Nội dung toàn văn Quyết định 64/2017/QĐ-UBND cơ chế chính sách bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh rừng Quảng Ngãi
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2017/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 25 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI TÁI SINH RỪNG, TRỒNG RỪNG, PHÁT TRIỂN LÂM SẢN NGOÀI GỖ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2015/NĐ-CP NGÀY 09/9/2015 CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CÁC XÃ CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI KHÓ KHĂN (KHU VỰC II VÀ III) GIAI ĐOẠN 2015-2020 TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách Bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 27 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, , sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2728/TTr-SNNPTNT ngày 08 tháng 9 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) giai đoạn 2015-2020 tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI TÁI SINH RỪNG, TRỒNG RỪNG, PHÁT TRIỂN LÂM SẢN NGOÀI GỖ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2015/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 9 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CÁC XÃ CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI KHÓ KHĂN (KHU VỰC II VÀ III) GIAI ĐOẠN 2015-2020 TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2017/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại Quy định này được áp dụng cho các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (Khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định.
b) Các nội dung khác không quy định tại Quyết định này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định và có hộ khẩu thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.
b) Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Điều 54 Luật Đất Đai, tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.
c) Các Đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ.
Điều 2. Nội dung và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ, trợ cấp
1. Nội dung hỗ trợ, trợ cấp
a) Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung.
b) Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ.
c) Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy.
d) Hỗ trợ về giống cây trồng lâm nghiệp và phân bón.
2. Nguyên tắc thực hiện hỗ trợ, trợ cấp
a) Cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại Quy định này được thực hiện công khai, phát huy mạnh mẽ tính dân chủ từ cơ sở trong việc lựa chọn nội dung thực hiện cơ chế, chính sách.
b) Các loại giống cây trồng lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, phân bón thực hiện trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ phải nằm trong danh mục, định mức kỹ thuật tại Phụ lục 02 kèm theo Quy định này.
Điều 3. Mức hỗ trợ, trợ cấp
1. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung
a) Đối tượng rừng: Rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
b) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.
c) Mức hỗ trợ: 6.600.000 đồng/ha/6 năm.
(Chi tiết theo Phụ lục số 01)
2. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ
a) Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.
b) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.
c) Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/ha.
3. Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
a) Đối tượng được trợ cấp: Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
b) Hình thức trợ cấp: Bằng gạo hoặc bằng tiền.
c) Mức trợ cấp: 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp; trợ cấp 4 lần/năm nhưng tối đa không quá 03 tháng một lần, thời gian trợ cấp 12 tháng/năm, trong vòng 7 năm.
4. Danh mục giống cây trồng, phân bón và định mức kỹ thuật về giống, phân bón đối với các loại cây trồng lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ hỗ trợ thực hiện theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
(Chi tiết theo Phụ lục số 02)
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Trước ngày 15 tháng 6 hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí cho cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy đồng thời tổng hợp kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
b) Kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá và báo cáo định kỳ về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định và quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ.
c) Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh mới về chủng loại, định mức kỹ thuật đối với giống cây trồng và phân bón, phải chủ động bổ sung, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
d) Hướng dẫn lập thiết kế và dự toán: Trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung để triển khai thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ UBND huyện, xã thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy tại địa phương.
2. Giao các sở, ban ngành có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Quy định này; kịp thời phát hiện các sai sót trong việc thực hiện Quy định, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
3. Giao UBND các huyện
a) Trước ngày 30 tháng 5 hàng năm, UBND huyện căn cứ Thông tư Liên tịch số 93/2016/TT-BTC-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quy hoạch Bảo vệ phát triển rừng của huyện giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt, lập kế hoạch và nhu cầu kinh phí để thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy năm sau gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.
b) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ.
c) Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn huyện.
d) Thẩm định, phê duyệt kế hoạch và giao vốn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ cho các xã.
đ) Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã tham gia chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; phân công cán bộ các phòng, ban thuộc huyện hỗ trợ UBND xã thực hiện tốt nhiệm vụ của chủ đầu tư.
e) Tổ chức lồng ghép và huy động các nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện theo Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.
g) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn huyện. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo định kỳ hàng quý và đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi).
h) Thực hiện phê duyệt thiết kế - dự toán bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn để làm cơ sở thực hiện cơ chế, chính sách.
4. Giao UBND cấp xã
a) Làm chủ đầu tư thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ trên địa bàn xã, chịu trách nhiệm thực hiện trên địa bàn trước UBND huyện.
b) Xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn xã.
c) Xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tham gia thực hiện, xây dựng kế hoạch hàng năm, trình UBND huyện phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở, tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ hàng quý, đột xuất về UBND huyện.
5. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp, các địa phương kiến nghị với UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.