Nội dung toàn văn Báo cáo 1516/BC-BNN-CB tổ chức hội thảo chuyên đề Cơ giới hóa nông nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1516/BC-BNN-CB | Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2012 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ TỔ CHỨC HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ “CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP PHỤC VỤ SẢN XUẤT LÚA GẠO HÀNG HÓA - MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN” TẠI TRIỂN LÃM HỘI CHỢ THÀNH TỰU 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐBSCL
Kính gửi: Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
Phúc đáp công văn số 1043-CV/BCĐTNB ngày 03/5/2012 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc báo cáo kết quả tổ chức hội thảo tại Triển lãm Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo kết quả thực hiện như sau:
Trong khuôn khổ Triển lãm Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL tại Cần Thơ, ngày 28/4 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội thảo chuyên đề “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa - Mô hình cánh đồng mẫu lớn”.
Tham dự Hội thảo có gần 400 đại biểu của các Bộ Ngành Trung ương, UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT; Viện nghiên cứu, Trường đại học; Doanh nghiệp và bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL quan tâm đến phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Tại Hội thảo có 9 báo cáo tham luận với các nội dung sau:
1) Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch (Do đại diện Cục Chế biến Thương mại NLTS&NM trình bày)
2) Đánh giá tình hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và những giải pháp khắc phục nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp (Viện lúa ĐBSCL)
3) Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và cánh đồng mẫu lớn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang)
4) Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại (Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch)
5) Làm thế nào để ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả ở ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ)
6) Tác động của cơ giới hóa sau thu hoạch đến sản xuất lúa và sinh kế người nghèo ở khu vực nông thôn tỉnh An Giang (Trường Đại học An Giang)
7) Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL, những thuận lợi và khó khăn (Công ty Mekong)
8) Giải pháp phát triển sấy lúa ở ĐBSCL (Công ty TNHH Cơ khí Công Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ)
9) Mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, hướng sản xuất hiệu quả và bền vững (Công ty CP Gentraco)
Các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề sau:
- Tiếp tục ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực thủy lợi, giao thông, điện khí hóa nông thôn … theo hướng hoàn chỉnh hệ thống thủy nông để đảm bảo tưới tiêu nước chủ động theo thời gian sinh trưởng của cây lúa; Tăng cường các trạm bơm đầu mối để giảm chi phí sản xuất; Phát triển giao thông nông thôn thủy, bộ nhằm tạo thuận lợi cho máy móc di chuyển trên đồng ruộng;
- Sửa đổi luật đất đai, khuyến khích nông thôn dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, không hạn chế hạn điền/hộ, cho nông dân vay vốn để mua ruộng đất sản xuất, miễn các loại thuế có liên quan đến quá trình chuyển nhượng đất nhằm tăng kích thước lô thửa, tạo điều kiện cho các liên hợp máy (làm đất, phun thuốc, thu hoạch) hoạt động hiệu qủa trên đồng;
- Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản để họ thực hiện các khâu: cải tạo ruộng đất, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, phục vụ sau thu hoạch và tạm trữ lúa khi họ chưa cần tiêu thụ;
- Đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá thông qua nhiều hình thức để nông dân thấy rõ những lợi ích của việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất như: san bằng mặt ruộng, lịch thời vụ tập trung, sử dụng giống cứng cây, nâng tầng đế cày … để có thể áp dụng đồng bộ cơ giới hóa có hiệu quả;
- Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng: kinh tế hợp tác; gắn kết doanh nghiệp với nông dân; hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp; nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, hình thành chuỗi giá trị theo hướng bền vững và hiệu quả;
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực về cơ khí cho các vùng sản xuất lúa gạo; trước mắt cần nâng cao năng lực cho các Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư của các địa phương có cánh đồng mẫu lớn; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng, bảo trì, sửa chữa, đặc biệt là an toàn lao động trong sử dụng máy móc, thiết bị máy nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng báo cáo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |