Quyết định 1483/QĐ-UBND

Quyết định 1483/QĐ-UBND năm 2015 về Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020

Nội dung toàn văn Quyết định 1483/QĐ-UBND 2015 sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Bắc Giang 2016 2020


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1483/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 07 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 58/TTr-SCT ngày 03/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Công ty điện lực Bắc Giang và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh BG;
- Các hội là TC CT - XH cấp tỉnh;
- Lưu: VT, TPKT.
Bản điện tử:
LĐ VP, TKCT, các phòng, trung tâm.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Thái

 

CHƯƠNG TRÌNH

SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 30/5/2011. Các huyện, thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo của địa phương để triển khai thực hiện các nội dung Chương trình trên địa bàn.

Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu, đôn đốc các địa phương, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 23/02/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, các tổ công tác của Ban chỉ đạo tiến hành kiểm tra việc thực hiện đăng ký sử dụng điện tiết kiệm tại các huyện, thành phố. Qua đó đã thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường:

Công tác tuyên truyền, phổ biến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được các sở, ngành và các địa phương tích cực thực hiện với các nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, cụ thể như:

- Xây dựng và phát 68 lượt chuyên mục Tiết kiệm năng lượng trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đăng 309 tin, bài, ảnh về tiết kiệm năng lượng, 50 câu hỏi - trả lời trên mục hỏi đáp, 33 video - clip trên báo viết và báo Bắc Giang điện tử; đăng 14 bài viết tuyên truyền về hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh trên Tạp chí Công Thương.

- Xây dựng và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử (website) của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Bắc Giang (http://eccbacgiang.gov.vn) và một thư mục tiết kiệm điện trên website của Công ty Điện lực Bắc Giang để tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

- Tổ chức in ấn, cấp phát 354.000 tờ rơi và 14.000 cuốn cẩm nang tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình và tòa nhà công sở; 5.000 tờ rơi nội dung hưởng ứng Chiến dịch "Giờ trái đất" cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hội viên các hội đoàn thể và người dân; 14.500 quyển “Hành động nhỏ ý nghĩa lớn“ cho các em học sinh; tiến hành treo 475 băng rôn, pano tuyên truyền tiết kiệm điện tại các đường phố và nơi thu tiền điện.

- Tổ chức các Lễ phát động và tổ chức diễu hành hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm, qua tổ chức sự kiện từ năm 2012 đến 2015, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 45.165 kWh. Chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện“ năm 2013, 2014 đã vận động được 8.200 hộ gia đình thuộc địa bàn thành phố Bắc Giang và thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa tham gia. Chương trình “Trường tiểu học chung tay tiết kiệm điện” được tổ chức tại 10 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Giang và các huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Yên Thế, Hiệp Hòa, Lục Nam với sự tham gia của 14.500 em học sinh và 512 giáo viên. Giao lưu tọa đàm “Thanh niên với phong trào tiết kiệm điện” thu hút được 200 đoàn viên thanh niên là các cán bộ đoàn trực thuộc; cuộc thi “Chung tay sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã có 272 trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh tích cực tham gia.

- Tổ chức 13 lớp tập huấn kiến thức về tiết kiệm năng lượng cho 740 cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động các doanh nghiệp; 02 lớp đào tạo Người quản lý năng lượng, được Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp chứng chỉ cho 51 cán bộ thuộc các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn.

3. Sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo:

- Tổ chức 03 hội thảo về tiết kiệm năng lượng với các chủ đề như: Giới thiệu về công nghệ đèn Led thay thế đèn chiếu sáng truyền thống; xây dựng và triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trao đổi kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng giữa các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 04 gian hàng triển lãm các sản phẩm, công nghệ tiết kiệm năng lượng sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ quốc tế năng lượng hiệu quả “ môi trường Hà Nội.

- Xây dựng và trình diễn các mô hình, giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Mô hình thí điểm sử dụng đèn chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng (đèn Led) tại hai tòa nhà Sở Công Thương và Sở Tài chính. Qua đánh giá thực tế, công suất tiêu thụ điện phục vụ chiếu sáng đã giảm 40% so với trước, đồng thời đáp ứng yêu cầu chiếu sáng theo TCVN 7114-1:2008 Ecgônômi - Chiếu sáng nơi làm việc. Xây dựng mô hình 02 cột đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố Bắc Giang, tạo hiệu ứng thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm tiêu thụ điện năng.

- Phối hợp với các nhà cung cấp hỗ trợ triển khai lắp đặt 8.964 bình nước nóng năng lượng mặt trời; trao tặng 340 bộ bóng đèn tiết kiệm điện cho các hộ gia đình nghèo; hỗ trợ xây dựng 6.801 công trình khí sinh học (hầm biogas) trên toàn tỉnh; hỗ trợ triển khai thực hiện dự án khoa học công nghệ “Xây dựng mô hình ứng dụng bếp đun cải tiến nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam” và dự án “Xây dựng mô hình sử dụng bếp hóa khí góp phần bảo vệ môi trường tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên”. Qua đó đã khuyến khích người dân thay thế và sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm điện, thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp:

Năng lượng được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất công nghiệp là điện, sau đó là than, xăng, dầu diezen. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 782 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, năm 2014 có 95 đơn vị tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, 25 cơ sở thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2011 -2015, đã tổ chức hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 20 doanh nghiệp, xây dựng mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 cho 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó tư vấn 83 giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp tiết kiệm khoảng 22.878 TOE/năm, tương đương với số tiền là 80.479 triệu đồng, giảm phát thải khí nhà kính khoảng 89.793 tấn CO2 quy đổi hằng năm; đã có 40 giải pháp được các doanh nghiệp đầu tư thực hiện như: Tăng cường quản lý nội qui; lắp đặt thiết bị biến tần, công nghệ Powerboss; bảo ôn các đường ống hơi, hệ thống gia nhiệt, tận dụng nguồn nhiệt dư; thay thế thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện trong nhà xưởng, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời; tận dụng nguồn nhiên liệu là phụ phẩm của công đoạn khác, nhiên liệu sinh khối; tái sử dụng, tuần hoàn nước thải; lắp đặt, thay thế các thiết bị máy móc tiêu tốn nhiều năng lượng.

5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải:

Tỉnh đã chỉ đạo định hướng, yêu cầu đối với các chủ đầu tư, đơn vị tổ chức thi công khi lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công... Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình, lịch trình, tần suất hoạt động của phương tiện vận tải hành khách công cộng đảm bảo hiệu quả, ưu tiên tăng cường vận tải hành khách công cộng có năng lực vận chuyển lớn, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, giảm thiểu tổng chi phí năng lượng phục vụ hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp vận tải đã thường xuyên tiến hành công tác duy tu, bảo dưỡng các phương tiện giao thông, kiểm tra các biện pháp an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm trạng thái hoạt động tốt nhất, từ đó giúp tiết kiệm xăng dầu, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa tiết kiệm năng lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến kỹ năng lái xe tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm đào tạo lái xe cũng được quan tâm thực hiện.

6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà và cơ quan, công sở:

Năng lượng được sử dụng trong các công trình tòa nhà, cơ quan công sở chủ yếu là điện năng phục vụ hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát và các thiết bị văn phòng, thiết bị chuyên dụng... Nhìn chung các công trình xây dựng mới được xây dựng trong thời gian qua đã quan tâm tới việc tận dụng các điều kiện tự nhiên như ánh sáng, thông gió... Đã tiến hành mua sắm, lắp đặt các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đèn huỳnh quang T5, T8, đèn huỳnh quang compact, các trang thiết bị được dán nhãn năng lượng như máy điều hòa nhiệt độ, quạt... Đồng thời tiến hành xây dựng nội quy, quy chế sử dụng điện tiết kiệm của cơ quan, quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng tiết kiệm điện cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng:

Hiện nay, các tuyến phố, đường giao thông, công viên, khuôn viên trên địa bàn thành phố Bắc Giang và các trung tâm huyện trong tỉnh phổ biến sử dụng đèn chiếu sáng là loại bóng cao áp natri (sáng vàng) hoặc cao áp metan (sáng trắng). Đèn chiếu sáng ngõ xóm, đường giao thông khu vực nông thôn sử dụng phổ biến bóng đèn compact. Các loại đèn trang trí cơ bản sử dụng công nghệ đèn Led nhiều màu sắc.

Trong những năm qua, các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng đã quan tâm thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng như vận hành hệ thống theo thời gian từng mùa, quản lý công suất hệ thống chiếu sáng theo từng thời điểm bằng phương pháp cắt giảm bớt số bóng đèn thắp sáng như: Thực hiện cắt giảm 1/3 số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến đường, khu vực công cộng ngay từ tối và tiếp tục cắt giảm 1/3 số bóng đèn từ thời điểm 23 h đến sáng hôm sau. Kịp thời kiểm tra và khắc phục các sự cố hư hỏng hệ thống điện chiếu sáng gây tổn hao điện năng. Qua đó đã tiết giảm được sản lượng điện đáng kể sử dụng phục vụ chiếu sáng công cộng, điển hình Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Bắc Giang mức tiết kiệm đạt khoảng 50%.

8. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp:

Năng lượng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là điện năng để phục vụ hoạt động thủy lợi, chăn nuôi, thủy sản. Với đặc thù là tỉnh trung du, miền núi, để duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định thì việc cung cấp đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu là hết sức quan trọng. Để thực hiện tiết kiệm điện, hàng năm các công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đều xây dựng kế hoạch bơm nước tưới, tiêu, trong đó tập trung bơm vào giờ thấp điểm, hạn chế tối đa bơm vào giờ cao điểm. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị được thực hiện định kỳ, giảm tối đa tiêu hao điện năng. Qua đó trong giai đoạn 2011 - 2015 các trạm bơm nước trên địa bàn tỉnh đã tiết kiệm được 8.541.213 kWh (giảm 24,3% so với kế hoạch sử dụng điện). Việc khuyến khích sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ bằng khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp được quan tâm. Ngành nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền trên pano, báo, đài, tập huấn cho kỹ thuật viên, người dân. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nghiệm thu 6.801 công trình hầm biogas. Lượng khí gas được sản sinh ra từ các hầm biogas được các hộ gia đình sử dụng làm khí đốt phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.

9. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình:

Trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế của người dân được nâng lên, xu thế sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng... ngày càng nhiều, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng cao. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan chức năng, người dân đã biết quan tâm lựa chọn, mua sắm, lắp đặt các thiết bị điện được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, do hiểu biết và tập quán sinh hoạt, một bộ phận các gia đình, nhất là khu vực nông thôn khi lựa chọn các thiết bị vẫn chưa chú trọng tới công suất và hiệu quả sử dụng của các thiết bị, việc bố trí lắp đặt hợp lý và bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ chưa được quan tâm đúng mức, gây tiêu hao, thất thoát năng lượng. Ở một số khu vực vẫn phổ biến sử dụng bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10 có hiệu suất năng lượng thấp.

Cuộc vận động "Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và các Chương trình thi đua “Hộ gia đình tiết kiệm điện” được triển khai thực hiện trong thời gian qua với sự tham gia 8.200 hộ gia đình, đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giúp các hộ gia đình hiểu, nắm bắt được các kỹ năng cơ bản để sử dụng các thiết bị gia dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng lắp đặt 6.801 công trình hầm biogas, 8.964 bình nước nóng năng lượng mặt trời đã thúc đẩy việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống trong sinh hoạt như than, gas, điện, từ đó giảm chi phí điện, chi phí mua chất đốt, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, giảm việc chặt phá rừng, bảo vệ môi trường.

10. Quản lý nhu cầu điện:

Tính đến thời điểm 30/6/2015, tổng số khách hàng mua điện trên địa bàn tỉnh khoảng 444.925 hộ, trong đó 398.648 là khách hàng sinh hoạt, 46.277 là khách hàng ngoài sinh hoạt. Điện thương phẩm của tỉnh Bắc Giang năm 2011 là 1.043 triệu kWh, đến năm 2014 là 1.691 triệu kWh, kế hoạch năm 2015 là 1.904 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 là 15,8%/năm (nếu không tính Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thì tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của tỉnh là 19,36%). Điện thương phẩm bình quân đầu người năm 2014 đạt 865 kWh/người tăng gấp 2,07 lần so với năm 2010 (417 kWh/người).

Để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng điện của các hộ phụ tải, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc tính toán lập phương thức vận hành kinh tế, duy trì điện áp đầu nguồn tại các trạm 110kV, điện áp tại các đầu đường dây, các trạm trung gian, tiến hành đo thông số đặt nấc vận hành các trạm biến áp phụ tải. Khai thác hiệu quả các bộ tụ bù, luân chuyển và khắc phục kịp thời các bộ tụ trên lưới bảo đảm công suất bù kinh tế, hiệu quả. Rà soát các trạm biến áp đầy tải, quá tải, thực hiện thay thế, hoán đổi các máy biến áp phụ tải đang trong tình trạng đầy tải và quá tải. Đẩy mạnh công tác sửa chữa thường xuyên, xử lý các khiếm khuyết, các điểm mất an toàn, thay dây dẫn cũ nát, quá tải, xiết lại các điểm tiếp xúc kém, cân pha lưới điện 0,4kV, phát quang hành lang tuyến, san tải hợp lý các trạm biến áp để giảm tổn thất điện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giải pháp tiết kiệm điện trong tòa nhà, cơ quan công sở, hộ gia đình đến các khách hàng và người dân. Khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm, thực hiện sử dụng điện đảm bảo đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Mặt khác, chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.

11. Hoạt động quản lý và sử dụng tài chính Chương trình:

Tổng kinh phí được Ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2011 - 2015 là: 5.442.000.000 đồng, Trong đó: Kinh phí Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ngân sách nhà nước tỉnh cấp: 3.382.000.000 đồng (bằng 55,08% kế hoạch kinh phí đề ra). Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương cấp: 2.060.000.000 đồng.

Kinh phí được sử dụng hiệu quả, các nội dung, đề án, dự án nhằm đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Bên cạnh đó các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố trong quá trình triển khai các đề án, dự án đã thực hiện lồng ghép các nội dung Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm:

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện. Bằng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đã tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến sang hành động tiết kiệm năng lượng trong người dân và cộng đồng xã hội.

- Các mô hình trình diễn về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp, trong các công trình tòa nhà và chiếu sáng công cộng đã được thực hiện, thu được những kết quả tích cực. Qua đó tạo niềm tin, là cơ sở để thúc đẩy, nhân rộng thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

- Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước trên địa bàn được tăng cường. Các sở, ngành và thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã tích cực trong việc tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình. Công tác điều hành cung ứng điện được thực hiện chủ động, linh hoạt, đã hạn chế được tình trạng thiếu điện, tiết giảm, cắt điện luân phiên, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.

Nhìn chung, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh được triển khai khá hiệu quả trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Sản lượng điện thương phẩm năm 2015 khoảng 1.904 triệu kWh (đã giảm 4,7% so với dự báo). Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2014 là 9,03% (giảm sâu hơn so với kế hoạch 0,77%). Sản lượng điện tiết kiệm điện trên toàn tỉnh giai đoạn 2011-2014 được 71.627.231 kWh, vượt 115,25% so với kế hoạch. Đặc biệt, ngành công nghiệp - xây dựng là ngành tiêu thụ sản lượng điện năng lớn nhất trong 5 thành phần kinh tế, hệ số đàn hồi điện (tốc độ tăng nhu cầu điện (%)/tốc độ tăng giá trị sản xuất (%)) đã giảm mạnh từ 1,779 trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 1,148 ở giai đoạn 2011 - 2015. Điều đó đã cho thấy các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm chi phí sản xuất.

2. Tồn tại, hạn chế:

- Các hoạt động triển khai còn ít, chưa đồng bộ; các chương trình, dự án được triển khai theo từng nhóm đối tượng riêng biệt, chưa có sự phối hợp và thống nhất thực hiện dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

- Nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Thực tế vẫn còn hiện tượng lãng phí trong sử dụng năng lượng nói chung và sử dụng điện nói riêng ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực sự quán triệt và nhận thức được yêu cầu, tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Công tác đầu tư, sửa chữa, cải tạo đường dây, trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn chưa kịp thời, dẫn đến tổn thất điện năng còn cao so với các tỉnh trong khu vực.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

3.1. Nguyên nhân khách quan:

- Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng vẫn là lĩnh vực mới, các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện các nội dung của Chương trình và quản lý tài chính còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, cơ bản là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu. Chủ doanh nghiệp cơ bản mới chỉ quan tâm, tập trung vào hoạt động sản xuất và thị trường, chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả năng lượng, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Nguồn vốn đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp thiếu vốn và không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Giá thành các giải pháp, công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng hiện nay còn cao so với các thiết bị thông thường, gây khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng của doanh nghiệp, người dân.

- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh và Trung ương hàng năm còn thấp, chưa thực sự tạo động lực chuyển biến rõ rệt trong việc đẩy mạnh phong trào và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong người dân, doanh nghiệp.

- Nhu cầu về điện phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh ngày một tăng, trong khi nguồn vốn dành cho công tác cải tạo đường dây, nâng công suất trạm biến áp còn thiếu, phụ thuộc nguồn kinh phí các dự án do Trung ương cấp.

3.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Công tác kiểm tra, giám sát của một số thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện, thành phố chưa thực sự sâu sát, kịp thời; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương nhiều khi chưa chặt chẽ, nhịp nhàng.

- Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho công tác tư vấn, hỗ trợ, triển khai các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu, chưa được bổ sung để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

b) Triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình, tạo bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cuối cùng, tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng; giao thông vận tải; hoạt động dịch vụ, hộ gia đình; phổ biến phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

c) Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm năng lượng thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Các mục tiêu cụ thể:

a) Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội; xây dựng ý thức, thói quen thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

c) Phấn đấu tiết kiệm 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2016 - 2020 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt.

d) Xây dựng các mô hình điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tòa nhà, giao thông vận tải (từ 2 - 4 mô hình/năm).

e) Tham gia tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật thuộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

g) Thực hiện việc quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với 100% các tòa nhà xây dựng mới hoặc cải tạo có quy mô thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn.

h) Phát triển hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong giao thông vận tải.

i) Tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện:

- Đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện trong các khâu truyền tải, phân phối, kinh doanh và sử dụng điện, phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống còn từ 5,5 - 5,6% vào năm 2020 (năm 2014 là 9,03%).

- Tiết kiệm 10 ¸ 15% sản lượng điện so với dự báo tại các cơ quan, công sở Nhà nước trên địa bàn.

- Từng bước tổ chức hệ thống chiếu sáng đô thị đảm bảo hiện đại văn minh, hiệu quả nhằm giảm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ điện năng so với dự báo. Đến năm 2020 hoàn thành việc thay thế đèn cao áp công suất lớn bằng đèn Led tiết kiệm điện tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Bắc Giang và một số tuyến phố chính tại trung tâm các huyện; đầu tư ứng dụng, lắp đặt thiết bị điều khiển hiện đại, tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Chương trình triển khai đến tất cả các ngành, lĩnh vực, hoạt động có sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

III. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

a) Xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố.

b) Triển khai, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từng bước xây dựng hệ thống quản lý, ban hành các quy định, hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh

c) Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao và sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào sản xuất, tiêu dùng.

d) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật.

đ) Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao năng lực của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Bắc Giang.

2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt. Xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đăng tải định kỳ trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang và các đơn vị thông tin, truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh.

b) Duy trì, thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giới thiệu các giải pháp và công nghệ tiên tiến gắn với tiết kiệm năng lượng, hiệu suất năng lượng trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Bắc Giang và Công ty Điện lực Bắc Giang.

c) Phát hành tờ rơi, tờ dán, sổ tay, sách hướng dẫn về các sản phẩm, thiết bị, công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng đến các sở, cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục - đào tạo, dạy nghề và người dân trên địa bàn tỉnh.

d) Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cán bộ quản lý nhà nước ở các sở, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

e) Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm tạo môi trường trao đổi, giới thiệu trang thiết bị, công nghệ mới, cung cấp thông tin về các sản phẩm tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tới tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ mới tiết kiệm năng lượng cho cán bộ các doanh nghiệp.

g) Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc lồng ghép các nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học ở các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp:

a) Hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất.

b) Tổ chức trình diễn các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng theo quy định.

c) Tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng; nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho doanh nghiệp.

d) Khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, ưu đãi các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầu tư các dự án nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm.

4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà và cơ quan, công sở:

a) Tăng cường kiểm soát, thúc đẩy thiết kế các công trình xây dựng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD) và các văn bản hướng dẫn Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

b) Khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng trong các cơ quan, công sở; xây dựng các mô hình thí điểm tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các mô hình chiếu sáng học đường tiết kiệm điện, bảo vệ thị lực cho học sinh. Hướng dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin về các mô hình, tòa nhà tiết kiệm năng lượng tới các đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị quản lý tòa nhà để tham khảo, triển khai nhân rộng.

c) Tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ đơn vị quản lý tòa nhà, cán bộ tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát... trong lĩnh vực xây dựng để thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế công trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thi công phù hợp với quy chuẩn xây dựng.

d) Hỗ trợ các đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện kiểm toán năng lượng; tư vấn và thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, sử dụng các trang thiết bị, sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao. Xây dựng và từng bước áp dụng hệ thống (mô hình) quản lý năng lượng cho tòa nhà. Tổ chức tham gia cuộc vận động thực hiện "Công trình xanh”, cuộc thi "Tòa nhà tiết kiệm năng lượng".

g) Giám sát việc thực hiện định mức sử dụng năng lượng theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 01/6/2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 68/2011 /QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải:

a) Thực hiện việc lồng ghép nội dung tiết kiệm năng lượng trong các dự án quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong công tác lập dự án và thi công công trình giao thông vận tải.

b) Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn nhằm cải thiện điều kiện đi lại cho người dân; thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục cộng đồng thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân.

c) Đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải chất ô nhiễm ra môi trường.

d) Phổ biến, tuyên truyền kỹ năng lái xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường; nâng cao ý thức tiết kiệm nhiên liệu trong giao thông vận tải.

e) Thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng suất tiêu hao nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải công cộng; xây dựng mô hình quản lý năng lượng trong các doanh nghiệp vận tải.

g) Triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng:

a) Xây dựng kế hoạch, biện pháp và áp dụng các giải pháp quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hệ thống chiếu sáng công cộng nhằm tiết kiệm điện. Thực hiện thay thế lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng hiệu suất cao và công nghệ điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng hiện đại, tiết kiệm điện.

b) Xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, mô hình chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.

7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp:

a) Vận hành, khai thác hợp lý các trạm bơm cấp, thoát nước của hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức các lớp tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để nâng cao nhận thức, năng lực cho các cán bộ, công nhân viên tại các trạm bơm thủy nông, các làng nghề trên địa bàn.

c) Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho một số trạm bơm, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Xây dựng thí điểm mô hình trạm bơm, làng nghề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

d) Khuyến khích sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ bằng sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

8. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình:

a) Tăng cường thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng (đèn huỳnh quang T8, T5, đèn huỳnh quang compact, đèn led...), các đèn chiếu sáng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng sinh khối biomass/biogas phục vụ sinh hoạt.

b) Xây dựng mô hình trình diễn và tổ chức, phát động các cuộc thi, các chương trình thi đua "Hộ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, "Gia đình tiết kiệm điện” tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tạo phong trào đẩy mạnh sử dụng các thiết bị gia dụng hiệu suất năng lượng cao, các sản phẩm dán nhãn năng lượng trong gia đình, hạn chế sử dụng các thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm.

9. Quản lý nhu cầu điện:

a) Thường xuyên nắm bắt tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương, xu hướng phát triển phụ tải từng khu vực, đề xuất, xây dựng, sửa chữa nâng cấp kịp thời lưới điện đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.

b) Nâng cao hiệu quả sử dụng điện của các hộ phụ tải (cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình tòa nhà, trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học... và các hộ gia đình).

c) Điều khiển nhu cầu dùng điện phù hợp với khả năng cung cấp điện (cắt đỉnh, dịch chuyển phụ tải...).

d) Tính toán, lựa chọn phương thức vận hành kinh tế các đường dây đảm bảo vận hành linh hoạt, giảm tổn thất.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về tăng cường vai trò quản lý Nhà nước:

a) Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh, đảm bảo đủ về số lượng và có sự tham gia đại diện của các sở, ngành, đơn vị liên quan. Ban chỉ đạo Chương trình tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện và điều phối toàn bộ hoạt động Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020. Đôn đốc các thành viên thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động; chỉ đạo, kiểm tra các địa phương và đơn vị thực hiện đúng các nội dung Chương trình.

b) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; liên hệ, giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tư vấn, hỗ trợ hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh..

c) Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực triển khai thực hiện các đề tài, đề án, nội dung của Chương trình cho các cán bộ ở các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

d) Thực hiện đầu tư có chọn lọc trong việc tăng cường năng lực cho các đơn vị triển khai Chương trình, nhằm đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và các hoạt động tư vấn khác trên địa bàn tỉnh.

2. Về tài chính:

a) Tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ khác của Trung ương; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan tham gia vào thực hiện Chương trình.

b) Cân đối bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung Chương trình đảm bảo chất lượng và có hiệu quả cao nhất, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

c) Tăng cường khai thác, tìm kiếm, vận động các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn kinh phí đối ứng từ các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định để thực hiện Chương trình.

3. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

a) Chú trọng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin bài trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang và các truyền thanh địa phương về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như phóng sự, phim tài liệu, video - clip, mục hỏi đáp... để thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.

b) Thực hiện tốt các chương trình, nội dung phối hợp giữa các cơ quan như Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh và Công ty Điện lực Bắc Giang trong việc tuyên truyền, phổ biến tiết kiệm năng lượng tới đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, khách hàng mua điện và toàn thể người dân trên địa bàn.

c) Thường xuyên tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và cộng đồng như: Chương trình thi đua Hộ gia đình tiết kiệm điện, Trường Tiểu học Chung tay tiết kiệm điện, sự kiện Giờ Trái đất hàng năm...

4. Về khoa học và công nghệ:

a) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia và thực hiện các đề tài, dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, về sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, về áp dụng sản xuất sạch hơn, ứng dụng các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

b) Xây dựng các mô hình công nghệ mới sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt; tổ chức nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

c) Định kỳ hàng năm, các sở, ngành, các địa phương, doanh nghiệp đề xuất nội dung ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, xây dựng chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh để triển khai thực hiện.

5. Về hợp tác quốc tế:

a) Tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước trong lĩnh vực đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh.

b) Tranh thủ kinh nghiệm chuyên môn, các hỗ trợ kỹ thuật và triển khai chính sách của các chương trình quốc tế về tiết kiệm năng lượng đang triển khai tại Việt Nam,

c) Tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu, tổ chức ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nhu cầu kinh phí:

Nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn: Kinh phí ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), nguồn tính phí tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn kinh phí đối ứng từ các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định.

Tổng kinh phí triển khai Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 39.150 triệu đồng (ba mươi chín tỷ, một trăm năm mươi triệu đồng), trong đó kinh phí từ ngân sách tỉnh là 7.430 triệu đồng (Bẩy tỷ, bốn trăm ba mươi triệu đồng) không kể nguồn vốn từ kinh phí sự nghiệp khoa học, sự nghiệp khác và vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh (nguồn này thực hiện theo các dự án, đề tài cụ thể do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Đơn vị: Triệu đng

TT

Nguồn kinh phí

Năm thực hiện

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

1

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương

810

830

840

870

890

4.240

2

Kinh phí từ ngân sách tỉnh

1.450

1.470

1.490

1.500

1.520

7.430

3

Kinh phí đối ứng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nguồn khác)

5.410

5.420

5.500

5.550

5.600

27.480

Tổng cộng

7.670

7.720

7.830

7.920

8.010

39.150

(Diễn giải chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

2. Bố trí và sử dụng kinh phí:

a) Kinh phí từ ngân sách Trung ương và tỉnh cấp cho việc xây dựng các văn bản quy định về tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; điều tra, khảo sát, thu thập thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu năng lượng của tỉnh; hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng; xây dựng và thực hiện các mô hình thí điểm về tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

b) Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dùng để thực hiện các chuyên đề, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được các bên thống nhất.

c) Kinh phí của doanh nghiệp tham gia Chương trình dùng để thực hiện các chuyên đề, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao hoặc tạo ra sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

đ) Việc sử dụng các nguồn kinh phí phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện: Trên cơ sở nội dung của Chương trình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm của đơn vị để tổ chức thực hiện; kế hoạch năm sau ban hành trước ngày 31/12 năm trước, gửi UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để tổng hợp, theo dõi.

2. Sở Công Thương:

a) Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh; có trách nhiệm tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch triển khai theo các nội dung của Chương trình; tổng hợp các báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) và theo yêu cầu với Bộ Công Thương và UBND tỉnh; tổng hợp các vướng mắc báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình và Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

b) Là cơ quan đầu mối hướng dẫn các văn bản pháp lý có liên quan đến các đơn vị thực hiện Chương trình; nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình (ngoài nguồn vốn ngân sách); trao đổi, hợp tác với các trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu, chuyên gia có sáng kiến, giải pháp tiết kiệm năng lượng để tuyên truyền, triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo Trung tâm tiết kiệm năng lượng Bắc Giang nghiên cứu, xây dựng các đề tài, dự án, mô hình về tiết kiệm năng lượng và triển khai ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán năng lượng, áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp, công sở, công trình tòa nhà và các cơ sở tiêu thụ năng lượng khác; tư vấn, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật trong việc thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dãy chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng, cụ thể như:

a) Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng. Kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền.

b) Phổ biến, hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải pháp trong xây dựng các tòa nhà đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tổ chức cá nhân hoạt động xây dựng và các đơn vị quản lý tòa nhà.

4. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện tiết kiệm năng lượng trong hoạt động giao thông vận tải, cụ thể như:

a) Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông vận tải. Nghiên cứu, hợp lý hóa mạng lưới giao thông tỉnh nhằm tối ưu hóa năng lực giao thông vận tải, hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng.

b) Tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học là nhiên liệu thay thế cho một số phương tiện giao thông vận tải.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, cụ thể như:

a) Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý, tối ưu hóa hệ thống hồ chứa, tận dụng dòng chảy tự nhiên; chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi vận hành, khai thác hợp lý công suất máy bơm nhằm mục đích cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

b) Vận động các hộ gia đình ở nông thôn thực hiện mô hình gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lồng ghép với việc triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

c) Tư vấn, hỗ trợ triển khai sử dụng khí sinh học (Biogas) để phục vụ sinh hoạt và phát điện tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn nông thôn.

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn và thủy lợi.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Thẩm định, đề xuất, tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ưu tiên chấp thuận, tiếp nhận các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng vào địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Tài chính cân đối kế hoạch đảm bảo các nguồn lực vốn ngân sách tỉnh cho hoạt động của Chương trình. Kêu gọi nguồn đầu tư tài trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ các dự án nước ngoài về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho tỉnh.

7. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan cân đối dự toán kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình hàng năm; hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn vốn của chương trình theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Công Thương, Công ty Điện lực tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện hàng năm của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 01/6/2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.

8. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, các tổ chức liên quan thẩm định, ưu tiên các đề tài, dự án nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

b) Thẩm định, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, giải pháp công nghệ phù hợp và máy móc thiết bị có hiệu suất năng lượng cao đối với các dự án đầu tư trên địa bàn theo phân cấp.

9. Công ty Điện lực Bắc Giang:

Phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức có liên quan thực hiện phát điện, truyền tải, phân phối sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, cụ thể như:

a) Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện quản lý nhu cầu điện năng phù hợp với các khả năng cung cấp (giờ cao điểm, thấp điểm); đáp ứng đầy đủ điện năng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt.

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp (quản lý, kiểm tra, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp đồng bộ lưới điện và hệ thống lưới điện tự dùng...) nhằm giảm tổn thất điện trong khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh điện.

c) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm; hướng dẫn khách hàng sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải tối ưu để hệ thống điện vận hành đạt hiệu quả.

d) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho cán bộ công nhân viên tham gia quản lý vận hành lưới điện.

đ) Phối hợp với Sở Công Thương trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.

10. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức hội trong tỉnh: Quan tâm phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

 


PHỤ LỤC

NHIỆM VỤ VÀ DỰ NGUỒN KINH PHÍ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH
(Kèm theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

STT

 

Năm thực hiện, nguồn kinh phí

Cộng

2016

2017

2018

2019

2020

 

Nguồn kinh phí

NS tỉnh

NS

TW

Nguồn khác

NS  tnh

NS TW

Nguồnkhác

NS tỉnh

NS TW

Nguồnkhác

NS tỉnh

NS TW

Nguồnkhác

NS tỉnh

NS TW

Nguồnkhác

 

1

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.900

1,1

Xây dựng và phát sóng định kỳ các chuyên đề, chuyên mục về tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang...)

80

20

 

80

20

 

80

20

 

80

20

 

80

20

 

500

1,2

Duy trì, cập nhật các thông tin tuyên truyền về TKNL trên Website Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Bắc Giang và Công ty Điện lực Bắc Giang.

80

 

20

100

 

30

100

 

40

100

 

50

100

 

60

680

1,3

Thiết kế, in ấn, phát hành tờ rơi, tờ dán, sổ tay, cẩm nang tuyên truyền, hướng dẫn về tiết kiệm điện, TKNL

50

50

100

70

100

120

90

100

140

100

100

160

120

100

170

1.570

1,4

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về TKNL cho cán bộ các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (dự kiến 02 lớp/năm x 30 triệu đồng/lớp)

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

300

1,5

Tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên đề về TKNL (ít nhất 02 cuộc/năm x 25 triệu đồng/cuộc)

50

 

 

50

 

 

50

 

 

50

 

 

50

 

 

250

1,6

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về TKNL cho các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh

20

 

100

20

 

100

20

 

100

20

 

100

20

 

100

600

2

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9.040

2,1

Xây dựng các mô hình trình diễn về quản lý, công nghệ sản xuất và sản phẩm TKNL, năng lượng mới, năng lượng tái tạo (ít nhất 01 mô hình/năm)

 

200

800

 

200

800

 

200

800

 

200

800

 

200

800

5.000

2,2

Hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng nhằm thúc đẩy sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp (từ 03-05 doanh nghiệp/năm)

 

150

150

 

240

250

 

250

300

 

280

320

 

300

350

2.590

2,3

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng (từ 02 - 03 doanh nghiệp/năm)

 

140

150

 

140

150

 

140

150

 

140

150

 

140

150

1.450

3

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà và cơ quan, công sở

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.750

3,1

Xây dựng các mô hình trình diễn tòa nhà công sở tiết kiệm năng lượng (dự kiến 01 mô hình/năm)

150

 

 

150

 

 

150

 

 

150

 

 

150

 

 

750

3,2

Xây dựng các mô hình chiếu sáng học đường tiết kiệm điện, bảo vệ thị lực cho học sinh (dự kiến 01 mô hình/năm)

100

 

 

100

 

 

100

 

 

100

 

 

100

 

 

500

3,3

Hỗ trợ các tòa nhà kiểm toán năng lượng, xây dựng các phương án quản lý, nâng cấp, cải tạo, sử dụng các trang thiết bị, sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao (01 tòa nhà/năm)

 

50

50

 

50

50

 

50

50

 

50

50

 

50

50

500

4

Sử dụng năng Iượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

290

4,1

Khảo sát tình hình sử dụng năng lượng; xây dựng 01 mô hình quản lý năng lượng trong doanh nghiệp vận tải và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

 

70

70

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

140

4,2

Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về TKNL trong lĩnh vực giao thông vận tải, thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng khác (LPG, năng lượng điện, nhiên liệu sinh học...) thay thế nhiên liệu truyền thống (dự kiến 01 lớp/năm)

30

 

 

30

 

 

30

 

 

30

 

 

30

 

 

150

5

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.500

5,1

Xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tủ điều khiển hiện đại trong chiếu sáng công cộng tại các huyện, thành phố (dự kiến từ 01 - 02 mô hình/năm)

100

 

300

100

 

300

100

 

300

100

 

300

100

 

300

2.000

5,2

Xây dựng mô hình chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời tại các huyện, thành phố (dự kiến từ 01 - 02 mô hình/năm)

300

 

 

300

 

 

300

 

 

300

 

 

300

 

 

1.500

6

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

400

6,1

Kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng trong các trạm bơm cấp, thoát nước; phổ biến, nhân rộng mô hình

 

50

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

100

6,2

Tổ chức các lớp tập huấn về TKNL cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh (dự kiến 02 lớp/năm x 30 triệu/lớp)

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

300

7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18.800

7,1

Tổ chức, phát động các cuộc thi, các chương trình thi đua "Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", "Gia đình tiết kiệm điện" tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh

60

80

120

60

80

120

60

80

120

60

80

120

60

80

120

1.300

7,2

Hỗ trợ mô hình ứng dụng, lắp đặt các hầm khí sinh học biogas, bình nước nóng năng lượng mặt trời

 

 

3.500

 

 

3.500

 

 

3.500

 

 

3.500

 

 

3.500

17.500

8

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.470

8,1

Tổ chức điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình sử dụng năng lượng theo các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

50

 

 

50

 

 

50

 

 

50

 

 

50

 

 

250

8,2

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực triển khai thực hiện các đề tài, đề án, nội dung của Chương trình cho các bộ ở các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh (dự kiến 02 lớp/năm x 30 triệu/lớp)

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

60

 

 

300

8,3

Tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác tiết kiệm năng lượng ở các tỉnh bạn và các nước tiên tiến trên thế giới

100

 

 

100

 

 

100

 

 

100

 

 

100

 

 

500

8,4

Mua sắm dụng cụ, thiết bị đo, kiểm, phân tích phục vụ cho công tác chuyên môn về tiết kiệm năng lượng (đánh giá, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra...)

100

 

 

80

 

 

80

 

 

80

 

 

80

 

 

420

 

Tổng cộng

1.450

810

5.410

1.470

830

5.420

1.490

840

5.500

1.500

870

5.550

1.520

890

5.600

39.150

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020: 39.150.000.000 đồng, trong đó:

- Kinh phí từ Ngân sách trung ương: 4.240.000.000 đồng (thông qua Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương);

- Kinh phí từ ngân sách tỉnh: 7.430.000.000 đồng;

- Kinh phí đối ứng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nguồn khác): 27.480.000.000 đồng.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1483/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1483/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành07/08/2015
Ngày hiệu lực07/08/2015
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1483/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1483/QĐ-UBND 2015 sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Bắc Giang 2016 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1483/QĐ-UBND 2015 sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Bắc Giang 2016 2020
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1483/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bắc Giang
                Người kýDương Văn Thái
                Ngày ban hành07/08/2015
                Ngày hiệu lực07/08/2015
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 1483/QĐ-UBND 2015 sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Bắc Giang 2016 2020

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 1483/QĐ-UBND 2015 sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Bắc Giang 2016 2020

                  • 07/08/2015

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 07/08/2015

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực