Nội dung toàn văn Quyết định 2484/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế năm 2016
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2484/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP THAM GIA HIỆU QUẢ VÀO THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thương mại quốc tế khi Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (dưới đây gọi tắt là Công ước Viên 1980) với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu:
Đề án nhằm phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước Viên 1980 cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; đội ngũ luật sư, thẩm phán, trọng tài viên; giảng viên giảng dạy về luật thương mại, về thương mại quốc tế tại một số trường đại học; cán bộ công chức đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của các đối tượng trên, khuyến khích sự tích cực, chủ động áp dụng một cách hiệu quả các quy định của Công ước trong thực tiễn giao dịch thương mại quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp hợp đồng có tính chất quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
2. Yêu cầu:
a) Những nội dung cơ bản và quy định quan trọng của Công ước Viên 1980 sẽ được phổ biến sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan bằng nhiều hình thức phù hợp;
b) Việc phổ biến Công ước Viên 1980 phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung triển khai sâu rộng một số hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các đối tượng của Đề án;
c) Cơ quan chủ trì tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan đại diện cho doanh nghiệp và các chuyên gia trong việc xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện việc phổ biến nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có của các đơn vị này phục vụ hiệu quả cho công tác phổ biến;
d) Việc phổ biến nội dung Công ước Viên 1980 gắn với phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như Bộ luật dân sự và Luật thương mại.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN
1. Đối tượng phổ biến
a) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;
b) Các hiệp hội doanh nghiệp;
c) Đội ngũ luật sư, trọng tài viên, giảng viên giảng dạy về luật thương mại, về thương mại quốc tế tại một số trường đại học luật và kinh tế;
d) Các thẩm phán và thẩm tra viên trực thuộc tòa án nhân dân cấp trung ương và cấp tỉnh;
đ) Cán bộ, công chức đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
2. Nội dung phổ biến
a) Nội dung cơ bản và các quy định quan trọng của Công ước Viên 1980; có đối chiếu, so sánh với các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa trong các văn bản pháp luật Việt Nam như Bộ luật dân sự, Luật thương mại...
b) Hướng dẫn việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Viên 1980 trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và giải quyết tranh chấp về loại hợp đồng này.
c) Hệ thống các án lệ liên quan đến Công ước Viên 1980.
3. Hình thức, biện pháp phổ biến
a) Tổ chức hội thảo phổ biến về Công ước Viên 1980
Tổ chức các Hội thảo quốc tế về Công ước Viên 1980 với sự tham dự của các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế, bao gồm chuyên gia từ Ủy ban của Liên Hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Hội thảo là diễn đàn pháp luật thương mại nhằm thu hút sự quan tâm của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, thẩm phán, chuyên gia, luật sư và doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau về các chủ đề trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Đại học Ngoại thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Thời gian thực hiện: 2017, 2018.
b) Biên soạn, dịch thuật, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về Công ước Viên 1980 phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, bao gồm:
- Dịch sang tiếng Việt toàn văn Công ước Viên 1980, đây là văn bản điều ước bằng tiếng Việt chính thức cho tất cả các đối tượng quan tâm và áp dụng Công ước tham khảo.
- Dịch 02 sách nghiên cứu chuyên sâu về Công ước Viên 1980 từ tiếng Anh sang tiếng Việt để cung cấp các phân tích và bình luận toàn diện về Công ước trên cơ sở tập hợp quan điểm từ các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới về những chủ đề cơ bản của Công ước gồm các nội dung, quan điểm và án lệ thường được chuyên gia, trọng tài và tòa án của nhiều nước trên thế giới trích dẫn và sử dụng như một nguồn tài liệu có giá trị tham khảo cao.
- Biên soạn và phát hành 01 đầu sách phổ biến chung về Công ước Viên 1980, cung cấp các hỏi - đáp về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước và các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp hoặc có thể có vướng mắc.
- Biên soạn và phát hành 01 Tuyển tập và bình luận các án lệ liên quan đến Công ước Viên 1980, bao gồm các quyết định, bản án của tòa án và trọng tài các nước về các chủ đề khác nhau trong Công ước được lựa chọn, dịch sang tiếng Việt, phân tích và bình luận; những vụ việc tranh chấp mà doanh nghiệp Việt Nam hay gặp phải, đối tượng tranh chấp là những hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu nhiều hoặc chủ thể tranh chấp là các chủ thể liên quan hay có vị thế tương tự doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế.
- Phát hành bản mềm các tài liệu, ấn phẩm trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Đại học Ngoại thương, VCCI.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018.
c) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước Viên 1980 và hướng dẫn áp dụng Công ước
Mỗi năm cơ quan chủ trì tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Công ước Viên 1980 (3 khóa/năm) cho 3 nhóm đối tượng sau:
- 01 khóa bồi dưỡng cơ bản về nội dung Công ước và hướng dẫn áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và các hiệp hội doanh nghiệp;
- 01 khóa bồi dưỡng chuyên sâu về việc áp dụng Công ước trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế và giải quyết tranh chấp hợp đồng cho đội ngũ luật sư, trọng tài viên và giảng viên giảng dạy môn luật thương mại, thương mại quốc tế ở một số trường đại học luật và kinh tế thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cán bộ, công chức đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan;
- 01 khóa bồi dưỡng chuyên sâu về việc áp dụng Công ước trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hệ thống các vụ kiện liên quan đến Công ước cho các thẩm phán và thẩm tra viên công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Đại học Ngoại thương, Tòa án nhân dân tối cao VCCI, VIAC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thời gian thực hiện: 2017, 2018, 2019.
d) Xây dựng nội dung giảng dạy về Công ước trong các chương trình đào tạo về hợp đồng, về thương mại quốc tế tại một số cơ sở giáo dục đại học
Cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học về luật và kinh tế để khuyến nghị và hỗ trợ các trường trong việc xây dựng các nội dung đào tạo về Công ước Viên 1980 trong chương trình giảng dạy.
Hoạt động này bao gồm các cấu phần:
- Khảo sát nhu cầu đào tạo về Công ước Viên 1980 tại Việt Nam;
- Xây dựng đề cương các chương trình đào tạo Công ước Viên 1980, gồm có Chương trình cơ bản dành cho đào tạo cử nhân; Chương trình nâng cao dành cho đào tạo thạc sỹ; Chương trình chuyên sâu;
- Tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề cương các chương trình đào tạo;
- Thuê chuyên gia xây dựng chương trình chi tiết và xây dựng tài liệu giảng dạy đi kèm cho 3 chương trình trên;
- Thẩm định các chương trình và các tài liệu giảng dạy;
- Công bố và hỗ trợ đưa các chương trình giảng dạy này vào hệ thống đào tạo của một số trường đại học.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở giáo dục đại học khác có khoa luật quốc tế.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2019.
đ) Đánh giá tình hình thực hiện Công ước Viên 1980 giai đoạn 2017 - 2020 và tổng kết thực hiện Đề án
- Tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện Công ước giai đoạn 2017-2020;
- Nghiên cứu đánh giá tác động của Công ước Viên 1980 đến hoạt động quản lý hợp đồng mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam; hoạt động giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Xây dựng Báo cáo đánh giá thực tiễn áp dụng Công ước Viên 1980 tại Việt Nam và tổng kết thực hiện Đề án.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Đại học Ngoại thương, Tòa án nhân dân tối cao, VCCI, VIAC.
Thời gian thực hiện: Năm 2020.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án theo các giai đoạn; tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.
b) Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thực hiện các hình thức, biện pháp phổ biến Công ước Viên 1980 theo quy định tại Đề án.
c) Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí, bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức thực hiện Đề án này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương.
b) Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được phân công thực hiện Đề án, Bộ Công Thương lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |