Nội dung toàn văn Quyết định 84/QĐ-UBND 2018 yêu cầu kỹ thuật cơ bản của hệ thống tưới tiết kiệm nước Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 06 tháng 03 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÁC YÊU CẦU KỸ THUẬT CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1187/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định tạm thời “Định mức dự toán xây dựng mô hình khuyến nông về tưới nước cho cây trồng cạn bằng biện pháp tưới phun mưa”;
Thực hiện Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9169: 2012 về công trình Thủy lợi - Hệ thống tưới tiết kiệm nước - Quy trình tưới nhỏ giọt; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9170:2012 về công trình Thủy lợi - Hệ thống tưới tiết kiệm nước - Quy trình tưới phun mưa (ban hành kèm theo Công văn số 3227/BNN-KHCN ngày 06/7/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
Theo Sổ tay hướng dẫn Quy trình Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 38/TTr-SNNPTNT ngày 07/02/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của hệ thống tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm: 2 Chương, 5 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ CÁC YÊU CẦU KỸ THUẬT CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng với các loại cây trồng cạn (Hành, tỏi, ớt, cà chua, măng tây, nha đam, bắp, đậu xanh, mía, nho, táo, bưởi, cây ăn quả khác,...) theo đặc điểm từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để xem xét, hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Một số khái niệm về tưới tiết kiệm nước
1. Hệ thống tưới tiết kiệm nước là hệ thống tưới được sử dụng các thiết bị tiên tiến nhằm cung cấp lượng nước tưới theo nhu cầu của cây trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển kịp thời và hiệu quả nhất. Hệ thống tưới tiết kiệm nước phổ biến hiện nay tại Ninh Thuận là tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa.
2. Tưới phun mưa là hình thức cấp nước cho cây trồng dưới dạng mưa nhân tạo thông qua thiết bị tạo dòng phun mưa (tia mưa) thích hợp, gồm các hình thức: Tưới phun mưa cấp hạt thô và tưới phun mưa cấp hạt mịn.
3. Tưới nhỏ giọt là một dạng cơ bản của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Đây là hình thức đưa nước trực tiếp trên mặt đất đến vùng gốc cây trồng một cách liên tục dưới dạng từng giọt nhờ các thiết bị đặc trưng là các vòi tạo giọt, bao gồm các hình thức: Tưới nhỏ giọt trên mặt ruộng (rải dây tưới nhỏ giọt trên mặt đất của luống cây trồng); tưới nhỏ giọt ngầm (chôn dây tưới xuống đất).
Chương II
YÊU CẦU KỸ THUẬT CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC
Điều 3. Yêu cầu thiết bị và thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước
1. Yêu cầu kỹ thuật cơ bản của một hệ thống tưới tiết kiệm nước gồm:
a) Nguồn nước: Nước từ ao, hồ, kênh mương, giếng khoan được đưa vào bể chứa,,..; trong trường hợp nguồn nước chất lượng kém cần phải có hệ thống lọc. Nguồn nước cấp cho hệ thống tưới phải đảm bảo không có rác và hạn chế tối đa thành phần chất lơ lửng như cát, sạn,... Đối với nguồn nước có kim loại nặng như sắt thì phải có giải pháp xử lý lắng kết tủa trước khi đưa vào tưới. Để an toàn cho các thiết bị tưới không bị tắc, cần lắp bộ lọc ngay sau máy bơm;
b) Máy bơm áp lực: Bơm nước từ nguồn nước vào đường ống dẫn tới các thiết bị tưới;
c) Hệ thống lọc: Tùy theo chất lượng nguồn nước, hình thức tưới có thể sử dụng các loại hệ thống lọc như: Bể lọc, bộ đĩa lọc,...;
d) Đường ống dẫn nước có thể dùng bằng ống nhựa PVC, ống kẽm và một số loại ống hiện có trên thị trường hiện nay. Kích cỡ đường ống lắp đặt dựa trên kết quả tính toán thủy lực cho từng chức năng khác nhau (đường ống chính, đường ống nhánh,...);
f) Các thiết bị tưới tiết kiệm nước khác: Vòi nhỏ giọt (đối với hệ thống tưới nhỏ giọt); vòi phun (đối với hệ thống tưới phun nước); van, van điều áp, cút nối, cút góc, tê, nối ren trong, nối ren ngoài (là các thiết bị phụ trợ liên kết giữa các đoạn ống dẫn nước và các phụ kiện thiết bị kèm theo): Chất liệu, thiết kế, cách thức hoạt động tùy thuộc vào nhà sản xuất và cung ứng thiết bị hiện có trên thị trường.
2. Yêu cầu thiết kế hệ thống và thiết bị:
a) Thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm đồng bộ theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đảm bảo vận hành sử dụng thuận tiện, hiệu quả, chi phí đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các thiết bị được đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có chứng nhận xuất xứ rõ ràng;
b) Thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với hình thức canh tác. Đối với quy mô diện tích lớn (≥ 01 ha), canh tác bằng cơ giới hóa thì nên ứng dụng hệ thống tưới di động, có thể tháo, lắp khi canh tác bằng máy. Đối với quy mô diện tích nhỏ (< 01 ha), nên ứng dụng hệ thống tưới cố định.
3. Yêu cầu lắp đặt, quản lý, vận hành:
a) Yêu cầu về thi công lắp đặt: Hệ thống tưới cần thi công theo trình tự: Nhà trạm máy bơm, bể chứa nước, hệ thống đường ống dẫn nước về khu tưới, cần thử áp lực để đảm bảo ống chịu được áp lực bơm của máy và chống rò nước trong quá trình lắp đặt. Sau đó sẽ lắp các thiết bị tưới mặt ruộng như vòi tưới hoặc dây tưới nhỏ giọt;
b) Yêu cầu về quản lý, vận hành và bảo dưỡng:
- Yêu cầu vận hành hệ thống tưới: Kiểm tra các thiết bị trước khi vận hành, vận hành theo trình tự, xử lý khi gặp sự cố;
- Đối với hệ thống tưới tiết kiệm nước thì yêu cầu chống tắc là đặc biệt quan trọng, cho nên nước tưới phải hạn chế tối đa thành phần chất lơ lửng, trong trường hợp này cần lắp lưới chắn rác ngăn rác vào rọ bơm. Mặt khác, do nhiều thiết bị để ngoài trời nên cần bảo dưỡng thường xuyên để tăng tuổi thọ cho thiết bị;
- Đối với hệ thống tưới phun mưa: Trong thời gian không có nhu cầu tưới thì phải tháo, lau khô vòi tưới và dây tưới, hạn chế thời gian để ngoài trời, giúp tăng tuổi thọ cho thiết bị tưới;
- Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt: Nếu trong thời gian không thường xuyên sử dụng như trong mùa mưa, để chống tắc vòi do hiện tượng kết tủa các chất lơ lửng trong nước tưới thì cứ 15 ngày cần vận hành tưới khoảng 15 đến 30 phút để bảo dưỡng.
Điều 4. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước áp dụng cho từng nhóm đối tượng cây trồng
Yêu cầu này áp dụng theo từng nhóm cây trồng được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước theo Quyết định 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh và một số cây trồng cạn khác trên địa bàn tỉnh.
1. Đối với những cây ăn quả và cây lâu năm như: Bưởi, Cam, mãng cầu, xoài,... sử dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt.
2. Đối với nhóm cây ăn quả (Nho, Táo): Sử dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa tầm thấp hoặc kết hợp 02 hình thức trên tùy thuộc vào từng điều kiện khác nhau (trong đó lưu ý kỹ thuật tưới nhỏ giọt có ưu điểm tiết kiệm được lượng nước tưới, kết hợp bón phân qua hệ thống tưới, sử dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất).
3. Nhóm cây rau, hoa màu (Hành, tỏi, ớt, cà chua, măng tây, nha đam, bắp, đậu xanh,...) và cỏ chăn nuôi: Đối với những cây rau, hoa màu và cỏ chăn nuôi,... sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa cấp hạt mịn để tránh ảnh hưởng đến lá và hoa của cây.
4. Nhóm cây Mía và cây công nghiệp: Áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt tùy từng điều kiện khác nhau. Đối với những cây trồng ở địa hình dốc hoặc trồng có chế độ thâm canh cao, trình độ cơ giới hóa tốt, trồng với diện tích tập trung lớn thì áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Đối với những cây trồng có mật độ dày (như mía), sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa tầm cao (tưới bắn súng).
Điều 5. Căn cứ thẩm định đầu tư Hệ thống tưới tiết kiệm nước
Các căn cứ để tổ chức thẩm định mức độ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước như sau:
1. Căn cứ vào các yêu cầu quy định tại Điều 3, Điều 4 Quy định này.
2. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam và Sổ tay hướng dẫn Quy trình Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Căn cứ Quyết định số 1187/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Căn cứ chứng từ mua thiết bị do nhà đầu tư cung cấp, giá bán thiết bị thực tế của từng nhà cung cấp trên thị trường tại địa phương./.