Văn bản khác 2327/BC-BNG-CÂu

Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 về tham dự Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt - Pháp lần thứ 9 tại thành phố Bre-xtơ, Pháp (09-12/06/2013) do Bộ Ngoại giao ban hành

Nội dung toàn văn Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Pháp lần thứ 9 tại Bre-xtơ Pháp


BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2327/BC-BNG-CÂu

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2013

 

BÁO CÁO

VỀ VIỆC THAM DỰ HỘI NGHỊ HỢP TÁC PHI TẬP TRUNG VIỆT - PHÁP LẦN THỨ 9 TẠI THÀNH PHỐ BRE-XTƠ, PHÁP (09-12/6/2013)

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (công văn số 9485/VPCP-QHQT ngày 30/12/2010), Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt - Pháp lần thứ 9 tại thành phố Bre-xtơ (Pháp) từ ngày 09-12/06/2013. Tham dự Hội nghị có 350 đại biểu từ 16 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 22 địa phương, tổ chức của Pháp. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn.

Bộ Ngoại giao xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tham dự Hội nghị như sau:

1. Tình hình và kết quả Hội nghị:

Hội nghị lần thứ 9 mang chủ đề “Hướng tới một mô hình mới về phát triển: Vai trò và cơ hội của các địa phương Việt Nam và Pháp, cũng như các đối tác khác tại địa phương” và được tổ chức thành 6 cuộc hội thảo chuyên đề: "Giáo dục - đào tạo, giảng dạy đại học và y tế" do thành phố Hải Phòng và tỉnh Moóc-bi-ăng đồng chủ trì; Văn hóa” do tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Tu-lu-dơ đồng chủ trì; "Phát triển bền vững ở thành thị: các thách thức về môi trường đối với các địa phương”“Phát triển kinh tế phục vụ dân cư và địa phương" do thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Xen Xanh Đê-ni và vùng Rôn An-pơ đồng chủ trì; "Quy hoạch, phát triển nông thôn: Mô hình nông thôn trong tương lai” do tỉnh Lâm Đồng và thành phố Bre- xtơ đồng chủ trì; "Các công cụ hợp tác phục vụ cho ngoại giao kinh tế" do thành phố Hà Nội và vùng Rôn An-pơ đồng chủ trì. Tại phiên khai mạc Hội nghị, Ban Tổ chức đã long trọng công bố thư chào mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Giăng-Mác Ê-rô.

Hội nghị lần thứ 9 đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, triển vọng hợp tác giữa các địa phương hai nước và đề ra các phương hướng cụ thể trong thời gian tới bao gồm tăng cường và chuyển đổi mô hình hợp tác phi tập trung từ hỗ trợ đoàn kết sang hợp tác cùng chia sẻ kinh nghiệm và chi phí, cùng có lợi trên các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, thế mạnh của hai bên như: đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị địa phương, phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn, phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... nhằm phục vụ phát triển bền vững tại địa phương.

Đáng chú ý, Hội nghị lần này đã đề xuất một số biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác phi tập trung, bao gồm: tìm kiếm và lựa chọn các dự án quy mô nhỏ, phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế của các địa phương hai bên, hài hòa về kinh tế - xã hội - môi trường, trên cơ sở cùng có lợi để phát triển bền vững; gắn kết chặt chẽ các dự án với kế hoạch hợp tác ODA giữa hai Chính phủ và mô hình đối tác công tư (PPP) để tranh thủ các nguồn tài chính cho hợp tác; mở rộng sang mô hình dự án có sự liên kết tham gia của nhiều địa phương, đối tác hai bên hoặc "3 bên: địa phương Việt Nam - địa phương Pháp - Quỹ của EU"; thúc đẩy các doanh nghiệp Pháp đang kinh doanh tại Việt Nam tham gia đào tạo nhân lực sử dụng tiếng Pháp; tập trung thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế và du lịch...; sớm thiết lập kênh trao đổi thông tin về hợp tác phi tập trung (có thể tranh thủ vai trò đầu mối của Hiệp hội các chính quyền địa phương Pháp - CUF) để cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm hợp tác. Trong Hội nghị, đại diện nhiều địa phương Pháp đã phát biểu, đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước.

Tại phiên bế mạc Hội nghị, thành phố Bre-xtơ đã chuyển giao cho thành phố Cần Thơ việc tổ chức Hội nghị Hợp tác phi tận trung Việt - Pháp lần thứ 10 sẽ diễn ra vào năm 2016.

Kết thúc Hội nghị, các địa phương hai nước đã ký kết 07 thỏa thuận hợp tác gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng và trường Trung học "La Croix Rouse", Bre-xtơ; Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Y Hải Phòng và Viện trường Bre-xtơ; Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Tài nguyên và Môi trường biển Việt Nam với Cơ quan Phát triển Pháp; Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Y học biển Việt Nam với Hội Y học cấp cứu Việt - Pháp (AFRAVIETMUR); Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Y học biển Việt Nam với Đại học Tây Brơ-ta-nhơ và Viện trường Bre-xtơ (tái ký kết); Bản ghi nhớ kết quả thảo luận về chương trình hợp tác giữa tỉnh Hải Dương và tỉnh Xen Xanh Đê-ni năm 2013 và những năm tiếp theo; Bản ghi nhớ giữa Cơ quan phát triển Pháp và Cộng đồng đô thị Bre-xtơ về việc tài trợ phát triển các vùng vịnh Việt Nam.

Bên lề Hội nghị, nhiều địa phương ra đã gặp gỡ các địa phương và doanh nghiệp Pháp để tìm hiểu và mở rộng khả năng hợp tác (Điện Biên với thành phố Bre- xtơ, vùng A-ki-ten và tỉnh Van Đờ Mác-nơ; Hải Dương với tỉnh Xen Xanh Đê-ni; Yên Bái với tỉnh Van Đờ Mác-nơ; Lào Cai với vùng A-ki-ten; Đồng Nai với vùng Brơ-ta-nhơ; Kon Tum, Lâm Đồng và thành phố Hải Phòng với thành phố Bre-xtơ, thành phố Hồ Chí Minh với vùng Rôn An-pơ...; các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương, Yên Bái, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... với các tập đoàn Véolia, Glon, A.ccor, Actimar...). Bên cạnh đó, các địa phương của ta và Bạn đã tổ chức triển lãm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên tại Hội nghị.

2. Nhận xét, kiến nghị:

- Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt - Pháp lần thứ 9 với nội dung rất phong phú, diễn ra trong không khí cởi mở và hữu nghị, đã thành công tốt đẹp; các địa phương ta tham dự trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị; các chủ đề của Hội nghị được hai bên lựa chọn phù hợp với sự quan tâm và nhu cầu hợp tác cấp bách của các địa phương hai nước hiện nay, nhất là các lĩnh vực: quy hoạch đô thị, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch sinh thái...; các địa phương hai nước, được Ban Tổ chức Hội nghị phân công chủ trì các phiên hội thảo chuyên đề phù hợp với thế mạnh của mình, đã phát huy tốt vai trò điều phối thảo luận và tổng kết nội dung hội thảo.

- Hai bên khẳng định sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, hợp tác phi tập trung đã đóng góp tích cực cho việc củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương Việt Nam; các dự án hợp tác có quy mô nhỏ nhưng thực chất và được triển khai linh hoạt, tập trung vào các lĩnh vực các địa phương Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và của cả nước; nhấn mạnh trước các thách thức của quá trình toàn cầu hóa, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay và trong tương lai, hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo tồn, phát huy đa dạng văn hóa là nhu cầu bức thiết của các địa phương Việt Nam và Pháp.

- Hai bên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phong phú trong việc triển khai các dự án hợp tác (sự hỗ trợ của cơ quan trung ương và địa phương; việc thu hút các doanh nghiệp và các đối tác tại địa phương như trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề... tham gia thực hiện dự án; đào tạo nhân lực tiếng Pháp/tiếng Việt cho dự án; hướng các dự án vào những lĩnh vực mới hoặc chuyên sâu nhằm phát triển bền vững.. .); xác định những tồn tại (thiếu nguồn nhân lực và nguồn tài chính phù hợp...) để thống nhất các phương hướng hợp tác phù hợp với tình hình mới và điều kiện của các địa phương trong thời gian tới (lựa chọn các dự án nhỏ với các đối tác phù hợp, đảm bảo đôi bên cùng chia sẻ chi phí và cùng có lợi; huy động các nguồn tài trợ khác nhau, gắn kết chặt chẽ các dự án với kế hoạch hợp tác ODA giữa hai Chính phủ, với mô hình đối tác công - tư, mô hình dự án hợp tác liên địa phương của 2 bên hoặc "3 bên: địa phương Việt Nam - địa phương Pháp - Quỹ của EU"...).

- Đồng thời, hai bên nhấn mạnh, để phù hợp với tình hình mới, các địa phương hai nước cần thúc đẩy bước chuyển từ hợp tác đoàn kết sang đối tác cùng chia sẻ và cùng có lợi. Nhiều đại biểu Pháp nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang gặp nhiều khó khăn, các chính quyền địa phương Pháp ngày càng có nhiều thẩm quyền hơn và đang tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác phi tập trung cần phải chuyển sang mô hình mới trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Các dự án hợp tác cần hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương Việt Nam (thụ hưởng những kinh nghiệm quản trị địa phương, chuyển giao công nghệ tiên tiến...), đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Pháp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường trách nhiệm và vai trò của phía Việt Nam trong việc thực hiện các dự án, bao gồm cả vấn đề nguồn tài chính (có khả năng một số dự án theo mô hình cũ do phía Pháp tài trợ sẽ khó tiếp tục thực hiện trong thời gian tới vì Bạn phải cắt giảm ngân sách).

- Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và các địa phương liên quan cũng như Ban Tổ chức phía Pháp chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình Hội nghị; bảo đảm việc tham dự Hội nghị chất lượng, hiệu quả, thiết thực và an ninh, an toàn. Phía Pháp đánh giá việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì việc tham dự Hội nghị là phù hợp vì đối với Pháp, hợp tác phi tập trung do một Ủy ban quốc gia phụ trách, trong đó Bộ Ngoại giao đóng vai trò điều phối hết sức quan trọng, được nhiều cơ quan Quốc hội, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ. Cách thức tổ chức Hội nghị lần này cũng được cải tiến so với một số Hội nghị trước đây, chỉ tiến hành song song 02 phiên hội thảo chuyên đề tại cùng một thời điểm nên sự tham gia tham luận, thảo luận của các đại biểu tập trung hơn, sôi nổi và hiệu quả hơn.

- Tại các cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị, nhiều địa phương ta đã kết nối được quan hệ với các đối tác Pháp, trong đó có những địa phương trước đây chưa có hợp tác với Pháp như Điện Biên, Kon Tum...

Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ Ngoại giao xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nội dung dự án hợp tác đã ký kết tại Hội nghị; thúc đẩy và hỗ trợ các địa phương đã kết nối được với đối tác Pháp tiếp tục trao đổi, thiết lập quan hệ hợp tác trong thời gian tới theo hướng thiết thực, hiệu quả và cùng có lợi.

- Giao Bộ Ngoại giao trao đổi với phía Pháp nhằm sớm thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên về hợp tác phi tập trung giữa hai nước.

- Giao thành phố Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần 10 tại thành phố Cần Thơ vào năm 2016.

- Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong hợp tác phi tập trung với Pháp nói riêng, trong hợp tác quốc tế cấp địa phương với các nước trên thế giới nói chung; tham khảo mô hình cơ chế hợp tác phi tập trung với Pháp để áp dụng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương với một số nước đối tác quan trọng khác.

Bộ Ngoại giao kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ:
- BT Phạm Bình Minh (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Bộ Nội vụ; UBND các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ; UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Đồng Nai, Hải Dương, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Yên Bái.
- Các đơn vị: VP (TĐ-KT), CSĐN, THKT, VHĐN- UNESCO, LPQT;
- Lưu: HC, CÂu.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Thanh Sơn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2327/BC-BNG-CÂu

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu2327/BC-BNG-CÂu
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/06/2013
Ngày hiệu lực20/06/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2327/BC-BNG-CÂu

Lược đồ Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Pháp lần thứ 9 tại Bre-xtơ Pháp


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Pháp lần thứ 9 tại Bre-xtơ Pháp
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu2327/BC-BNG-CÂu
                Cơ quan ban hànhBộ Ngoại giao
                Người kýBùi Thanh Sơn
                Ngày ban hành20/06/2013
                Ngày hiệu lực20/06/2013
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật11 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Pháp lần thứ 9 tại Bre-xtơ Pháp

                          Lịch sử hiệu lực Báo cáo 2327/BC-BNG-CÂu năm 2013 Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Pháp lần thứ 9 tại Bre-xtơ Pháp

                          • 20/06/2013

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 20/06/2013

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực