Nội dung toàn văn Quyết định 605/QĐ-UBND đơn giản hóa thủ tục hành chính 2013 Bà Rịa Vũng Tàu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 605/QĐ-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 25 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2013 THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện rà soát thủ tục hành chính năm 2013 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 489/TTr-STP ngày 19 tháng 3 năm 2014 về việc đề nghị phê duyệt quyết định thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2013 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Chi tiết tại phụ lục đính kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
1. Thủ tục “đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài cấp”
1.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị sửa đổi thời hạn sử dụng “Giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú, phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam”
Lý do:
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ tại Việt Nam cho người nước ngoài hợp tác đầu tư, công tác tại Việt Nam. Đặc biệt là Việt kiều và người nước ngoài lấy vợ Việt Nam thường được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn 5 năm nhưng gia hạn lưu trú chỉ có 3 tháng, như vậy cứ 3 tháng họ phải làm thủ tục đổi GPLX 01 lần gây phiền hà, tốn kém thời gian đi lại và tiền bạc cho người nước ngoài do phải thường xuyên làm thủ tục đổi GPLX Việt Nam. Vì thế quy định thời hạn giấy phép lái xe đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú là không hợp lý.
1.2. Kiến nghị thực thi:
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi điểm a khoản 7 Điều 53 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 về việc quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. “a. Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú, phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam” thành “a. Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn 03 năm”.
1.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 149.011.200 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 44.703.306 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 104.307.840 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 70%.
2. Thủ tục “Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai”
2.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị sửa đổi yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC “Có hợp đồng mua LPG chai với đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này; thời hạn hợp đồng tối thiểu là 01 (một) năm, còn hiệu lực thi hành”
Lý do:
Nghị định 105/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, tại điểm b khoản 2 Điều 29 quy định xử phạt hành vi “Ký hợp đồng với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý hoặc cửa hàng bán LPG chai”
Do đó, trong thời gian triển khai Nghị định 105/2011/NĐ-CP đã gặp bất cập trong việc: đại lý không dám ký hợp đồng với cửa hàng đang làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG chai, còn cửa hàng không ký được hợp đồng với đại lý hay tổng đại lý để đáp ứng điều kiện theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 107/2009/NĐ-CP.
2.2. Kiến nghị thực thi:
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Nghị định này đã bãi bỏ Nghị định 105/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Như vậy đã có sự thống nhất giữa các quy định về kinh doanh LPG. Không còn bất cập trong quá trình thực hiện.
3. Thủ tục “Cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp”
3.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị sửa đổi yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC:
- Nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển và vận hành an toàn theo quy định tại Luật Hóa chất; Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
- Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;
- Người trực tiếp tiếp xúc với hóa chất của cơ sở kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất;
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật trong cơ sở kinh doanh hóa chất phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 12 của Luật Hóa chất;
- Có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại hoặc có hợp đồng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Lý do:
Một số nơi cửa hàng không chuyên kinh doanh hóa chất nhưng phải có hóa chất đi kèm mới bán được. Ví dụ như doanh nghiệp kinh doanh bình ắc quy chì, do đặc thù mặt hàng này phải có dung dịch đi kèm là acid sulphuric (H2S04) hàm lượng từ 20- 37% châm vào bình ắc quy thì bình mới hoạt động được; Thực tế cửa hàng bán bình ắc quy; dự trữ dung dịch acid sulphuric để châm vào bình khi bán cho khách hàng. Do đó theo quy định, cửa hàng của doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; Quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới được phép hoạt động được. Trong đó có điều kiện về bằng cấp, giấy chứng nhận về đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất của người quản lý, người trực tiếp kinh doanh.
3.2. Kiến nghị thực thi:
- Đề nghị Bộ Công thương nên có quy định riêng cho các cửa hàng không chuyên kinh doanh hóa chất nhưng phải có hóa chất đi kèm mới bán được hàng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 26/2011/NĐ-CP quy định về biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nhưng chưa có văn bản quy định cho cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận, đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn về việc thẩm quyền xác nhận đối với phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.