Nội dung toàn văn Quyết định 603/QĐ-UBND 2015 bảo vệ chủ quyền biển trật tự phát triển kinh tế xã hội Nam Định 2015 2019
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 603/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN, GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2015 – 2019”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực Biên giới biển;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về việc Đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản;
Căn cứ Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 14/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ;
Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại Tờ trình số 221/TTr-BĐBP ngày 06/4/2015 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2019”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2019”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN, GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 603/QĐ-TTg ngày 13/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Nam Định có 72 km bờ biển, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, là hướng phòng thủ thứ yếu của Quân khu 3.
Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành chức năng và địa phương ven biển quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tàu cá nước ngoài vẫn thường xuyên xâm phạm chủ quyền vùng biển tỉnh Nam Định; tình trạng dùng thuốc nổ, xung điện khai thác hải sản, tranh chấp ngư trường, vùng nuôi trồng hải sản, trộm cắp ngư cụ, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm hình sự, tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc; tình hình vi phạm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, khiếu kiện về đất đai khu vực biên giới biển diễn biến phức tạp.
Thời gian tới, tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông còn phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới sẽ nặng nề và khó khăn hơn, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh.
2. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án
- Luật Biên giới Quốc gia số 06/2003/QH 11 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2003;
- Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH 13 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012;
- Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực Biên giới biển;
- Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về việc Đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản;
- Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
- Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 14/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
- Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 -2019” để triển khai thực hiện.
II. MỤC TIÊU, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu của Đề án
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển.
- Tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Bảo đảm an toàn cho nhân dân trong lao động sản xuất.
- Nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước về biên giới Quốc gia trên biển; quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động trên biển, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển, vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới biển.
2. Phạm vi thực hiện Đề án
Đề án được thực hiện tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; nhưng tập trung vào 18 xã, thị trấn trong khu vực biên giới biển.
3. Thời gian thực hiện Đề án
Đề án được thực hiện từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 12 năm 2019; được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ tháng 6 năm 2015 đến hết tháng 12 năm 2017.
- Giai đoạn 2: Từ tháng 1 năm 2018 đến hết tháng 12 năm 2019.
III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nội dung
- Tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân về truyền thống yêu nước, ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo; nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế về biển, các Hiệp định, Hiệp ước nước ta đã ký kết với các nước đặc biệt là Trung Quốc... nhằm hướng dẫn ngư dân hoạt động đúng quy định. Vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển (BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách) bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, giừ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển; đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển; các loại tội phạm; buôn lậu, gian lận thương mại; vận chuyển sử dụng trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy, trộm cắp ngư lưới cụ... và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền lợi ích quốc gia, gây hại đến môi sinh, môi trường ở khu vực biên giới biển.
- Tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, ứng cứu giúp đỡ kịp thời ngư dân khi gặp thiên tai, tai nạn trên biển, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống xảy ra.
2. Giải pháp thực hiện
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phố biển pháp luật cho nhân dân
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các quy định của pháp luật Việt Nam: Như Luật biên giới Quốc gia, Nghị định 161/2003/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới biển; Luật Biển Việt Nam; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định 103/2013/NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực thủy sản và các Hiệp định, Hiệp ước Việt Nam đã ký kết như: Hiệp định phân định Vịnh bắc bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên khu vực biên giới biển;
- Tổ chức mở các hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; thông qua các buổi sinh hoạt của các chi bộ và các tổ chức quần chúng, tuyên truyền cho các chức sắc, chức việc của các tôn giáo, người có uy tín trong các dòng họ, thôn xóm... In ấn tờ rơi, tờ gấp cấp phát cho nhân dân; xây dựng các pa nô, áp phích trên các cửa sông, khu vực neo đậu tàu thuyền ...
- Hàng năm tổ chức mở các lớp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng là các thuyền trưởng, máy trưởng. Tập trung bồi dưỡng kiến thức về Luật biển, nhất là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
b) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển và giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển của tỉnh
- Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chủ trì phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển vùng 1, Bộ đội Biên phòng các tỉnh tiếp giáp, Chi cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh và các huyện ven biển tổ chức tuần tra, kiểm soát nắm tình hình trên biển; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển; buôn lậu, gian lận thương mại, sử dụng thuốc nổ, xung điện khai thác hải sản trái phép... kiểm tra chặt chẽ người, phương tiện ra vào cửa sông, bến đậu... chấp hành theo quy định của pháp luật.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND tỉnh, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu, thông báo, kêu gọi ngư dân, tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
Xây dựng và duy trì các chương trình phối hợp, phát huy thế trận an ninh nhân dân, các phong trào “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, phong trào “3 giỏi 2 vững mạnh”; thực hiện có hiệu quả các hương ước, quy ước và hoạt động của tổ hòa giải các địa phương.
- Các đơn vị, các ngành, các địa phương liên quan
Xây dựng Quy chế phối hợp của các lực lượng: Công an, Quân sự, Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, địa phương 3 huyện ven biển trong phối hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển và giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.
Phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng các tổ tự quản về an ninh trật tự; tổ tàu thuyền an toàn gắn với tổ tàu thuyền liên kết trên biển, nhất là các tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ nhằm tăng khả năng hỗ trợ, bảo vệ giúp đỡ nhau trong sản xuất, trong đối phó với các tình huống thiên tai, tai nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Tổ chức mạng thông tin liên lạc giữa các lực lượng và ngư dân để nắm chắc mọi diễn biển tình hình lao động, sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực đầm bãi và các vùng biển.
c) Hướng dẫn sắp xếp lại cơ cấu sản xuất theo quy hoạch, đảm bảo hợp lý, ổn định và phát triển bền vững
- Các huyện ven biển phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát, đánh giá đúng tình hình đặc điểm vùng biển, số lượng bến bãi, lực lượng phương tiện làm nghề biển; số chủ đầm, vây vạng ... để quy hoạch tạo vùng sản xuất phù hợp với từng ngành nghề và năng lực khai thác của từng địa phương; hướng dẫn thành lập các mô hình tổ hợp tác, Hợp tác xã và doanh nghiệp nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản để nâng cao năng lực sản xuất và tạo công ăn việc làm đảm bảo đời sống của người lao động; gắn với thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển và khu vực biên giới biển.
- Các địa phương thống nhất với Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì hoạt động của các tổ tự quản về an ninh trật tự; tích cực hỗ trợ cho ngư dân vay vốn phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/CP của Chính phủ để từng bước giảm dần số lượng phương tiện nhỏ khai thác ven bờ kém hiệu quả.
d) Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện
- Hỗ trợ và yêu cầu ngư dân trang bị máy thông tin 2 chiều đảm bảo liên lạc giữa các phương tiện trên biển với nhau và với đất liền;
- Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ kiên quyết không cho người, phương tiện ra biển nếu không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn. Trước mắt đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ (có công suất 90CV trở lên) nhất thiết phải trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM) và đăng ký tần số liên lạc, vị trí ngư trường khai thác với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng để thường xuyên liên lạc thông báo được kịp thời;
- Các ngành, các địa phương có chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các chủ phương tiện, thuyền viên khi gặp nạn, nhất là đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo và lực lượng dân quân biển;
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá và khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền theo quy hoạch.
d) Xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển trong tình hình mới.
- Xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển. Tăng cường giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ, pháp luật cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu;
- Tăng cường khả năng tìm kiếm - cứu nạn, từng bước xây dựng lực lượng có tính chuyên nghiệp cao. Đầu tư đóng mới phương tiện, mua sắm trang bị hiện đại phục vụ tìm kiếm - cứu nạn, xử lý các tình huống xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân an tâm sản xuất.
IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, nhất là ngư dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về chủ quyền vùng biển Việt Nam, nắm vững các quy định của pháp luật, các Hiệp định, Hiệp ước, luật pháp quốc tế về biển... Hướng dẫn cho ngư dân các biện pháp đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, phòng tránh thiên tai trên biển. Phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, hỗ trợ nhau trong sản xuất khi có thiên tai, tai nạn xảy ra.
- Chủ trì hiệp đồng với các lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển vùng I, Hải đoàn 38BP, Chi Cục kiểm ngư, Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển theo chức năng nhiệm vụ và phạm vi được phân công; giám sát hoạt động nghề cá đúng pháp luật và thỏa thuận trong vùng nước Hiệp định, đảm bảo an toàn cho ngư dân sản xuất trên biển.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong xử lý các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự của người, phương tiện nước ngoài đúng chủ trương pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Ngoại giao để thông tin, xử lý các vụ việc xảy ra trên biển liên quan đến người nước ngoài.
- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện đảm bảo an toàn trước khi ra khơi, hoạt động ở khu vực ven biển, cửa sông, đầm bãi.
- Phối hợp với địa phương thành lập các tổ tự quản an ninh trật tự trên khu vực đầm bãi và trên các phương tiện đánh bắt xa bờ. Chủ trì phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và địa phương tích cực đấu tranh, kiên quyết xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc nổ, xung điện để khai thác thủy, hải sản và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên khu vực biên giới biển.
- Tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong đấu tranh, giải quyết các vụ việc vi phạm quy định tôn giáo, an ninh trật tự, không để khiếu kiện kéo dài phức tạp gây mất an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.
- Duy trì mạng thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu quản lý và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhất là vùng biển xa bờ. Duy trì các điểm bắn pháo hiệu thông báo bão, áp thấp nhiệt đới. Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra.
- Tham mưu cho UBND tỉnh sơ, tổng kết, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển hàng năm và định kỳ 5 năm theo hướng dẫn của Chính phủ.
- Đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn trang bị cho tỉnh Nam Định và giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý, sử dụng 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm - cứu nạn có sức chịu được sóng trên cấp 7, thời gian hoạt động liên tục dài ngày trên biển.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện ven biển củng cố vững chắc khu vực phòng thủ trên tuyến biển của tỉnh; phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khi có tình huống xảy ra trên vùng biên giới biển của tỉnh;
- Hàng năm chủ trì, phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dân quân tự vệ biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh tuyến biển;
- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng và UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng đảm bảo lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển của tỉnh;
3. Công an tỉnh
- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; phòng chống các loại tội phạm; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung kích điện khai thác thủy sản... trên khu vực biên giới biển;
- Thường xuyên xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; có kế hoạch phương án bảo vệ an toàn địa bàn, giải quyết các tình huống phức tạp an ninh trật tự, phòng chống thiên tai và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan khi được phân công.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự và các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thủy sản; Chỉ thị số 805/CT-BNN-TCTS ngày 06/3/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng và an toàn tàu cá năm 2014; Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính Phủ về quản lý hoạt động khai thác hải sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông liên hệ, triển khai các dự án hỗ trợ, từng bước yêu cầu ngư dân mua sắm các trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc trên tàu cá theo nội dung Thông tư 15/2011/TT-BNNPTNT về ban hành Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tàu cá, đảm bảo liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các dự án hạ tầng phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn và hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
- Tăng cường chỉ đạo các Trạm kiểm ngư - Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các trạm kiểm soát biên phòng; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển. Hướng dẫn, tổ chức thông tin, thông báo, chỉ đạo kịp thời bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên các vùng biển.
- Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
5. Sở Tư pháp
Hướng dẫn và phối hợp với UBND các huyện ven biển tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân các xã, thị trấn ven biển; tuyên truyền phổ biến cho nhân dân nhất là ngư dân về: Luật biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP; Luật Biển Việt Nam; Hiệp định phận định Vịnh Bắc bộ; Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; Nghị định số 66/2005/NĐ-CP; Nghị định số 33/2010/NĐ-CP; Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg; Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
6. Sở Giao thông Vận tải
- Hàng năm thực hiện tốt công tác đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động trên biển và giao thông thủy nội địa theo nhiệm vụ được phân cấp. Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức mở các lớp đào tạo cho thuyền trưởng, máy trưởng tàu vận tải.
- Tham mưu, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải xây dựng tuyến đường ven biển và các đường nhánh nối ra đê biển phục vụ cho giao thông vận tải phòng chống lụt bão, và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
7. Sở Tài chính
Căn cứ vào các quy định của Luật ngân sách nhà nước, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kinh phí đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Đề án.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh. Nhằm động viên phát huy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới vùng biển, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh.
9. UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tuyến biển. Tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật khi hoạt động sản xuất trên biển, trong phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, ngư dân khai thác trên biển;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng quy hoạch các vùng sản xuất và thành lập mô hình sản xuất, các tổ tự quản về an ninh trật tự trên biển, khu vực đầm bãi, bến neo đậu tàu thuyền phù hợp với tình hình của từng địa phương; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển;
- Tổ chức quán triệt, triển khai trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm về chủ quyền vùng biển, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực Biên giới biển; Nghị định số 66/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản... các văn bản pháp luật khác, các quy định của UBND tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự và công tác đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên khu vực biên giới biển;
- Hàng năm các đơn vị Quân sự, Công an, Biên phòng và địa phương triển khai kế hoạch hiệp đồng sử dụng lực lượng trong giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn;
- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ đội Biên phòng kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển; tham gia tìm kiếm, cứu hộ bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên vùng biển.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh làm Phó ban; tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an, Quân sự, Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 01 đồng chí Chỉ huy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
2. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách địa phương đảm bảo. Hàng năm các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, phối hợp với Sở Tài chính lập dự trù kinh phí bảo đảm trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
3. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án của các địa phương, đơn vị. Thường xuyên tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.