Nội dung toàn văn Kế hoạch 89/KH-UBND 2019 hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp Kon Tum
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/KH-UBND | Kon Tum, ngày 14 tháng 01 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 139/NQ-CP , NGÀY 09/11/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ CẮT GIẢM CHI PHÍ CHO DOANH NGHIỆP
Thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP , ngày 09/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, trọng tâm là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lại cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
- Các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản hành chính có nội dung tương đương với quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh.
- Đến năm 2020, chỉ số Chi phí gia nhập thị trường xếp vị thứ 28 trong cả nước (năm 2017 xếp hạng thứ 35).
- Đến năm 2020, chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất xếp vị thứ 27 trong cả nước (năm 2017 xếp hạng thứ 34).
- Đến năm 2020, chỉ số Chi phí không chính thức xếp vị thứ 40 trong cả nước (năm 2017 xếp hạng thứ 54).
- Đến năm 2020, chỉ số Chi phí thời gian xếp vị thứ 40 trong cả nước (năm 2017 xếp hạng thứ 58).
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Về chi phí tuân thủ pháp luật
1.1 Chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường
a. Các Sở, ban ngành, địa phương:
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
- Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các chế độ báo cáo theo yêu cầu tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
b. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: làm đầu mối chủ trì theo dõi và thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan:
- Đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Tài chính, Cục Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu triển khai hiệu quả cải thiện chỉ tiêu về "Khởi sự kinh doanh" đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19-2018/NQ-CP.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp (trực tiếp, qua điện thoại hay email...); nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử đối với hạng mục hướng dẫn thủ tục đầu tư kinh doanh; chính sách liên quan đến khu vực tư nhân để tham mưu, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.
- Tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; Thực hiện liên thông, phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
1.2. Chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh
a. Sở Xây dựng: rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định không cần thiết về thủ tục lập quy hoạch, giấy phép quy hoạch, thủ tục xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh.
b. Công an tỉnh: rà soát các quy định về phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu các yêu cầu không cần thiết đối với các công trình có thể dùng chung trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp.
2. Về chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh
2.1. Về chi phí tín dụng và dịch vụ ngân hàng
a. Các Sở, ban ngành và địa phương: tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
b. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: Tiếp tục rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch các quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận, lựa chọn dịch vụ, chi phí phù hợp, và có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ.
2.2. Về chi phí khoa học công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Sở, ban ngành, địa phương liên quan:
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ khoa học công nghệ, bao gồm dịch vụ nghiên cứu - phát triển, dịch vụ đánh giá sự phù hợp của sản phẩm; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ còn ít nhà cung cấp, đảm bảo thị trường có cạnh tranh để giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất.
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, xây dựng các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho giai đoạn tới, bảo đảm hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp cao hơn.
- Tham mưu giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
3. Về phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định pháp luật; đảm bảo các loại phí tuân thủ đúng nguyên tắc “cơ bản bù đắp chi phí” được quy định trong Luật Phí và Lệ phí năm 2015; giải thích công khai cơ sở tính phí, lệ phí.
4. Về tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chủ trì theo dõi và thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số tiếp cận đất đai; đồng thời chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương có liên quan:
- Tập trung các biện pháp mạnh, triển khai thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đơn giản hóa thủ tục liên quan đến đất đai, giải quyết hiệu quả việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt thời gian Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản so với quy định của pháp luật. Bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
- Tiếp tục cải thiện, nâng cao tính minh bạch về đất đai: Minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Công khai minh bạch trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
- Tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận đất đai; tăng cường đối thoại chuyên đề để hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận quỹ đất.
5. Về chi phí không chính thức
a) Các Sở, ban ngành, địa phương
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
- Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng, Trang thông tin điện tử.
- Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở cán bộ, công chức các cấp.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước; đẩy mạnh triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện tập trung để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết.
- Thực hiện nghiêm nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
b) Giao Thanh tra tỉnh là đầu mối chủ trì theo dõi và thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức; đồng thời chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, địa phương liên quan:
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ.
- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ tỉnh: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp Sở, ban ngành, huyện theo mô hình dân chấm điểm, công khai kết quả và yêu cầu các Sở, ban ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức.
- Thường xuyên theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp Luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
- Tham mưu hiệu quả việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
- Hàng quý công khai kết quả xử lý các vụ việc trên phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
- Xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có). Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
- Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
- Đề xuất Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thông báo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp về việc tham gia đoàn thanh tra với tư cách người làm chứng khi có đề nghị.
c) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan
- Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ khung của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp.
- Hướng dẫn, theo dõi các Sở, ngành, địa phương xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành mình, địa phương mình quản lý; tổ chức tập huấn cho các bộ, công chức trực thuộc.
d) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp; xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức (ví dụ như phần mềm điện thoại thông minh, diễn đàn truyền thông xã hội).
đ) Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:
- Tham gia các đoàn thanh tra với tư cách người làm chứng khi có đề nghị của cơ quan thanh tra.
- Tích cực vận động doanh nghiệp thành viên phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; tập hợp các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp thành viên gửi Thanh tra tỉnh.
- Tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp về quyền và nghĩa của cơ quan nhà nước và của doanh nghiệp để doanh nghiệp biết, tự bảo vệ mình trước các hành vi nhũng nhiễu. Phát động trong các doanh nghiệp không đưa hối lộ cho cán bộ, công chức
- Xây dựng các công cụ, giải pháp hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp thành viên sau khi họ tố cáo, khiếu nại, phản ảnh, kiến nghị về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.
- Rà soát, tập hợp các quy định pháp luật không rõ ràng, khó tuân thủ, bất hợp lý; đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích, sửa đổi, bổ sung và công khai kết quả để các doanh nghiệp biết.
- Phối hợp với các tổ chức đại diện người dân, doanh nghiệp tiến hành định kỳ khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp sở, ngành, địa phương, công khai kết quả và đề nghị các Sở, ngành, địa phương có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức.
6. Về chi phí thời gian
Giao Sở Nội vụ là đầu mối chủ trì theo dõi và thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số Chi phí thời gian; đồng thời chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương có liên quan:
- Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh, chủ trì theo dõi Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
- Triển khai các hình thức đánh giá cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ làm việc tại bộ phận một cửa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức khi tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
- Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và của đơn vị; định kỳ 06 tháng (ngày 06 tháng 06) và hằng năm (ngày 06 tháng 12) gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở ngành đầu mối của từng chỉ tiêu, chỉ số để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Trên đây là kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum triển khai Nghị quyết số 139/NQ-CP , ngày 09/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |