Tiêu chuẩn ngành 04TCN87:2006

Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành


TIÊU CHUẨN NGÀNH

04TCN 87:2006

QUY PHẠM KỸ THUẬT VỀ NUÔI CÁ SẤU NƯỚC NGỌT

1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Mục tiêu, nội dung

Quy phạm kỹ thuật này quy định các kỹ thuật chủ yếu trong gây nuôi sinh sản Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis Linnaeus, 1785) bao gồm các quy định về chuồng trại; kỹ thuật chọn giống; kỹ thuật ấp trứng; kỹ thuật chăm sóc con non; kỹ thuật chăn nuôi; thức ăn; kỹ thuật chọn đàn sinh sản hậu bị; công tác thú y; vệ sinh môi trường; vận chuyển đối với trại gây nuôi sinh sản biệt lập loài Cá sấu nước ngọt.

1.2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy phạm kỹ thuật này áp dụng cho các trại nuôi trên phạm vi cả nước, là cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý, theo dõi và đánh giá quy mô, năng lực sản xuất của các trại nuôi sinh sản Cá sấu nước ngọt. Quy phạm này cũng giúp Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam tổng hợp, xem xét, đánh giá và xây dựng đề xuất đăng ký các trại gây nuôi sinh sản Cá sấu nước ngọt với Ban thư ký Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

2. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

- Gây nuôi sinh sản biệt lập: Là quá trình tạo ra trứng hoặc con non từ kết quả của việc trao đổi giao tử hoặc giao phối giữa các cặp bố, mẹ được nuôi trong môi trường có kiểm soát mà không cần bổ sung nguồn giống từ tự nhiên, trừ những lần bổ sung nhằm tránh hiện tượng đồng huyết và cận huyết.

- Nuôi sinh sản: Là quá trình nhân giống động vật trong môi trường có kiểm soát.

- Nguồn giống sinh sản: Là các cá thể động vật ban đầu được sử dụng để sản xuất ra các thế hệ kế tiếp trong trại nuôi. Nguồn giống sinh sản phải có nguồn gốc hợp pháp. Việc khai thác nguồn giống sinh sản không được làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên.

- Thế hệ:

+ Thế hệ F1: Là các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát, trong đó có ít nhất bố hoặc mẹ được khai thác từ tự nhiên hoặc hợp tử được hình thành từ tự nhiên.

+Thế hệ F2 hoặc kế tiếp: Là các cá thể được sinh ra bởi các cặp bố mẹ được sinh ra trong môi trường có kiểm soát.

- Trại vệ tinh: Là trại nhận nuôi Cá sấu thương phẩm do trại gây nuôi sinh sản biệt lập cung cấp.

- Giao phối đồng huyết, cận huyết: Là quá trình cho các cá thể sinh sản có quan hệ họ hàng trong ba thế hệ liên tiếp giao phối với nhau.

-Thuần chủng: Là cá thể còn giữ nguyên các đặc điểm sinh học của tổ tiên loài đó, không bị lai tạp với loài khác.

3. KỸ THUẬT GÂY NUÔI

3.1. Tiêu chuẩn về chuồng trại

Trại nuôi Cá sấu cần được bố trí tách biệt với nơi ở của người, trại phải đảm bảo chắc chắn không để Cá sấu thoát ra ngoài gây nguy hiểm cho người, vật nuôi.

3.1.1. Chuồng nuôi Cá sấu bố mẹ

Tuỳ thuộc vào quy mô của trại để xây dựng chuồng nuôi Cá sấu sinh sản, tuy nhiên phải đáp ứng được các tiêu trí sau:

- Có phần diện tích mặt nước chiếm khoảng 1/2 diện tích chuồng hoặc trại nuôi, xung quanh có trồng cây xanh tạo bóng mát để Cá sấu lên làm ổ và đẻ trứng. Bên trên phần mặt nước cần bố trí một phần diện tích có mặt đất xốp hoặc cát để Cá sấu làm ổ.

- Giữa phần mặt nước và mặt đất cần xây một gờ bê tông có cạnh được làm tròn, nhẵn để tránh làm xước da bụng Cá sấu, đồng thời ngăn không cho đất hoặc cát trôi xuống phần diện tích nước. Phần gờ bê tông này cũng cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các cá thể Cá sấu mang thai khi di chuyển lên bờ hoặc xuống nước.

- Chuồng phải có tường bao quanh, chiều cao khoảng 2m. Móng và thành phần mặt nước được xây kiên cố, nền đáy được đổ cát, mực nước sâu từ 80cm - 100cm.

- Diện tích chuồng tiêu chuẩn nên từ 5-7m2. Tỷ lệ thả tối ưu ba Cá sấu cái/ một Cá sấu đực vào một chuồng.

- Trong mùa sinh sản của Cá sấu, chuồng nuôi cần được cung cấp lá cây mục hoặc cỏ mục bố trí theo từng mô rải rác.

3.1.2. Chuồng nuôi Cá sấu non (dưới 3 tháng tuổi)

Chuồng nuôi Cá sấu non cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Được xây dựng kiên cố, tốt nhất là được kết cấu bằng bê tông, cốt thép. Kích thước mỗi chuồng 1m x 1,2m. Nền chuồng được xây dốc khoảng 20˚ về phía sau, tạo điều kiện cho Cá sấu lên phơi nắng và xuống nước. Phần mặt nước của chuồng có diện tích chiếm 50%, sâu khoảng 2cm. Phần nền được xây dựng trơn nhẵn. Vách chuồng cao khoảng 90cm. Mỗi chuồng nên nuôi khoảng 20 cá thể.

3.1.3. Chuồng nuôi Cá sấu thương phẩm (xuất khẩu)

Chuồng nuôi Cá sấu thương phẩm cần có các tiêu trí sau:

- Chuồng nuôi Cá sấu từ trên 3 tháng tuổi cần có kết cấu xây dựng bằng bê tông cốt thép, phía ngoài có hàng rào dây thép gai, cỡ lưới Ø6, cao 1,5m. Kích thước chuồng 10m x 6m. Chuồng có phần mặt nước nông dần khoảng 7m x 6m, mực nước sâu từ 40cm đến 50cm, phần trên cạn có diện tích 3m x 6m. Nền chuồng được xây dựng trơn, nhẵn. Đối với Cá sấu nuôi để xuất khẩu da thì mật độ nuôi khoảng 40-50 con/chuồng. Đối với Cá sấu nuôi lấy thịt thì mật độ nuôi nên từ 60 -70 con/chuồng.

- Cá sấu nuôi lấy da để xuất khẩu tốt nhất nên nuôi mỗi con một chuồng trong thời gian từ 6 - 9 tháng trước khi xuất, kích thước chuồng: 1m x 2m. Chuồng nuôi Cá sấu lấy da xuất khẩu phải được xây dựng trơn, nhẵn, không có góc cạnh.

- Khi Cá sấu đạt 1-3 tuổi cần có khoảng trống để vận động, mật độ nuôi phải thưa 1 con/1m2. Nếu có điều kiện nuôi theo kích cỡ Cá sấu và có thể nuôi ở mật độ dày hơn.

- Đối với những cá thể Cá sấu yếu cần có chuồng cách ly. Ở chuồng cách ly luôn có máng ăn riêng, nguồn nước riêng, có chế độ chăm sóc đặc biệt.

3.2. Kỹ thuật chọn giống

Để chọn con giống sinh sản cần chọn những con to, khoẻ, có sức lớn nhanh, thuần chủng. Có thể sử dụng phương pháp xác định Cá sấu thuần chủng thông qua hình dạng và màu sắc bên ngoài. Cá sấu nước ngọt thuần chủng thường có màu xám đen, trên đuôi có những khoang màu xám và màu đen; hàng vảy gai lưng lỳ và không sắc, nhọn (những con có hàng vảy gai lưng sắc, nhọn thường không thuần chủng). Tuyệt đối không nên chọn những con có màu sắc sáng hoặc rực rỡ.

Tốt nhất nên xác định mức độ thuần chủng nguồn giống Cá sấu bằng phương pháp xác định ADN.

3.3. Kỹ thuật ấp trứng

3.3.1. Phương pháp ấp nhân tạo

Để đảm bảo tỷ lệ ấp nở đạt cao từ 80-90%, nên sử dụng phương pháp lồng ấp trứng nhân tạo. Tuỳ thuộc vào năng lực của trại nuôi có thể xây nhà ấp cho phù hợp. Nhà ấp trứng được xây kín, có gắn máy điều hoà nhiệt độ, máy kiểm soát độ ẩm.

Phía dưới nền nhà cần xây dựng hệ thống rãnh nước để đảm bảo độ ẩm cho nhà ấp luôn đạt từ 95-100%. Nhiệt độ trong phòng ấp cần được kiểm soát, dao động từ 31˚C-32˚C.

Sau khi Cá sấu đẻ, trứng cần được đưa vào khay ấp, khay ấp trứng có thể làm bằng nhôm hoặc inox và được chia theo các tầng. Mỗi khay ấp để trứng của một Cá sấu mẹ để tiện theo dõi, ghi chép, kiểm tra chất lượng trứng. Trứng được xếp cách nhau khoảng 2cm.

Trứng sử dụng để ấp phải đảm bảo có một dấu đốm mờ mờ, sau khi đẻ 6 giờ đồng hồ có thể quan sát trứng, nếu có đốm (tưởng tượng như phát tia sáng) khoảng 0,5cm2 là đạt chất lượng, quá 7 ngày đốm sáng mở rộng 1 - 1,5cm2, dần dần đốm sẽ phát triển đến khi đầy trứng.

Thời gian ấp trứng thường giao động từ 75-80 ngày, sau 50 ngày cần kiểm tra và loại bỏ trứng hỏng. Trứng sẽ nở dần từ ngày thứ 75 đến ngày thứ 80.

3.3.2. Phương pháp ấp đèn

Làm tương tự như “máy ấp trứng gà”, nhưng không được đảo trứng. Để đạt được kết quả tối ưu thì máy ấp trứng để trong phòng với nhiệt độ khoảng 31˚C - 32˚C. Dưới máy ấp cần bố trí khay nước để trứng không bị khô và độ ẩm luôn đạt từ 95% - 100%.

3.3.3. Phương pháp ấp tự nhiên

Trứng được để tự nhiên trong ổ, tuy nhiên cần theo dõi thường xuyên về nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ tốt nhất từ 31˚C -32˚C, độ ẩm 95-100% . Sử dụng phương pháp thêm hoặc bớt lá mục để kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm. Nếu muốn tăng độ ẩm chỉ cần dùng bình phun tưới nước.

3.4. Kỹ thuật chăm sóc con non

Cá sấu non vừa nở, dưới bụng thường có cuốn rốn dài từ 4-7cm, da rất mịn, mềm, trong giai đoạn này cá sấu non dễ bị bệnh do vi trùng có thể xâm nhập qua đường rốn, da và nước uống. Để phòng bệnh cho Cá sấu non có thể sử dụng thuốc sát trùng Jode hoặc thuốc đỏ sát trùng vùng rốn, da bụng. Sau khi sát trùng, Cá sấu non cần được nhúng vào dung dịch muối (tỉ lệ 1%) rồi bắt ra ngay. Cũng có thể nhúng cá sấu non vào dung dịch thuốc tím (theo chỉ định). Tiếp tục sát trùng vùng rốn và bụng mỗi ngày một lần cho đến khi Cá sấu non rụng rốn từ 2 -3 ngày. Sau khi nở khoảng 8-10 giờ, Cá sấu non cần được thả vào một thau nước sạch có pha thuốc phòng bệnh đường ruột, để chúng bơi lội khoảng 20 phút.

Cá sấu non cần được giữ ấm tốt, nếu để lạnh Cá sấu dễ mắc bệnh phổi dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc chậm lớn. Cá sấu non cần được sưởi ấm bằng cách để Cá sấu vào thau có nắp đậy bằng lưới sắt, phía trên để bóng đèn tròn 90W cách chậu 25-30cm. Cần che chắn để tránh ánh sáng đèn chiếu trực tiếp vào Cá sấu non.

Cá sấu non mới nở cần được nuôi trong thùng nhựa. Sau 3-4 ngày mới chuyển con non từ thùng nhựa sang chuồng nuôi con non. Cần chú ý che lưới làm giảm cường độ ánh nắng với Cá sấu non. Chỉ bắt đầu cho Cá sấu con ăn sau một tuần tuổi. Trong tuần đầu tiên Cá sấu non sống nhờ vào chất dinh dưỡng còn lại trong phôi.

Sau một tuần tuổi, cần tách riêng những cá thể yếu nuôi trong phòng có bóng đèn sưởi ấm. Thay nước và cho ăn hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều.

Đối với những cá thể khoẻ mạnh cần chuyển vào chuồng nuôi Cá sấu con, hàng ngày thay nước và cho ăn vào buổi chiều muộn. Chú ý chuồng cần được rào chắc chắn và được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

3.5. Kỹ thuật nuôi Cá sấu thương phẩm.

Khi Cá sấu được một năm tuổi, dài từ 80-100cm thì cần cho Cá sấu ăn mỗi ngày một lần vào khoảng 5-6 giờ chiều. Không cho cá sấu ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn thừa cần được dọn sạch. Không nên cho Cá sấu ăn vào buổi trưa vì thức ăn thừa sẽ bị ánh sáng mặt trời làm biến chất. Những cá thể Cá sấu nhút nhát, thường đến bãi ăn chậm, những cá thể này là những con chậm lớn, còi cọc cần đưa thức ăn đến tận nơi.

3.6. Thức ăn cho Cá sấu

Chất lượng thức ăn quyết định tốc độ tăng trưởng của Cá sấu. Thức ăn phổ biến của Cá sấu là các loại cá con, nhái, tép còn tươi, gan bò sống. Khi Cá sấu được 6, 7 tháng tuổi nên sử dụng đầu, cổ gà tươi làm thức ăn. Nếu sử dụng cá biển tạp làm thức ăn thì cần chú ý loại bỏ cá nóc để tránh gây ngộ độc cho Cá sấu.

Thời gian tiêu hoá thức ăn của Cá sấu kéo dài trong khoảng 72 giờ đồng hồ. Do vậy, một năm Cá sấu ăn khoảng 120 lần. Cá sấu dưới 12 tháng tuổi có thể ăn một lượng thức ăn bằng khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể. Cá sấu trên 12 tháng tuổi có thể ăn một lượng thức ăn từ 25 -30% trọng lượng cơ thể.

Tuỳ thuộc vào nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương mình mà có thể cho Cá sấu ăn các loại thức ăn khác như lòng lợn, bò, gà vịt, cá đồng, cá biển, chuột.

Thức ăn cho Cá sấu phải tươi, được cắt thành những mảnh nhỏ và giữ sạch sẽ. Cần bố trí các khay đựng thức ăn để dễ dàng quét dọn, di chuyển. Máng đựng thức ăn cho Cá sấu có kích thước dài không quá 10cm, được láng bằng xi măng nhẵn dốc thoai thoải và thông với rãnh thoát nước. Để đảm bảo thức ăn cho Cá sấu luôn được tươi, cần có thời gian biểu cho ăn cụ thể. Đối với Cá sấu non thời gian cho ăn tốt nhất vào lúc chiều tối, thời điểm này yên tĩnh thích hợp cho Cá sấu non ra ăn.

3.7. Kỹ thuật chọn đàn sinh sản hậu bị

Để có thể chọn được con giống tốt cần chọn những cá thể có nguồn gốc từ con cái đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng nở cao từ 80-90%, thuần chủng, ăn khoẻ, sinh trưởng tốt.

Khi có kế hoạch bổ sung, thay thế đàn giống sinh sản, cần chọn các cá thể cái có khả năng sinh sản tốt để làm đàn giống hậu bị. Các cá thể được chọn làm nguồn giống sinh sản hậu bị được cần tách ra nuôi ở các chuồng nuôi riêng biệt và tiến hành đánh dấu bằng phương pháp cắt vảy đuôi để tránh giao phối đồng huyết và cận huyết.

3.8. Phương pháp đánh dấu Cá sấu

Để xác định các cá thể được chọn làm nguồn giống sinh sản và các thế hệ kế tiếp, có thể sử dụng phương pháp cắt vảy đuôi và đeo thẻ. Hai phương pháp này chỉ áp dụng với Cá sấu bố, mẹ và cá thể làm nguồn giống sinh sản hậu bị. Đối với Cá sấu con đến một năm tuổi, để phân biệt được là con của các cặp bố mẹ nào hoặc để xác định nguồn gốc khác nhau cần nuôi tách riêng trong các chuồng khác nhau. Trên mỗi chuồng có ghi ký hiệu, mã hiệu hoặc số riêng.

3.8.1.Phương pháp cắt vảy đuôi

Dùng dao hoặc kéo cắt phần vảy trên phần đuôi của Cá sấu bao gồm phần vẩy đứng và hai hàng vẩy bên của chúng (xem phần phụ lục 1 quy ước về số của các phần vẩy của Cá sấu)

3.8.2.Phương pháp đeo mã số lên vảy đuôi của Cá sấu

Phương pháp này thực hiện bằng cách ghi số thứ tự lên trên thẻ (bằng mica hoặc nhựa dẻo), dùng thẻ này bấm vào vây đuôi của Cá sấu .

Với cách bấm mã số này, không quy định hàng vẩy để bấm thẻ vào nhưng thông thường bấm thẻ vào hàng vẩy đứng của Cá sấu (xem hình minh hoạ tại phụ lục 2).

3.9. Kỹ thuật bắt Cá sấu

3.9.1.Kỹ thuật bắt Cá sấu non

Cá sấu non mới nở, da, thân rất mềm chính vì vậy khi bắt phải nhẹ nhàng tránh làm tổn thưong các bộ phân bên trong của Cá sấu. Dùng tay luồn nhẹ dưới bụng, nâng nhẹ hoặc nắm từ trên xuống lưng, ngón cái và 4 ngón còn lại giữ lỏng Cá sấu non, tránh gây tác động mạnh đến cá sấu non.

3.9.2.Kỹ thuật bắt Cá sấu lớn

Cá sấu dưới 15 kg dung vợt lưới để bắt. Cá sấu từ 15 kg trở lên khi bắt sử dụng dây cước ni lông hoặc dây dù 1-1,5cm, dài 3m, làm thòng lọng. Sử dụng một cây gậy dài 2-2,2m đầu có nút sắt đỡ sợi dây thòng lọng đưa vào hàm trên của sấu để siết hàm Cá sấu. Sau khi siết hàm cần bố trí người giữ hàm và dùng băng keo để khớp hàm Cá sấu. Cần chú ý đảm bảo an toàn và tránh làm tổn thương Cá sấu trong quá trình bắt. Với Cá sấu trên 2m, cần bố trí 4 người để bắt.

3.10. Công tác thú y

Trong quá trình nuôi, Cá sấu có thể mắc một số bệnh. Để có thể điều trị kịp thời trị bệnh cho Cá sấu người nuôi cần tham khảo ý kiến của bác sỹ thú y. Dưới đây là một số bệnh thường gặp và cách điều trị có thể tham khảo:

3.10.1. Bệnh goute

- Nguyên nhân: Do Cá sấu ăn quá trọng lượng quy định và ăn không đúng thời gian quy định.

- Triệu chứng: Cá sấu không hấp thụ được thức ăn trong bụng gây ra hiện tượng chướng bụng, đồng thời lượng Acide-amine vào máu quá nhiều không xử lý hết tạo ra sản phẩm có hại cho cơ thể. Sản phẩm này tích tụ ở khớp xương, ống thận và bề mặt của các cơ quan nội tạng, gây nên tình trạng bại liệt, nghẹt ống bài tiết, có thể gây tử vong

- Cách điều trị: Không cho Cá sấu ăn 2-3 chu kỳ (6-9 ngày).

3.10.2. Bệnh còi xương

- Nguyên nhân: Do thiếu ánh nắng hay thức ăn đưa vào thiếu chất can xi.

- Triệu chứng: Cá sấu bị còi xương, chậm lớn, còi cọc, răng mọc thành góc không bình thường.

- Cách điều trị: Cần bổ sung thức ăn giàu can xi.

3.10.3. Bệnh viêm ruột

- Nguyên nhân: Thường là hậu chứng của một loại bệnh khác.

- Triệu chứng: Kém ăn, còi cọc, không hấp thụ được thức ăn.

- Cách điều trị: Sử dụng Oxy tetracyline hoặc là hydrochlorite trộn với thức ăn theo tỷ lệ 500mg/kg trong 3 chu kỳ liên tiếp.

3.10.4. Viêm loét miệng

- Nguyên nhân: Do nhiễm trùng.

- Triệu chứng: Sưng và đỏ ở nướu, sau đó xuất hiện lớp phủ trắng do các vết thương ở miệng bị nhiễm trùng.

- Cách điều trị: Rửa thường xuyên bằng oxy già, sau đó xức Sulphadiazine. Nếu nặng hơn thì xức Stretomycine hoặc cho uống Choloramphenicol kèm thêm Vitamine C.

3.10.5. Bệnh do ký sinh trùng

- Nguyên nhân: Bệnh do một loại ký sinh trùng gây ra.

- Triệu chứng: Các tuyến trùng này đục thành những đường ngầm ở bên trong lớp vẩy bụng, sau đó bề mặt các đường ngầm này bong ra tạo thành những đường lõm ngoằn nghoèo.

- Cách điều trị: Không cho Cá sấu ăn các thức ăn ôi thiu, giữ nước sạch, chuồng trại khô ráo. Nước trong chuồng phải tháo và rửa dễ dàng. Thỉnh thoảng cần phơi đáy hồ dưới ánh sáng mặt trời để diệt mầm bệnh.

3.11. Vệ sinh môi trường:

Trại nuôi Cá sấu phải có hệ thống cấp thoát nước liên hoàn, nước và chất thải từ trại phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường bên ngoài, đảm bảo các quy định của Nhà nước về môi trường.

Có thể dùng nước vôi để khử trùng chuồng nuôi Cá sấu. Khu giết mổ cần được xây dựng tách biệt và đảm bảo điều kiện về vệ sinh theo quy định. Cần giữ chuồng nuôi sạch sẽ. Nếu có điều kiện nên rửa chuồng nuôi mỗi ngày một lần. Hàng tuần nên thay nước trong chuồng, nước cần sạch để đảm bảo Cá sấu không bị bệnh tật.

3.12. Vận chuyển, tiêu thụ

3.12.1. Vận chuyển Cá sấu sống

Cá sấu sống nên được vận chuyển bằng thùng gỗ, trước khi vận chuyển 2-3 ngày nên tạm dừng cho ăn. Trước khi bỏ Cá sấu vào thùng cần tiến hành buộc mõm Cá sấu bằng băng dính hoặc dây nilông.

3.12.2. Vận chuyển da tươi

Quá trình lột da Cá sấu cần tiến hành trong môi trường vệ sinh đảm bảo trành nhiễm khuẩn làm hỏng da. Da Cá sấu tươi sau khi lột cần được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ từ 6˚C - 10˚C.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính TCVN 04TCN87:2006

Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
Số hiệu04TCN87:2006
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/12/2006
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcNông nghiệp
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download TCVN 04TCN87:2006

Lược đồ Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
                Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
                Số hiệu04TCN87:2006
                Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
                Người ký***
                Ngày ban hành31/12/2006
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcNông nghiệp
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

                            Lịch sử hiệu lực Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

                            • 31/12/2006

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực