Nội dung toàn văn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 07:2010/BYT về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
QCVN 07:2010/BYT
VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG
GIÁO DỤC QUỐC DÂN
(National technical regulations on sanitation and hygiene to prevent communicable diseases in educational facilities)
HÀ NỘI - 2010
Lời nói đầu
QCVN 07:2010/BYT do Cục Y tế dự phòng biên soạn và được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số: 46/2010/TT - BYT ngày 29 tháng 12 năm 2010.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
(National technical regulations on sanitation and hygiene to prevent communicable diseases in educational facilities)
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục) quy định các điều kiện về cơ sở vật chất và các hoạt động nhằm đảm bảo vệ sinh để phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục.
II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khử trùng là sự tiêu diệt tác nhân gây bệnh bên ngoài cơ thể bằng sự tiếp xúc trực tiếp với tác nhân vật lý hay hóa học.
2. Diệt côn trùng là việc áp dụng các biện pháp hóa học, lý học hay sinh học nhằm tiêu diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.
3. Nguồn bệnh truyền nhiễm là người hoặc động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm.
Phần II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Vị trí xây dựng:
Cơ sở giáo dục phải được xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Khoảng cách tối thiểu từ cơ sở giáo dục tới nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, chợ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, nghĩa trang, khu vực tập kết và xử lý chất thải, nước thải, ao tù và các nguồn ô nhiễm khác phải tuân thủ theo “Quy định hai mươi mốt (21) tiêu chuẩn, năm (5) nguyên tắc và bảy (7) thông số vệ sinh lao động” ban hành kèm theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Diện tích mặt bằng:
Tùy theo loại hình tổ chức, cơ sở giáo dục phải bảo đảm diện tích mặt bằng, cơ cấu khối công trình theo quy định tại Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 27/2000/QĐ-BGDĐT ngày 20/7/2000, Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/8/2007, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007, Điều lệ trường Cao đẳng ban hành kèm theo Quyết định số 56/2003/QĐ-BGDĐT ngày 10/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Chế độ vệ sinh chung:
3.1. Thực hiện việc quét dọn vệ sinh hằng ngày vào thời điểm trước và sau buổi học đối với các khu vực sử dụng chung như hành lang, sân trường hoặc lối đi lại trong cơ sở giáo dục;
3.2. Tổng vệ sinh cơ sở giáo dục theo định kỳ tối thiểu 02 tuần/lần;
3.3. Không cho gia súc, gia cầm hoạt động trong cơ sở giáo dục;
3.4. Không để tồn tại các yếu tố nguy cơ làm phát tán bệnh truyền nhiễm như bụi rậm, vũng nước hoặc ao tù trong cơ sở giáo dục.
3.5. Tổ chức, thực hiện các hoạt động giáo dục vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ và giáo viên;
3.6. Tổ chức sử dụng các loại vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh cho giáo viên và học sinh theo quy định của cơ quan y tế địa phương;
3.7. Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng, xử lý môi trường theo quy định của cơ quan y tế địa phương;
3.8. Có hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
3.9. Bảo đảm các điều kiện phòng hộ cá nhân khi có dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
II. QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH ĐỐI VỚI PHÒNG HỌC VÀ PHÒNG CHỨC NĂNG
1. Phòng học, phòng thư viện, phòng luyện tập thể dục thể thao, cơ sở thực hành, phòng y tế, trạm y tế và các phòng chức năng khác phải bảo đảm các điều kiện về diện tích, thông gió, thoáng khí, chiếu sáng, độ ồn và bàn ghế theo quy định của Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về vệ sinh trường học".
2. Phòng học phải được làm vệ sinh hằng ngày, trước giờ học 20 phút hoặc sau khi tan học; lau sạch bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào.
III. QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH ĐỐI VỚI SÂN CHƠI, SÂN TẬP, BỂ BƠI
1. Sân chơi, sân tập:
1.1. Bảo đảm các điều kiện về theo quy định tại Điều 19 của Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về vệ sinh trường học";
1.2. Hằng ngày phải thu dọn rác thải tại sân chơi, sân tập.
2. Bể bơi:
1.1. Phải tuân thủ đúng các quy định về lựa chọn địa điểm và các quy định về thiết kế, xây dựng bể bơi theo các Quy chuẩn quốc gia về vệ sinh xây dựng phòng chống bệnh truyền nhiễm;
1.2. Nước sử dụng cấp cho bể bơi phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT);
1.3. Chế độ vệ sinh bể bơi:
a) Nước của bể bơi trong quá trình sử dụng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Không có mùi, trong, độ màu dưới 25o;
- Không quá 10% số mẫu nước lấy ngẫu nhiên xét nghiệm có lớn hơn 1000 vi khuẩn/1cm3 và không được mẫu nào có số lượng lớn hơn 5.000 vi khuẩn/1cm3;
- Số lượng E. Coli dưới 10 vi khuẩn/100ml nước;
- Nhiệt độ nước từ 23 - 30oC;
- Trong trường hợp khử trùng nước bằng clo, phải bảo đảm hàm lượng clo dư từ 2 đến 4mg/lít.
b) Hằng ngày phải được quét dọn, làm vệ sinh, thay nước và bổ sung nước sạch vào bể bơi;
c) Phải có các phòng tắm tráng, phòng vệ sinh;
d) Có quy định về tắm tráng trước khi sử dụng bể bơi và không cho phép các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh đau mắt, bệnh ngoài da sử dụng bể bơi.
IV. QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THÍ NGHIỆM
1. Phòng thí nghiệm:
1.1. Phòng thí nghiệm phải cách biệt với các phòng học và khu phụ trợ, đặc biệt là phòng thí nghiệm sinh học. Nếu trong cùng một tòa nhà phải đặt ở khu vực có ít người qua lại. Có hệ thống thông gió, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo theo quy định Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về vệ sinh trường học";
1.2. Phòng thí nghiệm phải có không gian bảo đảm an toàn khi thực hiện các thao tác kỹ thuật, thuận tiện cho việc làm vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng;
1.3. Tường, trần nhà và sàn nhà cần phải nhẵn, bằng phẳng, không thấm nước, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, dễ làm vệ sinh và khử trùng, chịu được được hoá chất và các chất khử khuẩn thông thường sử dụng trong phòng xét nghiệm;
1.4. Bàn ghế không thấm nước và không bị ảnh hưởng bởi các chất khử trùng, axít, kiềm, dung môi hữu cơ và nhiệt, thuận tiện cho việc lau rửa và khử trùng;
1.5. Phải có bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn được bố trí ở nơi thuận tiện;
1.6. Có đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, các phương tiện, dụng cụ làm vệ sinh và khử trùng;
1.7. Có nội quy quy định về chế độ làm việc và chế độ vệ sinh phòng thí nghiệm.
2. Khu nuôi, nhốt động vật thí nghiệm
2.1. Khu nuôi, nhốt động vật thí nghiệm phải bố trí ở khu vực riêng, nếu là nhà nhiều tầng phải bố trí ở tầng 1.
2.2. Bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định về thiết kế và các quy định khác có liên quan đến khu nuôi, nhốt động vật thí nghiệm;
2.3. Có bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn được bố trí ở nơi thuận tiện.
2.4. Có đầy đủ các trang bị bảo hộ cá nhân và các trang thiết bị, dụng cụ làm vệ sinh, khử trùng.
2.5. Có nội quy quy định về chế độ làm việc và vệ sinh trong khu nuôi động vật thí nghiệm.
V. QUY ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN, ĐỒ DÙNG HỌC TẬP, SINH HOẠT
1. Bàn, ghế, đồ dùng học tập, đồ chơi, các phương tiện dùng làm thí nghiệm, luyện tập thể dục thể thao phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;
2. Có các vật dụng cá nhân dùng riêng như giường, chăn, gối, khăn mặt, bát, đũa, thìa, cốc uống nước, bàn chải đánh răng cho từng học sinh, sinh viên ở nội trú, bán trú.
3. Yêu cầu vệ sinh đồ chơi và dụng cụ học tập, sinh hoạt của học sinh:
3.1. Đồ chơi và dụng cụ học tập, sinh hoạt phải được giặt hoặc rửa sạch bằng xà phòng và nước nóng trên 50oC tối thiểu 2 lần/tuần. Đối với đồ chơi bằng các vật liệu như bông, vải, len dạ hằng ngày cần làm sạch bụi bằng bàn chải, nếu có điều kiện có thể khử trùng bằng cách chiếu đèn cực tím;
3.2. Nếu đồ chơi, dụng cụ học tập bị bẩn do phân, chất nôn thì phải được rửa sạch ngay bằng xà phòng và khử trùng theo quy định.
3.3. Phòng ở của học sinh, giáo viên phải được làm vệ sinh hàng ngày hạn chế sự trú ngụ, sinh sôi của ruồi, muỗi, dán, chuột.
3.4. Chăn màn, ga, gối, chiếu của trẻ phải được giữ vệ sinh sạch sẽ và thay giặt hằng tuần; ngoài giờ ngủ phải được gấp và cất gọn gàng.
VI. QUY ĐỊNH VỆ SINH ĐỐI VỚI NHÀ ĂN, CĂNG TIN, NHÀ BẾP VÀ KHO THỰC PHẨM
1. Nhà ăn, căng tin:
1.1. Thông thoáng, đủ ánh sáng; cửa sổ phải có lưới để chống chuột, ruồi, nhặng, gián hoặc các côn trùng có hại khác;
1.2. Tường, trần nhà và sàn nhà phải nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;
1.3. Bàn, ghế, dụng cụ, phương tiện phải được làm bằng vật liệu dễ cọ rửa. Có đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng;
1.4. Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và không thôi nhiễm yếu tố độc hại;
1.5. Có phương tiện bảo quản thực phẩm;
1.6. Có hệ thống cung cấp nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;
1.7. Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa; các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh.
2. Nhà bếp:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện đối với nhà ăn, căng tin quy định tại khoản 1 Mục VI Phần II của Quy chuẩn này, phải đáp ứng thêm các điều kiện quy định tại Điều 9 của Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống ban hành kèm theo Quyết định số 41/2005/QĐ - BYT ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Kho chứa thực phẩm:
3.1. Bảo đảm lưu thông không khí; đủ ánh sáng; cửa sổ phải có lưới chống chuột, ruồi, nhặng, gián và các côn trùng có hại khác;
3.2. Tường, trần nhà và sàn nhà phải kết cấu bằng vật liệu kiên cố và bảo đảm nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;
3.3. Có phương tiện, dụng cụ để phân loại, bảo quản và lưu giữ thực phẩm.
4. Yêu cầu vệ sinh đối với người làm việc tại nhà bếp, nhà ăn, căng tin:
4.1. Không mắc các tổn thương ngoài da, bệnh ngoài da hoặc bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ lây nhiễm có khả năng lây truyền qua được thực phẩm; hoặc mắc các chứng bệnh như dò hậu môn, són phân;
4.2. Có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt về vệ sinh cá nhân;
4.3. Được khám sức khỏe định kỳ và cấy phân phát hiện người lành mang trùng các bệnh đường tiêu hóa ít nhất 1 năm 1 lần;
4.4. Được trang bị và sử dụng đầy đủ các trang bị bảo hộ trong quá trình chế biến thực phẩm.
4.5. Phải thực hiện quy trình vệ sinh cá nhân trước khi bảo quản, chế biến thực phẩm.
5. Yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm:
5.1. Chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.
5.2. Thực phẩm phải được làm sạch trước khi chế biến;
5.3. Quá trình chế biến, phân phối, sử dụng, lưu giữ phải thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm;
5.4. Thức ăn, thực phẩm, đồ uống phải được che chắn tránh ruồi, nhặng dán chuột và sự xâm nhập của các động vật khác;
5.5. Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến. Chỉ sử dụng thức ăn, thực phẩm trong ngày. Không được sử dụng lại thức ăn, thực phẩm thừa; thức ăn sau chế biến 3-4 giờ phải được làm nóng trước khi sử dụng.
5.6. Dụng cụ chế biến thức ăn và sử dụng trong ăn uống phải được rửa bằng nước sạch và chất tẩy rửa theo quy định của Bộ Y tế, lau khô và cất giữ ở tủ kín tránh chuột, gián và các côn trùng có hại khác;
5.7. Sàn nhà, bếp, bàn ghế và các dụng cụ phục vụ cho việc ăn uống phải được lau, rửa hàng ngày bằng chất tẩy rửa và nước sạch; Hàng tuần, thực hiện tổng vệ sinh và khử trùng nhà bếp, nhà ăn, căng tin.
5.8. Không để gia súc, gia cầm hoạt động trong ở khu vực nhà bếp, nhà ăn, căng tin;
Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn thì phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm toàn thực phẩm theo quy định.
VII. QUY ĐỊNH VỀ CẤP NƯỚC VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
1. Cấp nước:
1.1. Nước sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt tại cơ sở giáo dục phải bảo đảm quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai (QCVN 6-1 :2010) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).
1.2. Số lượng nước uống cung cấp cho từng loại hình cơ sở giáo dục phải tuân thủ Quy định về vệ sinh trường học được ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Khu vệ sinh
2.1. Có hệ thống nhà vệ sinh gồm nhà tiêu, nhà tiểu theo Quy định về vệ sinh trường học được ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Khu vệ sinh được xây khép kín hoặc liền kề với lớp, thuận tiện cho trẻ sử dụng và có kích thước phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Có bô với nắp đậy với số lượng và chủng loại phù hợp theo quy định;
Đối với các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật cần bố trí và thiết kế khu vệ sinh thuận tiện và phù hợp với trẻ;
2.2. Khu vệ sinh phải có chỗ rửa tay với nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; Thiết bị vệ sinh (bồn cầu, bô), nền nhà, tường, máng tiểu phải làm bằng vật liệu dễ cọ rửa và khử trùng;
2.3. Có đầy đủ dụng cụ, phương tiện riêng phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng.
2.4. Yêu cầu vệ sinh đối với khu vệ sinh:
a) Phải được vệ sinh hàng ngày, riêng giấy vệ sinh không tự tiêu phải có dụng cụ chứa có nắp đậy và phải được thu gom, xử lý trong ngày.
b) Việc sử dụng, bảo quản nhà tiêu phải thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Phân, chất nôn, đờm rãi, bệnh phẩm của những người nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm (nếu có) phải được xử lý theo quy định về xử lý chất thải trước khi đổ vào nhà tiêu;
3. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải
3.1. Cơ sở giáo dục phải có hệ thống cống rãnh thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt, không được để nước ứ đọng xung quanh trường lớp;
3.2. Phải có hệ thống rãnh thoát nước nền bảo đảm thoát hết nước khi lau rửa nền. Các rãnh thoát nước được thu vào hố ga trước khi chảy ra hệ thống cống chung;
3.3. Phải có lưới chắn rác ở hệ thống thoát nước để phòng tránh tắc cống;
3.4. Hệ thống thoát nước khu vực phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, phòng y tế hoặc trạm y tế, nhà bếp, khu vệ sinh, khu nuôi động vật thí nghiệm không được đấu nối trực tiếp với hệ thống thoát nước mưa, phải qua hệ thống hoặc thiết bị xử lý riêng bảo đảm tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra hệ thống cống chung.
4. Hệ thống thu gom, xử lý rác
4.1. Có thùng đựng và phân loại rác thải. Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải của phòng y tế hoặc trạm y tế; phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng thí nghiệm sinh học; khu nuôi, nhốt động vật thí nghiệm. Không thu gom lẫn rác thải, chất thải phòng y tế, trạm y tế, phòng thí nghiệm chung với hệ thống thu gom rác thải, chất thải sinh hoạt của cơ sở giáo dục;
4.2. Bố trí đủ các phương tiện, dụng cụ có nắp đậy để phân loại, chứa đựng rác tạm thời trong cơ sở giáo dục; Các phương tiện, dụng cụ này phải thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;
4.3. Khu tập trung rác thải phải được bố trí cách biệt với các khu vực khác và có lối ra vào riêng. Khoảng cách không dưới 25m với khu nhà chính và nằm ở cuối chiều gió;
4.4. Có quy định về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác trong cơ sở giáo dục.
4.5. Yêu cầu vệ sinh về thu gom, xử lý rác thải:
Phải được thu gom hằng ngày và xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hợp vệ sinh hoặc được vận chuyển tới nơi xử lý tập trung. Đối với các chất thải từ phòng y tế, trạm y tế, phòng thí nghiệm, khu chăn nuôi động vật thí nghiệm, khu vệ sinh phải tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý theo các quy định hiện hành. Không để rác thải, nước thải tồn đọng trong khu vực trường gây ô nhiễm môi trường.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy chuẩn này.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành của địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách hàng năm bảo đảm cho việc triển khai thực hiện Quy chuẩn;
3. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn được dẫn chiếu tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.