Nội dung toàn văn Báo cáo 816/BC-BYT Tổng hợp hoạt động y tế khắc phục hậu quả thảm hoạ Cần Thơ
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 816/BC-BYT | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2007 |
BÁO CÁO
Tổng hợp các hoạt động y tế khắc phục hậu quả thảm hoạ tại Cần Thơ
Căn cứ vào điện khẩn số 07/VP ngày 30/9/2007 của Văn phòng ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Bộ Y tế xin báo cáo tổng hợp các hoạt động y tế khắc phục hậu quả sự cố sập đổ cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007 như sau :
1.Công tác chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Y tế:
Ngay sau khi nhận được tin tai nạn xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong khu vực xảy ra tai nạn tiến hành đồng bộ các hoạt động hỗ trợ công tác cấp cứu, vận chuyển, tiếp nhận và điều trị nạn nhân với phương châm khẩn trương, hiệu quả, chính xác, điều trị tại chỗ và giành ưu tiên tối đa cho việc cứu sống các nạn nhân, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong, tàn phế.
9 giờ ngày 26/9/2007 - ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 6888/BYT-VP1 chỉ đạo bệnh viện Chợ Rẫy cử lực lượng và phương tiện hỗ trợ khẩn cấp Cần Thơ trong công tác cấp cứu nạn nhân. Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 29 bác sỹ và điều dưỡng cùng thuốc men và thiết bị cấp cứu cơ động gồm các chuyên khoa: hồi sức cấp cứu, chỉnh hình, ngoại tổng quát và ngoại thần kinh do PGS-TS Trương Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn hỗ trợ cho Cần Thơ. 14 giờ 30 lực lượng hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy chia thành 4 tổ công tác tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, Bệnh viện Tây Đô, Viện quân y 121 và Bệnh viện thành phố Cần Thơ để hỗ trợ các cơ sở điều trị theo phương châm cấp cứu, điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển nạn nhân đến mức thấp nhất. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng cử bác sỹ và điều dưỡng từ các Bệnh viện: 115, Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Trưng Vương tới hỗ trợ kịp thời các cơ sở điều trị tại Cần Thơ ; Quân y Quân khu 9 đã tăng cường 02 đội cấp cứu từ Viện Quân y 120 (Tiền Giang) cho Viện Quân y 121 (Cần Thơ) và điều tàu cấp cứu tới hiện trường để phối hợp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn
11 giờ 30 ngày 26/9/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Quyết định số 3664/QĐ-BYT thành lập Tổ công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Chí Liêm - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế cùng TS Lý Ngọc Kính - Vụ trưởng Vụ Điều trị vào Cần Thơ để trực tiếp chỉ đạo công tác y tế khắc phục hậu quả của thảm hoạ. Ngay tối 26/9/2007 Tổ công tác đã có mặt tại thành phố Cần Thơ.
Ngày 27/9/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3697B/QĐ-BYT thành lập Hội đồng Chuyên gia chuyên ngành y tế khắc phục hậu quả về mặt sức khoẻ, y tế sự cố sập cầu Cần Thơ gồm đại diện lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh viện quân y, dân y và bệnh viện Tây Đô để chỉ đạo và tư vấn các vấn đề chuyên môn các lĩnh vực chuyên khoa trong quá trình điều trị nạn nhân tại các Bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Ngày 27/9 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thư khen và thưởng 290 triệu đồng cho các đơn vị y tế trực tiếp phục vụ. Và cấp 8 máy thở cho 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Quân y viện 121. Đến 14 giờ ngày 28/9 các máy thở đã được vận chuyển, lắp đặt và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện nói trên.
Ngay trong ngày 27/9/2007 cán bộ công chức, viên chức Cơ quan Bộ Y tế và một số đơn vị đã ủng hộ các nạn nhân 91 triệu đồng. Tính đến ngày 2/10/2007 số tiền thưởng cho các đơn vị y tế và số tiền ủng hộ các nạn nhân của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế là trên 867 triệu đồng (Bộ Y tế đã hỗ trợ mỗi người tử nạn 3 triệu đồng và mỗi người bị thương 2 triêụ đồng).
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam có Công văn số 5494/QLD-PCD ngày 27/9/2007 chỉ đạo các Sở Y tế Cần Thơ, Vĩnh Long và các Công ty Dược và Vật tư y tế tại Cần Thơ và Vĩnh Long khẩn trương chuẩn bị các nguồn hàng, cung ứng đủ các loại thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện y tế cần thiết để phục vụ công tác cứu chữa nạn nhân, Cục sẽ ưu tiên giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc phòng chống tai nạn, thương tích không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
2.Tình hình thiệt hại về người :
Theo báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, Có 126 nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại các cơ sở điều trị. Tính đến ngày 04/10//2007 đã có 52 trường hợp tử vong – trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Viện quân y 121 Quân khu 9 do tổn thương quá nặng, 77 nạn nhân đang được điều trị, có 1 nạn nhân được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy và 19 nạn nhân đã được phẫu thuật. Hiện nay số nạn nhân đang được điều trị tại các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ 29; Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ 13; Bệnh viện Tây Đô 06; Viện quân y 121 Quân khu IX 29. Có 6 nạn nhân nặng trong đó có 01 trường hợp rất nặng, tiên lượng xấu. 100% nạn nhân đã được tiếp nhận và điều trị miễn phí. Nhiều cán bộ, nhân viên của các đơn vị y tế, sinh viên Đaị học Y dược Cần Thơ và Trường Cao Đẳng Y tế Cần Thơ đã tự nguyện hiến máu ngay trong ngày tai nạn xảy ra nên hiện nay vẫn còn máu dự trữ phục vụ công tác điều trị cho các nạn nhân.
Bộ Y tế xin trân trọng báo cáo và sẽ tiếp tục tổng hợp số liệu về tình hình cấp cứu, điều trị nạn nhân tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ./.
TL.BỘ TRƯỞNG |