Nội dung toàn văn Quyết định 285/QĐ-UBND 2018 Đề án Sữa học đường cho trẻ trường mầm non công lập Vĩnh Long
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 285/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 07 tháng 02 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “SỮA HỌC ĐƯỜNG CHO TRẺ TRƯỜNG MẦM NON CÔNG LẬP VÀ TIỂU HỌC CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2018 - 2021” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg , ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 2028/QĐ-UBND, ngày 20/9/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non công lập và tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Quyết định 2769/QĐ-UBND, ngày 29/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non công lập và tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” tỉnh Vĩnh Long;
Xét Tờ trình số 174/TTr-SGDĐT, ngày 31/01/2018 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non công lập và tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
(Kèm theo Kế hoạch số 173/KH-SGDĐT, ngày 31/01/2018 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).
Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo đúng Kế hoạch đã được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 173/KH-SGDĐT | Vĩnh Long, ngày 31 tháng 01 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "SỮA HỌC ĐƯỜNG CHO TRẺ MẦM NON CÔNG LẬP, TIỂU HỌC CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2018 - 2021" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg , ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2028/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Đề án “Sữa học đường cho trẻ mầm non công lập, tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
Căn cứ Quyết định số 2796/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc điều chỉnh Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non công lập và tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
Căn cứ Quyết định số 2518/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 11 năm 2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Sữa học đường cho trẻ trường mầm non và tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” tỉnh Vĩnh Long,
Để triển khai thực hiện Đề án “Sữa học đường” có hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp sữa cho học sinh trong trường tiểu học, trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Sữa học đường cho trẻ mầm non công lập, tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Cụ thể hoá các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định số 1340/QĐ-TTg , ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mầm non và học sinh tiểu học (gọi tắt là học sinh) thông qua Chương trình Sữa học đường, trẻ được uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của học sinh trong tỉnh góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng, phụ huynh, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ, đặc biệt là bữa ăn học đường, việc sử dụng các sản phẩm từ sữa phù hợp theo nhóm tuổi và ý nghĩa của Đề án “Sữa học đường cho trẻ mầm non công lập, tiểu học công lập giai đoạn 2018 - 2021” (gọi tắt là Đề án).
2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2018 đạt một số chỉ tiêu cơ bản sau: Trẻ nhà trẻ đến lớp đạt tỷ lệ 17%, trẻ 03-04 tuổi đạt tỷ lệ 85%, trẻ 05 tuổi đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 93% trở lên; tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng cân năng không quá 6% và suy dinh dưỡng chiều cao không quá 5%; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cộng tác viên được tham gia các lớp tập huấn triển khai Đề án, có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ trong trường học; 95% phụ huynh được bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến dinh dưỡng như tiêm chủng, nước sạch, vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khoẻ, giáo dục trẻ em tại gia đình; 100% các trường thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường.
- Từ năm 2019 đến năm 2021 đạt một số chỉ tiêu: Trẻ nhà trẻ đến lớp đạt tỷ lệ 25%, trẻ 03-04 tuổi đạt tỷ lệ 95%, trẻ 05 tuổi đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 95% trở lên; tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng cân năng không quá 4% và suy dinh dưỡng chiều cao không quá 3%; 100% học sinh tiểu học được chăm lo phát triển thể lực, tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, giải trí lành mạnh giúp trẻ phát triển hài hoà về thể lực - trí lực, cải thiện tầm vóc để đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH đất nước; 100% trẻ ở độ tuổi tiểu học phát triển thể lực đạt yêu cầu so với lứa tuổi; không có học sinh thiểu năng trí tuệ do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng; không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm trong các trường học; 100% các trường thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường. 100% trẻ ở trường MN, 100% HS từ lớp 1 đến lớp 3 ở tiểu học tham gia Đề án được theo dõi tình trạng dinh dưỡng và cải thiện cân nặng, chiều cao.
II. NỘI DUNG
1. Đối tượng áp dụng
- Đối tượng thụ hưởng: Trẻ ở độ tuổi mầm non (từ 01 tuổi đến 06 tuổi) và học sinh tiểu học từ lớp 01 đến lớp 03 (từ 6 đến 8 tuổi) đang học trong trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
- Đối tượng liên quan: Lãnh đạo đơn vị, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và đơn vị cung cấp sữa.
+ Đảm bảo phụ huynh và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học biết về Đề án và lợi ích của việc tham gia Đề án.
+ Lãnh đạo đơn vị, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia Đề án bố trí khu vực bảo quản sữa và tổ chức cho học sinh uống sữa, lập hồ sơ theo dõi, hồ sơ quyết toán, thanh toán theo đúng quy định.
+ Phụ huynh học sinh đảm bảo việc đóng góp kinh phí cho trẻ uống sữa theo mức đóng góp của Đề án quy định.
+ Đơn vị cung cấp sữa: Cung cấp sữa tươi tiệt trùng có đường phù hợp với quy định của Bộ Y tế về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường; đảm bảo bình ổn trong chương trình từ năm 2018 đến năm 2021; không bị gián đoạn nguồn sữa trong thời gian thực hiện; có chế độ hỗ trợ 25% mức đóng góp theo đề án; chịu trách nhiệm trang bị cơ sở vật chất và thiết bị cho việc vận chuyển, bảo quản sữa; chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động truyền thông, khảo sát, tập huấn, hội nghị, tham quan học tập, sơ kết, tổng kết các hoạt động của Đề án (dự kiến số tiền là 940.000.000 đồng).
2. Thời gian thụ hưởng và định mức sử dụng
a) Trẻ được uống 09 tháng trong 01 năm học (tổng cộng có 40 tuần, trừ 03 tháng hè).
b) Định mức: Mỗi trẻ được uống 03 lần/tuần, mỗi lần uống 180ml/hộp.
c) Loại sữa: Sữa tươi tiệt trùng có đường phù hợp với quy định của Bộ Y tế về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường (bảo quản được từ 6 tháng trở lên)
3. Thời gian thực hiện
Năm 2018: Thực hiện tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn toàn tỉnh (từ 3 đến 6 tuổi)
Năm 2019: Thực hiện tại tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ và học sinh lớp 1 của các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh (từ 1 tuổi đến 6 tuổi)
Năm 2020: Thực hiện tại tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, học sinh lớp 1 và lớp 2 của các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh (từ 1 tuổi đến 7 tuổi)
Năm 2021: Thực hiện tại tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ và học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 của các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh (từ 1 tuổi đến 8 tuổi)
4. Dự kiến số trẻ uống sữa
TT | CẤP HỌC | SỐ TRẺ DỰ KIẾN UỐNG SỮA | ||||
2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tổng 4 năm | ||
1 | Mầm non | 40.484 | 34.633 | 34.653 | 34.532 | 144.302 |
2 | Tiểu học | 0 | 16.186 | 30.966 | 43.115 | 90.267 |
Tổng cộng | 40.484 | 50.819 | 65.619 | 77.647 | 234.569 |
Năm 2018 - vào tháng 9 đến tháng 12, trẻ lớp Lá ở mầm non sẽ lên học lớp 1 ở các trường tiểu học, lúc này các em vẫn ở độ tuổi 6 tuổi.
Đến tháng 10/2018, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh có con em gửi học ở các trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập về nhu cầu cho trẻ uống sữa theo Đề án. Nếu phụ huynh đồng thuận sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với trẻ ở trường mầm non, nhà trẻ, ngoài công lập (tư thục).
5. Nguồn kinh phí
- Kinh phí từ ngân sách nhà nước (25%), từ hỗ trợ của công ty sữa (25%) và đóng góp của phụ huynh học sinh (50%).
- Tổng kinh phí dự kiến để triển khai thực hiện cả đề án: 221.656.213.760 đồng.
Trong đó:
5.1. Kinh phí chi cho các hoạt động triển khai, thực hiện
Kinh phí chi cho các hoạt động là 1.940.000.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.000.000.000 đồng, công ty sữa 940.000.000 đồng. Chi cho công tác tổ chức các lớp tập huấn triển khai chương trình cho ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế, cộng tác viên tham gia thực hiện Đề án (Phụ lục 2); chi cho công tác truyền thông, công tác tổ chức Hội thi các cấp; chi các hoạt động sơ kết, tổng kết Đề án,…
5.2. Kinh phí mua sữa cho trẻ
- Kinh phí chi cho trẻ uống sữa là: 219.716.213.760 đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 25% tương đương 54.929.053.760 đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 25% tương đương 54.929.053.440 đồng, phụ huynh đóng góp 50% tương đương 109.858.106.880 và công ty sữa hỗ trợ 25% tương đương 54.929.053.440 đồng.
- Trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ khuyết tật học hoà nhập sẽ được uống sữa miễn phí. Kinh phí do ngân sách nhà nước chi và công ty sữa hỗ trợ (số trẻ khoảng 2.400 trẻ, với số tiền khoảng 2 tỷ đồng.
6. Phương thức lựa chọn nhà thầu
- Thực hiện đấu thầu cho cả giai đoạn 2018 - 2021 theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện chương trình “Sữa học đường” cấp tỉnh từ 03 năm trở lên và chấp thuận hỗ trợ 25% kinh phí uống sữa và cam kết bình ổn giá sữa trong cả giai đoạn thực hiện đề án.
- Nhà thầu là Doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia.
- Nhà thầu là đơn vị sản xuất trực tiếp, đạt tiêu chuẩn ATVSTP, ISO 9001.
7. Tiêu chí lựa chọn sản phẩm sữa
Sữa phục vụ Đề án phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Sữa tươi tiệt trùng có đường được bổ sung vi chất dinh dưỡng và hàm lượng dinh dưỡng theo Quy định số 5450/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
- Được sản xuất theo quy định hiện hành về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng và được bổ sung các vi chất dinh dưỡng. Các thành phần chính trong 100ml sữa: Năng lượng ≥ 72kcal; Chất đạm ≥ 2,9g; Chất béo ≥ 3,2g; Hydrat Cacbon ≥ 8,0g.
- Hạn sử dụng ≥ 06 tháng.
- Trên sản phẩm có ghi nhãn đối với sữa cho chương trình sữa học đường và đảm bảo các quy định khác có liên quan.
- Sản phẩm đã được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, có đối chứng hiệu quả sử dụng sữa học đường trên học sinh trong độ tuổi học đường.
8. Hình thức hợp đồng
- Hợp đồng được thực hiện trong cả giai đoạn 2018-2021 theo giá trúng thầu.
- Sở Giáo dục và Đào tạo ký văn bản thoả thuận khung với nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu căn cứ vào số lượng, kinh phí theo kế hoạch được giao.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban giám sát và Ban thực hiện
- Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT, Sở Y tế, Sở Tài chính làm Phó trưởng ban; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Chính trị tư tưởng của Sở GDĐT làm uỷ viên; Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Trưởng và Phó phòng Giáo dục Mầm non làm thư ký.
- Các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án, thành phần gồm: Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo làm Phó trưởng ban thường trực; Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng ban và một số cán bộ chuyên môn Phòng GDĐT, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Y tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm thành viên Ban điều hành;
- Các xã, phường, thị trấn thành lập ban giám sát gồm: Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng ban; Đại diện HĐND xã, phường, thị trấn làm Phó trưởng ban; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Hiệu trưởng trường mầm non, trường tiểu học; Trạm trưởng Y tế, Bí thư Đoàn Thành niên làm uỷ viên;
- Các trường thành lập ban thực hiện Đề án gồm: Hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học làm Trưởng ban; Phó hiệu trưởng làm Phó ban; Trưởng ban Thanh tra nhân dân; Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh và nhân viên Kế toán, nhân viên Y tế và một số tổ trưởng chuyên môn làm thành viên;
- Trưởng Ban điều hành, Ban giám sát có trách nhiệm phân công cho các thành viên xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức, quản lý chỉ đạo triển khai thực hiện đề án đúng nội dung các văn bản hướng dẫn, quy định hiện hành.
- Ban Chỉ đạo Đề án có trách nhiệm kịp thời triển khai kế hoạch hàng năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Tổ chức giao ban định kỳ, sơ kết, tổng kết.
2. Công tác truyền thông, hội nghị, tập huấn, tham quan học tập
2.1. Công tác truyền thông
- Truyền thông và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, phụ huynh học sinh, lãnh đạo đơn vị, giáo viên, nhân viên ở trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học về lợi ích, ý nghĩa và đồng thuận tham gia Đề án
- Phương thức truyền thông: Thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, website,….để thông tin rộng rãi về ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện Đề án. Chia sẻ các bài viết, phóng sự đến phụ huynh có con em đang trong độ tuổi tham gia Đề án. Xây dựng các cụm pano, áp phích, poster,…tuyên truyền về Đề án tại các điểm trung tâm, trục đường chính ở địa phương. Xây dựng tài liệu truyền thông gửi đến phụ huynh, học sinh và đối tượng có liên quan.
- Đối tượng truyền thông: Phụ huynh học sinh ở các trường mầm non, tiểu học; cộng đồng dân cư.
2.2. Công tác tập huấn, hội nghị, tham quan học tập
- Tổ chức tập huấn cấp tỉnh 1 lần/1 năm học, cấp huyện tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương (theo phối hợp). Nội dung tập huấn là công tác xây dựng kế hoạch, công tác tổ chức thực hiện, công tác quản lý điều hành, kỹ năng truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ tuổi học đường, thực hiện hồ sơ sổ sách, thu chi, quyết toán,…
Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch 1 lần/năm (dự kiến đầu năm học), hội nghị sơ kết tổ chức 1 lần/ năm (dự kiến vào cuối năm học); Hội nghị tổng kết Đề án dự kiến vào đầu năm 2022.
- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, triển khai thực hiện thành công Chương trình “Sữa học đường”, tham quan quy trình sản xuất đơn vị cung cấp sữa.
- Đối tượng tham gia tập huấn, hội nghị, tham quan học tập bao gồm thành viên Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban giám sát, Ban thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Vận chuyển và bảo quản sữa
- Vận chuyển sữa bằng các phương tiện chuyên dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Đơn vị cung cấp sữa chịu trách nhiệm vận chuyển sữa đến nơi bảo quản an toàn; nhà trường tiếp nhận, bảo quản sữa tại kho đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, an toàn và chịu trách nhiệm vận chuyển sữa đến các điểm lẻ (nếu có);
- Kệ đựng sữa được thiết kế theo quy chuẩn với kích thước phù hợp với qui mô từng trường tham gia Đề án, kệ đảm bảo việc bảo quản sữa theo quy định về an toàn thực phẩm. Chi phí thiết kế, thi công, vận chuyển, lắp đặt, bảo quản, bảo trì kệ sữa do đơn vị cung cấp sữa chịu trách nhiệm.
4. Triển khai uống sữa tại các trường học
- Học sinh uống sữa 3 lần/ tuần, mỗi lần 1 hộp (180ml/hộp) vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu vào thời gian nhất định trong ngày;
- Học sinh uống sữa đúng loại sữa do công ty sữa cung cấp (về loại sữa, chất lượng sữa, nhãn mác);
- Trưởng ban thực hiện phân công giáo viên, nhân viên cho học sinh uống sữa đảm bảo đúng số lượng, số lần, đúng giờ, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình uống, theo dõi và ghi chép kết quả thực hiện theo từng ngày để tổng hợp, báo cáo; tổ chức thu gom vỏ hộp và đảm bảo vệ sinh môi trường.
5. Thực hiện hồ sơ theo dõi quá trình triển khai thực hiện đề án
- Phòng GDĐT tổng hợp số liệu trẻ thuộc địa bàn tham gia Đề án; ký hợp đồng và thanh toán với công ty sữa; lập hồ sơ quản lý, theo dõi thực hiện và báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện.
- Các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học tổ chức truyền thông, khảo sát và cho phụ huynh đăng ký tham gia Đề án; tổng hợp số liệu trẻ tham gia Đề án, báo cáo về Phòng GDĐT; thu tiền từ phụ huynh và đăng nộp về Phòng GDĐT; lập hồ sơ theo dõi nhận sữa từ công ty sữa và hồ sơ giao sữa từ ban giám hiệu đến giáo viên; công khai kết quả thực hiện hàng tháng, hàng quí.
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội , Sở thông tin và Truyền thông , Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan phù hợp với mục tiêu của Đề án. Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và đơn vị cung cấp sản phẩm triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học tham gia Đề án. Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của Đề án. Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non và tiểu học triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp số liệu trẻ tham gia Đề án, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đấu thầu tập trung theo Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
d) Quản lý, điều phối có hiệu quả nguồn lực tài chính, theo dõi, kiểm tra việc phân bổ và sử dụng kinh phí trong ngân sách và nguồn xã hội hoá của chương trình sữa học đường, đồng thời có biện pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai trái. Hằng năm tổ chức sơ kết Đề án và tổ chức tổng kết khi kết thúc Đề án.
6.2. Sở Y tế
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tham gia tổ chức tuyên truyền , tư vấn, giáo dục về dinh dưỡng trong các trường học; tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ phục vụ các nhiệm vụ của Đề án
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (Ban thực hiện) việc thực hiện hồ sơ sổ sách, phiếu theo dõi việc giao, nhận, lưu trữ và bảo quản sữa, phân phối sữa, cân, đo, theo dõi, đánh giá kết quả phát triển của trẻ và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho trẻ trong trường mầm non, tiểu học.
6.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo huy động và bố trí nguồn vốn đảm bảo thực hiện Đề án theo kế hoạch
b) Phối hợp với Sở GDĐT kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án
6.4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, Ngành có liên quan hàng năm thẩm định dự toán và cân đối nguồn ngân sách địa phương kinh phí thực hiện Đề án, Phối hợp phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.
6.5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Sở GDĐT thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ, theo dõi việc phòng chống SDD và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của trẻ thông qua Đề án.
6.6. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền về Đề án trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, định hướng các cơ quan báo, đài về nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Phối hợp với Sở GDĐT, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long tổ chức các phóng sự về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình sữa học đường trong các trường mầm non, trường tiểu học.
6.7. Chính quyền địa phương các cấp
Phối hợp, tổ chức triển khai Đề án tại địa phương, chủ động tích cực huy động thêm nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng có hiệu quả vận động xã hội hóa cho đối tượng gia đình khó khăn. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chương trình, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
6.8. Báo Vĩnh Long, Báo Lao động Vĩnh Long , Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, ích lợi của Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các phóng sự về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình sữa học đường trong các trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học.
6.9. Đơn vị cung ứng sữa
Đơn vị trúng thầu cung ứng sữa chịu trách nhiệm cung ứng kịp thời, không gián đoạn, không dồn dập, phải bố trí nhân viên vận chuyển đến tận kho sữa của các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời thực hiện tốt các nội dung theo hợp đồng đã ký.
7. Kế hoạch tiến độ thực hiện Đề án
TT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian |
1 | Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án | Sở GDĐT | Các Sở, ngành liên quan và UBND huyện, TX, TP | Tháng 12/2017 |
2 | Tham mưu UBND ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án | Sở GDĐT | Sở, Ngành có liên quan và UBND huyện, TX, TP | 01/2018 |
3 | Xây dựng kế hoạch đấu thầu trình UBND tỉnh | Sở GDĐT | Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Kế hoạch & Đầu tư | 01/2018 |
4 | Tổ chức đấu thầu | Sở GDĐT | Ban chỉ đạo cấp tỉnh | 02/2018 |
5 | Tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và PHHS về lợi ích Đề án Sữa học đường. | Sở GDĐT | Báo Vĩnh Long, Đài PTTH VL, Sở, Ngành có liên quan và UBND cấp huyện | - Định kỳ 1 tháng/lần trong năm 2018 -Thường xuyên theo nội dung Chương trình Đề án |
6 | Thành lập Ban điều hành, Ban giám sát và Ban thực hiện | UBND huyện, xã và cơ sở GDMN | Phòng GDĐT | 01/2018 |
7 | Truyền thông, khảo sát đăng ký, tổng hợp số liệu trẻ tham gia Chương trình Sữa học đường theo độ tuổi ở Trường MN, MG, NT và Trường Tiểu học | Ban điều hành và Ban thực hiện | Sở GDĐT | 1/2018 và định kỳ rà soát 3 tháng/lần |
8 | Khảo sát nhu cầu tham gia Đề án của PHHS có con học các trường MN, Nhà trẻ ngoài công lập. | Sở GDĐT | UBND huyện, Sở LĐTB&XH, Phòng GDĐT, các CSGDMN | Cuối tháng 9/2018 |
9 | Trình UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng đối tượng thụ hưởng Đề án (trẻ trường mầm non, nhà trẻ và trường tiểu học ngoài công lập) | Sở GDĐT | Các Sở, ngành liên quan và UBND huyện, TX, TP | 10/2018 |
10 | Tập huấn cho Ban thực hiện, Ban giám sát về thực hiện hồ sơ sổ sách và phiếu theo dõi, báo cáo | Sở GDĐT | Sở Y tế và Sở Tài chính | Tháng 02/2018 và theo mỗi năm, định kỳ của Đề án |
11 | Dự toán kinh phí, chi trả 25% theo định mức và hỗ trợ trẻ thuộc diện chính sách (Nghèo, cận nghèo, khuyết tật) | Sở GDĐT | Sở Tài chính và UBND huyện, TX, TP | Tháng 02/2018 và Hằng năm cho đến kết thúc Đề án |
12 | Tổ chức các Hội thi tuyên truyền về dinh dưỡng từ sữa, Ngày Hội Sữa học đường các cấp,… | Sở GDĐT | Các Ban ở các cấp | Hàng năm |
13 | Tổ chức sơ kết Chương trình | Sở GDĐT | Các Ban ở các cấp | Tháng 12 hằng năm |
14 | Tổ chức giám sát, kiểm tra, báo cáo | Ban chỉ đạo, Ban điều hành | Ban thực hiện | Định kỳ 3 tháng/lần |
15 | Tổng kết Đề án | Ban chỉ đạo, Ban điều hành | Các Ban các cấp, các Sở Ngành liên quan | Dự kiến tháng 01/2022 |
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch các ngành tỉnh, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban giám sát và Ban thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công cụ thể, rõ ràng các thành viên trong Ban, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo qui định. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo sơ tổng kết đề án và báo cáo kịp thời các nội dung phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án./.
| KT. GIÁM ĐỐC |