Nội dung toàn văn Quyết định 1979/QĐ-UBND điều tra thu nhập lao động hộ dân cư nông thôn 2013 Vĩnh Long
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1797/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 31 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC ĐIỀU TRA THU NHẬP VÀ LAO ĐỘNG CỦA HỘ DÂN CƯ NÔNG THÔN NĂM 2013
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thống kê, ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thống kê tại Tờ trình số 522/TTr-CTK ngày 16 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành điều tra thu nhập và lao động năm 2013 nhằm thu thập thông tin tính toán, đánh giá mức độ thực hiện tiêu chí nông thôn mới về thu nhập bình quân và tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên của 09 xã điểm theo Phương án điều tra thu thập thông tin về thu nhập và lao động năm 2013, ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long biên soạn tài liệu, biểu mẫu, xây dựng dự toán kinh phí; chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện, thị xã và Uỷ ban nhân dân 09 xã điểm tổ chức thực hiện cuộc điều tra theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thống kê, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU TRA THU THẬP THÔNG TIN VỀ THU THẬP VÀ LAO ĐỘNG NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
1. Mục đích, yêu cầu điều tra:
Cuộc điều tra thu thập thông tin về thu nhập và lao động năm 2013 của hộ dân cư nông thôn nhằm:
1.1. Thu thập thông tin về thu nhập, lao động và việc làm của hộ dân cư trên địa bàn các xã điểm nông thôn mới phục vụ tính toán thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên của các xã năm 2013, làm cơ sở cho Ban chỉ đạo các cấp tính toán, đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới về thu nhập và lao động cho các xã vào năm 2014 và năm 2015.
1.2. Giúp Cục Thống kê phối hợp với ban chỉ đạo các cấp và các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện, chuẩn hoá các phương pháp thống kê, tính toán, đánh giá các tiêu chí xã nông thôn mới về thu nhập và lao động; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình, phương pháp thống nhất để Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) các cấp áp dụng nhằm chủ động trong tổ chức điều tra, tính toán, đánh giá mức độ thực hiện tiêu chí của các xã nông thôn mới. Cụ thể:
- Chuẩn hoá phương án, nội dung, phương pháp, biểu mẫu điều tra thu thập thông tin về thu nhập, lao động và việc làm nhằm chuyển giao cho các xã nông thôn mới tự tiến hành điều tra, tính toán, đánh giá một cách chủ động, kịp thời thông qua văn bản quy định thống nhất do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
- Trên cơ sở quy trình, phương pháp chuẩn được ban hành và áp dụng thống nhất, Ban chỉ đạo cấp huyện kiểm tra, đánh giá kết quả tính toán của xã; Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức phúc tra, thẩm định và công nhận.
2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra:
2.1. Đối tượng và đơn vị điều tra:
Đối tượng điều tra thông tin về thu nhập là các hộ gia đình; thông tin về lao động và việc làm là các nhân khẩu thực tế thường trú trên địa bàn các xã quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Đơn vị điều tra là các hộ gia đình thực tế thường trú trên địa bàn các xã.
2.2. Phạm vi điều tra:
Thu thập thông tin trên địa bàn 9 xã điểm nông thôn mới được chọn về đích sớm trong năm 2014 theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập số liệu:
- Thời điểm điều tra là 01/11/2013.
- Thời kỳ thu thập số liệu:
+ Đối với các chỉ tiêu thời điểm (nhân khẩu, lao động, tình trạng việc làm, điều kiện sản xuất) là số liệu có đến ngày 01/11/2013.
+ Đối với các chỉ tiêu thời kỳ (thu và chi của hoạt động sản xuất kinh doanh, các khoản thu nhập khác của hộ, thời gian làm việc) tính trong 12 tháng tính đến ngày 01/11/2013.
- Thời gian thu thập thông tin: 25 ngày kể từ ngày 01/11/2013.
4. Nội dung điều tra và phiếu điều tra:
4.1. Nội dung điều tra:
- Các thông tin định dạng đơn vị điều tra: Tên chủ hộ; địa chỉ (huyện, xã, ấp, số nhà, tổ tự quản); loại hộ (theo dân tộc, ngành nghề, thu nhập).
- Các thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; những người trong độ tuổi lao động và những người có điều kiện tham gia lao động.
- Tình trạng việc làm của những người có điều kiện tham gia lao động: Việc làm trong 12 tháng qua và tại thời điểm 01/11/2013; tính chất của việc làm (ổn định, liên tục và phù hợp).
- Thu và chi phí sản xuất kinh doanh của hộ; thu từ tiền công, tiền lương của những người thực tế thường trú tại hộ; các khoản thu nhập khác của hộ trong 12 tháng qua tính đến thời điểm 01/11/2013.
4.2. Phiếu điều tra:
Toàn bộ nội dung điều tra được cụ thể hoá và trình bày trên các phiếu điều tra; gồm 02 loại phiếu điều tra:
- Phiếu số 01/NTM-TN: Phiếu thu thập thông tin về thu nhập của hộ nông thôn năm 2013.
- Phiếu số 02/NTM-LĐ: Phiếu thu thập thông tin về lao động và việc làm khu vực nông thôn năm 2013.
5. Các bảng phân loại, danh mục sử dụng trong điều tra:
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- Danh mục đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến ngày 31/12/2012; Danh mục đơn vị ấp, khóm tỉnh Vĩnh Long được cập nhật, bổ sung đến ngày 30/6/2013.
- Danh mục các dân tộc Việt Nam.
- Một số bảng danh mục khác được quy định thống nhất sử dụng cho công tác thu thập, tổng hợp số liệu trong cuộc điều tra này.
6. Loại điều tra và phương pháp thu thập số liệu:
6.1. Loại điều tra:
Điều tra chọn mẫu tiến hành trên cỡ mẫu bình quân khoảng 7,82% tổng số hộ dân cư đại diện cho từng xã trong 9 xã điểm nông thôn mới; tổng số đơn vị mẫu toàn tỉnh là 1.512 hộ để tiến hành điều tra về thu nhập và lao động.
Kết quả điều tra thu thập thông tin trên các hộ mẫu làm căn cứ suy rộng chỉ thu nhập bình quân đầu người và tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên cho từng xã theo các phương pháp thống kê hiện hành.
Thiết kế mẫu, quy trình chọn mẫu hộ điều tra được trình bày cụ thể trong phụ lục kèm theo.
6.2. Phương pháp thu thập số liệu:
Áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp: Điều tra viên đến hộ để giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung điều tra; trực tiếp phỏng vấn chủ hộ và những người có liên quan để ghi các thông tin vào phiếu điều tra.
7. Tổng hợp và hệ thống biểu tổng hợp kết quả điều tra:
7.1. Tổng hợp nhanh:
Do tổ trưởng điều tra và Ban chỉ đạo cấp xã thực hiện với các chỉ tiêu:
- Nhân khẩu và thu nhập của hộ; thu nhập bình quân đầu người của các hộ được chọn mẫu điều tra theo từng ấp mẫu.
- Số người trong tuổi lao động, số người có khả năng lao động, số người có việc làm thường xuyên và tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên của các hộ được chọn mẫu điều tra theo từng ấp mẫu.
Cục Thống kê sẽ thiết kế các biểu tổng hợp nhanh, hướng dẫn quy trình tổng hợp; đồng thời hướng dẫn Chi cục Thống kê thực hiện tổng hợp nhanh chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên của các xã bằng phương pháp bình quân gia quyền các ước lượng của mẫu với số hộ thực tế thường trú của các ấp.
7.2. Tổng hợp chính thức:
Được thực hiện tập trung tại Cục Thống kê bằng chương trình phần mềm máy tính. Toàn bộ các thông tin trên phiếu điều tra sẽ được tiến hành nhập tin, kiểm tra dữ liệu; các trường hợp bất thường, nghi vấn sẽ liên hệ với cấp huyện và cấp xã kiểm tra, xác minh tại hộ để điều chỉnh.
Kết quả tổng hợp chính thức là nguồn thông tin để xem xét, đánh giá mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của các xã; làm cơ sở để tính toán, dự báo cho các năm 2014 và 2015.
Bên cạnh đó, kết quả tổng hợp chính thức của cuộc điều tra còn làm cơ sở cho Cục Thống kê kiểm định mẫu; tìm ra những hạn chế trong thiết kế mẫu và phiếu điều tra, chỉ đạo công tác điều tra (tổ chức thu thập thông tin, kiểm tra giám sát và tổng hợp nhanh) làm cơ sở để hoàn thiện quy trình điều tra, chuyển giao cho các Chi cục Thống kê làm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo, hỗ trợ các xã thực hiện.
8. Kế hoạch tiến hành điều tra:
8.1. Chuẩn bị điều tra:
Thời gian thực hiện từ tháng 8 đến giữa tháng 10 năm 2013. Gồm các nội dung:
- Xây dựng phương án; thiết kế phiếu điều tra, bảng giải thích và biểu tổng hợp; thiết kế mẫu; biên soạn các quy trình và hướng dẫn điều tra; xây dựng dự toán kinh phí.
- Tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến chuyên gia và sở, ngành về phương án và các tài liệu điều tra.
- Hoàn thiện phương án điều tra; thiết kế phiếu điều tra và biểu tổng hợp; phương án chọn mẫu điều tra; các quy trình sử dụng trong điều tra và các tài liệu điều tra khác trình Uỷ ban nhân dân phê duyệt.
- In ấn tài liệu và phiếu điều tra.
- Hướng dẫn các huyện tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên cấp huyện.
- Hướng dẫn công tác cập nhật danh sách hộ ở các ấp trên cơ sở danh sách nền Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011; chọn mẫu và lập danh sách các hộ mẫu điều tra.
8.2. Triển khai điều tra:
Thời gian thực hiện từ cuối tháng 10/2013 đến hết tháng 11/2013.
- Tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn nghiệp vụ điều tra:
+ Tổ chức tập trung tại Cục Thống kê;
+ Thời gian: Dự kiến trong 03 ngày/lớp vào cuối tháng 9/2013;
+ Thành phần điều tra viên (lực lượng cán bộ xã, ấp do Ban chỉ đạo xã tuyển chọn theo tiêu chuẩn hướng dẫn), tổ trưởng điều tra (thành phần của Ban chỉ đạo xã), giám sát viên cấp huyện (Ban chỉ đạo huyện và Chi cục Thống kê), giám sát viên cấp tỉnh (Cục Thống kê).
- Tổ chức thu thập thông tin tại địa bàn: Dự kiến là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 01/11/2013 đến ngày 25/11/2013.
- Từ ngày 26/11/2013 đến ngày 04/12/2013:
+ Phúc tra 10% số hộ mẫu điều tra ở các xã;
+ Tổng hợp nhanh và nghiệm thu, bàn giao tài liệu giữa huyện và xã.
- Nghiệm thu, bàn giao tài liệu từ các huyện về Cục Thống kê: Từ ngày 05/12/2013 đến ngày 09/12/2013.
8.3. Tổng hợp, báo cáo phân tích kết quả điều tra:
- Từ ngày 10/12/2013 đến ngày 20/12/2013:
+ Nhập tin các loại phiếu điều tra;
+ Liên hệ giám sát viên cấp huyện xác minh các số liệu bất thường;
- Từ ngày 21/12/2013 đến ngày 31/12/2013:
+ Xử lý kết quả tổng hợp, phân tích mẫu và quá trình điều tra;
+ Hội thảo lấy ý kiến về kết quả điều tra, quy trình và phương pháp điều tra;
+ Hoàn thiện kết quả tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; công bố để Ban chỉ đạo các cấp sử dụng;
+ Hoàn thiện quy trình và phương pháp điều tra trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, chuyển giao cho Ban chỉ đạo tỉnh quy định cho Ban chỉ đạo các xã áp dụng trong thu thập, tính toán, đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới về thu nhập và lao động.
9. Tổ chức thực hiện:
9.1. Ở cấp tỉnh:
Cục Thống kê có trách nhiệm xây dựng phương án, phiếu điều tra và các văn bản liên quan; tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn nghiệp vụ; chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát điều tra xã điểm nông thôn mới; tổng hợp, phân tích kết quả điều tra; tổ chức các cuộc hội thảo; in ấn báo cáo kết quả điều tra và các văn bản khác.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Cục Thống kê trong việc tổ chức, chỉ đạo, thực hiện cuộc điều tra theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.
9.2. Ở cấp huyện:
Giao cho Chi cục trưởng Chi cục Thống kê phối hợp Thường trực Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện tổ chức tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra, giám sát viên; phối hợp Ban chỉ đạo cấp xã tổ chức thu thập thông tin và kiểm tra, giám sát điều tra; kiểm tra, nghiệm thu, nhận bàn giao với xã về phiếu điều tra và kết quả tổng hợp nhanh để bàn giao về Cục Thống kê theo quy định.
9.3. Ở cấp xã:
Tuyển chọn các cán bộ xã, ấp có trình độ, năng lực và am hiểu chuyên môn làm điều tra viên và tổ trưởng điều tra; cán bộ phụ trách nông thôn mới có trách nhiệm phối hợp với giám sát viên cấp huyện chỉ đạo điều tra và kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án điều tra của điều tra viên, quy trình kiểm tra của tổ trưởng điều tra và chịu trách nhiệm về chất lượng phiếu điều tra trên địa bàn xã.
10. Kinh phí điều tra:
Kinh phí điều tra được cấp từ nguồn ngân sách của tỉnh. Cục Thống kê chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý và cấp phát, sử dụng kinh phí chặt chẽ đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, bảo đảm các điều kiện để thực hiện tốt cuộc điều tra theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh./.