Tiêu chuẩn ngành 04TCN22:2000

Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành


TIÊU CHUẨN NGÀNH

04 TCN 22:2000

QUY PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG VÀ KHAI THÁC CÂY LUỒNG

(Dendrocalamus membranaceus Munro)
(Ban hành theo Quyết định số :05/2000/QĐ-BNN/KHCN, ngày 25/01/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

Chương 1

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Nội dung, mục tiêu

Qui phạm này qui định những nguyên tắc về yêu cầu và nội dung kĩ thuật từ khâu xác định điều kiện gây trồng, tạo giống, trồng chăm sóc nuôi dưỡng quản lý bảo vệ đến khai thác rừng luồng để cung cấp nguyên liệu.

Điều 2. Nội dung

1. Qui phạm này áp dụng để trồng luồng theo phương thức toàn diện và cục bộ, có kết cấu thuần loài hoặc hỗn loài.

2. Đối với việc trồng luồng cục bộ vận dụng các điều khoản thích hợp.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Quy phạm này định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng luồng quy định ở Điều 27 được áp dụng cho tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trồng rừng luồng bằng vốn ngân sách , vốn vay ưu đãi.

Điều 4. Giải thích thuật ngữ

1. Cành chiết là cành giống được chiết từ trên cây mẹ.

2. Mắt cua là chồi ngủ nằm ở gốc cành, đây chính là mắt sinh ra thế hệ sau của cành giống.

4. Gốc cành là phần cành giáp với thân cây, phình to.

5. Cành thứ cấp là cành được sinh ra từ cành chính.

6. Giống gốc là cành giống được chiết và đã qua nuôi dưỡng ở vườn ươm đủ tiêu chuẩn để đem trồng rừng (đã có từ một thế hệ trở lên).

7. Khóm (búi): Từ một hom giống hoặc một gốc đem trồng qua quá trình sinh trưởng sinh ra nhiều cây, nhiều thế hệ thì tất cả các cây, các thế hệ này được gọi là một búi.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG

Điều 5. Điều kiện gây trồng.

1. Khí hậu : cây luồng thích hợp với các vùng có đặc trưng khí hậu như sau :

+ Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 220C ( mùa mưa từ 240C đến 280C);

+ Độ ẩm không khí trung bình hàng năm trên80%;

+ Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1500 mm, trong năm có mùa mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10.( Không trồng được ở Miền nam vì có mùa khô kéo dài).

2.  Địa hình : Độ cao tuyệt đối dưới 400 m, độ dốc dưới 300.

3. Đất đai : độ dày tầng đất trên 60 cm, đất ẩm, thoát nước; độ pHkcl của đất từ 3,8 đến 7; thảm thực bì là cây bụi, cây gỗ; không trồng Luồng trên những nơi đất ngập úng, đất mặn, đất phèn, đất đã bị đá ong hoá.

Chương 3 :

TẠO GIỐNG

Điều 6. Giống trồng rừng

1. Rừng Luồng được trồng bằng giống gốc, hom thân, hom chét, cành chiết.

2. Trồng rừng Luồng bằng cành chiết là hiệu quả nhất.

Điều 7. Tiêu chuẩn chọn cây mẹ và cành làm giống

1. Chọn cây mẹ sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, trong búi không có hiện tượng khuy, tuổi cây mẹ từ 6 đến 12 tháng tuổi.

2. Cành làm giống phải được lấy ở khu rừng giống đã được công nhận, tuổi rừng lấy giống phải trên 3 năm tuổi.

3. Chọn cành làm giống: Cành có gốc mắt cua không bị sâu thối, đường kính cành ở nơi giáp với gốc cành trên 0,7 cm; cành thứ cấp đã đủ lá.

Điều 8. Thời vụ chiết cành

Có hai vụ chiết cành chính là vụ xuân (tháng 1 đến tháng 3) và vụ thu (tháng 7 đến tháng 9).

Điều 9. Kỹ thuật tạo giống

1. Ngả cây mẹ: chỉ chặt 2 phần 3 đường kính thân cây mẹ ở vị trí cách gốc 50 đến 70 cm, vít cây nằm ngang để hai hàng cành chĩa sang hai bên.

2. Không được làm tổn thương mắt cua, gốc cành, không chặt ngọn cây mẹ.

3. Cắt bớt ngọn cành chỉ để lại từ 30 đến 40 cm.

4. Cưa 4 phần 5 phần tiếp giáp giữa gốc cành và thân cây mẹ theo hướng từ trên xuống; phía dưới gốc cành cưa mớm sâu 0,3 cm, hướng vuông góc với thân cây.

5. Cành được bó ở gốc cành bằng hỗn hợp bùn ao hoặc bùn ruộng với rơm băm nhỏ, tỷ lệ 2 bùn : 1 rơm theo thể tích; trọng lượng bầu bó từ 150 đến 200 gam. hỗn hợp bó cành phải đủ ẩm, dùng nilông kích thước 12 cm x 60 cm bọc kín hỗn hợp.

6. Khoảng 20 ngày sau; chọn những cành đã ra rễ màu vàng, đang hình thành rễ thứ cấp để giâm tại vườn ươm

Điều 10. Nuôi dưỡng cành giống tại vườn ươm

1.  Chọn vị trí vườn ươm:

- Đất làm vườn ươm là đất thịt nhẹ hoặc thịt trung bình, không bị ngập úng, độ dốc dưới 5o;

- Vườn ươm phải đủ ánh sáng, gần nguồn nước, thuận tiện cho việc vận chuyển.

2. Luống ươm: làm luống nổi, rộng 1,1 m đến 1,2 m, dài không quá 10 m, rãnh giữa hai luống rộng 40 cm.

3. Bón phân:

- Dùng phân chuồng hoai bón lót trước khi giâm cành từ 10 đến 15 ngày; lượng bón: từ 1 kg đến 3 kg trên 1 m2 mặt luống;

- Bón thúc cành giâm bằng phân NPK 2 lần vào thời điểm sau khi giâm 1 và 3 tháng; lượng bón từ 100 đến 200 gam hoà vào 5 lít nước tưới cho 1 m2.

4. Giâm cành: cành được giâm theo rạch, cự ly 40 cm x 25 cm; đặt cành hơi nghiêng một góc từ 700 đến 750 so với mặt luống, lấp và lèn thật chặt đất; tưới nước ngay sau khi giâm; lượng nước tưới từ 10 đến 15 lít trên 1 m2 mặt luống.

5. Tạo giàn che cao khoảng 60 cm, độ che sáng 60% đến 70%; thời gian che sáng 30 đến 40 ngày kể từ lúc giâm cành.

6. Tưới nước: tháng đầu từ 4 đến 5 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới từ 8 lít đến 10 lít trên 1 m2 mặt luống; tháng thứ 2 trở đi khoảng 10 đến 12 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới từ 13 lít đến 15 lít trên 1 m2 mặt luống.

Phân NPK dùng trong qui phạm này có tỷ lệ 5 N : 10 P2O5 : 3 K2O

(kí hiệu NPK 5 -10 - 3).

Điều 11. Tiêu chuẩn giống xuất vườn để trồng

1. Giống được nuôi dưỡng ở vườn ươm không dưới 4 tháng, đã có một thế hệ mới ra đã đủ cành đủ lá.

2. Đường kính gốc thế hệ mới ra phải trên 0,7 cm.

3. Giống không bị sâu bệnh.

Chương 4:

KỸ THUẬT GÂY TRỒNG

Điều 12. Thiết kế trồng rừng

1. Các đơn vị quốc doanh trồng luồng phải có thiết kế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty hoặc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt).

2. Thiết kế phải thể hiện rõ: diện tích, địa điểm, phương thức, mật độ, thời vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Điều 13: Phương thức và mật độ trồng

1. Trồng rừng toàn diện:

a. Trồng rừng thuần loài: áp dụng cho rừng sản xuất nguyên vật liệu; mật độ trồng 200 khóm/ha (Cự ly 10 m x 5 m);

b. Trồng rừng hỗn loài áp dụng cho rừng sản xuất và rừng phòng hộ:

- Trồng rừng hỗn loài theo băng áp dụng cho rừng phòng hộ; mật độ 125 khóm/ha (Cự ly 16 m x 5 m).

- Trồng rừng hỗn loài theo hàng áp dụng cho rừng sản xuất và rừng phòng hộ; mật độ trồng 375 cây/ha trong đó có 125 khóm luồng/ha + 125 cây keo tai tượng/ha + 125 cây gỗ bản địa/ha (Cự ly luồng 16 m x 5m, keo tai tượng 16 m x 5m, cây gỗ bản địa 16 m x 5 m, có sơ đồ kèm theo)

2. Trồng rừng cục bộ:

a. Trồng luồng bao đồi: trồng trên diện tích được qui hoạch là rừng khoanh nuôi, rừng làm giàu hoặc rừng đã trồng cây lá rộng bản địa lâu năm; Luồng được trồng theo hàng ở dưới chân đồi, khóm cách khóm 4 m.

b. Trồng luồng theo đám: trồng ở những khu đất trống trong rừng khoanh nuôi cây lá rộng; không trồng dưới tán rừng; cự ly trồng là 7 m x 7 m;

c. Trồng Luồng phân tán trong dân: trồng ở trong vườn của các hộ gia đình, ven sông suối.

Điều 14. Thời vụ trồng

1. Trồng vào đầu mùa mưa cho đến trước khi kết thúc mùa mưa 1 tháng :

- Miền Bắc có hai vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 1 đến tháng 3)

 và vụ thu (tháng 8 đến tháng 10 ).

2. Trồng vào những ngày thời tiết dâm mát, đất đủ ẩm ; không trồng vào lúc trời nắng to hoặc mưa to.

Điều 15. Xử lý thực bì

1. Xử lý toàn diện: áp dụng cho trồng rừng thuần loài, trồng theo đám, trồng hỗn loài theo hàng; phát dọn tươi, không được đốt.

2. Xử lý cục bộ:

a. Trồng bao đồi: Dưới chân đồi phát băng rộng 6 m chạy vòng quanh đồi, phát và dọn tất cả các cây trong lòng băng, không được đốt;

b. Trồng rừng theo băng: Băng chặt rộng 6 m, băng chừa rộng 10 m; phát dọn tất cả các cây trong lòng băng chặt, không được đốt; loại bỏ những cây gỗ có chiều cao trên 6 m trong băng chừa.

Điều 16. Kỹ thuật làm đất

1. Phải chuẩn bị đất xong trước khi trồng 1 tháng.

2. Phương pháp làm đất theo hố:

- Cuốc hố kích thước 60 cm x 60 cm x 50 cm;

- Lấp hố và bón lót: lấp đất 2 phần 3 hố bằng lớp đất mặt nhỏ mịn; trộn đều đất trong hố với một trong các loại phân có thứ tự ưu tiên: từ 8 kg đến 10 kg phân chuồng hoai hoặc 1 kg đến 2 kg phân vi sinh hoặc 0,5 kg đến 1 kg phân NPK.

Điều 17. Kỹ thuật trồng

1. Giống phải đủ tiêu chuẩn.

2. Bứng giống ở vườn ươm không được để vỡ bầu đất.

3. Vận chuyển và bảo quản giống: cắt bớt phần ngọn của các thế hệ mới chừa lại 50 cm đến 60 cm; vận chuyển đi xa phải bó bầu bằng vật liệu sẵn có tại địa phương (như rơm, bẹ chuối, ni lông...); không được để giống bị dập, vỡ bầu đất hoặc bị héo; chưa trồng được ngay phải tập kết giống nơi dâm mát, phủ một lớp đất mỏng và tưới giữ ẩm.

- Trồng: khơi đất giữa hố lên, đặt giống ngay ngắn vào giữa hố, lấp đất xung quanh và lèn chặt đất.

Chương 5 :

CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VÀ BẢO VỆ RỪNG

Điều 18. Chăm sóc

1. Trồng dặm: được tiến hành đồng thời với lần chăm sóc thứ nhất.

2. Số lần và thời vụ: chăm sóc 5 năm đầu mỗi năm chăm sóc 3 lần vào tháng 2 đến tháng 3; tháng 7 đến tháng 8; tháng 10 đến tháng 11. Riêng năm thứ 1 nơi trồng vụ xuân và hè chăm sóc 2 lần vào tháng 7 đến tháng 8 và tháng 10 đến tháng 11; nơi trồng vụ thu chăm sóc 1 lần vào tháng 10 đến tháng 11

3. Nội dung chăm sóc:

- Nội dung chăm sóc vào tháng 2 - 3 và tháng 10 - 11 gồm phát dây leo cây bụi, cuốc quanh gốc sâu 10 - 15 cm theo hình vành khuyên rộng 0,5 m đối với năm thứ nhất, rộng 1 m đối với năm thứ 2 đến năm thứ 5; đối với cây gỗ cuốc quanh gốc đường kính từ 1 m đến 1,2 m.

- Nội dung chăm sóc của tháng 7 - 8 gồm phát dây leo cây bụi quanh gốc.

4. Bón phân vào tháng 2 đến tháng 3, lượng bón từ 0,5 kg đến 1 kg phân NPK đối với luồng; 0,05 kg đến 0,1 kg đối với cây gỗ bản địa; bón theo rạch vòng quanh gốc cây từ năn thứ 2 đến năm thứ 5 mỗi năm một lần.

Điều 19. Chặt vệ sinh

1. Đối tượng chặt vệ sinh là rừng cuối tuổi 4, cây chặt là những cây luồng 4 tuổi, cây bị bệnh gẫy ngọn và tất cả các cây keo tai tượng. (Trong rừng hỗn loài luồng + keo tai tượng)

2.Thời vụ chặt vệ sinh vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau ).

3. Kỹ thuật chặt: chặt sát gốc, dọn sạch cành nhánh sau chặt vệ sinh; cấm không được chặt lạm dụng.

Điều 20. Bảo vệ rừng

1. Phòng trừ sâu bệnh:

- Bệnh chổi xể: chặt bỏ cây ở những búi bị bệnh đem ra xa đốt; phun thuốc Boócđô 1% vào gốc với lượng từ 2 đến 3 lít trên một búi bị sâu bệnh.

- Sâu vòi voi hại măng: cuốc xung quanh gốc theo hình vành khuyên tất cả các búi luồng trong lâm phần, cuốc rộng 1m, sâu 20 cm đến 25 cm kết hợp với lần chăm sóc vào tháng 10, tháng 11.

2. Phòng chống lửa rừng và bảo vệ rừng:

- Dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác rừng;

- Ngăn chặn mọi hành động phá hoại của người và gia súc.

Chương 6 :

 KHAI THÁC VÀ CHĂM SÓC RỪNG SAU KHAI THÁC.

Điều 21. Thiết kế khai thác

1. Các đơn vị quốc doanh khi khai thác luồng phải có thiết kế khai thác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty hoặc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt).

2. Phải đánh dấu cây bài chặt.

3. Thiết kế phải thể hiện rõ: diện tích, địa điểm theo tiểu khu, khoảnh, lô, phương thức, cường độ khai thác, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Điều 22. Đối tượng và phương thức khai thác

1. Đối tượng là rừng 6 tuổi trở lên, chỉ khai thác những cây từ 3 năm tuổi trở lên.

2. áp dụng phương thức khai thác chọn từng cây, chỉ đươc phép khai thác trắng khi rừng bị khuy hàng loạt hoặc rừng tàn kiệt để trồng loài cây khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Điều 23. Thời vụ khai thác

Rừng Luồng được khai thác vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau).

Điều 24. Cường độ khai thác

1. Luân kỳ khai thác từ 1 đến 2 năm tuỳ theo trình độ thâm canh.

2. Nếu luân kỳ 1 năm thì cường độ chặt không quá 30% số cây trong búi.

3. Luân kỳ 2 năm thì cường độ chặt dưới 40% số cây trong búi.

Điều 25. Kỹ thuật khai thác

1. Chiều cao gốc chặt khoảng 7 cm; không được làm ảnh hưởng đến cây khác.

2. Phải thu dọn cành nhánh mang ra khỏi rừng.

3. Rừng sau khi khai thác phải được nghiệm thu, bàn giao giữa bên thi công và chủ rừng, đóng cửa rừng.

Điều 26. Chăm sóc rừng sau khai thác

1. Rừng sau khi khai thác phải tiến hành cho chăm sóc ngay; phải chăm sóc xong trước tháng 2 năm sau.

2. Nội dung chăm sóc gồm cuốc đất xung quanh theo hình vành khuyên rộng 1m, sâu 20 cm đến 25 cm; bón phân ngay sau khi chăm sóc, lượng bón là 1 kg phân NPK trên 1 khóm luồng, không bón cho cây gỗ.

Chương 7 :

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Xây dựng Quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng luồng

1. Trên cơ sở qui phạm này, các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng qui trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, với sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Căn cứ Quy phạm hay Quy trình trồng rừng luồng đã được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để áp dụng cho công tác trồng rừng luồng.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

Kể từ ngày Quy phạm này có hiệu lực, mọi quy định trước đây trái với Quy phạm này đều bãi bỏ.

 

KT BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT


 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính TCVN 04TCN22:2000

Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
Số hiệu04TCN22:2000
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành25/01/2000
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcNông nghiệp
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download TCVN 04TCN22:2000

Lược đồ Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
                Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
                Số hiệu04TCN22:2000
                Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
                Người ký***
                Ngày ban hành25/01/2000
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcNông nghiệp
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

                            Lịch sử hiệu lực Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 22:2000 về quy phạm kỹ thuật trồng và khai thác cây luồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

                            • 25/01/2000

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực