Thông báo 15/VP-TH

Thông báo số 15/VP-TH về việc ý kiến kết luận của Bộ truởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 do Bộ Tư pháp ban hành

Nội dung toàn văn Thông báo 15/VP-TH ý kiến kết luận Bộ truởng Hà Hùng Cường Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008


BỘ TƯ PHÁP
VĂN PHÒNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 15/VP-TH
“V/v thông báo ý kiến kết luận của Bộ truởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ;
- Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thủ trưởng các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành.

 

Trong các ngày 03, 04 tháng 01 năm 2008, ngành Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 tại Hà Nội. Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các Thứ trưởng: Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng. Thành phần tham gia Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc và Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số Trưởng phòng Công chứng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã phát biểu ý kiến kết luận và chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến việc triển khai công tác năm 2008 của Ngành. Văn phòng Bộ xin gửi tới các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành toàn văn ý kiến kết luận của Bộ trưởng để nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận: 
- Như trên;
- Bộ trưởng (b/c);
- Các Thứ trưởng (b/c);
- TTTH (đưa lên mạng);
- Lưu VP (VT, TH).

CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Duy Lãm

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HÀ HÙNG CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2008

1. Về công tác tổ chức Hội nghị:

Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 được tổ chức thành công theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: thực chất, hiệu quả, tiết kiệm. Trên tinh thần đổi mới toàn diện, công tác chuẩn bị Hội nghị được chủ động triển khai, nội dung Hội nghị sát với yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành, thành phần tham dự cơ bản phù hợp với nội dung, văn kiện Hội nghị có chất lượng, cách thức điều hành Hội nghị dân chủ, cởi mở.

Trong không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe và thảo luận Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, dự thảo Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, các báo cáo chuyên đề về công tác thi hành án dân sự và công tác công chứng, chứng thực, Báo cáo tổng kết công tác thi đua năm 2007, phát động phong trào thi đua năm 2008. Về cơ bản, Hội nghị nhất trí cao với nội dung các văn kiện trình Hội nghị.

Hội nghị có 17 ý kiến tham luận về những vấn đề khác nhau liên quan đến các lĩnh vực công tác của Ngành. Các ý kiến tham luận đặt trúng vấn đề, nhìn thẳng vào sự thật, tuy nội dung đa dạng, phong phú nhưng rất tập trung, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc với công việc của các đại biểu. Hội nghị đã tập trung được trí tuệ tập thể để đánh giá đúng kết quả công tác năm qua; nhận rõ các hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, phân tích sâu nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; xác định cơ bản chính xác phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2008, đồng thời tìm ra các giải pháp thực hiện, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, để tạo ra những chuyển biến mạnh trong năm 2008, tạo đà cho những năm tiếp theo.

2. Những kết quả tích cực đã đạt được:

Năm 2007, công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đã đạt được nhiều thành tích, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương và cả nước, nổi bật trong một số lĩnh vực sau:

- Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đạt nhiều kết quả, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và uy tín cho Ngành. Năm 2007, toàn Ngành đã xây dựng, tham mưu xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra một số lượng lớn VBQPPL các loại. Công tác văn bản đã đi vào nền nếp, sắc nét hơn, tiến độ có tiến bộ hơn, được Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Bộ, ngành tin cậy hơn, giao nhiều nhiệm vụ hơn.

- Công tác thi hành án dân sự, tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và về cơ bản đạt được chỉ tiêu đầu năm đặt ra, góp phần ổn định trật tự xã hội, an ninh nông thôn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

- Công tác hành chính tư pháp có nhiều đổi mới (như: phân cấp mạnh cho cấp huyện, cấp xã thực hiện hoạt động chứng thực; việc chuyên nghiệp hóa, xã hội hoá hoạt động công chứng được đẩy mạnh) nhờ đó, hoạt động công chứng, chứng thực đã tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng quá tải trong hoạt động của các Phòng Công chứng tồn tại nhiều năm qua đã được giải quyết về cơ bản; Công chứng viên có điều kiện chuyên sâu về nghiệp vụ đích thực của mình; một số Sở Tư pháp đã tham mưu kịp thời cho UNND tỉnh, thành phố tạo nguồn công việc phù hợp cho các Phòng Công chứng. Công tác hộ tịch được thực hiện tốt hơn, giá trị của giấy tờ hộ tịch được các cơ quan, tổ chức và người dân tôn trọng, tin tưởng.

- Công tác bổ trợ tư pháp tiếp tục chú trọng việc xã hội hoá hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá tài sản, giám định tư pháp; tiếp tục phát triển mạng lưới tổ chức, kiện toàn đội ngũ, nâng cao năng lực hoạt động để phục vụ đắc lực hơn các nhiệm vụ của cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức và người dân; một số Sở Tư pháp đã tham mưu cho UNND tỉnh tập trung công việc đấu giá cho Trung tâm đấu giá theo đúng tinh thần Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý sát với nhu cầu thực tiễn, tiếp tục cải tiến về phương thức thực hiện, nên đi vào thực chất hơn; việc kết hợp hoạt động trợ giúp pháp lý với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm và phát huy hiệu quả. Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm dần đi vào nề nếp và có xu hướng phát triển mạnh.

- Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý đạt nhiều thành tích như: hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế tiếp tục được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động; đội ngũ cán bộ của Ngành từng bước được tăng cường về số lượng, củng cố chất lượng; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được quan tâm hơn; hoạt động đào tạo luật và đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp áp dụng nhiều cách làm mới để nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu về cán bộ của Ngành và xã hội; kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, có một số đóng góp mới cho khoa học pháp lý.

- Công tác thi đua khen thưởng dần đi vào nền nếp, việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm hơn; việc phát động, tổ chức, duy trì, kiểm tra, đôn đốc các phong trào thi đua, đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua được thực hiện tương đối kịp thời, chặt chẽ có tác dụng thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, từng cá nhân.

- Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều điểm mới. Mặc dù trong năm 2007, Bộ Tư pháp có sự chuyển giao về nhân sự lãnh đạo, số lượng các Thứ trưởng tạm thời ít hơn so với trước, song với tinh thần trách nhiệm cao, công tác bàn giao được tiến hành kịp thời, đúng quy định; việc chỉ đạo điều hành các hoạt động của Ngành được bảo đảm liên tục, duy trì tốt và có bước phát triển mới. Hoạt động chỉ đạo, điều hành hướng mạnh về cơ sở, sát sao, cụ thể, kịp thời và quyết liệt hơn; mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền ở địa phương và Lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương được tăng cường, giúp tư pháp địa phương tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.

3. Những tồn tại, hạn chế, yếu kém:

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác tư pháp năm 2007 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém, nổi lên như sau:

- Nhiều mặt hoạt động của Ngành còn mang tính chuyên môn thuần tuý, chưa thực sự bám sát nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, ngành, địa phương đề ra; chưa nhạy bén trước những vướng mắc lớn trong công tác thực hiện pháp luật và một số lĩnh vực quản lý của Ngành.

- Chất lượng hoạt động trong một số lĩnh vực công tác chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra, nhất là trong hoạt động thẩm định VBQPPL và thi hành án dân sự;

- Chưa quan tâm đầy đủ đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư về thể chế của Ngành, bởi vậy nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời;

- Trừ một số lĩnh vực như trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, các lĩnh vực khác đều chưa xây dựng được chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; Bộ chưa có đơn vị tham mưu về xây dựng kế hoạch;

- Bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ của Ngành tuy có nhiều trưởng thành trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu công việc. Một số thiết chế tổ chức của Ngành (như: tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm) đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch thiếu về số lượng, nhiều nơi bố trí không phù hợp, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ lại chưa được kịp thời bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cần thiết dẫn đến tình trạng quá tải công việc, bất cập với yêu cầu mới, nhất là trong tình hình thực hiện phân cấp mạnh cho cơ sở trong một số lĩnh vực công tác như hiện nay. Một số địa phương chưa quan tâm tăng cường biên chế cho các cơ quan tư pháp;

- Quan hệ phối hợp trong một số lĩnh vực công tác giữa ngành Tư pháp với các Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương; giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp với nhau; trong nội bộ Bộ Tư pháp, mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đồng bộ, rộng khắp và thường xuyên;

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn yếu. Công tác thống kê, chế độ báo cáo, cơ chế thông tin hai chiều còn nhiều hạn chế; số liệu báo cáo không đầy đủ, một số trường hợp thiếu chính xác.

4. Phương hướng công tác năm 2008:

Năm 2008 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 với quyết tâm của Chính phủ phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Đối với ngành Tư pháp, năm 2008 cũng là năm bản lề trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Đây là năm có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Ngành phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới.

Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; chương trình, kế hoạch công tác của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, toàn Ngành triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, áp dụng đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá, để tạo chuyển biến mạnh trong các lĩnh vực của Ngành, nhất là trong công tác thẩm định văn bản và thi hành án dân sự, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2008 của cả nước, mỗi Bộ, ngành và các địa phương.         

5. Các nhiệm vụ chủ yếu:

Từ phương hướng nói trên, các tổ chức, đơn vị trong Ngành tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trong Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, đặc biệt nhấn mạnh 03 nhiệm vụ mang tính đột phá của Ngành là:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

- Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, dự thảo VBQPPL mà Ngành được giao chủ trì soạn thảo theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND năm 2008, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp những mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; các văn bản liên quan đến thể chế Ngành như: Luật Thi hành án, Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật Đăng ký bất động sản, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Lý lịch tư pháp; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)...

- Đẩy nhanh tiến độ thẩm định VBQPPL, tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến được chứng minh bằng những lập luận, dẫn chứng rõ ràng, đảm bảo ý kiến thẩm định có giá trị thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dự thảo văn bản, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng.

- Tập trung kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ngành; nghiên cứu xây dựng, báo cáo Chính phủ Đề án Tổng rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện thí điểm việc rà soát ở một số địa bàn, lĩnh vực. Tập trung kiểm tra theo một số chuyên đề, lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội như: đất đai, môi trường; tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức...); tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi quá trình xử lý các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện.

- Chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những vấn đề chung về xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

- Chú trọng công tác thẩm định dự thảo các điều ước quốc tế, góp phần đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các hoạt động rà soát các văn bản pháp luật theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thứ hai: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá, thực sự tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội.

- Tập trung giải quyết một bước căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, hạn chế làm phát sinh việc tồn đọng mới, tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành; phấn đấu giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2007; tập trung chỉ đạo điểm để thực sự tạo chuyển biến cơ bản trên địa bàn Hà Nội, nâng cao hiệu quả thi hành án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự; tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh, nếu có thì phải kịp thời giải quyết từ cơ sở.

- Xây dựng Luật Thi hành án dân sự; triển khai xây dựng Đề án về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án; thực hiện thí điểm Đề án Thừa phát lại ở TP.Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai ở một số địa phương khác có số lượng việc thi hành án lớn.

- Kiện toàn tổ chức, cán bộ, nâng cao vị thế của Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án địa phương.

Thứ ba: Tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tập trung cao độ việc hoàn thiện thể chế của Ngành, kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan tư pháp các cấp.

- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với hoạt động tư pháp. Các đơn vị trong Ngành rà soát để loại bỏ ngay những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết trong các hoạt động của mình; chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc, các loại biểu mẫu, giấy tờ và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, công khai hoá trên các trang thông tin điện tử để mọi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đều có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ngành trong Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các tỉnh, thành phố; tiến hành các công việc cần thiết để sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

- Chủ động xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc liên tịch ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật về thể chế Ngành; tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh thi hành án dân sự còn thiếu để giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự.

- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức của Ngành từ Trung ương tới địa phương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp, cơ quan Thi hành án địa phương; chú trọng nâng cao năng lực cho Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã, vị trí, vai trò cho cơ quan thi hành án dân sự, tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

- Chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển nghề công chứng, luật sư và mạng lưới cơ quan công chứng, tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động công chứng, giám định tư pháp.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là tư pháp cấp huyện cấp xã và cán bộ thi hành án trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Các đơn vị cần xây dựng cơ cấu nhân sự hợp lý từ đó đề xuất việc tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút những người có năng lực, trình độ cao vào làm việc cho ngành Tư pháp.

- Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp cấp xã và cấp huyện để đội ngũ này có đủ năng lực để giải quyết công việc theo thẩm quyền.

- Nâng cao chất lượng đào tạo pháp luật, đào tạo nghề, nhất là các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, từng bước mở rộng quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp.

- Đẩy mạnh đào tạo trung học luật, đào tạo cán bộ tư pháp cho cơ sở, cho các vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan Tư pháp không nhất thiết phải đòi hỏi trình độ cử nhân luật, đặc biệt cho Tư pháp cấp huyện và cấp xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể thực trạng đào tạo trung học pháp lý hiện nay và nhu cầu nhân lực có trình độ trung học pháp lý trong hoạt động của ngành Tư pháp, từ đó đề xuất phương án thành lập Trường Trung học Luật khu vực.

6. Một số giải pháp chung chủ yếu:

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, cần áp dụng một số giải pháp chung sau đây:

1. Tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc tập thể; cải tiến mạnh mẽ lề lối, tác phong làm việc; trang bị phương pháp làm việc khoa học, từng bước hiện đại; xây dựng, áp dụng các quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của Bộ và Ngành với sự phân công trách nhiệm, sự phối hợp công tác cụ thể, rõ ràng.

2. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ, các Sở, Phòng Tư pháp tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; thực hiện việc phân cấp mạnh gắn với chế độ trách nhiệm cho các đơn vị, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, xác định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, cơ chế phối hợp hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả công việc của từng đơn vị, từng cá nhân; tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách, biên chế và năng lực công tác, tạo chuyển biến mạnh từ tư pháp cơ sở.

3. Xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng thống nhất hoạt động của Ngành, nhất là trong công tác quản lý thi hành án dân sự, hộ tịch; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho công tác của Ngành, đặc biệt là cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

4. Tăng cường quan hệ công tác mang tính liên ngành, trong Ngành và trong nội bộ tổ chức, đơn vị của Ngành. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương trong các lĩnh vực xây dựng thể chế và chính sách, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của các cấp uỷ đảng, chính quyền; phối hợp với các sở, ngành địa phương, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Tư pháp trong các Hội đồng phối hợp công tác để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội thực hiện hiệu quả công tác tư pháp. Tăng cường quan hệ công tác giữa Bộ, các đơn vị thuộc Bộ với cơ quan tư pháp địa phương; giữa Bộ với các Tổ chức pháp chế; giữa tư pháp cấp tỉnh với cấp uỷ, chính quyền cấp huyện và giữa tư pháp cấp huyện với cấp uỷ, chính quyền cấp xã. Tăng cường phối hợp giữa các bộ phận trong một đơn vị; giữa các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.

7. Về những công việc cần làm sau Hội nghị:

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Tổ chức pháp chế bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai công tác năm 2008 phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành, địa phương mình. Các tổ chức, đơn vị đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2008 có biện pháp cập nhật, bổ sung các nội dung đã được kết luận tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp, đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Ngành. Mỗi đơn vị cần xác định trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, trách nhiệm thực hiện, các giải pháp áp dụng, nhất là các giải pháp đột phá để tạo chuyển biến mạnh trong các lĩnh vực công tác của Ngành.

Toàn Ngành đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả công việc của từng đơn vị, từng cá nhân.

Văn phòng Bộ có trách nhiệm tập hợp kết quả Hội nghị; hoàn thiện dự thảo Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, Quyết định ban hành Chương trình theo ý kiến đóng góp của Hội nghị, trình Bộ trưởng ký ban hành trong nửa đầu tháng 1/2008; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện Chương trình trọng tâm, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 15/VP-TH

Loại văn bảnThông báo
Số hiệu15/VP-TH
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành16/01/2008
Ngày hiệu lực16/01/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 15/VP-TH

Lược đồ Thông báo 15/VP-TH ý kiến kết luận Bộ truởng Hà Hùng Cường Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông báo 15/VP-TH ý kiến kết luận Bộ truởng Hà Hùng Cường Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008
                Loại văn bảnThông báo
                Số hiệu15/VP-TH
                Cơ quan ban hànhBộ Tư pháp
                Người kýNguyễn Duy Lãm
                Ngày ban hành16/01/2008
                Ngày hiệu lực16/01/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Thông báo 15/VP-TH ý kiến kết luận Bộ truởng Hà Hùng Cường Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008

                            Lịch sử hiệu lực Thông báo 15/VP-TH ý kiến kết luận Bộ truởng Hà Hùng Cường Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008

                            • 16/01/2008

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 16/01/2008

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực