Trung tâm Công tác xã hội trẻ em cấp huyện, thành phố).

- Hỗ trợ trang thiết bị và duy trì hoạt động công tác xã hội trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội thành phố Kon Tum thực hiện.

- Hỗ trợ thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các Văn phòng/Trung tâm Công tác xã hội cấp huyện, thành phố.

- Áp dụng thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực trẻ em tại cấp huyện, thành phố theo quy định.

- Triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thành lập, hoạt động và giải thể của cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE ngoài công lập theo thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh, huyện, thành phố.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Tài chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Dự án phát triển toàn diện trẻ thơ tỉnh; các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

2.4. Hoạt động 4: Nâng cấp, duy trì hoạt động đường dây nóng BVTE và mạng lưới kết nối:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Nâng cấp, duy trì hoạt động đường dây nóng tham vấn công tác xã hội trẻ em tại tỉnh: đường dây nóng (02603.862.991 - 02603.917.381) duy trì hoạt động, kết nối thông tin cùng với Tổng đài điện thoại quốc gia BVTE (Đầu số 111, đường dây nóng BVTE miễn phí cấp quốc gia đã bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2017).

- Tại các Văn phòng Công tác xã hội trẻ em/Trung tâm Công tác xã hội trẻ em/Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, thành phố đều được hỗ trợ đường dây cố định tiếp nhận thông tin về trẻ em, kết nối cùng đường dây nóng tuyến tỉnh.

- Hoạt động kết nối giữa các ngành liên quan: Thiết lập mạng lưới kết nối giữa đường dây nóng BVTE cấp tỉnh với các ban, ngành liên quan và Tổng đài điện thoại quốc gia; thiết lập mạng lưới kết nối, thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý liên cấp, liên ngành thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh đoàn; Công an tỉnh; Tòa án tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Báo Kon Tum; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có đường dây nóng tham vấn công tác xã hội trẻ em.

2.5. Hoạt động 5: Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em cấp tỉnh, Ban Điều hành cấp huyện, thành phố, Nhóm công tác liên ngành về BVTE chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thị trấn, đội ngũ Cộng tác viên BVTE cấp thôn, làng, tổ dân phố thực hiện quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiệu quả.

- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy trình quản lý trường hợp theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP , ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và các thủ tục hành chính quy định về lĩnh vực trẻ em tại Quyết định 847/QĐ-BLĐTBXH, ngày 09/6/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: thực hiện mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

+ Hỗ trợ thực hiện mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

+ Hỗ trợ thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

+ Hỗ trợ thực hiện mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Tổ chức giám sát và hỗ trợ kỹ thuật về thực hiện quy trình bảo vệ trẻ em.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, triển khai cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; Công an tỉnh; Tòa án tỉnh; Sở Tư pháp; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh và các đơn vị có liên quan.

2.6. Hoạt động 6: Nâng cao năng lực quản lý cho đối tượng là cán bộ tham gia hệ thống từ cấp tỉnh, huyện; cung cấp dịch vụ BVTE cho cán bộ BVTE cấp xã và cộng tác viên cấp thôn; nâng cao năng lực của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về BVTE

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Rà soát, nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu nâng cao năng lực, kỹ năng BVTE cho cán bộ quản lý, cán bộ cung cấp dịch vụ, cha mẹ và trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho thành viên của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, nhóm công tác liên ngành về BVTE các cấp, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng.

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BVTE cấp huyện, xã và cộng tác viên BVTE; đào tạo nguồn giảng viên BVTE cho địa phương. Trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ của cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em công lập/ngoài công lập.

- Tập huấn, truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng BVTE, giáo dục đầu đời, kỷ luật tích cực không bạo lực cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em.

- Tổ chức trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước về xây dựng hệ thống BVTE, về mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ BVTE.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nội vụ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh đoàn: Công an tỉnh; Tòa án tỉnh; Sở Tư pháp, Sở Tài chính; Sở kế hoạch và Đầu tư; Báo Kon Tum; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2.7. Hoạt động 7: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Tổ chức khảo sát, thu thập số liệu về trẻ em theo bộ chỉ số đã xây dựng theo thời gian hằng năm. Duy trì, vận hành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhật thông tin về trẻ em.

- Hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng.

- Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em các cấp. Khảo sát, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ chuyên đề về trẻ em.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Cục thống kê tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2.8. Kinh phí thực hiện Dự án 2: 13.046 triệu đồng (theo Phụ lục II đính kèm), trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 2.365 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương, vốn sự nghiệp: 3.580 triệu đồng;

- Vận động xã hội hóa (Nguồn hỗ trợ của Unicef và các nguồn vốn hợp pháp khác): 7.092 triệu đồng.

3. Triển khai Dự án 3: Thực hiện các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới

3.1. Hoạt động 1: Truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho các cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở.

- Xây dựng, duy trì và phát triển đa dạng các chương trình, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng chương trình thông tin cơ sở; phù hợp với từng nhóm dân tộc, phong tục, tập quán.

- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông phù hợp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, vùng; đẩy mạnh các hoạt động thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội; xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực trên môi trường mạng, ép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.

- Tuyên truyền về các tấm gương điển hình, cá nhân, tập thể có sáng kiến, hoạt động tích cực trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Thí điểm lồng ghép nội dung về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ tại cộng đồng và trong trường học, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tại thành phố Kon Tum và huyện Đắk Hà.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các cơ quan là thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

3.2. Hoạt động 2: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và Cơ quan dân cử:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn cán bộ nữ, để tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân các cấp, các chức danh trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ dân cử, nữ cán bộ quản lý lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch, kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ tham gia chính trị, lãnh đạo quản lý tại các địa phương.

- Xây dựng, tổ chức thực hiện các diễn đàn và mạng lưới kết nối lãnh đạo nữ nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và lãnh đạo nữ.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ: Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Sở kế hoạch và Đầu tư.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các sở, ban, ngành; UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.3. Hoạt động 3: Hỗ trợ thực hiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh; Trung tâm Công tác xã hội thành phố:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng, áp dụng thí điểm tiêu chuẩn, điều kiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới.

- Nâng cấp, mua sắm trang thiết bị (máy tính, văn phòng tư vấn tâm lý cho đối tượng...), kỹ thuật (khả năng tư vấn, tâm lý, phương pháp làm việc....) để thực hiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về bình đẳng giới.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển tài liệu tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội; Trung tâm Công tác xã hội thành phố; thành viên Hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh; cán bộ công tác xã hội các huyện về lĩnh vực bình đẳng giới, kỹ năng tư vấn, làm việc với các đối tượng liên quan.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở y tế; Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành, đơn vị, các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.4. Hoạt động 4: Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới

3.4.1. Triển khai cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó và hiệu lực trên cơ sở giới:

a) Nội dung hoạt động:

- Dịch vụ cho nạn nhân gồm bảo vệ an toàn; dịch vụ y tế, chăm sóc, nuôi dưỡng; tư vấn hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý, cung cấp kỹ năng cơ bản để phòng, tránh bạo lực tái diễn; liên kết hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm: dịch vụ cho người gây bạo lực gồm tư vấn tâm lý kiềm chế hành vi bạo lực; hỗ trợ pháp lý; liên kết hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ cai nghiện rượu và các chất kích thích; dịch vụ tại cộng đồng nhằm kết nối với các mô hình tại cộng đồng hình thành mô hình hỗ trợ khép kín.

- Năm 2018-2019: lựa chọn địa phương áp dụng thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh sau khi có hướng dẫn của Trung ương.

- Năm 2020: áp dụng thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các Sở, ban, ngành và các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.4.2 Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu: nơi trú ẩn tạm thời khẩn cấp và an toàn; tư vấn tâm lý và pháp lý cơ bản: chăm sóc sức khỏe ban đầu; liên hệ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.

- Triển khai theo Hướng dẫn số 01/HĐ-SLĐTBXH, ngày 07/11/2017 về việc xây dựng, triển khai, thực hiện Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng. Năm 2018: thực hiện thí điểm mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Năm 2019 - 2020: Duy trì mô hình tại Đăk Tô và nhân rộng mô hình trên 09 huyện, thành phố còn lại (dự kiến 01 mô hình/01 huyện, thành phố: tổng cộng 10 mô hình).

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

3.4.3. Hỗ trợ chăm sóc tư vấn cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới tại cơ sở y tế.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Đề nghị Trung ương chọn tỉnh Kon Tum là địa bàn thí điểm và giao Sở Y tế thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương về hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới tại cơ sở y tế và triển khai hoạt động này vào dịch vụ công tác xã hội trong bệnh viện; lựa chọn một số vùng, địa phương để áp dụng thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ.

- Từ năm 2018 - 2019: Lựa chọn địa phương áp dụng thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh sau khi có hướng dẫn của Trung ương. Từ năm 2020: thực hiện nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh; các Sở, ban, ngành và các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.4.4. Triển khai mô hình Trường học an toàn, không bạo lực.

a) Nội dung hoạt động:

- Tập huấn nâng cao kỹ năng cho giáo viên, người học và cung cấp thông tin cho phụ huynh về biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học; thiết lập các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp ngay tại trường học, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với người có hành vi bạo lực; lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực trong các câu lạc bộ thể thao, hoạt động ngoại khóa.

- Từ năm 2018 - 2019: lựa chọn địa phương áp dụng thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương. Từ năm 2020 tiếp tục duy trì và từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: các Sở, ban, ngành và các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.4.5. Triển khai hoạt động kết nối dịch vụ, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp người gây bạo lực.

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

Hỗ trợ dịch vụ đường dây nóng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: duy trì hoạt động của đường dây nóng công tác xã hội cấp tỉnh (0260.3.862.991; 0260.3.917.381); hỗ trợ nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật và vận hành đường dây nóng nhằm kịp thời tư vấn, can thiệp hỗ trợ nạn nhân: xây dựng và phát triển tài liệu nâng cao kỹ năng tham vấn, tư vấn cho cán bộ phụ trách đường dây nóng; thí điểm cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới thông qua sử dụng đường dây nóng kết nối với các đơn vị liên quan, kết nối với các mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội: Trung tâm Công tác xã hội thành phố; các Sở ngành thành viên của Hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (nếu có).

3.4.6. Tổ chức 01 cuộc khảo sát, đánh giá mức độ an toàn tại thành phố Kon Tum (đơn vị thí điểm), trên cơ sở kết quả khảo sát xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp:

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

b) Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và các đơn vị liên quan.

3.5. Hoạt động 5: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Thí điểm các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và kinh doanh: nâng cao năng lực, kỹ năng khởi sự và quản trị doanh nghiệp; phát triển kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng câu lạc bộ nữ doanh nhân.

- Thí điểm mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp ở thành phố Kon Tum (hoặc trong các công ty, nông trường,...). tạo điều kiện giúp nữ công nhân tham gia và tiếp cận đối với các dịch vụ xã hội.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Liên đoàn Lao động tỉnh.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan; Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

3.6. Hoạt động 6: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới:

a) Nội dung và cách thức hoạt động:

- Phát triển chương trình và tài liệu tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ về hoạt động bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ.

- Thí điểm xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhật thông tin về bình đẳng giới trong một số lĩnh vực; phát triển tài liệu, tập huấn và đào tạo kỹ năng phân tích sử dụng số liệu tách biệt giới trong một số lĩnh vực.

- Phát triển tài liệu hướng dẫn, đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nội vụ; các Sở, ban, ngành và các tổ chức Chính trị - Xã hội có liên quan.

3.7. Kinh phí thực hiện Dự án 3: 3.146 triệu đồng (theo Phụ lục III đính kèm), trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn sự nghiệp: 1.380 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương, vốn sự nghiệp: 1.766 triệu đồng;

4. Triển khai Dự án 4: Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán

4.1. Hoạt động 1: Hỗ trợ cai nghiện ma túy:

a) Nội dung hoạt động:

- Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng công tác cai nghiện ma túy, phục vụ công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy (theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg , ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

- Rà soát, đầu tư hoàn thiện, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng cơ sở cai nghiện ma túy; bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện điều trị Methadone tại cơ sở cai nghiện theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 02/7/2015 của Chính phủ.

- Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện và điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy.

- Áp dụng thực hiện chương trình học nghề cho người nghiện và các kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, hướng dẫn người nghiện ma túy tìm việc làm; xây dựng các chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện.

- Phấn đấu 90% trở lên người nghiện ma túy có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời. Tỷ lệ người cai nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị từ 60% trở lên. Tăng tỷ lệ người nghiện ma túy được hỗ trợ dạy nghề đạt từ 50% trở lên.

- 100% cán bộ, công chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện, cán bộ quản lý được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- 50% các huyện, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

- Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng, duy trì từ 01 đến 03 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới tại các địa bàn phức tạp, có nguy cơ cao về mại dâm.

- Phấn đấu 90% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động -Thương binh và Xã hội:

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

4.2. Hoạt động 2: Về phòng, chống mại dâm

a) Nội dung hoạt động:

- 100% xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm và duy trì thường xuyên.

- 50% các huyện, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

- Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng, duy trì từ 01 đến 03 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới tại các địa bàn phức tạp, có nguy cơ cao về mại dâm.

- Phấn đấu 90% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức phòng, chống mại dâm; tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho đội ngũ cộng tác viên truyền thông để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về phòng ngừa mại dâm.

- Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở; tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm....) và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này.

- Xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm. Xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

4.3. Hoạt động 3: Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

a) Nội dung hoạt động:

- 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định của pháp luật.

- 100% nạn nhân và người thân thích của họ có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo quy định của pháp luật.

- Đến năm 2020, xây dựng, duy trì các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trên một số địa bàn trọng điểm.

- Thực hiện quy trình hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo quy định của pháp luật, đảm bảo theo hướng bình đẳng giới, đặc biệt là trẻ em.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân; điều tra, khảo sát, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về.

b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

4.4. Kinh phí thực hiện Dự án 4: 24.388 triệu đồng (theo Phụ lục IV đính kèm), trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn sự nghiệp: 21.406 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương, vốn sự nghiệp: 2.982 triệu đồng;

IV. TỔNG DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN: Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch: 107.980 triệu đồng (có Bảng tổng hợp chung kinh phí đính kèm theo), trong đó:

- Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ (vốn sự nghiệp): 55.751 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp): 41.817 triệu đồng (được lồng ghép trong các hoạt động của kế hoạch với các Chương trình, Đề án, Kế hoạch khác của ngành, địa phương quản lý để thực hiện).

- Vận động xã hội hóa: 10.412 triệu đồng.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội

Chỉ đạo việc đưa mục tiêu, nội dung của các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, giai đoạn của các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội

- Đẩy mạnh và đổi mới hiệu quả các hình thức truyền thông, phổ biến, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và vai trò, vị trí của hệ thống trợ giúp xã hội.

- Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội; góp phần giảm khoảng cách về giới; phòng, chống mại dâm, ma túy và mua bán người, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

3. Tăng cường huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, người dân tham gia cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội. Huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; thực hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp đối tượng người yếu thế của tỉnh.

- Huy động nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch. Thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, nội dung, hoạt động tại địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện: phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội: Vận động, khuyến khích Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội, Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn II đầu tư, nâng cấp mở rộng để nuôi dưỡng từ 200 lên 300 đối tượng bảo trợ xã hội theo đề nghị của cơ sở và Quyết định phê duyệt 1520/QĐ-LĐTBXH , ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - TB&XH (Dự án 1). Nguồn Unicef và các nguồn vốn hợp pháp khác (Dự án 2).

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nội dung của chương trình, kế hoạch hàng năm: tổ chức đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ theo kế hoạch 5 năm theo hướng dẫn của Trung ương.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc, đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan để xem xét bố trí, bảo đảm kinh phí thực hiện Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

- Kiểm tra, thanh tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các dự án trong kế hoạch theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp phù hợp với điều kiện Ngân sách địa phương hàng năm theo quy định; hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo hướng dẫn, quy định của Trung ương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với điều kiện Ngân sách địa phương hàng năm theo quy định; triển khai lồng ghép một số mục tiêu, chỉ tiêu liên quan kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội vào kế hoạch hàng năm và 5 năm của tỉnh: Hướng dẫn việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm cho các sở, ban, ngành và các địa phương theo quy định.

4. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành hướng dẫn và thực hiện phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng mô hình về trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế.

5. Sở Nội vụ: Triển khai việc áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý đối với viên chức công tác xã hội theo quy định của Trung ương.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và nghiên cứu, đề xuất thiết lập các cơ sở trợ giúp xã hội trong các trường học. Triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, không có bạo lực.

7. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất thiết lập các cơ sở trợ giúp xã hội trong bệnh viện và các trung tâm y tế hiện có trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

9. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về nghề công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng cần trợ giúp, phản ánh các hoạt động trên địa bàn tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này, chủ động xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch tại địa phương;

- Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, vận động nguồn lực và lồng ghép với các chương trình xã hội khác có liên quan do thực hiện kế hoạch trên địa bàn; hàng năm tổ chức, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo theo quy định.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội: thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6) và hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương kịp thời phản ảnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (B/cáo);
- Bộ Tài chính (B/cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (B/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/cáo);
- CT.các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức CT - XH tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT - KGVX2- KT3

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

BẢNG TỔNG HỢP CHUNG

KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI, GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Theo Kế hoạch số 787/KH-UBND ngày 03/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung các Dự án

Tổng cộng

Chia ra

Năm 2018

 

Năm 2019

Năm 2020

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

1

Dự án 1: Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội

67.4011

22.200

11.180

420

4.200

11.150

1.450

4.200

11.150

1.450

2

Dự án 2: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em

13.046

465

635

2.354

1.500

1.552

2.394

400

1.402

2.344

3

Dự án 3: Thực hiện các mục tiêu Quốc gia vì Bình đẳng giới

3.146

140

286

-

645

765

-

595

715

-

4

Dự án 4: Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán

24.388

400

230

-

10.500

1.376

-

10.506

1.376

-

 

TỔNG CỘNG

107.9811

23.205

12.331

2.774

16.845

14.843

3.844

15.701

14.643

3.794

 

- Ngân sách Trung ương

55.751

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách Địa phương

41.817

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Vận động xã hội hóa:

10.412

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC I:

BẢNG DỰ TOÁN KINH PHÍ DỰ ÁN 1: PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI
(Theo Kế hoạch số 787/KH-UBND ngày 03/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Nội dung hoạt động

Tổng cộng

Chia ra

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Huy động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Huy động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Huy động

1

Hỗ trợ nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ - Công tác xã hội

18.000

18.000

0

0

0

0

0

0

0

0

2

Chi hoạt động Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội

43.200

4.000

0.980

420

4.000

9.950

450

4.000

9.950

450

3

Chi tập huấn, kiểm tra, giám sát, truyền thông

4.200

200

1.200

0

200

1.200

0

200

1.200

0

4

Nâng cấp mở rộng Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn II

2.000

0

0

 

0

0

1.000

0

0

1.000

 

TỔNG CỘNG

67.400

22.200

11.180

420

4.200

11.150

1.450

4.200

11.150

1.450

 

- Ngân sách Trung ương:

30.600

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách Địa phương:

33.480

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Huy động xã hội hóa:

3.320

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

- Kinh phí dự kiến thực hiện năm 2018 là: 33.800 triệu đồng, kinh phí đã cấp năm 2018 là 26.799 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương: 18.879 triệu đồng, Ngân sách địa phương: 7.920 triệu đồng), kinh phí còn lại sau khi thực hiện các nhiệm vụ ngân sách TW và địa phương sẽ bổ sung.

- Kinh phí năm 2019-2020: 33.600 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương: 8.400 triệu đồng. Ngân sách địa phương: 22.300 triệu đồng, Huy động: 2.900 triệu đồng).

 

PHỤ LỤC II

BẢNG DỰ TOÁN KINH PHÍ DỰ ÁN 2: PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BẢO VỆ TRẺ EM
(Theo Kế hoạch số 787/KH-UBND ngày 03/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Nội dung hoạt động

Tổng

Chia ra

Chi chú

Năm 2018

Năm 2010

Năm 2020

Ngân sách trung ương

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

I

Nội dung 1: Mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (định mức 20 triệu đồng/xã/năm)

3.855

-

635

500

-

860

500

-

860

500

 

II

Nội dung 2: Duy trì hoạt động Hệ thống bảo vệ trẻ em cấp tỉnh

2.610

 

-

420

1.000

100

520

-

100

470

 

1

Hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm BT&CTXH tỉnh chuẩn dịch vụ CTXH cấp tỉnh

1.200

 

-

50

1.000

-

100

-

-

50

 

2

Duy trì hoạt động Hệ thống bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, các mô hình công tác xã hội cấp tỉnh, cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em

1.410

 

-

370

-

100

420

-

100

420

 

III

Nội dung 3: Dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp huyện (dự kiến duy trì 01 và thành lập mới 04 văn phòng CTXH trẻ em cấp huyện/thành phố, định mức 100 triệu đồng/văn phòng/năm. BĐH cấp huyện định mức 200 triệu đồng/huyện/năm (đối với huyện vùng dự án của Unicef).

3.150

-

-

900

-

250

000

-

200

000

 

IV

Nội dung 4: Nâng cấp, duy trì đường dây nóng BVTE

196

30

-

34

-

42

24

-

42

24

 

V

Nội dung 5: Can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực...

1.575

75

-

300

200

100

300

200

100

300

 

VI

Nội dung 6: Nâng cao năng lực

1.115

165

-

150

200

200

100

100

100

100

 

VII

Nội dung 7: Hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em

545

105

-

50

100

-

50

100

-

50

 

 

TỔNG CỘNG

13.046

465

635

2.354

1.500

1.552

2.394

400

1.402

2.344

 

 

Ngân sách trung ương

2.365

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

3.589

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vận động

7.092

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

- Kinh phí cấp cho năm 2018: 3.454 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương: 465 triệu đồng, Ngân sách địa phương: 635 triệu đồng, Vận động: 2.354 triệu đồng).

(*) Năm 2018 UBND tỉnh đã cấp kinh phí duy trì hệ thống Bảo vệ trẻ em cho 24 xã, phường theo Kế hoạch 844 với kinh phí là 455 triệu đồng (20 xã định mức 18 triệu đồng, 04 xã định mức 22,5 triệu đồng), bố trí cấp bổ sung kinh phí duy trì hệ thống Bảo vệ trẻ em tại 09 xã Unicef không tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2017-2021 với định mức 20 triệu đồng/xã (08 xã của thành phố Kon Tum, 01 xã của huyện Tu Mơ Rông).

- Kinh phí năm 2019-2020: Tổng kinh phí: 9.592 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.900 triệu đồng, Ngân sách địa phương: 2.954 triệu đồng, Vận động: 4.738 triệu đồng).

 

PHỤ LỤC III

BẢNG DỰ TOÁN KINH PHÍ DỰ ÁN 3: THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI
(Theo Kế hoạch số 787/KH-UBND ngày 03/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Nội dung hoạt động

Tổng kinh phí

Trong đó

Ghi chú

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Vận động

I

Truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

730

20

170

-

110

160

-

110

160

-

 

1

Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ truyền thông và báo cáo viên, phóng viên, cộng tác viên truyền thông các cấp

208

20

20

-

60

60

-

60

60

-

 

2

Thực hiện các hoạt động tuyên truyền về giảm khoảng cách giới và về bạo lực giới tại 10 huyện, thành phố

300

0

100

-

50

50

-

50

50

-

 

3

Thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang, nêu các gương điển hình... trên Đài PT-TH, báo Kon Tum...

60

0

20

-

0

20

-

0

20

-

 

4

Tổ chức các mô hình câu lạc bộ truyền thông về phòng ngừa bạo lực giới: các diễn đàn, đối thoại tại cộng đồng, trường học, doanh nghiệp....

90

0

30

-

0

30

-

0

30

-

 

II

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử

386

20

46

-

100

60

-

100

60

-

 

1

Tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và hỗ trợ các kỹ năng mềm cho cán bộ nữ diện quy hoạch, nữ cán bộ quản lý, dân cử... các cấp xã, huyện, tỉnh.

230

0

30

-

50

50

-

50

50

-

 

2

Tổ chức các diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới giữa các nữ lãnh đạo dân cử và nữ lãnh đạo các cấp

156

20

16

-

50

10

-

50

10

-

 

III

Hỗ trợ thực hiện cung cấp các dịch vụ về bình đẳng giới đối với Hội đồng tư vấn CTXH cấp tỉnh; tại Trung tâm bảo trợ công tác xã hội tỉnh và Trung tâm công tác xã hội thành phố

250

0

30

-

60

50

-

60

50

-

 

1

Hỗ trợ trang thiết bị (máy tính, bàn, ghế, tủ.... cho văn phòng tư vấn)

40

0

0

-

10

10

-

10

10

-

 

2

Xây dựng và phát triển tài liệu tập huấn về BĐG

80

0

20

-

20

10

 

20

10

-

 

3

Tổ chức tập huấn cho cán bộ xã hội tư vấn về BĐG

130

0

10

-

30

30

-

30

30

-

 

IV

Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới

1.140

60

0

-

295

295

-

245

245

-

 

1

Triển khai cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

200

0

-

50

50

-

50

50

-

-

 

2

Xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh (Mô hình) (định mức 30 triệu đồng/ 01 mô hình)

420

60

0

-

90

90

-

90

90

-

 

-

Thí điểm thực hiện 01 Mô hình tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô

90

30

0

-

30

0

30

0

-

-

 

-

Duy trì Mô hình thí điểm và nhân rộng Mô hình (dự kiến thêm 09 Mô hình, 01 Mô hình/ huyện, thành phố) (định mức 30 triệu đồng/ 01 mô hình)

330

30

0

-

60

90

-

60

90

-

 

3

Hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới lại cơ sở y tế

200

0

0

-

50

50

-

50

50

-

 

4

Triển khai mô hình Trường học an toàn, không bạo lực (định mức 30 triệu đồng/ 01 mô hình)

120

0

0

-

30

30

-

30

30

-

 

5

Triển khai hoạt động kết nối dịch vụ, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp người gây bạo lực

100

0

0

-

25

25

-

25

25

-

 

6

Tổ chức 01 cuộc khảo sát đánh giá mức độ an toàn tại thành phố Kon Tum (đơn vị thí điểm), trên cơ sở kết quả khảo sát xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp

100

0

0

-

50

50

-

0

0

-

 

V

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm

180

0

0

-

30

60

-

30

60

-

 

1

Thí điểm mô hình Câu lạc bộ "Nữ doanh nhân" và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực khởi sự và lãnh đạo cho nữ doanh nhân (định mức 30 triệu đồng/ 01 mô hình)

120

0

0

-

30

30

-

30

30

-

 

2

Thí điểm mô hình Câu lạc bộ “nữ công nhân nhà trọ" tại Khu công nghiệp thuộc thành phố: trong các công ty (định mức 30 triệu đồng/ 01 mô hình)

60

0

0

-

0

30

-

0

30

-

 

VI

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới

460

40

40

-

50

140

-

50

140

-

 

1

Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ BĐG các cấp, ngành

320

40

0

-

50

90

-

50

90

-

 

2

Tổ chức cập nhật thông tin: kiểm tra đánh giá; sơ, tổng kết; nghiệp vụ phí; văn phòng phẩm; làm thêm giờ:..

140

0

40

-

0

50

-

0

50

-

 

 

TỔNG CỘNG

3.146

140

286

-

645

765

-

595

715

-

 

 

- Ngân sách Trung ương

1.380

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách dịu phương

1.766

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Vận động xã hội hóa

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

- Kinh phí năm 2018 đã cấp: 426 triệu đồng (trong đó: Ngân sách trung ương: 140 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 286 triệu đồng).

- Kinh phí năm 2019 - 2020: 2.720 triệu đồng (trong đó: Ngân sách trung ương:1l.240 triệu đồng; Ngân sách địa phương:1l.480 triệu đồng).

 

PHỤ LỤC IV

BẢNG DỰ TOÁN KINH PHÍ DỰ ÁN 4: PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỊCH VỤ HỖ TRỢ NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY, NGƯỜI BÁN DÂM VÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN
(Theo Kế hoạch số 787/KH-UBND ngày 03/4/2018 của Ủy han nhân dân tỉnh Kon Tum)

 Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung hoạt động

Đơn vị

Tổng kinh phí

Chia ra

Ghi chú

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

Ngân sách trung ương (sự nghiệp)

Ngân sách địa phương (sự nghiệp)

I

Nội dung 1: Về phòng, chống ma túy

 

22.728

150

0

10.200

1.086

10.206

1.086

 

1

Cải tạo, nâng cấp sửa chữa một phần Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội thành cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng công tác cai nghiện ma túy.

 

22.006

 

 

10.000

1.000

10.006

1.000

 

2

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy

Các Sở ngành và địa phương

200

60

0

70

0

70

0

 

3

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã.

02 lớp

130

30

0

50

0

50

0

 

4

Xây dựng thí điểm mô hình những xã trọng điểm về người sử dụng ma túy.

1

130

30

0

50

0

50

0

 

5

Điều tra, khảo sát, thống kê.

 

00

30

0

30

0

30

0

 


6

Chỉ cai nghiện ma túy cho học viên chờ xử lý đợt/năm (chưa có QĐ của Tòa án).

20 người

172

0

0

0

86

0

86

 

II

Nội dung 2: Về phòng, chống mại dâm

 

1.240

150

230

200

230

200

230

 

1

Công tác truyền thông về phòng, chống mại dâm

Các Sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương

440

00

50

100

50

100

50

 

2

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã; Chủ các cơ sở KDDV dễ bị lợi dụng

lớp

380

60

40

100

40

100

40

 

3

Kinh phí hoạt động cho Đội kiểm tra liên ngành 178 hoạt động

 

240

0

80

0

80

0

80

 

4

Chi hoạt động triệt phá ổ nhóm, tụ điểm.

 

180

60

 

60

 

60

 

 

III

Nội dung 3: Về mua bán người

 

420

100

0

100

60

100

60

 

1

Thực hiện quy trình hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ

10 người

380

100

0

100

40

100

40

 

2

Tổ chức nói chuyện chuyên đề

 

40

0

0

0

20

0

20

 

 

TỔNG CỘNG

 

24.388

400

230

10.500

1.376

10.506

1.376

 

 

- Ngân sách Trung ương

 

21.406

 

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách địa phương

 

2.982

 

 

 

 

 

 

 

 

- Vận động xã hội hóa

 

0

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

- Kinh phí năm 2018 đã cấp: 630 triệu đồng (trong đó: Ngân sách trung ương: 400 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 230 triệu đồng);

- Kinh phí năm 2019-2020: 23.758 triệu đồng (trong đó: Ngân sách trung ương: 21.006 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 2.752 triệu đồng).

 



(1) Trung tâm Bảo trợ-Công tác xã hội được giao kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng 163 đối tượng năm, Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn II đang chăm sóc, nước dưỡng 190 đối tượng/năm.

(2) Đối tượng nhận người: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; người cao tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng.

3 Bao gồm nội dung phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em từ nguồn vận động trong Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện do Unicef hỗ trợ đến năm 2021 theo Quyết định số 2005/QĐ-TTg ngày 17/12/2017.

4 Unicef hỗ trợ 09 xã, ngân sách địa phương duy trì 24 xã và bố trí cấp bổ sung kinh phí duy trì hệ thống BVTE tại 09 xã thuộc thành phố Kin Tum và huyện Tu Mơ Rông không tiếp tục được Unicef hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn 2017-2021.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 787/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu787/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/04/2018
Ngày hiệu lực03/04/2018
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 787/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 787/KH-UBND 2018 Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Kon Tum


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 787/KH-UBND 2018 Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Kon Tum
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu787/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Kon Tum
                Người kýTrần Thị Nga
                Ngày ban hành03/04/2018
                Ngày hiệu lực03/04/2018
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Kế hoạch 787/KH-UBND 2018 Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Kon Tum

                  Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 787/KH-UBND 2018 Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Kon Tum

                  • 03/04/2018

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 03/04/2018

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực