Quyết định 3220/QĐ-UBND

Quyết định 3220/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017-2020

Nội dung toàn văn Quyết định 3220/QĐ-UBND 2017 thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh Khánh Hòa


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3220/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 30 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM DẠY BƠI, PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ TRONG NHÀ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg , ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2040/TTr-SGDĐT ngày 06 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020".

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện "Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020"; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các tổ chức, đoàn thể và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, HV, HPN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Duy Bắc

 

ĐỀ ÁN

THÍ ĐIỂM DẠY BƠI, PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ TRONG NHÀ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Bơi lội là môn học có vị trí khá đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông, được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm khuyến khích các địa phương triển khai đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay.

Bơi lội là môn thể thao có tính quần chúng cao, dễ tập luyện; đặc biệt, phù hợp với địa hình và địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, số lượng người tập luyện chưa cao, tỷ lệ người biết bơi ít; nhiều tai nạn đuối nước đã xảy ra, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Tính đến thời điểm tháng 10 năm 2016, tỷ lệ học sinh phổ thông tại Khánh Hòa chưa biết bơi thấp, cấp tiểu học: 12.8%, cấp trung học cơ sở: 21.9%.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm đều diễn ra trẻ em bị tử vong vì đuối nước, cụ thể: năm 2012 có 15 trường hợp tử vong, năm 2013 có 19 trường hợp tử vong; năm 2014 có 16 trường hợp tử vong; năm 2015 có 18 trường hợp tử vong, năm 2016 có 17 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi năm có 17 học sinh bị đuối nước và tử vong.

(Đính kèm Phụ lục 1 - Thống kê tai nạn đuối nước trẻ em các năm)

Xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở góp phần nâng cao thể lực, cải thiện giống nòi, giảm thiểu tai nạn đuối nước cho học sinh phổ thông là vấn đề có tính cấp thiết hiện nay đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị và các văn bản pháp lý khác và được phụ huynh, học sinh quan tâm. Riêng đối với học sinh trung học phổ thông, vì tỷ lệ học sinh biết bơi cao, chưa cần thiết để đưa vào Đề án học bơi. Hơn nữa, nếu triển khai học sinh tiểu học và trung học cơ sở học bơi đạt hiệu quả thì đến trung học phổ thông tỷ lệ học sinh biết bơi sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, hệ thống bể bơi trên địa bàn tỉnh thiếu, không đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện thể chất cho học sinh. Vì thế, xây dựng "Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020" có tính cấp thiết hiện nay (sau đây viết tắt là Đề án thí điểm).

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tạo nhiều cơ chế mở cho việc thực hiện công tác dạy bơi, cụ thể như sau:

1. Văn bản của Trung ương

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;

- Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

- Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;

- Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

- Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;

2. Văn bản của các bộ, ngành

- Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV ngày 09/2/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2011 - 2015;

- Công văn số 242/TCTDTT-TDTTQC ngày 09/3/2010 của Tổng cục Thể dục Thể thao, về việc hướng dẫn thực hiện chương trình "Phổ cập bơi phòng, chống tai nạn cho trẻ em";

- Công văn số 2312/BGDĐT-CTHSSV ngày 08/4/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;

- Công văn số 1761/BGDĐT-CTHSSV ngày 21/4/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh;

- Công văn số 1299/LĐTBXH-BVCSTE ngày 20/4/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em;

- Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh;

3. Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh

- Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 29/6/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc thông qua dự án quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2025;

- Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 03/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển thể dục thể thao tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;

- Kế hoạch số 2801/KH-UBND ngày 16/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về Kế hoạch phát triển thể thao học đường cho các cấp học tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;

- Quyết định số 1415/QĐ-UBND ngày 25/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 31/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

- Công văn số 7159/UBND-KGVX ngày 13/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giải quyết khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Khánh Hòa lần thứ II năm 2016.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Quan điểm

Xây dựng phong trào bơi lội cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở nhằm phòng, chống đuối nước, phát triển toàn diện; tạo môi trường cho học sinh vui chơi, giải trí, giao lưu, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống.

Trên cơ sở điều kiện thực tế hiện nay ở các địa phương, việc đầu tư xây dựng bể bơi cần sự đầu tư của nhà nước và kêu gọi xã hội hóa, huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất, bể bơi trong trường học ở những địa phương có điều kiện.

Tăng cường khai thác có hiệu quả điều kiện sẵn có của địa phương (bờ biển, bãi bồi, ao, hồ, sông, suối...) để dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Bơi lội nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi, tăng cường thể lực của thanh thiếu niên, đồng thời, tăng số lượng người dân biết bơi, chống đuối nước ở lứa tuổi học sinh phổ thông, từ đó sẽ giảm số học sinh bị tử vong do tai nạn đuối nước.

- Giai đoạn 2017 - 2020: phấn đấu có 25.200 học sinh tiểu học, 25.200 học sinh trung học cơ sở biết bơi và giảm dần số học sinh bị đuối nước, cụ thể:

+ Cấp tiểu học: 20 HS/xuất học x 12 xuất/khóa x 05 khóa/năm học x 07 bể x 3 năm học = 25.200 lượt học sinh;

+ Cấp trung học cơ sở: 20 HS/xuất học x 12 xuất/khóa x 05 khóa/năm học x 09 bể x 3 năm học = 25.200 lượt học sinh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Năm học 2017 - 2018: Phấn đấu dạy bơi cho 8.400 học sinh tiểu học và 8.400 học sinh trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Năm học 2018-2019: Tiếp tục dạy bơi cho 8.400 học sinh tiểu học và 8.400 học sinh trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Năm học 2019-2020: Tiếp tục dạy bơi cho 8.400 học sinh tiểu học và 8.400 học sinh trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

3. Yêu cầu

- Tổ chức tuyên truyền quán triệt và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án thí điểm trong toàn tỉnh.

- Đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong suốt quá trình thực hiện Đề án thí điểm. Không ngừng nâng cao nhận thức của toàn dân về lợi ích của Đề án thí điểm với hiệu quả cao nhất, góp phần cho sự phát triển bền vững xã hội.

- Huy động sự đóng góp của cộng đồng và toàn xã hội, đầu tư, khai thác bể bơi ngày càng hiệu quả, đảm bảo trong quá trình thực hiện phải tuyệt đối an toàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm đảm bảo thực hiện tốt Đề án thí điểm.

IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng

Khánh Hòa là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, địa hình có nhiều sông, hồ lớn như: sông Cái, sông Ba, sông Dinh, sông Đồng Trăng; có các hồ: Hoa Sơn, Đá Bàn, Suối Trầu, Tà Rục, Am Chúa, Hòn Bà,... Bờ biển dài trên 385 km, có khoảng hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Với địa hình nhiều sông, suối, hồ và bãi biển trải dài và tình trạng mưa, lũ, sạt lở đất diễn ra ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội.

Tính đến đầu năm học 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 08 phòng giáo dục và đào tạo, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 08 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp, 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và Hướng nghiệp tỉnh, 33 trường trung học phổ thông, 119 trường trung học cơ sở, 186 trường tiểu học, 189 trường mầm non; tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành là 21.163 người; số học sinh các ngành học, cấp học gần 273.979 em. Trong đó, học sinh tiểu học và trung học cơ sở là đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước nhiều nhất.

Hiện nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo Khánh Hòa không có bể bơi trong trường học, số bể bơi hiện có thuộc các ban, ngành Trung ương, địa phương và do tư nhân quản lý, cụ thể:

+ Tại thành phố Nha Trang: hồ bơi Yết Kiêu (số 10 Yersin), hồ bơi Trường Sỹ quan Không quân (số 75A Nguyễn Thị Minh Khai), hồ bơi Trường Sỹ quan Thông tin (số 101 Mai Xuân Thưởng), hồ bơi Hải Quân (số 77 Dã Tượng), hồ bơi Khách sạn Viễn Đông (số 01 Trần Hưng Đạo), hồ bơi chung cư Sông Đà (số 06 Bãi Dương);

+ Tại thị xã Ninh Hòa: Hồ bơi của Nhà Thiếu nhi.

+ Tại thành phố Cam Ranh: Hồ bơi của tư nhân.

+ Tại huyện Diên Khánh: Hồ bơi của Tiểu đoàn 460.

Những hồ bơi trên được đầu tư đạt tiêu chuẩn thi đấu và yêu cầu về dạy bơi cho thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, chưa đáp ứng được số lượng và nhu cầu học bơi của nhân dân và học sinh trên các địa bàn.

Theo kết quả khảo sát trong toàn ngành giáo dục và đào tạo đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh biết bơi:

-Tiểu học là 12.8%;

- Trung học cơ sở là 21.9%.

(Đính kèm Phụ lục 2 - Tổng hợp học sinh biết bơi).

2. Nhu cầu của xã hội

Xã hội ngày càng quan tâm, ý thức được tầm quan trọng của việc học bơi và biết bơi; nhận thấy rõ tác dụng quan trọng của bơi lội là: khỏe, đẹp và an toàn. Phụ huynh và học sinh trong tỉnh đều mong muốn được hưởng những lợi ích nêu trên từ môn Bơi lội.

Các đơn vị, trường học và đặc biệt các bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn ủng hộ và nhất trí đưa môn Bơi lội vào trong chương trình giáo dục dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp

Triển khai Đề án thí điểm bằng việc sử dụng bể bơi di động là giải pháp được nhiều địa phương trong nước triển khai và thực hiện với ưu điểm nổi bật: giá thành rẻ, quỹ đất đầu tư nhỏ, vận hành thuận lợi và đặc biệt có thể tháo lắp, di chuyển sang nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn.

Đề án thí điểm với tổng kinh phí 10.923.500 đồng (Mười tỉ, chín trăm hai mươi ba triệu, năm trăm ngàn đồng chẵn), sẽ lắp đặt được 16 bể bơi di động ở 07 trường tiểu học và 09 trường trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (mỗi địa phương 02 bể, gồm 01 bể cho tiểu học và 01 bể cho trung học cơ sở; riêng huyện Khánh Vĩnh đề xuất lắp đặt 02 bể dành cho cấp trung học cơ sở phục vụ giảng dạy cho cả hai cấp học).

Để thực hiện Đề án thí điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn ở các tỉnh phục vụ cho việc dạy bơi, cụ thể: Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Phú Yên, Đà Nẵng,... Với hệ thống công nghệ mới (nhập khẩu từ Hàn Quốc), mô hình quản lý khoa học và đủ nguồn lực tài chính đáp ứng, nhà đầu tư đảm bảo được tất cả các yêu cầu về dạy bơi cho học sinh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

V. CÁC HẠNG MỤC CỦA ĐỀ ÁN

1. Bể bơi di động: Bể bơi dành cho học sinh tiểu học và bể bơi dành cho học sinh trung học cơ sở.

a) Bể bơi tiểu học

- Bể bơi lắp ghép theo dạng Modul, khép kín, nổi trên mặt đất. Đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu (CE). Có kích thước tổng thể (gồm bể bơi và phòng công năng): 300m2, có thể thay đổi theo mặt bằng và nhu cầu thực tế, cụ thể:

Kích thước mặt nước của bể bơi 110.23 m2 (7.3 m x 15.1 m) hoặc thay đổi theo nhu cầu thực tế.

+ Mỗi bể bơi có 08 phòng công năng riêng biệt (04 nam, 04 nữ), tủ cá nhân (10 ngăn); vận hành khép kín theo quy trình di chuyển một chiều: tiếp nhận học sinh → đóng cửa cách ly → thay đồ → gửi đồ → tắm tráng chủ động → tắm tráng cưỡng bức → giảng dạy → tắm tráng → thay đồ → trả học sinh.

+ Máy bơm, bình lọc tuần hoàn.

+ Dụng cụ vệ sinh bể (ống nối 12 m, đầu hút, cây đẩy,...).

+ Sân bê tông đặt bể bơi (150 m2).

+ Mái che toàn bộ bể (mái thả di động bằng bạc xếp lượn sóng).

+ Sàn thảm nhựa chống trơn trượt bằng nhựa PVC rộng 01 m xung quanh thành bể.

+ Hệ thống camera giám sát hoạt động, quản lý (04 bộ, hiệu KB Vision 1301; đầu thu và ghi hình HDCVI 4 kênh).

b) Bể bơi trung học cơ sở

- Bể bơi lắp ghép theo dạng Modul, khép kín, nổi trên mặt đất. Đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu (CE). Có kích thước tổng thể (gồm bể bơi và phòng công năng): 500m2, có thể thay đổi theo mặt bằng và nhu cầu thực tế, cụ thể:

+ Kích thước mặt nước của bể bơi 207.03 m2 (10.3 m x 20.1 m) hoặc thay đổi theo nhu cầu thực tế.

+ Mỗi bể bơi có 08 phòng công năng riêng biệt (04 nam, 04 nữ), tủ cá nhân (10 ngăn); vận hành khép kín theo quy trình di chuyển một chiều: tiếp nhận học sinh → đóng cửa cách ly → thay đồ → gửi đồ → tắm tráng chủ động → tắm tráng cưỡng bức → giảng dạy → tắm tráng → thay đồ → trả học sinh.

+ Máy bơm, bình lọc tuần hoàn.

+ Dụng cụ vệ sinh bể (ống nối 12 m, đầu hút, cây đẩy,...).

+ Sân bê tông đặt bể bơi (300 m2).

+ Mái che toàn bộ bể (mái thả di động bằng bạc xếp lượn sóng).

+ Sàn thảm nhựa chống trơn trượt bằng nhựa PVC rộng 01 m xung quanh thành bể.

+ Hệ thống camera giám sát hoạt động, quản lý (04 bộ, hiệu KB Vision 1301; đầu thu và ghi hình HDCVI 4 kênh).

2. Hệ thống xử lý nước

a) Hệ thống lọc

Theo phương thức lọc tuần hoàn theo quy trình khép kín với máy bơm chuyên dụng (công suất 19.5 m3/h, sử dụng điện 1 pha 50HZ); bình lọc cát sỏi thạch anh và hóa chất bằng composite (công suất 16.5m3/h, chịu được nước biển và hóa chất); nước được đưa vào bể lắng, thực hiện quy trình lọc và tái sử dụng hằng ngày.

b) Hệ thống xử lý nước thải

Đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam với cống dẫn thải quanh bể, nước được đưa ra rãnh thoát nước công cộng ở địa phương (dùng khi thay nước hoàn toàn).

3. Nguồn nhân lực thực hiện

- Huấn luyện viên giảng dạy do giáo viên giáo dục thể chất của các địa phương được cơ quan có chức năng cấp giấy chứng nhận.

- Cứu hộ: nhân viên cứu hộ được cơ quan có chức năng cấp giấy chứng nhận bơi cứu hộ.

(Đính kèm Phụ lục 3 - Giáo viên đã được tham gia tập huấn và có chứng chỉ do Hiệp hội thể thao dưới nước cấp và Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn và cấp giấy chứng nhận).

- Quản lý, nhân viên y tế, phục vụ, cứu hộ, bảo vệ tại đơn vị được chọn lắp đặt bể bơi.

- Số lượng việc làm:

+ Bể bơi tiểu học: gồm các vị trí việc làm: Quản lý, HLV nam, HLV nữ, y tế, phục vụ, cứu hộ, bảo vệ, vệ sinh.

+ Bể bơi trung học cơ sở: gồm các vị trí việc làm: Quản lý, HLV nam, HLV nữ, y tế, phục vụ, cứu hộ, bảo vệ, vệ sinh.

(Lưu ý: Lãnh đạo các đơn vị có học sinh tham gia học phối hợp quản lý, điều tiết xuất học phù hợp)

4. Hình thức giảng dạy

- Học sinh được học theo khóa, mỗi khóa học 15 buổi (03 buổi/tuần). Mỗi năm học 05 khóa (25 tuần); mỗi buổi học sinh học 01 giờ (vào thứ 2, 4, 6 hoặc thứ 3, 5, 7). Như vậy, mỗi tuần có 06 xuất học/bể vào các thứ 2,4, 6 và 06 xuất học/bể vào các thứ 3, 5, 7 (tổng cộng: 12 xuất học/tuần).

- Khung thời gian khai thác:

+ Buổi sáng: 03 xuất (từ 7 giờ 00 đến 10 giờ 00);

+ Buổi chiều: 03 xuất (từ 14 giờ 00 đến 17 giờ 00).

- Số lượng học sinh mỗi xuất học:

+ Cấp tiểu học: 20 học sinh/xuất học/bể;

+ Cấp trung học cơ sở: 20 học sinh/xuất học/bể.

- Số học sinh mỗi khóa:

+ Cấp tiểu học:

20 học sinh/xuất học x 12 xuất học/khóa = 240 học sinh

+ Cấp trung học cơ sở:

20 học sinh/xuất học x 12 xuất học/khóa = 240 học sinh

- Bắt đầu dạy bơi cho học sinh chưa biết bơi toàn cấp, áp dụng từ năm học 2017 - 2018. Các khóa sau thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu".

Hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi khi bơi được 25 m (đối với tiểu học) và 50 m (đối với trung học cơ sở).

5. Chương trình giảng dạy

Thực hiện chương trình giảng dạy bơi, phòng chống đuối nước theo chương trình quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao ban hành.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Chi phí đầu tư ban đầu (nguồn ngân sách tỉnh)

a) Bể bơi tiểu học: 579.500.000 đồng/01 bể

Trong đó:

+ Bể bơi di động: 180.000.000 đồng

+ Hạng mục bổ sung: 399.500.000 đồng

b) Bể bơi trung học cơ sở: 748.000.000 đồng/01 bể

Trong đó:

+ Bể bơi di động: 286.000.000 đồng

+ Hạng mục bổ sung: 462.500.000 đồng

(Đính kèm Phụ lục 4 - Tổng hợp kinh phí đầu tư ban đầu)

2. Chi phí vận hành và mức thu học phí (chi cho quản lý, vận hành theo phương thức xã hội hóa)

a) Chi phí vận hành (chi phí/bể/khóa):

- Bể bơi tiểu học: 47.201.000 đồng/bể/khóa

- Bể bơi trung học cơ sở: 52.351.000 đồng/bể/khóa

ính kèm Phụ lục 5 - Thuyết minh chi phí vận hành)

b) Mức thu phục vụ cho chi phí vận hành

- Ngân sách tỉnh nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh (từ nguồn ngân sách tỉnh); Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm kêu gọi xã hội hóa quản lý, vận hành hoạt động của bể bơi theo khóa học.

- Căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương về số lượng học sinh tham gia học, đối tượng chính sách được miễn, giảm, thời gian khai thác của bể bơi, …; trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí thu, chi đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả, các đơn vị chủ động xin ý kiến chỉ đạo của các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức thu đối với học sinh tham gia học bơi. Tuy nhiên, mức thu phí học bơi không vượt quá định mức quy định, cụ thể:

+ Từ 7 giờ 00 đến 17 giờ 00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7:

+ Cấp tiểu học: 200.000 đồng/học sinh/khóa (15 buổi);

+ Cấp trung học cơ sở: 220.000 đồng/học sinh/khóa (15 buổi).

+ Từ sau 17 giờ 00 các ngày trong tuần và Chủ nhật:

+ Cấp tiểu học: 250.000 đồng/học sinh/khóa

+ Cấp trung học cơ sở: 250.000 đồng/học sinh/khóa

VII. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Lắp đặt bể bơi tại các đơn vị

Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020 được triển khai thực hiện trong năm học 2017 - 2018. Số lượng bể bơi được lắp đặt: mỗi địa phương 02 bể (gồm 01 bể cho tiểu học và 01 bể cho trung học cơ sở), riêng huyện Khánh Vĩnh đề xuất lắp đặt 02 bể cho cấp trung học cơ sở. Địa chỉ lắp đặt bể bơi và cụm trường thực hiện cụ thể như sau:

1.1. Tại huyện Diên Khánh

a) Trường Tiểu học Diên Điền

- Địa chỉ: Thôn Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Diên Điền 1, Diên Phú 1, Diên Phú 2, Diên Sơn 1, Diên Sơn 2.

b) Trường Trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa

- Địa chỉ: Thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Trung học cơ sở: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh.

1.2. Tại huyện Cam Lâm

a) Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam

- Địa chỉ: Xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam An Nam, Cam An Bắc, Tân Sinh.

b) Trường Trung học cơ sở Quang Trung

- Địa chỉ: Thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

- Cụm trường thực hiện: các trường Trung học cơ sở: Quang Trung, Nguyễn Hiền, Hùng Vương, Lương Thế Vinh.

1.3. Tại huyện Khánh Vĩnh

a) Trường Trung học cơ sở Thị trấn Khánh Vĩnh

- Địa chỉ: Tổ 5, thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh.

- Cụm trường thực hiện: các Trung học cơ sở: Thị trấn Khánh Vĩnh, Phổ thông DTNT; các Trường Tiểu học: Khánh Thành, Thị trấn, Sông Cầu.

b) Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Địa chỉ: Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Bình và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1.4. Tại Thị xã Ninh Hòa

a) Trường Tiểu học số 1 Ninh Đa

- Địa chỉ: xã Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Số 1 Ninh Đa, Số 2 Ninh Đa, Ninh Phú, Số 2 Ninh Hiệp, Số 3 Ninh Hiệp, Ninh An, Ninh Thọ.

b) Trường Trung học cơ sở Hùng Vương

- Địa chỉ: Phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Trung học cơ sở: Hùng Vương, Chu Văn An, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quang Khải, Trương Định, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Tri Phương.

1.5. Tại huyện Vạn Ninh

 a) Trường Tiểu học Vạn Giã 3

- Địa chỉ: Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Vạn Giã 1, Vạn Giã 2, Vạn Giã 3, Vạn Lương 1, Vạn Lương 2, Vạn Phú 1, Vạn Phú 2, Vạn Bình.

b) Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ

- Địa chỉ: xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Trung học cơ sở: Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Trần Quốc Tuấn, Lương Thế Vinh.

1.6. Tại thành phố Nha Trang

a) Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp

- Địa chỉ: Thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Ngọc Hiệp, Vĩnh Phương 1.

b) Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo

- Địa chỉ: Tổ 3 Trường Sơn, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Trung học cơ sở: Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu, Lê Thanh Liêm, Lam Sơn.

1.7. Tại thành phố Cam Ranh

a) Trường Tiểu học Cam Phú

- Địa chỉ: Tổ dân phố Phú Sơn, phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Cam Phú, Cam Phúc Bắc 1, Cam Phúc Bắc 2, Cam Phúc Nam, Cam Phước Đông 1, Cam Phước Đông 2, Cam Thịnh Tây 1, Cam Thịnh Tây 2, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh 1, Cam Lộc 1, Cam Lộc 2, Cam Linh 1, Cam Linh 2, Cam Lợi, Ba Ngòi, Cam Thuận.

b) Trường Trung học cơ sở Trần Phú

- Địa chỉ: Tổ dân phố Phú Sơn, phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Trung học cơ sở: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trọng Kỷ, Chu Văn An, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Chu Trinh, Nguyễn Khuyến, Cam Thịnh Tây, Nguyễn Du.

1.8. Tại huyện Khánh Sơn

a) Trường Tiểu học Thị trấn Tô Hạp

- Địa chỉ: Thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

- Cụm trường thực hiện: các Trường Tiểu học: Thị trấn Tô Hạp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc.

b) Trường trung học cơ sở Sơn Bình

- Địa chỉ: xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.

- Cụm trường thực hiện: các Trường trung học cơ sở: Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn.

2. Công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết Đề án thí điểm

- Mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 03 lớp tập huấn cho 45 giáo viên tiểu học và 45 giáo viên trung học cơ sở về nghiệp vụ dạy bơi và cứu đuối.

- Tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện Đề án thí điểm vào cuối năm 2018.

- Tổ chức đánh giá, tổng kết Đề án thí điểm vào cuối tháng 12/2020.

VIII. PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM

Thực hiện "Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020" bằng ngân sách nhà nước tỉnh Khánh Hòa (đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu, với tổng giá trị: 10.923.500 đồng) và xã hội hóa các khâu quản lý, vận hành dưới sự quản lý, giám sát của nhà nước (Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo thực hiện).

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án thí điểm, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đoàn thể có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án;

- Lập kế hoạch và dự toán triển khai thực hiện Đề án và tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi và tiến hành xã hội hóa các khâu quản lý, vận hành để triển khai Đề án; kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi toàn tỉnh theo từng năm, từng giai đoạn và kết thúc Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện Đề án.

3. S Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, phân bổ nguồn vốn để thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách.

4. Sở Văn hóa và Thể thao

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản chỉ đạo về giáo dục bơi, phong trào bơi và an toàn cho học sinh trong việc phòng chống đuối nước; phối hợp, hỗ trợ cho ngành giáo dục trong công tác tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy bơi, cứu đuối; cấp giấy chứng nhận biết bơi cho học sinh.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp, hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, nguồn hỗ trợ, viện trợ liên quan phòng, chống đuối nước, giảm nhẹ thiên tai để đẩy nhanh tiến độ xây dựng bể bơi và phát huy hiệu quả của Đề án.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học bơi và các hoạt động của Đề án;

- Thông tin cho học sinh và phụ huynh biết đến các bể bơi sau khi được tiến hành xây dựng nhằm thu hút học sinh tham gia học bơi, đặc biệt trong các dịp hè.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Đề án trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Bố trí địa điểm, mặt bằng xây dựng bể bơi đơn giản do huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện.

- Chịu trách nhiệm triển khai, vận hành, đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo phương thức xã hội hóa. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, vận hành theo nguyên tắc lấy thu bù chi, dưới sự quản lý, giám sát của nhà nước;

- Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương; báo cáo Ban Điều hành Đề án cấp tỉnh theo định kỳ.

Trên đây là Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017 - 2020", Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ để Đề án đạt hiệu quả cao./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3220/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3220/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/10/2017
Ngày hiệu lực30/10/2017
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3220/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3220/QĐ-UBND 2017 thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh Khánh Hòa


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3220/QĐ-UBND 2017 thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh Khánh Hòa
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3220/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Khánh Hòa
                Người kýNguyễn Duy Bắc
                Ngày ban hành30/10/2017
                Ngày hiệu lực30/10/2017
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                      Văn bản hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 3220/QĐ-UBND 2017 thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh Khánh Hòa

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 3220/QĐ-UBND 2017 thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh Khánh Hòa

                        • 30/10/2017

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 30/10/2017

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực