Văn bản khác 92/BC-CP

Báo cáo số 92/BC-CP về tình hình lao động mất việc làm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế do Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Báo cáo 92/BC-CP lao động mất việc làm ảnh hưởng suy giảm kinh tế


CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 92/BC-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM DO ẢNH HƯỞNG CỦA SUY GIẢM KINH TẾ

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ báo cáo tình hình lao động mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế như sau:

I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM:

Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn duy trì và phát triển sản xuất có nhu cầu thu hút lao động vào làm việc.

- Năm 2008, theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố có 66.707 người bị mất việc làm, chiếm 16,26% lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo, trong đó số lao động nữ bị mất việc làm chiếm 25,5%. Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao là: TP Hồ Chí Minh 19.041 người, Hà Nội 9.634 người, Bình Dương 8.515 người, Đồng Nai 6.445 người, Bắc Ninh 3.986 người. Một số tỉnh không thuộc vùng kinh tế trọng điểm, ít doanh nghiệp nhưng có số lao động mất việc làm lớn như: tỉnh An Giang có 2 doanh nghiệp báo cáo đã có 2.692 lao động mất việc làm, tỉnh Sóc Trăng có 5 doanh nghiệp báo cáo đã có 4.938 lao động bị mất việc làm.

- Quý I năm 2009, qua khảo sát thực tế và báo cáo của 48 tỉnh, thành phố thì có 1.264 doanh nghiệp đang gặp khó khăn với số lao động bị mất việc làm là 64.897 người, chiếm 10% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo, trong đó số lao động nữ bị mất việc làm là 21.654 người (chiếm 33,3% tổng số lao động bị mất việc làm), lao động thiếu việc làm là 38.914 người (phải giảm giờ làm việc hoặc thay phiên làm việc). Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm là: TP Hồ Chí Minh 15.548 người, Hà Nội 13.245 người, Bình Dương 8.002 người, Đồng Nai 5.460 người, Hải Phòng 4.053 người, Nam Định 3.179 người …

Các ngành có số lượng lao động mất việc làm và thiếu việc làm tập trung nhiều nhất là ngành dệt may, da giày, chế biến hải sản, chế biến nông sản, xây dựng, công nghiệp ôtô, điện tử, kinh doanh địa ốc, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang nước ngoài hoặc có nguyên liệu nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Mỹ và các nước khác cũng chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.

Ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các làng nghề suy giảm kinh tế đã tác động đến sản xuất và tiêu thụ của các làng nghề, mà trực tiếp nhất là ảnh hưởng đến vấn đề việc làm và đời sống của người lao động. Tại làng nghề La Phù (Xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) trước thời kỳ khủng hoảng, với hơn 97 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và trên 1.000 hộ gia đình sản xuất kinh doanh, hàng năm La Phù giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 người lao động (trong đó có khoảng 10.000 người làm việc thường xuyên trong các doanh nghiệp, 15.000 người làm việc tại gia đình gia công hàng cho các doanh nghiệp tại xã và các địa phương lân cận). Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, các nước Đông Âu gặp khó khăn và có biến động về tỷ giá, hàng hóa xuất sang các nước này giảm hẳn nên nhu cầu sử dụng lao động tại La Phù đã giảm 50-70%. Tại làng nghề Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh cũng bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế. Với 140 doanh nghiệp và 20 hợp tác xã sản xuất hàng truyền thống, nhu cầu sử dụng lao động hàng năm của Đồng Kỵ là 6.000 lao động địa phương và khoảng 10.000 lao động đến từ các tỉnh lân cận, hiện nay làng nghề này cũng giảm 2/3 số lao động. Theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố thì Quý I/2009 số lao động mất việc làm ở trong khu vực làng nghề là 30.594 người (trong đó nữ là 14.890 người, chiếm 48,6%). Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao như tỉnh Bắc Ninh là 6.150 người (trong đó làng nghề là 5.400 người, hợp tác xã là 750 người), tỉnh Thái Bình 6.427 người, tỉnh Hà Nam 4.583 người, thành phố Hà Nội: 2.007 người, tỉnh Hải Dương 1.977 người …

Qua số liệu báo cáo của các địa phương và khảo sát thực tế cho thấy xu hướng mất việc làm năm 2009 vẫn đang diễn biến phức tạp do nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn đặt hàng từ phía nước ngoài; nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Dự báo số lao động mất việc làm trên phạm vi toàn quốc trong các doanh nghiệp năm 2009 khoảng 300.000 người. Tình hình suy thoái kinh tế thế giới vẫn đang ảnh hưởng lớn đến lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tính đến nay đã có trên 7.000 lao động về nước trước thời hạn, dự báo số lao động đang làm việc ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn năm 2009 có thể lên tới 10.000 lao động.

Mặc dù có nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nhưng vẫn có doanh nghiệp mới được thành lập, bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất và có nhu cầu thu hút lao động vào làm việc. Quý I/2009, theo báo cáo của các địa phương thì nhu cầu về lao động ở các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, tại TP Hồ Chí Minh, số lao động mất việc làm là 15.548 người, nhưng nhu cầu tuyển lao động là 61.000 người; tỉnh Bình Dương có 8.002 người bị mất việc làm từ 3 tháng trở lên, nhưng số lao động cần được tuyển là 41.600 người; tỉnh Đồng Nai có 5.460 người mất việc làm, nhưng số lao động được tuyển thêm là 25.000 người; tỉnh Thái Bình số lao động mất việc làm là 1.064 người, nhưng nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là 2.777 người; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 862 người trong 19 doanh nghiệp bị mất việc làm nhưng lại đang có nhu cầu tuyển lao động là 4.000 người (trong 14 doanh nghiệp); tại tỉnh Long An số lao động bị mất việc làm năm 2008 và Quý I/2009 trên 4.000 người, nhưng nhu cầu tuyển lao động 6 tháng đầu năm 2009 là trên 5.000 người; tại thành phố Cần Thơ nhu cầu tuyển lao động cao hơn rất nhiều so với lao động bị mất việc làm, qua khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại 36 doanh nghiệp cho thấy chỉ có 69 lao động mất việc và thôi việc, nhưng số lao động dự kiến tuyển thêm là 5.212 lao động; tại tỉnh Hậu Giang nhu cầu tuyển lao động là trên 1.500 lao động.

Theo báo cáo của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng trên 80% số lao động mất việc làm ở các địa phương đã tìm được việc làm, điển hình như tỉnh Bình Dương 95% số lao động bị mất việc làm đã tìm được việc làm; TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai trên 80% số lao động mất việc làm đã tìm được việc làm. Tại các làng nghề mặc dù bị thu hẹp sản xuất nhưng hầu hết các hộ gia đình làm nghề truyền thống vẫn tiếp tục sản xuất, một số lao động chuyển sang làm việc khác kết hợp với làm nông nghiệp, nên thu nhập và đời sống không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn phát triển và vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động như doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công phục vụ thị trường trong nước, doanh nghiệp khai thác nguồn nguyên liệu trong nước (nghề mây tre đan), doanh nghiệp làm giấy …

II. CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP NHẰM HẠN CHẾ SA THẢI LAO ĐỘNG VÀ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM DO SUY GIẢM KINH TẾ

Trước tình hình gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung các giải pháp cấp bách về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chính sách tài chính, tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội.

Ngày 23/02/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế với các chính sách như sau:

- Doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội, thánh toán tiền lương, tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 thì được Nhà nước cho vay để thanh toán các khoản nêu trên với thời hạn vay là 12 tháng; mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm; lãi suất vay là 0% (không phần trăm). Cơ quan thực hiện cho vay là Ngân hàng phát triển Việt Nam.

- Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định hiện hành của pháp luật. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Người lao động bị mất việc làm (bao gồm cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn) được hưởng các chính sách: được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về Việc làm với lãi suất ưu đãi để tự tạo việc làm; được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm; được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội như đối với đối tượng chính sách quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày người lao động về nước. Cơ quan thực hiện cho vay là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 để hướng dẫn thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg nêu trên; Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động và hướng dẫn kịp thời việc cho vay vốn.

Chính sách mới được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chưa được 3 tháng nhưng được dư luận đánh giá cao về sự quan tâm của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật lao động, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ cho người lao động. Đến nay đã có trên 200 doanh nghiệp làm các thủ tục vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó có trên 30 doanh nghiệp đã hoàn chỉnh hồ sơ vay và đã có một số doanh nghiệp vay để thanh toán cho người lao động.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ SA THẢI LAO ĐỘNG VÀ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội:

Thực hiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các giải pháp kích cầu và tiêu dùng thông qua đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện kích cầu sản xuất của các ngành thép, vật liệu xây dựng, … nhằm thu hút nhiều lao động, đặc biệt là những lĩnh vực, những ngành, nghề cần sử dụng nhiều lao động; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế, hoãn nộp thuế, khoanh nợ và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành dịch vụ có sử dụng nhiều lao động bằng cách cho vay vốn bù lãi suất để duy trì sản xuất, đảm bảo cho người lao động không bị mất việc làm …, tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ cho các ngành có nhiều lao động bị mất việc làm như dệt may, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, ….

2. Tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế:

Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động bị mất việc làm theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 06/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính nêu trên; thường xuyên nắm số lao động thôi việc, mất việc do suy giảm kinh tế ở các khu vực để có chính sách hỗ trợ và có giải pháp phù hợp.

3. Tăng cường triển khai các chính sách việc làm cho người lao động:

Bên cạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thu hút lao động, hạn chế sa thải người lao động và chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và hỗ trợ người lao động, tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về lao động – việc làm và bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động và người lao động; nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế; đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động – việc làm;

- Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, chắp nối cung – cầu lao động thông qua hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động nói chung và người lao động mất việc làm nói riêng.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tái đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường lao động và của các doanh nghiệp;

- Tăng cường công tác quản lý lao động; nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động đến các thành phố, khu công nghiệp tập trung;

- Tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người thất nghiệp, nhất là các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề để nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động.

4. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

Chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ đối với người lao động bị mất việc làm; giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động, hỗ trợ dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm đối với người lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế.

5. Kiến nghị đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố:

Tăng cường hoạt động giám sát để thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế tại địa phương.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch QH và các PCTQH (để báo cáo);
- TTgCP và các TTgCP (để báo cáo);
- Các Đại biểu Quốc hội;
- Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (30 bản);
- Lưu: VPCP, BLĐTBXH.

TM. CHÍNH PHỦ
TUQ. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 92/BC-CP

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu92/BC-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành25/05/2009
Ngày hiệu lực25/05/2009
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 92/BC-CP

Lược đồ Báo cáo 92/BC-CP lao động mất việc làm ảnh hưởng suy giảm kinh tế


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Báo cáo 92/BC-CP lao động mất việc làm ảnh hưởng suy giảm kinh tế
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu92/BC-CP
                Cơ quan ban hànhChính phủ
                Người kýNguyễn Thị Kim Ngân
                Ngày ban hành25/05/2009
                Ngày hiệu lực25/05/2009
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật15 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Báo cáo 92/BC-CP lao động mất việc làm ảnh hưởng suy giảm kinh tế

                      Lịch sử hiệu lực Báo cáo 92/BC-CP lao động mất việc làm ảnh hưởng suy giảm kinh tế

                      • 25/05/2009

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 25/05/2009

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực