Nội dung toàn văn Nghị quyết 04a/NQ-TLĐ 2014 nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04a /NQ-TLĐ | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ
BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHOÁ XI
VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
I. TÌNH HÌNH CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ
1. Kết quả đạt được
Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo phương châm vì cơ sở, hướng mạnh về cơ sở. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã cơ bản thực hiện các quy định của pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và đạt được nhiều kết quả trong việc: tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đại diện và tham gia với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được đào tạo cơ bản, tích cực học tập nâng cao trình độ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phân cấp quản lý thu, chi tài chính công đoàn, bước đầu tạo được sự chủ động về kinh phí để thực hiện nhiệm vụ.
Đạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn. Phần lớn cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
2. Hạn chế và nguyên nhân
a. Hạn chế
Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn dàn trải, chưa tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn; hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa cao; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở còn chậm; công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh còn mang tính hình thức; việc phân cấp quản lý, chỉ đạo công đoàn cơ sở còn chồng chéo, chưa có giải pháp cụ thể để hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động đầy đủ, kịp thời. Một bộ phận cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hạn chế về năng lực chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc khó khăn. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thật sự chủ động trong công tác tài chính công đoàn. Phương thức chỉ đạo hoạt động một số nơi còn mang tính hành chính, chưa sâu sát cơ sở, chậm nắm bắt thông tin, thiếu chủ động trong việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của cơ sở.
b. Nguyên nhân
* Nguyên nhân chủ quan:
- Việc ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc sáp nhập, hợp nhất, giải thể công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa kịp thời.
- Nhận thức của một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Công đoàn 2012 còn chậm.
- Một số nơi thành lập, duy trì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn. Phân bổ nguồn lực cán bộ, tài chính cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa hợp lý. Chưa chủ động làm việc với cấp ủy cấp huyện về công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt của liên đoàn lao động cấp huyện. Một số cán bộ chủ chốt công đoàn cấp huyện chưa kinh qua thực tiễn hoạt động công đoàn.
- Đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhiều nơi thiếu về số lượng, một bộ phận cán bộ thiếu kinh nghiệm hoặc hạn chế về năng lực chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.
* Nguyên nhân khách quan:
- Một số nơi chưa coi trọng vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, việc giao số lượng biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của công đoàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới.
- Nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là liên đoàn lao động cấp huyện, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của địa phương, chưa tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với phương châm “Vì đoàn viên và người lao động; tập trung hướng về cơ sở”, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng của công đoàn, trong đó ưu tiên củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi có nhiều doanh nghiệp, có đông công nhân lao động.
2. Mục tiêu
- Tạo sự chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong các cấp công đoàn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động 2012. Trước hết, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
- Từng bước kiện toàn tổ chức, cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo theo hướng trực tiếp, sâu sát thường xuyên đối với công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động, khắc phục tính hình thức, dàn trải về nội dung hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Kiện toàn, củng cố tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Rà soát tình hình tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để củng cố, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và nguồn lực của tổ chức công đoàn theo hướng:
+ Giải thể, tổ chức lại những công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thành lập không theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
+ Thống nhất mô hình tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý chỉ đạo, hướng dẫn toàn diện đối với công đoàn cơ sở. Từng bước sắp xếp công đoàn giáo dục cấp huyện theo hướng cho phép bổ sung một phó chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp huyện kiêm chủ tịch chuyên trách công đoàn giáo dục cấp huyện và công tác chuyên trách tại cơ quan liên đoàn lao động cấp huyện.
+ Tổ chức công đoàn các khu công nghiệp đồng bộ với ban quản lý các khu công nghiệp và bố trí đại diện của công đoàn các khu công nghiệp tại mỗi khu công nghiệp có đủ điều kiện về số lượng công đoàn cơ sở hoặc số lượng đoàn viên.
+ Củng cố, sắp xếp và kiện toàn các công đoàn ngành địa phương theo hướng đáp ứng đủ điều kiện về số lượng đoàn viên, công nhân lao động và nguồn tài chính công đoàn.
- Xác định rõ đối tượng tập hợp, thực hiện phân cấp quản lý phù hợp đối với từng loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, khắc phục tình trạng chồng chéo về đối tượng tập hợp và chỉ đạo hoạt động đối với công đoàn cơ sở.
2. Đổi mới nội dung và phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động
- Tăng cường liên hệ trực tiếp, thường xuyên đối với công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động để chỉ đạo hoạt động của công đoàn cơ sở, trong đó tổ chức thí điểm một số hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.
- Tăng cường phân công cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bám địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động trong phạm vi quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên theo quy định của pháp luật.
- Chủ động đề xuất, tham gia, phối hợp với chính quyền đồng cấp, cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức đối thoại định kỳ với công nhân lao động để kịp thời giải quyết bức xúc của công nhân lao động, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
- Xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó cần tập trung nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến thương lượng tập thể; thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; giải quyết tranh chấp lao động; đại diện cho tập thể lao động hoặc người lao động khi được yêu cầu khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc người lao động bị xâm phạm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên và người lao động; hỗ trợ thu, phân phối nguồn thu kinh phí công đoàn tại cơ sở; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề vướng mắc khác phát sinh ở cơ sở.
3. Bố trí cán bộ và đảm bảo chính sách cán bộ
- Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, rà soát, xác định vị trí việc làm ở cơ quan công đoàn các cấp đảm bảo tinh, gọn bộ máy.
- Trên cơ sở số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn hiện có, thực hiện rà soát, sắp xếp, điều động trong nội bộ hệ thống công đoàn theo hướng ưu tiên bố trí cán bộ đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện luân chuyển cán bộ công đoàn chuyên trách ở cấp trên tăng cường cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Tiếp tục tham gia với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách cán bộ, trong đó, chú trọng chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên sâu về pháp luật có liên quan đến quan hệ lao động, về các kỹ năng hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức ở cấp tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
5. Đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đối với cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực hiện phân cấp tài chính công đoàn theo hướng tạo sự chủ động về tài chính đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định liên quan đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm đối với cán bộ công đoàn chuyên trách tại cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương tháo gỡ những vướng mắc về biên chế, công tác tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp, nhất là cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo của công đoàn xây dựng giáo trình, tài liệu phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng hoạt động công đoàn.
- Tập trung chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
- Các ban của Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất với Đoàn Chủ tịch và hướng dẫn các chuyên đề trong phạm vi được phân công, tạo điều kiện để các cấp công đoàn tổ chức thực hiện.
2. Đối với các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương.
- Rà soát, củng cố, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn ngành địa phương theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương; giải thể các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không đủ điều kiện và không đúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để thành lập lại theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Tổ chức xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo công đoàn cơ sở giữa các công đoàn cấp huyện, ngành địa phương, các khu công nghiệp. Rà soát về mô hình tổ chức của các tổng công ty trực thuộc các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, kiện toàn, sắp xếp lại phù hợp với chức năng là cấp chỉ đạo trực tiếp của công đoàn cơ sở.
- Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng cùng cấp thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ công đoàn cấp trên xuống cấp dưới và ngược lại hoặc cử cán bộ biệt phái tăng cường cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền chuyên môn cùng cấp để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Phân cấp quản lý tài chính theo hướng tạo sự chủ động đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Tổ chức thực hiện việc đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Chủ động đề xuất với công đoàn cấp trên trong việc sắp xếp tổ chức, định biên cán bộ, phân cấp quản lý chỉ đạo, tự chủ về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Hàng năm xây dựng chương trình công tác và xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm có liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để ưu tiên tổ chức thực hiện.
- Đối với nơi đã thành lập công đoàn cơ sở cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 6a/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa X). Lựa chọn những doanh nghiệp lớn, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở ở đó nâng cao năng lực thương lượng, đàm phán về thỏa ước lao động tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ để tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp cùng ngành, nghề, cùng địa bàn.
- Đối với nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở: phân công cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm địa bàn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công đoàn cơ sở được xác định tại điểm 2, mục III phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết này.
Trên cơ sở Nghị quyết này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện. Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để xây dựng chương trình, kế hoạch, có chỉ tiêu và biện pháp để triển khai Nghị quyết phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương.
Nơi nhận: | TM. BAN CHẤP HÀNH |