Nội dung toàn văn Quyết định 2261/QĐ-UBND 2017 phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn Tiền Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2261/QĐ-UBND | Tiền Giang, ngày 26 tháng 7 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ ban hành Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;
Căn cứ Công văn số 5607/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 04/11/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thi hành Luật Khí tượng thủy văn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang tại Tờ trình số 2988/TTr-STNMT ngày 03 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2017của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các sở, ngành tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Mục tiêu, nguyên tắc phối hợp
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.
2. Việc phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đảm bảo triển khai đầy đủ, chặt chẽ quy định pháp luật về khí tượng thủy văn.
3. Việc phối hợp, trao đổi thông tin về khí tượng thủy văn phải thường xuyên, liên tục nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
2. Tổ chức lập Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khi có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo mục đích riêng của tỉnh.
3. Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn va kiểm tra việc thực hiện
a) Thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
b) Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn
a) Tham gia bảo vệ các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng, phê duyệt phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh.
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn và các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.
5. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu
a) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
b) Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hiệp hội các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
6. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn; xây dựng quy trình khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn.
7. Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép. Theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
8. Thực hiện các quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn và việc sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
9. Tổ chức thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
10. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế
a) Tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức công đồng dân cư và bộ máy các cấp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
c) Thực hiện hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
11. Đảm bảo ngân sách nhà nước cho các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai của tỉnh.
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quản lý hoạt hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo thẩm quyền cấp giấy phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc thẩm quyền; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo giấy phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.
c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh lập Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khi có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo mục đích riêng của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và xây dựng quy trình khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi của tỉnh quản lý.
d) Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép; theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
đ) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn và các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.
e) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu. Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hiệp hội các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
g) Phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức công đồng dân cư và bộ máy các cấp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
h) Hàng năm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp dự toán ngân sách để thực hiện các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai của tỉnh gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan cập nhật thông tin kịp thời để cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn và thiên tai trên địa bàn tỉnh.
b) Thu thập, cập nhật và tổng hợp các thông tin số liệu về khí tượng thủy văn, tác động của ảnh hưởng khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp ứng phó, khắc phục.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan đề xuất việc phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách để thực hiện các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai của tỉnh.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
a) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành và thông tin về biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu. Đồng thời, hướng dẫn các Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn, truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
5. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương theo dõi tình hình, diễn biến của thời tiết, khí hậu, thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, xâm nhập mặn... trên cơ sở đó, thông tin kịp thời về diễn biến tình hình thiên tai đến người dân để chủ động trong việc phòng, tránh; đồng thời đề xuất các phương án phòng, chống và ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
6. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:
a) Tham gia bảo vệ các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp trong việc thực hiện truyền phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh theo quy định chi tiết tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời quán triệt và thực hiện quy định: “phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai mới nhất do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành trong hoạt động phòng, chống thiên tai”.
c) Thực hiện việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đơn vị quản lý.
d) Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thực hiện phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh.
7. Đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và địa phương xây dựng, phê duyệt phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh.
b) Cung cấp kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và dự báo tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập, trình Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng và xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang
Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã
a) Phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.
b) Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang thực hiện phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn huyện.
c) Theo dõi việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
d) Theo dõi, đánh giá, khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn quản lý.
đ) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai, khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn quản lý.
e) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn quản lý.
g) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp.
10. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
a) Tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn quản lý.
b) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.
c) Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thực hiện phương án cắm mốc giới, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn xã.
d) Tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai, khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn.
đ) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn; Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp.
11. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh:
a) Tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn do đơn vị xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.
b) Có trách nhiệm giao nộp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy cho cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh (sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt) theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.
c) Kịp thời cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung Giấy phép được cấp và các quy định có liên quan của pháp luật về khí tượng thủy văn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai thực hiện Quy chế này và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; hàng năm có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh theo Quy chế này.
2. Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn theo Quy chế này và quy định hiện hành.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc không phù hợp cần bổ sung, sửa đổi thì các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế này cho phù hợp tình hình thực tiễn./.