Quyết định 2294/QĐ-UBND

Quyết định 2294/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình nâng cao năng lực quản lý đo lường cấp huyện và quản lý chất lượng, nhãn hàng hóa tại các chợ nông thôn giai đoạn từ năm 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Nội dung toàn văn Quyết định 2294/QĐ-UBND 2014 nâng cao năng lực quản lý đo lường chất lượng nhãn hàng hóa Quảng Trị


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2294/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 27 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG CẤP HUYỆN VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, NHÃN HÀNG HÓA TẠI CÁC CHỢ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2015 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường; Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Căn cứ Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 11/9/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

Căn cứ Quy chế phối hợp quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ban hành theo Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 46/TTr-SKHCN ngày 22 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình nâng cao năng lực quản lý đo lường cấp huyện và quản lý chất lượng, nhãn hàng hóa tại các chợ nông thôn giai đoạn từ năm 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện và đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thức

 

CHƯƠNG TRÌNH

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG CẤP HUYỆN VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, NHÃN HÀNG HÓA TẠI CÁC CHỢ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2015 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2294/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị)

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa của UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã); các cơ quan chức năng của huyện, thị xã, thành phố, phường, xã và Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận về đo lường, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đo Lường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa; kỹ năng phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, mã số mã vạch, hàng hết hạn sử dụng... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, đảm bảo công bằng xã hội.

2. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng; nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tất cả các đối tượng liên quan từ người quản lý, sản xuất kinh doanh đến người tiêu dùng tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

3. Đảm bảo kiểm định định kỳ các phương tiện đo khối lượng cấp 4 trên địa bàn và các chợ, trung tâm thương mại đạt tỷ lệ 70% năm 2017 và 90% vào năm 2020.

4. Hàng hóa đóng gói sẵn theo định lượng về đo lường theo danh mục hàng hóa nhóm 1,2 lưu thông trên thị trường phải đảm bảo về định lượng theo quy định.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

Phần thứ I

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG CẤP HUYỆN

1. UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường;

- Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn theo phân cấp;

- Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về đo lường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

2. UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện từng địa phương, có trách nhiệm nâng cao về năng lực quản lý về đo lường

2.1. Đào tạo nghiệp vụ về đo lường:

- Đào tạo cán bộ có nghiệp vụ về kiểm tra đo lường theo quy định Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về việc thi hành một số điều của Luật Đo lường.

- Đào tạo nghiệp vụ quản lý Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tác phối hợp kiểm tra tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lương Chất lượng;

- Đào tạo nghiệp vụ quản lý đo lường cho cán bộ Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại; kiểm định viên đo lường khối lượng/chợ và trung tâm thương mại để kiểm định cân cấp 4 và nghiệp vụ sửa chữa cân khối lượng thông dụng để hỗ trợ cho công tác kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo.

2.2. Trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý đo lường cấp huyện:

Đầu tư các thiết bị chuẩn cần thiết, bố trí nhân lực phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong hoạt động quản lý đo lường, cụ thể:

- Trang bị cho tổ đo lường tự quản hoặc cho Ban Quản lý các chợ các chuẩn, thiết bị cần thiết để quản lý phương tiện đo cấp 4 trong phạm vi quản lý;

- Trang bị, tổ chức hoạt động trạm cân đối chứng ở các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện, xã, theo Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định xây dựng và tổ chức hoạt động Trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

- Trang bị chuẩn, thiết bị có các thông số đo lường phù hợp để kiểm tra phương tiện đo, kiểm tra định lượng hàng đóng gói sẵn theo phân cấp và phục vụ cho việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại về đo lường.

2.3. Kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng:

- Hàng năm, định kỳ hoặc đột xuất, UBND cấp huyện quyết định thành lập đoàn kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh, nhằm đảm bảo quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng; giải quyết khiếu nại của nhân dân về phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại và ở các điểm kinh doanh tập trung theo phân cấp;

- Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, UBND cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn huyện, lồng ghép các nội dung kiểm tra nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nói chung và tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng; Khi cần thiết Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lương Chất lượng) cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra theo đề nghị của UBND cấp huyện;

- Hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tập trung vào những nội dung chính:

Kiểm tra nguồn gốc và sự phù hợp của hàng hóa so với quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; kiểm tra tính đúng đắn của các phương tiện đo sử dụng trong kinh doanh, việc thực hiện phép đo trong thương mại bán lẽ, kiểm tra định lượng hàng đóng gói sẵn.

Trong quá trình kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, Trưởng Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý hoặc chuyển cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- UBND cấp huyện báo cáo đến Sở Khoa học và Công nghệ (qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lương Chất lượng) về tình hình, kết quả kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn.

2.4. Thành lập Tổ đo lường tự quản tại các chợ, trung tâm thương mại:

Phòng chức năng của của huyện và Ban Quản lý các chợ loại 1, 2 tham mưu cho UBND cấp huyện thành lập Tổ đo lường tự quản tại các chợ, trung tâm thương mại với sự tham gia lãnh đạo Ban Quản lý chợ, trung tâm thương mại và các phòng chức năng có liên quan.

Tổ đo lường tự quản có nhiệm vụ tham mưu cho huyện:

- Thống kê, quản lý các loại cân khối lượng, phép đo thông dụng trên địa bàn chợ; xây dựng kế hoạch và phối hợp kiểm định phương tiện đo cấp 4 tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn;

- Phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lương Chất lượng trong việc xây dựng kế hoạch, kiểm định định kỳ phương tiện đo cấp 4 trên địa bàn;

- Tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về đo lường và chất lượng;

- Quản lý hoạt động các cân đối chứng để phục vụ người tiêu dùng kiểm tra đối chứng hàng hóa;

- Quản lý phép đo trong thương mại bán lẻ tại các chợ, trung tâm thương mại đảm bảo về đo lường định lượng theo quy định, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan, thúc đẩy văn minh thương mại;

- Định kỳ báo cáo UBND cấp huyện về tình hình quản lý đo lường trên địa bàn chợ.

Phần thứ II

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VÀ NHÃN HÀNG HÓA CẤP HUYỆN

1. UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch hoạt động quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ kinh doanh ở các chợ, trung tâm mại và người tiêu dùng trên địa bàn;

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn;

- Xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa và nhãn hàng hóa theo thẩm quyền;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường;

- Chỉ đạo UBND cấp xã trực thuộc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn;

- Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình và công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ).

2. UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện từng địa phương, có trách nhiệm nâng cao về năng lực quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

2.1. Đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

- Giai đoạn từ năm 2015 - 2016: triển khai công tác đào tạo nghiệp vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kỹ năng kiểm tra chất lượng hàng hóa thông qua nhận biết nhãn hàng hóa, mã số mã vạch... cho cán bộ phụ trách khoa học công nghệ cấp huyện, một số xã, thị trấn và Ban Buản lý chợ;

- Đảm bảo từ năm 2016 - 2018: hoàn thiện cơ bản về nghiệp vụ quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kỹ năng kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch... cho cán bộ phụ trách khoa học công nghệ cấp xã, Ban Quản lý chợ.

2.2. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa:

- Từ 2015 - 2016: xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ người quản lý, người sản xuất kinh doanh đến người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về chất lượng và nhãn hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng thành các chuyên mục trên hệ thống phát thanh truyền hình, đặc biệt trên hệ thống đài truyền thanh thị trấn, xã, phường… theo định kỳ và thường xuyên liên tục trong năm. Thu hút sự tham gia đông đảo của toàn thể lực lượng xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) để vận động, nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vận động, đào tạo; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa trong kinh doanh.

2.3. Chỉ đạo UBND cấp xã:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; các hộ kinh doanh tại các chợ; người tiêu dùng trên địa bàn quản lý;

- Kiểm tra, giám sát hoạt động của các Ban Quản lý chợ, hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn trong việc thực hiện nội quy về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn quản lý;

- Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý;

- Xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các vi phạm về bảo vệ người tiêu dùng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ kinh doanh theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật trên địa bàn quản lý;

- Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn quản lý;

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa với UBND cấp huyện.

2.4. Chỉ đạo Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại:

Ban hành Nội quy chợ, trình UBND cấp huyện phê duyệt Nội quy chợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tăng cường công tác giám sát, quản lý việc tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong kinh doanh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2015 đến năm 2020

2 . Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện

- UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn vốn ngân sách của địa phương và các nguồn hợp pháp khác;

- Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Tài chính thống nhất cân đối kinh phí, trình UBND tỉnh quyết định kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh để thực hiện nội dung, nhiệm vụ chung của Chương trình và hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tại địa phương.

3.  Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

3.1. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức và huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thuộc Chương trình; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ nội dung của Chương trình trong kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ hàng năm, 05 năm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan trên địa bàn.

3.2. Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chương trình theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình.

3.3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa;

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nội dung của Chương trình;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2294/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2294/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/10/2014
Ngày hiệu lực06/11/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2294/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2294/QĐ-UBND 2014 nâng cao năng lực quản lý đo lường chất lượng nhãn hàng hóa Quảng Trị


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2294/QĐ-UBND 2014 nâng cao năng lực quản lý đo lường chất lượng nhãn hàng hóa Quảng Trị
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2294/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Trị
                Người kýMai Thức
                Ngày ban hành27/10/2014
                Ngày hiệu lực06/11/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThương mại
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 2294/QĐ-UBND 2014 nâng cao năng lực quản lý đo lường chất lượng nhãn hàng hóa Quảng Trị

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 2294/QĐ-UBND 2014 nâng cao năng lực quản lý đo lường chất lượng nhãn hàng hóa Quảng Trị

                      • 27/10/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 06/11/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực