Điều ước quốc tế 52/2010/SL-LPQT

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc (Unesco) giai đoạn 2010 - 2015

Nội dung toàn văn Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt NamTổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa


BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 52/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2010

 

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) giai đoạn 2010 - 2015, ký tại Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2010./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

BẢN GHI NHỚ

HỢP TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ TỔ CHỨC GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNESCO) GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Mục đích của Bản ghi nhớ này là nhằm phác họa hợp tác trong 5 năm tới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Việt Nam) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (sau đây gọi là UNESCO) nhằm tăng cường các hoạt động trong các lĩnh vực của UNESCO tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những chương trình và hoạt động của UNESCO và những nỗ lực của UNESCO trong việc huy động sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, thông tin và truyền thông.

Việt Nam và UNESCO bày tỏ hài lòng về sự hợp tác liên tục phát triển cũng như mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả hiện có giữa hai bên trong các lĩnh vực hoạt động của UNESCO.

Hai bên chủ trương rằng sự hiện diện và hỗ trợ của UNESCO góp phần tích cực vào sự phát triển của Việt Nam và tăng cường quyền năng hành động của quốc gia trên trường quốc tế; nhất trí rằng UNESCO là một diễn đàn đa phương quan trọng cho Việt Nam; và rằng Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc xúc tiến các mục tiêu của UNESCO và trong việc thực hiện các chương trình của tổ chức quốc tế này.

Hai bên cũng có mục đích tăng cường sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các nhóm thành viên thuộc Gia đình UNESCO ở Việt Nam, trong đó có Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Liên Hiệp các Hội UNESCO của Việt Nam, và tăng cường quan hệ giữa các tổ chức này với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, với các văn phòng UNESCO trong khu vực, các viện và các cơ quan đóng tại Trụ sở (của UNESCO).

Hai bên cùng hướng tới việc ủng hộ và quảng bá cho Chủ nghĩa nhân văn mới trong thế kỷ 21, trọng tâm của các hoạt động chương trình của UNESCO trong hai năm nay và hai năm tiếp theo.

Vì vậy, hai bên thống nhất hợp tác:

GIÁO DỤC

1. Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Giáo dục cho Mọi người (2003 - 2015) thông qua việc thường xuyên rà soát, theo dõi và tăng cường phối hợp giữa các đối tác trong ngành giáo dục và huy động nguồn lực nhằm đạt các Mục tiêu về Giáo dục cho Mọi người vào năm 2015.

2. Hỗ trợ thực hiện các kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng và sự phù hợp của giáo dục ở mọi cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và giáo dục không chính quy.

3. Tăng cường năng lực của tổ chức và năng lực chuyên môn ở cấp quốc gia và tỉnh thành nhằm theo dõi và đánh giá chất lượng giáo dục một cách hệ thống, bao gồm cả việc xây dựng và thực hiện các chương trình giảng dạy cũng như đánh giá kết quả của công tác xóa mù chữ.

4. Tăng cường phân cấp quản lý hệ thống giáo dục và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục theo các cách tiếp cận mang tính hòa nhập trong việc lập kế hoạch giáo dục, thực hiện, giám sát và ra quyết định có cơ sở để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ giáo dục, nhằm giảm những cách biệt, đạt được bình đẳng giới và mở rộng cơ hội cho những bộ phận dân cư bị thiệt thòi.

5. Xúc tiến và tăng cường học tập suốt đời trong khuôn khổ Thập kỷ Xóa mù chữ của Liên Hợp Quốc 2003 - 2012 và chiến lược của chính phủ về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam 2011 - 2020, nhằm xóa mù chữ thông qua các chương trình xóa mù chữ cho tất cả mọi người, huy động mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng.

6. Hỗ trợ thực hiện Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (2005 - 2014) nhằm định hướng lại giáo dục chính quy và không chính quy cũng như các chương trình dạy và học ở mọi cấp và tăng cường năng lực tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững nhằm giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề đang nổi lên liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là sự thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

7. Tăng cường năng lực sẵn sàng ứng phó của ngành giáo dục đối với thiên tai và các rủi ro khác cũng như năng lực ứng phó của ngành giáo dục trong những trường hợp khẩn cấp, bằng cách xây dựng chuẩn quốc gia và các hướng dẫn dựa trên chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ việc tự đánh giá của các trường và thông qua việc tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng giáo dục.

8. Hỗ trợ việc rà soát và đổi mới chương trình giảng dạy, bao gồm tăng cường năng lực của cơ sở giáo dục nhằm cải tiến công tác đào tạo giáo viên trước và sau khi vào nghề nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của giáo viên để thực hiện chương trình giảng dạy mới vào năm 2015.

9. Tăng cường đào tạo giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (TVET), bao gồm việc phổ biến TVET trong học sinh và phụ huynh cũng như củng cố các mối liên kết giữa các doanh nghiệp và đào tạo để cải tiến chất lượng của các chương trình TVET.

10. Tăng cường sự ứng phó toàn diện của ngành giáo dục đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, giảm thiểu sự kỳ thị thông qua việc cải tiến chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên, nâng cao nhận thức của công chúng và củng cố năng lực điều phối cũng như thông qua giám sát và đánh giá.

11. Lồng ghép đa dạng văn hóa và ngôn ngữ vào các chương trình dạy và học nhằm tăng cường một nền văn hóa hòa bình và hiểu biết bằng cách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và học viên thông qua việc địa phương hóa chương trình giảng dạy và phát triển tài liệu học tập theo địa phương.

KHOA HỌC TỰ NHIÊN

12. Tham gia, thông qua các sáng kiến quốc gia, vào các Chương trình Đầu tầu khoa học khu vực với sự điều phối của các văn phòng Khoa học khu vực Châu Á - Thái bình dương của UNESCO. Chương trình này tập trung vào: a) Nước cho các thành phố bền vững (SWITCH-in-Asia), b) Các khu dự trữ sinh quyển và thích nghi với biến đổi khí hậu (BREES), c) Giáo dục Khoa học kết hợp với Giáo dục vì Sự phát triển (COMPETENCE), và d) Ứng phó với thiên tai của các trường học và cộng đồng.

13. Xúc tiến các cơ hội phát triển, áp dụng và thực hiện một loạt giải pháp và phương pháp tiếp cận khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội đã được thử nghiệm để góp phần vào việc xây dựng cách thức quản lý nước một cách có hiệu quả và bền vững; tiếp tục tiến hành các dự án quản lý tài nguyên nước bền vững cho những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa; xây dựng những cách tiếp cận nhằm quản lý có hiệu quả sông ngòi và các tầng ngậm nước quốc gia và xuyên biên giới, và thông qua đó tạo điều kiện cho sự phối hợp với các đối tác khác về nước của Liên Hợp Quốc.

14. Tăng cường và đẩy mạnh vai trò của các khu dự trữ sinh quyển trong việc bảo đảm môi trường và an ninh kinh tế ở Việt Nam; tăng cường các chính sách và năng lực quốc gia nhằm quản lý có hiệu quả Chương trình Con người và Sinh quyển; nâng cao quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thông qua việc xây dựng các chính sách, kế hoạch quản lý thích hợp, nâng cao năng lực, nghiên cứu và thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các cộng đồng; đẩy mạnh các khu dự trữ sinh quyển thành những nơi phục vụ cho giáo dục vì sự phát triển bền vững, cho các chương trình liên ngành và thành một hành lang cho các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc.

15. Nâng cao nhận thức ở các cấp về vai trò cơ bản của biển trong biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nâng cao năng lực quốc gia trong khoa học biển, quan trắc và dịch vụ vì sự quản lý thiên nhiên và nguồn lợi biển và đới bờ tốt hơn; tăng cường vai trò điều phối ở cấp quốc gia của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học của Việt Nam trong các chương trình quốc gia, khu vực và quốc tế về khoa học biển, quan trắc và dịch vụ cũng như xây dựng năng lực.

16. Phát triển các chương trình hỗ trợ cộng đồng tự chủ dựa trên sự hiểu biết, nhận thức, sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu rủi ro, tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

17. Đẩy mạnh việc sử dụng giáo dục khoa học như nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững và thu hút thanh niên, các cơ sở giáo dục và chính phủ vào việc phát triển và sử dụng khoa học như là một nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững.

18. Tăng cường và củng cố các hoạt động giới thiệu khoa học hiện đại và các công nghệ mới cùng với tri thức, cách thực hành và các sản phẩm bản địa và truyền thống.

19. Góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và xúc tiến du lịch địa chất tới các Công viên địa chất (Geopark) ở Việt Nam; củng cố mạng lưới Công viên địa chất của quốc gia, và hỗ trợ với Hội nghị Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2011 về Công viên địa chất.

20. Nâng cao hiểu biết về mối liên hệ giữa đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học thông qua nghiên cứu dựa trên minh chứng và trao đổi thông tin.

21. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (NASTI) - cơ quan chính thức được trao nhiệm vụ thu thập số liệu thống kê khoa học ở Việt Nam, nhận rõ tầm quan trọng đối với Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quốc gia cho nghiên cứu và sáng tạo là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sáng tạo tri thức mới.

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

22. Ủng hộ việc thiết lập và nâng cao Chương trình Quản lý Biến đổi Xã hội (MOST) nhằm củng cố và tăng cường nghiên cứu khoa học xã hội và xây dựng chính sách dựa trên minh chứng cũng như tăng cường hỗ trợ các mạng lưới mới để xúc tiến giáo dục và các chương trình giáo dục trong lĩnh vực khoa học xã hội.

23. Xúc tiến các cách tiếp cận thích hợp về văn hóa để hỗ trợ cho việc bảo vệ những người di dân tự nguyện và không tự nguyện và giúp chính quyền địa phương soạn thảo tỉ mỉ các chính sách đô thị hòa nhập.

24. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc cân bằng bảo tồn và phát triển trong các trung tâm đô thị có giá trị lịch sử.

25. Phát triển các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia vào đời sống dân sự và chính trị.

26. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về đạo đức trong khoa học và công nghệ thông qua việc tham gia vào các Chương trình về đạo đức khoa học và công nghệ (EST) của UNESCO.

VĂN HÓA

27. Tăng cường chính sách và năng lực quốc gia nhằm bảo vệ và quản lý có hiệu quả di sản vật thể và phi vật thể trước những thách thức hiện nay, theo các công ước liên quan đến văn hóa của UNESCO (1972, 2003 và 2005).

28. Đưa các nguyên tắc về đa dạng văn hóa và đối thoại liên văn hóa vào trong các chính sách và chương trình phát triển của quốc gia.

29. Củng cố các mạng lưới chuyên môn và các quan hệ đối tác, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cho sự phát triển hơn nữa của các bảo tàng.

30. Tạo cơ hội để phát triển và thể hiện sự đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển và tầm quan trọng của việc cân bằng giữa bảo tồn, du lịch và phát triển, phù hợp với các Công ước liên quan đến văn hóa của UNESCO (1972, 2003 và 2005).

31. Tăng cường hướng dẫn, quy định và chuẩn mực quốc gia để phát triển du lịch di sản, các ngành công nghiệp văn hóa và Cơ cấu Du lịch Làng nghề thủ công.

32. Tăng cường thu thập, theo dõi và sử dụng số liệu thống kê về văn hóa và các dữ liệu được tách ra để phục vụ cho việc xây dựng chính sách và thực hiện các chương trình phát triển.

33. Quảng bá cho tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam bằng cách phổ biến tri thức, tập quán và sản phẩm truyền thống và bản địa vì lợi ích của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

34. Hỗ trợ các sáng kiến lồng ghép di sản văn hóa và đa dạng văn hóa vào các hoạt động của trường học.

THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

35. Hỗ trợ việc mở rộng Chương trình Ký ức Thế giới ở Việt Nam thông qua nâng cao nhận thức và vận động chính sách cho chương trình và nâng cao năng lực thể chế trong việc xác định, chuẩn bị và đệ trình các hồ sơ đề cử Di sản Tư liệu Thế giới.

36. Sử dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong việc bảo tồn và phổ biến di sản văn hóa của Việt Nam trong khuôn khổ của Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.

37. Tăng cường năng lực của các cơ quan chính phủ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của công chúng với các nguồn thông tin có chất lượng và các kênh truyền tin thông qua việc tham gia vào những chương trình liên chính phủ như Chương trình Quốc tế về Phát triển Truyền thông (IPDC).

38. Tăng cường năng lực của các cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo truyền thông, báo chí và các nhà báo/chuyên gia truyền thông; hỗ trợ việc phát triển và sử dụng các phương tiện thông tin mới (internet, blog và các địa chỉ kết nối xã hội trực tuyến).

39. Củng cố kiến thức và kỹ năng của các nhà báo thuộc tất cả các loại hình báo chí để thực hiện việc đưa tin thích hợp về vấn đề giới và các vấn đề nhạy cảm về văn hóa, quan tâm đặc biệt đến các cộng đồng dân tộc và các nhóm thiểu số khác.

40. Mở rộng phạm vi hoạt động của các phương tiện truyền thông tới các vùng xa xôi hẻo lánh và nông thôn để khuyến khích hơn nữa việc tạo ra những sản phẩm truyền thông bằng ngôn ngữ địa phương.

41. Tiếp tục chương trình “Tầm nhìn UNESCO” của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) với trọng tâm là phổ biến thông tin về UNESCO nói chung và hoạt động của UNESCO ở Việt Nam nói riêng.

42. Nâng cao năng lực của các phương tiện truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của công chúng vào việc quản trị nhà nước và cải cách, và nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường của quốc gia, khu vực và quốc tế như thách thức của biến đổi khí hậu và nỗ lực thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

43. Phát triển nội dung và dịch vụ của các phương tiện truyền thông phục vụ công tác bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các nhóm sắc tộc và các nhóm ngôn ngữ, kể cả thông qua việc xây dựng nội dung truyền thông kỹ thuật số, sử dụng cả chữ viết tiếng Việt và các hệ thống chữ viết của các dân tộc khác.

ỦY BAN QUỐC GIA

44. Tăng cường năng lực và khả năng nghiên cứu nhằm hỗ trợ việc chuẩn bị các hồ sơ đề cử mới đệ trình UNESCO công nhận là di sản vật thể và phi vật thể thế giới, thành viên của Mạng lưới các Công viên địa chất toàn cầu, chương trình Ký ức Thế giới, và cuối cùng là các cơ quan hoặc các nhóm UNESCO.

45. Hỗ trợ việc xây dựng năng lực chuyển thể các tài liệu và những sách tham khảo cơ bản khác có giá trị của UNESCO sang tiếng Việt và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

46. Hỗ trợ Mạng lưới Dự án các trường liên kết của UNESCO.

47. Tăng cường hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và các Ủy ban quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm điển hình cũng như các chương trình thực tập dành cho cán bộ của Ủy ban.

48. Tiếp tục tăng cường năng lực của Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Ban thư ký của Ủy ban và các Tiểu ban, các Ủy ban và cơ quan chuyên môn trực thuộc.

Các điều khoản và điều kiện thực hiện bất cứ dự án nào mà UNESCO sẽ tiến hành theo Bản ghi nhớ hiện tại sẽ được xác định trong một thỏa thuận riêng.

Bản ghi nhớ này sẽ có hiệu lực ngay sau khi được ký bởi Chính phủ Việt Nam và UNESCO. Bản ghi nhớ có hiệu lực trong thời gian 5 năm và có thể được sửa đổi bổ sung hoặc kéo dài theo thỏa thuận bằng văn bản của cả hai bên.

Việc gia hạn hiệu lực của Bản ghi nhớ sẽ được xem xét và quyết định trước khi hết hạn giai đoạn 5 năm của Bản ghi nhớ này.

Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận phạm vi và quy mô của các hoạt động do Chính phủ Việt Nam đưa ra và bày tỏ sẵn sàng tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đồng thời huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để hỗ trợ thực hiện các chương trình và hoạt động.

Văn bản gốc được làm tại Hà Nội ngày 01 tháng 10 năm 2010, bằng hai bản tiếng Anh và hai bản tiếng Việt; các bản đều có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA
UNESCO VIỆT NAM




Nguyễn Thanh Sơn

THAY MẶT TỔ CHỨC GIÁO DỤC,
KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA CỦA
LIÊN HỢP QUỐC (UNESCO)
TỔNG GIÁM ĐỐC UNESCO






Irina Bokova

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 52/2010/SL-LPQT

Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
Số hiệu52/2010/SL-LPQT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/10/2010
Ngày hiệu lực01/10/2010
Ngày công báo24/10/2010
Số công báoTừ số 603 đến số 604
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Giáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 52/2010/SL-LPQT

Lược đồ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt NamTổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt NamTổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa
                Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
                Số hiệu52/2010/SL-LPQT
                Cơ quan ban hànhkhoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức giáo dục
                Người ký***, Nguyễn Thanh Sơn, Irina Bokova
                Ngày ban hành01/10/2010
                Ngày hiệu lực01/10/2010
                Ngày công báo24/10/2010
                Số công báoTừ số 603 đến số 604
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Giáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt NamTổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa

                            Lịch sử hiệu lực Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt NamTổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa

                            • 01/10/2010

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 24/10/2010

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 01/10/2010

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực