Nội dung toàn văn Quyết định 2666/QĐ-UBND năm 2013 thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Hội Người cao tuổiThanh Hóa
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2666/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 01 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP 200 CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số: 1781/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Điều lệ Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt tại Quyết định số 3858/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Hội Người cao tuổi Thanh Hóa là tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động trên phạm vi tỉnh Thanh Hóa;
Căn cứ vào Quyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 17/9/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi Thanh Hóa;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 10-TTr/NCT-TH ngày 22/5/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa (Có đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Hội Người cao tuổi tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
THÀNH LẬP 200 CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Phần 1.
CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I- CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam;
- Căn cứ Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 Chính phủ đã phê duyệt số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012;
- Căn cứ Điều lệ Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số: 3858/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2011 về công nhận Hội Người cao tuổi Thanh Hóa là tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động trên phạm vi tỉnh Thanh Hóa;
- Căn cứ Quyết định số: 3043/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi Thanh Hóa.
Tại Công văn 8981/UBND-VX ngày 05/12/2012 về việc xây dựng Đề án giúp đỡ người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi tại Thanh Hóa; Công văn 3361/UBND-VX ngày 17/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc yêu cầu hoàn chỉnh Đề án, lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ban, ngành liên quan;
Tại Tờ trình số 10-TTr/NCT-TH ngày 22/5/2013 Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa xây dựng dự thảo Đề án Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm giúp cho các đối tượng người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống; trình UBND tỉnh phê duyệt.
II. CƠ SỞ THỰC HIỆN
1. Thực trạng và sự cần thiết xây dựng Đề án
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, có diện tích tự nhiên 11.108km2, dân số gần 3,5 triệu người, gồm 7 dân tộc anh em (Kinh, Mường, Thái, H’mông, Dao, Thổ, Hoa) cùng chung sống; với 27 huyện, thị xã, thành phố, 637 xã, phường, thị trấn và 6.040 khu dân cư. Trong đó có 11 huyện miền núi, chiếm 2/3 diện tích trong tỉnh với 192km đường biên giới giáp với nước bạn Lào; 102km đường biển. Điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt tác động nhiều đến cuộc sống của người dân địa phương; giao thông chưa phát triển, vẫn còn nhiều khó khăn cho nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa.
Toàn tỉnh có 422.363 người cao tuổi (chiếm 11,2% dân số toàn tỉnh), với 396.779 hội viên tham gia vào sinh hoạt hội tại 637 hội cơ sở xã, phường, thị trấn với 5.898 chi hội và 1.019 tổ hội, đạt 96% hội viên người cao tuổi tham gia vào tổ chức hội. Thanh Hóa cũng là tỉnh có nhiều người cao tuổi nhất trong cả nước. Xu hướng già hóa dân số là thực trạng chung ảnh hưởng đến chất lượng lao động và là cơ sở xây dựng chính sách người cao tuổi trong giai đoạn mới.
Đời sống của người cao tuổi nghèo hiện nay chiếm từ 17-20% nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đồng bào các dân tộc ít người. Toàn tỉnh còn gần 2.000 hộ đang ở nhà tạm trong đó 20% là người cao tuổi và 23% người cao tuổi ốm đau thường xuyên, cần sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội.
2. Cơ sở thực tiễn
Sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Dự án VIE 022 do Tổ chức Quốc tế (HAI) tài trợ cho Hội Người cao tuổi giúp cho người cao tuổi khó khăn, thiệt thòi xây dựng Câu lạc bộ phát triển kinh tế vươn lên để thoát nghèo tại cơ sở hội; ở 4 huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và Nông Cống; với 40 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tiễn tại các địa phương triển khai thí điểm mô hình.
Tổ chức sơ kết 3 năm đã có đại diện của 13 nước Quốc tế và 27 đoàn đại biểu của các Bộ, ngành và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thăm quan, nghiên cứu, rút kinh nghiệm mô hình; hiện đã thành lập và đi vào hoạt động 80 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; do đó Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam đã đưa vào Chương trình hành động Quốc gia Người cao tuổi, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1781/QĐ-TTg ngày 25/11/2012; đồng thời coi đây là loại hình câu lạc bộ giúp người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên giảm nghèo bền vững, giúp cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội thiết thực nhất; là loại hình câu lạc bộ mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc nhất, góp phần tích cực vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Từ các thực trạng trên, Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa trình UBND tỉnh triển khai nhân rộng mô hình bằng xây dựng Đề án thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm giúp cho người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Phần 2.
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I- MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo định hướng của Chính phủ và Chương trình Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn toàn tỉnh.
- Hỗ trợ Hội Người cao tuổi cơ sở hoạt động có hiệu quả, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi; nhằm phát huy đầy đủ, có hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng quê hương góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2013, thành lập thêm 40 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Giai đoạn 2013-2016 thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Hội Người cao tuổi trong toàn tỉnh; triển khai tại 150-200 xã, phường, thị trấn.
- Từ năm 2016-2020 phấn đấu toàn tỉnh có trên 70% Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Mỗi câu lạc bộ được vay vốn từ 100 triệu đồng/1 CLB; trong đó cho vay với lãi suất ưu đãi là 60 triệu đồng từ nguồn vốn huy động được từ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi, phấn đầu tăng thu nhập cho đối tượng tham gia câu lạc bộ từ 1.000.000đ đến 1.300.000đ người/tháng.
II- NỘI DUNG
1. Phạm vi
Đề án câu lạc bộ liên thế hệ người cao tuổi tự giúp nhau được triển khai thực hiện ở các Hội Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do Hội Người cao tuổi tổ chức thực hiện.
2. Đối tượng được tham gia và hưởng lợi
Đối tượng tham gia là hội viên người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi và một số hội viên tình nguyện gọi là tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi khó khăn, thiệt thòi.
3. Nội dung hoạt động của đề án
- Xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có từ 50-70 thành viên trong câu lạc bộ (trong đó có 70% là người cao tuổi; 70% là phụ nữ) còn lại 30% là cơ cấu các độ tuổi trẻ hơn để giúp đỡ người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi thực hiện Đề án.
- Giúp đỡ, cho vay vốn để tự sản xuất, làm kinh tế cho gia đình.
- Tập huấn, nói chuyện chuyên đề, truyền thông, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ và hướng dẫn cách làm các nghề truyền thống khác...
- Cung cấp các tài liệu hỗ trợ cho câu lạc bộ về cách quản lý và tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ.
- Hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, luyện tập thể dục - thể thao, dưỡng sinh cho hội viên người cao tuổi. Tổ chức sinh hoạt thời sự, phổ biến các chế độ chính sách đối với người cao tuổi, nhằm thực hiện một số mục tiêu trong Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi.
4. Quyền lợi và trách nhiệm
a) Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ
- Mỗi câu lạc bộ có Ban Chủ nhiệm (3 người) gồm: 1 Chủ nhiệm, 1 Phó Chủ nhiệm và 1 kế toán; Ban Chủ nhiệm do Ban Thường vụ Hội cơ sở giới thiệu, đề nghị UBND xã ra quyết định công nhận. Ban Chủ nhiệm là người cao tuổi từ 55 đến 65 tuổi, có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội và có khả năng lãnh đạo câu lạc bộ hoàn thành nhiệm vụ. Phân công một số người cao tuổi phụ trách các lĩnh vực hoạt động của Hội tại cơ sở.
Nhiệm vụ Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ:
- Tổ chức các hoạt động theo quy chế của câu lạc bộ.
- Quản lý, hướng dẫn hội viên tham gia các nội dung hoạt động của câu lạc bộ.
- Giải ngân cho hội viên vay và chịu trách nhiệm thu hồi vốn và lãi khi đến hạn.
- Hàng tháng, báo cáo kết quả hoạt động của câu lạc bộ với Ban Chỉ đạo Đề án và Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cấp trên.
- Ban Chủ nhiệm có quyền đình chỉ hoạt động các thành viên trong câu lạc bộ khi hội viên không tuân thủ các hoạt động của câu lạc bộ, trước khi báo cáo lên Hội Người cao tuổi và Ban Chỉ đạo Đề án.
- Ban Chủ nhiệm được trích một phần kinh phí từ lãi suất tăng thu nhập (theo hướng dẫn của Ban Quản lý Đề án) để chi thù lao công tác quản lý và hoạt động câu lạc bộ.
b) Hội viên
- Hội viên câu lạc bộ là những người nghèo, khó khăn, thiệt thòi, tự nguyện tham gia vào câu lạc bộ hoặc là những người được Hội cơ sở giới thiệu tham gia vào câu lạc bộ, là người có điều kiện, biết cách tổ chức, hướng dẫn giúp người cao tuổi nghèo hoạt động và làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong câu lạc bộ.
- Được vay vốn và lãi suất ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hoặc kinh doanh, làm dịch vụ, làm nghề truyền thống.
- Được hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh và phát triển nghề truyền thống.
- Được tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt và các nghề truyền thống có thu nhập kinh tế cao, giúp cho nhiều người cao tuổi nghèo làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
- Được hướng dẫn luyện tập dưỡng sinh, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khám sức khỏe; biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong phong trào hoạt động của câu lạc bộ.
Nghĩa vụ của hội viên câu lạc bộ
- Thực hiện đầy đủ các nội dung và quy chế hoạt động của câu lạc bộ.
- Hoàn trả vốn, gốc và lãi đầy đủ đúng thời gian theo quy định.
- Tích cực tham gia các hoạt động câu lạc bộ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để hỗ trợ các thành viên trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và đóng góp có hiệu quả để xây dựng câu lạc bộ phát triển vững mạnh.
c) Tình nguyện viên trong câu lạc bộ
- Tình nguyện viên là những người trẻ, khỏe, nhiệt tình, có điều kiện về thời gian và vật chất tự nguyện tham gia chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, khó khăn, thiệt thòi vươn lên trong cuộc sống.
- Tình nguyện viên có quyền được tham gia sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, được khám sức khỏe và tập dưỡng sinh như mọi thành viên khác.
- Mỗi câu lạc bộ được mời không quá 5 tình nguyện viên tham gia hoạt động.
Phần 3.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ ở cả 3 cấp, phù hợp theo Điều lệ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa.
2. Triển khai xây dựng quỹ
- Hội Người cao tuổi phát động phong trào xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở. Kêu gọi đóng góp xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi; giúp cho người cao tuổi nghèo, khó khăn được hỗ trợ, vay vốn làm ăn phát triển kinh tế vươn lên để thoát nghèo.
- Tỉnh hội có Tờ trình UBND tỉnh xin phép vận động, xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
- Hội Người cao tuổi tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh có thư, công văn vận động kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức quốc tế ủng hộ xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa.
- Triển khai các hoạt động gây quỹ hợp pháp theo các quy định của pháp luật.
3. Thành lập Ban Vận động Quỹ và chi nhánh Quỹ ở 2 cấp (huyện và tỉnh)
a) Từ quý I năm 2013, vận động cán bộ hội viên trong toàn tỉnh tham gia với tinh thần tự nguyện, mỗi cán bộ hội viên đóng góp ít nhất từ 20.000đ/hội viên trở lên. Hội viên nào đóng góp từ 200.000đ trở lên được ghi vào sổ vàng và có khen thưởng.
b) Vận động cán bộ, công nhân viên chức, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị có điều kiện và lòng hảo tâm ủng hộ xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi trong toàn tỉnh,
c) Phấn đấu năm 2013, xây dựng mới 40 câu lạc bộ; mỗi câu lạc bộ được vay vốn từ 100 triệu đồng/1 CLB; trong đó cho vay với lãi suất ưu đãi là 60 triệu đồng từ nguồn vốn huy động được từ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi (thành lập theo Quyết định 3043 ngày 17/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh); số còn lại đề nghị tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
d) Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi tỉnh căn cứ số liệu quỹ thu được của năm trước, lập kế hoạch dự kiến phân bổ chi cho các hoạt động của các câu lạc bộ ở cơ sở để giải quyết cho hội viên nghèo vay làm kinh tế, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và các hoạt động thường xuyên của các cấp hội.
đ) Mỗi câu lạc bộ phải duy trì và hoạt động trong vòng 4 năm từ 2013-2016. Sau 4 năm quỹ phát triển tốt sẽ nhân rộng mô hình câu lạc bộ mới. Hàng năm, Hội Người cao tuổi tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các hội cơ sở (dự kiến 5.000.000 đồng/năm/hội cơ sở); để duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Phần 4.
KINH PHÍ
- Nguồn huy động từ sự đóng góp của hội viên người cao tuổi.
- Nguồn vận động từ các cá nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp khác.
Phần 5.
TỔ CHỨC TRIỂN KHAI
1. Công tác tuyên truyền
Giới thiệu và tuyên truyền Luật Người cao tuổi; tuyên truyền chủ trương của tỉnh về việc xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi; giới thiệu các mô hình về các hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ đã hoạt động có kết quả; giới thiệu Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi.
2. Thành lập Ban Quản lý Đề án ở 3 cấp
Cấp tỉnh: Thành lập Ban Quản lý Đề án do Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban, các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Hội Người cao tuổi tỉnh cử đại diện làm Phó ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo có Ủy viên Thường trực và 01 kế toán quỹ, Thường trực của Đề án đặt tại Văn phòng Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa.
Cấp huyện: Có câu lạc bộ liên thế hệ, do đồng chí Chủ tịch Hội làm Trưởng ban quản lý Đề án, đồng chí Phó Chủ tịch làm Phó ban và 01 kế toán.
Cấp cơ sở: Chủ tịch Hội Người cao tuổi cơ sở là Trưởng ban Quản lý, đồng chí Phó Chủ tịch Hội là Phó ban Quản lý kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ.
3. Xây dựng nguồn lực thực hiện đề án
- Từ nguồn dự án VIE 022 được tổ chức Quốc tế tài trợ.
- Nguồn từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo hỗ trợ, lồng ghép.
- Lãi suất cho vay từ nguồn Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi.
- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
4. Tổ chức tập huấn
- Tổ chức hội nghị triển khai đề án.
- Tập huấn cho Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ mới thành lập.
- Tập huấn cho các thành viên trong câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
5. Công tác sơ kết, tổng kết
Sáu tháng sơ kết rút kinh nghiệm, hàng năm có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án và làm công tác thi đua khen thưởng, biểu dương cán bộ hội viên và Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ có thành tích xuất sắc đã tham gia đóng góp vào xây dựng, hoạt động câu lạc bộ./.