Quyết định 3812/QĐ-UBND

Quyết định 3812/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016-2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 3812/QĐ-UBND Đề án Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ 2016 2020


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3812/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Công văn số 4035/KTTH ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;

Căn cứ Thông tư số 69/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ hỗ trợ nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1201-QĐ/HNDTW ngày 31 tháng 12 năm 2013 của ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về mức thu phí cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân và tỷ lệ phân bổ phí thu cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân;

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung sau đây:

1. Quan điểm

Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “ Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 ". Trong giai đoạn 2016 - 2020, để chủ động hơn trong việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, các cấp Hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân.

Đề án “ Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016 - 2020 “ vừa là nhiệm vụ vừa là điều kiện cần thiết để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị Quyết Đảng bộ thành phố lần thứ 12.

2. Mục tiêu

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Hội đối với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân. Trong đó, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững, trở thành công cụ tài chính đắc lực, là điều kiện cần thiết để Hội trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ nông dân, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Tạo ra thế và lực đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

3. Phân công nhiệm vụ

a) Hội Nông dân chủ trì, trực tiếp thực hiện

- Xây dựng tổ chức bộ máy điều hành, quản lý giai đoạn 2016 - 2020.

- Củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành và tư cách pháp nhân của Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân như sau:

+ Mô hình tổ chức:

Quỹ Hỗ trợ nông dân được tổ chức và hoạt động ở 02 cấp gồm Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố trực thuộc Hội Nông dân thành phố; Quỹ Hỗ trợ nông dân quận, huyện trực thuộc Hội Nông dân quận, huyện, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, tài khoản giao dịch với Ngân hàng trong nước theo quy định của pháp luật được mở tại Ngân hàng nơi Quỹ đóng trụ sở.

+ Cơ cấu tổ chức của Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân:

* Ở cấp thành phố:

Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố.

Cơ cấu tổ chức Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố (do Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố quyết định bổ nhiệm) gồm: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, cán bộ nghiệp vụ, kế toán, kiểm soát nội bộ, thủ quỹ.

* Ở cấp quận, huyện:

Ban Thường vụ Hội Nông dân quận, huyện quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân quận, huyện.

Cơ cấu tổ chức Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân quận, huyện (do Ban thường vụ Hội Nông dân quận, huyện quyết định bổ nhiệm) gồm: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, cán bộ nghiệp vụ, kế toán, kiểm soát nội bộ, thủ quỹ.

- Mở rộng và đổi mới nội dung hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân:

Các nội dung hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, bao gồm:

+ Huy động nguồn vốn:

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được huy động từ các nguồn sau: Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp bao gồm Trung ương Hội ủy thác và Ngân sách địa phương hỗ trợ; vận động trong cán bộ hội viên nông dân; các nguồn lực khác: nguồn tài trợ của các công ty, doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ; vốn bổ sung từ kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân hàng năm.

+ Thực hiện các dịch vụ chuyển tải vốn: Thực hiện dịch vụ chuyển tải vốn theo phương thức nhận ủy thác từng phần theo thỏa thuận giữa Hội Nông dân với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác cho nông dân. Liên kết với các doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng vật tư, máy nông nghiệp cho nông dân.

+ Thực hiện hỗ trợ vốn:

* Tập trung hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống (kể cả nguồn vốn vận động được và nguồn vốn nhận ủy thác) để xây dựng các mô hình nông dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng thương hiệu, sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn gắn với xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.

* Những cơ sở Hội có điều kiện, có thể tiến hành hỗ trợ vốn cho nông dân theo phương thức tín dụng, tiết kiệm (rút gốc dần, tăng hộ vay) để hỗ trợ những hộ nông dân sản xuất nhỏ tiếp cận với sản xuất hàng hóa, tạo thói quen tiết kiệm tiền để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong tương lai.

* Những đối tượng cần quan tâm hỗ trợ vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm: Hộ gia đình nông dân; Tổ hợp tác, nhóm nông dân cùng sở thích, hợp tác xã,chi hội nghề nghiệp... Nhằm mục đích xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất tạo ra các loại sản phẩm, nông sản chất lượng cao, an toàn, có thương hiệu và có thị trường ổn định.

* Việc hỗ trợ vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện theo phương thức cho vay có hạn mức, có hoàn trả, có thu phí. Mức cho vay tối đa do Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung Ương quy định trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ nhưng không vượt mức cho vay: Mức cho vay đối với hộ vay tối đa 100 triệu/hộ, quy mô cho vay một dự án nhóm hộ không quá 2 tỷ đồng (thực hiện Quyết định số 1816-QĐ/HNDTW ngày 01/7/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc nâng mức cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân), không phải đảm bảo tài sản đối với hộ nông dân sản xuất, kinh doanh theo quy định tại nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

* Mức tính phí: Mức phí cho vay hiện nay là 0,7%/ tháng (8,4%/năm).

- Mức trích phí thu và tỷ lệ phân bổ phí thu hiện tại thực hiện theo Thông tư 69/2013/TT-BTC ngày 21/5/2013 về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam, Quyết định 1201-QĐ/HNDTW ngày 31/12/2013 về mức phí thu cho vay Quỹ HTND và tỷ lệ phân bổ phí thu cho vay Quỹ HTND và Hướng dẫn số 841-HD/HNDTW ngày 11/9/2013 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được đề xuất như sau:

+ Đối với nguồn vốn do Hội Nông dân cấp thành phố nhận hỗ trợ từ ngân sách thành phố, vốn vận động đang quản lý và cho vay: Xác định tổng số phí thu được là 8,4%/năm được xem là 100%, phân bổ cho các cấp Hội như sau: Hội Nông dân thành phố là 40% (bao gồm trích Quỹ dự phòng rủi ro, chi phí nghiệp vụ, quản lý, bổ sung vốn); Hội Nông dân cấp huyện, quận là 30% để chi phí quản lý; Hội Nông dân cấp xã, phường là 30% để chi phí quản lý.

+ Đối với nguồn vốn do Hội Nông dân cấp quận, huyện vận động, quản lý và cho vay: Xác định tổng số phí thu được là 8,4%/năm được xem là 100%, phân bổ cho các cấp Hội như sau: Hội Nông dân quận, huyện là 45% (bao gồm trích Quỹ dự phòng rủi ro, chi phí nghiệp vụ, quản lý, bổ sung vốn); Hội Nông dân cấp xã, phường là 55% để chi phí quản lý.

+ Đối với nguồn vốn do Hội Nông dân cấp xã vận động nộp về Hội Nông dân cấp quận, huyện quản lý và cho vay: Xác định tổng số phí thu được là 8,4%/năm được xem là 100%, phân bổ cho các cấp Hội như sau: Hội Nông dân quận, huyện là 20% (bao gồm trích Quỹ dự phòng rủi ro, chi phí nghiệp vụ, quản lý, bổ sung vốn); Hội Nông dân cấp xã, phường là 80% để chi phí quản lý. Đối với những xã có vốn Quỹ HTND nhưng hiện tại chưa có dư nợ cho vay nguồn vốn của mình thì được hưởng mức phí bằng mức lãi tiền gửi không thời hạn của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng thời điểm trên nguồn vốn Quỹ HTND của xã hiện có.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cả về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

+ Các cấp Hội cần lựa chọn những cán bộ Hội đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng để tham gia công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân.

+ Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, nhất là nghiệp vụ tín dụng, kế toán, quản lý dự án, ứng dụng công nghệ thông tin.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tạo nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân theo phương châm xã hội hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp; đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ hỗ trợ kinh phí để bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
đến năm 2020 Hội Nông dân các cấp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với nguồn vốn đạt 20 tỷ đồng.

- Thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn nguồn vốn. Xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế tập thể, xóa đói, giảm nghèo bền vững; sản xuất nông sản, hàng hóa đạt chất lượng cao. Đưa công tác xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo ở nông thôn trở thành nhiệm vụ công tác thường xuyên hàng năm của các cấp Hội. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% cơ sở Hội có mô hình được Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.

b) Công tác phối hợp: Phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng làm tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân. Phấn đấu từ năm 2016 trở đi 100% đơn vị Hội ở mỗi cấp có tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân.

4. Giải pháp

a) Căn cứ Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố phù hợp đặc điểm tình hình của thành phố.

b) Củng cố, bổ sung Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân; Thành lập Ban kiểm soát Quỹ các cấp.

c) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước về mục đích, ý nghĩa hoạt động và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân, dịch vụ hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng giai cấp nông dân.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, các phương tiện thông tin của Hội Nông dân....

Bên cạnh các công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên cần tổ chức tập trung vận động thành từng đợt lớn, mỗi năm một lần vào dịp 14/10 - Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam để thu hút nguồn lực của toàn xã hội tham gia trợ giúp nông dân thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân thành phố Cần Thơ.

Chú trọng nêu gương các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, các tập thể, cá nhân sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao.

d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân:

Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp thành phố chuẩn bị điều kiện cơ sở, vật chất ứng dụng tốt các phần mềm hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành Quỹ (trang bị phần mềm kế toán, xây dựng phần mềm tín dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân áp dụng trong toàn hệ thống).

e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng quản lý nghiệp vụ tài chính, tín dụng, kế toán, lập kế hoạch và quản lý dự án cho đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp.

Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp quận, huyện và cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.

g) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp thực hiện tổ chức kiểm tra, giám sát theo quy định của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung Ương.

Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trên thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp dưới.

Nội dung kiểm tra: chú trọng công tác vận động tạo nguồn vốn, quản lý tài chính, tình hình sử dụng vốn và hiệu quả vốn vay đối với các cá nhân, tổ chức được hỗ trợ vốn.

Xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ Hội, người vay chiếm dụng, xâm tiêu vốn, phí.

h) Tăng cường đầu tư, trang bị điều kiện, phương tiện cơ sở vật chất cần thiết để nâng cao năng lực, quản lý điều hành Quỹ.

i) Tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ; phổ biến nhân rộng các mô hình đạt kết quả tốt, làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

5. Tiến độ thực hiện đề án

a) Từ năm 2016 đến năm 2020

- Xây dựng Đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án và triển khai đến các cấp Hội Nông dân trong thành phố.

- Củng cố, bổ sung Ban điều hành Quỹ; thành lập Ban kiểm soát Quỹ các cấp.

- Khảo sát thực trạng, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá 05 năm hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016 - 2020 ở tất cả các cấp Hội.

- Xây dựng nguồn nhân lực quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức đào tạo cán bộ.

- Khảo sát nhu cầu và tổ chức chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững ở huyện, quận và cơ sở, tập trung cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

- Huy động nguồn vốn đạt chỉ tiêu:

+ Phấn đấu vận động trong cán bộ hội viên nông dân khoảng 4 tỷ đồng (mỗi năm khoảng 800 triệu đồng).

+ Vận động các công ty, doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ khoảng 4 tỷ đồng.

+ Ngân sách thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương hỗ trợ hàng năm cho Quỹ.

- Chọn mô hình đầu tư:

Chọn những mô hình phát triển kinh tế đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập trung cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Thẩm định hiệu quả kinh tế của các mô hình đã chọn thông qua các dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh để xác định mức cho vay phù hợp.

b) Tổng kết đề án (cuối năm 2020).

6. Tổ chức thực hiện đề án

- Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố), để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao đối với chủ trương phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp Thành phố.

- Tổ chức triển khai, thực hiện Đề án theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ.

7. Dự toán kinh phí tổ chức thực hiện đề án

a) Nguồn vốn Ngân sách địa phương hỗ trợ và vốn vận động:

Hàng năm Hội Nông dân các cấp tổ chức vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ tăng trưởng nguồn Quỹ. Đến năm 2020 nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt khoảng 20 tỷ đồng.

b) Kinh phí triển khai thực hiện và quản lý:

Thực hiện theo Thông tư 69/2013/TT-BTC ngày 21/5/2013 về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam. Quyết định số 908-QĐ/HNDTW ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam Ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

8. Hiệu quả của đề án

a) Hỗ trợ vốn với mức phí cho vay do Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam quy định từng thời kỳ (hiện nay là 0,7%/tháng) cho hội viên nông dân thực hiện mô hình phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo; phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi.

b) Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền, tập hợp nông dân, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng Hội vững mạnh.

c) Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân ngày càng có hiệu quả.

Điều 2. Hội Nông dân thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016 - 2020; hàng năm xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và đồng thời chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân theo đúng quy định pháp luật. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho các cơ quan chức năng thành phố và Trung ương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3812/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3812/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành09/12/2016
Ngày hiệu lực09/12/2016
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3812/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3812/QĐ-UBND Đề án Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ 2016 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3812/QĐ-UBND Đề án Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ 2016 2020
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3812/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Cần Thơ
                Người kýĐào Anh Dũng
                Ngày ban hành09/12/2016
                Ngày hiệu lực09/12/2016
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 3812/QĐ-UBND Đề án Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ 2016 2020

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 3812/QĐ-UBND Đề án Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ 2016 2020

                      • 09/12/2016

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 09/12/2016

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực