Nội dung toàn văn Báo cáo tổng kết 253/BC-UBND Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu Hà Nội 2010 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 253/BC-UBND | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015 |
BÁO CÁO TỔNG KẾT
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2010-2015
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện Văn bản số 3475/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 21/8/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 như sau:
I. Tổ chức thực hiện chương trình
1.1. Thông tin về Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình:
Triển khai thực hiện Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 26/4/2012 về việc “Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội”, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5646/QĐ-UBND ngày 06/12/2012 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội.
Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội có 15 Thành viên, gồm 01 Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND Thành phố; 03 Phó Trưởng ban là đại diện lãnh đạo của các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và 11 Thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Công thương, Y tế, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an Thành phố.
1.2. Thông tin về Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình:
Ngày 02/4/2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2346/QĐ-UBND thành lập Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội.
Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội có 10 Thành viên; bao gồm: 01 Tổ trưởng (Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường), 02 Tổ phó (Đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) và 07 Thành viên (đại diện các sở, ngành: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Công thương, Y tế);
1.3. Thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành:
- Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp Hành Trung ương (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;
- Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp Hành Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 26/04/2012 của UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Thành phố Hà Nội;
- Quyết định số 5400/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội;
- Quyết định số 3028/QĐ-UBND ngày 10/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội;
- Quyết định số 3388/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh danh mục các dự án, đề án, nhiệm vụ trong kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2013;
- Quyết định số 5814/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Phê duyệt kết quả Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu và Danh mục các Chương trình, Nhiệm vụ, Dự án ưu tiên triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
II. Kết quả thực hiện Chương trình
2.1. Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án:
2.1.1. Nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội”:
Thực hiện Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Văn bản số 3815/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 13/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 2010-2012, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ: “Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội”.
Năm 2010-2011, các đơn vị đã triển khai các nhiệm vụ: thực hiện điều tra, khảo sát chi tiết, thu thập thông tin về hiện trạng và tác động biến đổi khí hậu đến tài nguyên môi trường và phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội; dự báo mức độ ảnh hưởng của BĐKH ứng với các kịch bản khác nhau và xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH làm cơ sở xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 26/4/2012, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2.1.2. Nhiệm vụ "Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội":
Thực hiện Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện nhiệm vụ: "Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Các nội dung chính đã thực hiện trong năm 2012 gồm: Xây dựng "Sổ tay về Biến đổi khí hậu"; Tổ chức Hội thảo chuyên đề: "Kinh tế xanh trong điều kiện Biến đổi khí hậu"; Thực hiện phóng sự với chủ đề "Cộng đồng và ứng phó với Biến đổi khí hậu"; Phát sóng trên hệ thời sự chính trị tổng hợp của Đài tiếng nói Việt Nam Xây dựng 10 bài tuyên truyền về Biến đổi khí hậu; Đăng 10 bài viết tuyên truyền về Biến đổi khí hậu trên Báo Hà Nội Mới.
Năm 2013, tiếp tục thực hiện các nội dung thuộc Nhiệm vụ gồm: Tổ chức hội thảo chuyên đề: "Ứng phó với Biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng"; Tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ các ngành, các cấp và cán bộ chuyên trách tại các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; Thực hiện 02 phóng sự với chủ đề "Cộng đồng và ứng phó với Biến đổi khí hậu"; Tổ chức 2 cuộc đạp xe cổ động tuyên truyền về Biến đổi khí hậu trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
2.1.3. Thực hiện nhiệm vụ "Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội":
Thực hiện Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện nhiệm vụ: "Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội”.
Kết quả cập nhật đã nhận được ý kiến góp ý của Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và được Hội đồng nghiệm thu của Thành phố nghiệm thu theo đúng quy định, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 5814/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 phê duyệt Kết quả Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu và Danh mục các Chương trình, Nhiệm vụ, Dự án ưu tiên triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội
2.2. Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của Cơ quan thực hiện:
2.2.1. Về việc ban hành các Văn bản liên quan đến biến đổi khí hậu:
- Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 26/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội về việc “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
- Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26/9/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Quyết định số 3388/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh danh mục các dự án, đề án, nhiệm vụ trong kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2013.
- Kế hoạch số 1363/KH-LĐTBXH ngày 17/8/2011 của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội về ứng phó với biến đổi khí hậu 2011-2015.
- Công văn số 1816/LĐTBXH-BTXH ngày 18/9/2012 về triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu: triển khai Dự án ODA Hỗ trợ cộng đồng tự ứng phó với biến đổi khí hậu; Kế hoạch xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách bị tác động của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan.
- Kế hoạch số 471/LĐTBXH ngày 13/4/2013 của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội về Kế hoạch hoạt động Dự án ODA Hỗ trợ cộng đồng tự ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2013.
- Kế hoạch số 1049/LĐTBXH ngày 11/5/2015 của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội về Biên soạn, xây dựng, cung cấp tài liệu tuyên truyền nâng cao năng lực tự ứng phó với thiên tai cho nhân dân vùng dễ bị ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2016.
- Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 10/6/2014 của UBND Thành phố về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2014 - 2020.
2.2.2. Về các giải pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu, nước biển dâng:
* Các giải pháp ứng phó trong giai đoạn ngắn hạn (2011-2020)
- Xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của Thành phố.
- Thành lập bộ máy quản lý, bộ máy tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu.
- Cân đối và huy động các nguồn vốn phục vụ việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu.
- Phát triển nguồn lực của các ngành, địa phương để sẵn sàng ứng phó với Biến đổi khí hậu.
- Đánh giá, thẩm định và phê duyệt đề cương chi tiết làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án ưu tiên, cấp bách ứng phó với Biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về Biến đổi khí hậu, tác động và các biện pháp thích ứng, giảm thiểu Biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu hoàn thiện các phương pháp đánh giá chi tiết định tính và định lượng về ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu trong các ngành và các lĩnh vực, các địa phương; khả năng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó của các ngành, địa phương.
- Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với Biến đổi khí hậu mang tính cục bộ, tại các vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
- Xây dựng, tích hợp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về Biến đổi khí hậu cho toàn Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, phát triển dự án, quan trắc, theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động.
- Phát triển chương trình sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, vật liệu thích ứng với Biến đổi khí hậu.
- Phát triển chương trình tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với Biến đổi khí hậu.
- Phát triển các chương trình, dự án mới giải quyết các vấn đề phát sinh do Biến đổi khí hậu.
* Các giải pháp ứng phó trong giai đoạn dài hạn (sau năm 2020):
- Phát triển các chương trình, dự án mang tính chiến lược, đặc biệt tập trung các nhóm Chương trình giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
- Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án giải quyết các vấn đề mang tính thế kỷ, liên vùng và hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về Biến đổi khí hậu mang tính tổng thể và thời đại.
2.2.3. Về nhận thức:
+ Tỷ lệ % cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cơ quan thực hiện Chương trình được nâng cao nhận thức về Biến đổi khí hậu và tác động của Biến đổi khí hậu: 100%
+ Tỷ lệ % người dân được tiếp cận với thông tin, kiến thức về Biến đổi khí hậu và tác động của Biến đổi khí hậu: 70%
III. Nguồn lực thực hiện Chương trình
Tổng kinh phí được giao giai đoạn 2010-2015 là: 5.430.000.000 đồng
Trong đó:
+ Vốn sự nghiệp: 100%;
+ Vốn đầu tư: 0%
Nguồn:
+ Vốn Trung ương: 1.000.000.000 đồng
+ Vốn Địa phương: 4.430.000.000 đồng
+ Vốn nước ngoài: 0 đồng
+ Vốn khác: 0 đồng
IV. Hiệu quả của Chương trình
- Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực; Các chính sách, thể chế trong từng lĩnh vực được liên tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, chương trình, kế hoạch, như: Nghị quyết số 03/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010; Kế hoạch số 1745/QĐ-UBND ngày 26/4/2012 của UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26/9/2013 của UBND Thành phố về Triển khai thực hiện Kế hoạch số 95- KH/TU ngày 26/7/2013 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 09/2/2012 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TƯ ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 17/6/2013 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CT/TU ngày 25/4/2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kế hoạch 75/KH-UBND ngày 25/5/2012 của UBND Thành phố về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục trong các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và người dân đã được chú trọng thực hiện, vì vậy đã góp phần nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường. Công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực nêu trên được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, như: Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt việc xây dựng các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch cấp nước, thoát nước; quy hoạch chất thải rắn; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn Thành phố; khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm để quản lý có hệ thống và hiệu quả các nguồn tài nguyên); chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng, xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị; củng cố hệ thống đê điều theo Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông trên địa bàn thành phố Hà Nội; hệ thống thoát nước theo Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2, xử lý nước thải tập trung theo lưu vực tại Yên Sở, Phú Đô, Hồ Tây, cải tạo kè bờ 19 hồ và xử lý ô nhiễm nước 13 hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố và từng bước ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến để xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, y tế.
V. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình
5.1. Những tồn tại, hạn chế
- Nhận thức về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ cũng như cách thức ứng phó:
Hiểu biết, nhận thức về biến đổi khí hậu còn chưa sâu; nhận biết, nhận dạng về biến đổi khí hậu nhiều nơi chưa rõ, chưa đánh giá đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mới chỉ được coi là nguy cơ mà chưa được xem là cơ hội để thúc đẩy theo hướng phát triển bền vững. Nhận thức về sự cần thiết phải lồng ghép biến đổi khí hậu, cũng như sự cần thiết trong công tác phối hợp liên ngành, liên vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức.
- Hệ thống chính sách, pháp luật, về ứng phó với biến đổi khí hậu chưa hoàn thiện:
Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu mới bước đầu được hình thành, chưa hệ thống và còn thiếu đồng bộ, hướng đi và lộ trình còn chưa rõ. Các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; các quy định, hướng dẫn về thích ứng chủ yếu là nội dung về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước mới được thiết lập ở trung ương với đội ngũ cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.
- Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả như yêu cầu của thực tiễn:
Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa; Các hoạt động phòng chống thiên tai còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.
Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được chú trọng đúng mức; Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển, sử dụng tương xứng với tiềm năng.
Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô rất lớn, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính, song nguồn lực tài chính còn chưa tương xứng; bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, do đó các kết quả đạt được còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thành phố. Việc triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng; chưa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Việc sử dụng đất một số nơi hiệu quả còn thấp, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước của các sông thoát nước trong nội thành, như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ...; ô nhiễm không khí do bụi, ô nhiễm môi trường làng nghề gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường sống, môi trường sinh thái.
5.2. Nguyên nhân
Những hạn chế, tồn tại nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, về chủ quan: Nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác này còn chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất và chưa được coi trọng đúng mức.
Một số chủ trương, chính sách, pháp luật chưa được quán triệt và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; hệ thống văn bản pháp quy chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thiếu tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện.
Tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các sở, ban ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; Chủ trương xã hội hóa chưa huy động được sự tham gia của các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Vấn đề quy hoạch vùng liên quan đến biến đổi khí hậu vẫn chủ yếu theo ngành, tính liên ngành gần như chưa được chú trọng. Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu.
VI. Đề xuất, kiến nghị
6.1. Đề xuất các giải pháp
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực có liên quan như đầu tư, tài chính, xử lý vi phạm hành chính.
- Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua việc lồng ghép các mục tiêu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; tập trung bố trí vốn, xây dựng nguồn quỹ sẵn có để phục vụ cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu thông qua kêu gọi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các chương trình hợp tác, tài trợ từ các nguồn quỹ trong nước và quốc tế để thực hiện.
- Nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo hướng thống nhất, tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, đặc biệt là của người đứng đầu các ngành, các cấp và các đơn vị.
- Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Hoàn chỉnh cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thống nhất mục tiêu và hành động trong công tác quản lý nhà nước về ứng phó biến đổi khí hậu. Kiện toàn hệ thống cán bộ phụ trách ở các cấp, đảm bảo về số lượng, chất lượng.
- Cân đối, tăng chi từ ngân sách, kết hợp với đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án về xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường, dự án xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn Thành phố. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển ngành công nghiệp môi trường, chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường theo hình thức xã hội hóa, hợp đồng BOT, hợp tác công tư PPP; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, xử lý rác thải, nước thải, hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, các cơ chế hỗ trợ vùng ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên và môi trường; áp dụng các chế tài hành chính, kinh tế để xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm; thực hiện nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Quốc gia và Thành phố.
6.2. Kiến nghị
- Ứng phó với biến đổi khí hậu là công việc cần sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các cấp, các ngành để giảm được tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; vì vậy, rất cần nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo của các cơ quan thuộc Trung ương và cấp tỉnh; trong đó, đề nghị tập trung tăng cường năng lực về quan trắc, dự báo mưa, lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan; đặc biệt là đầu tư nguồn lực thích đáng cho các vùng, khu vực trên địa bàn Thành phố thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu.
- Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu) sớm xây dựng cơ chế điều phối, vận hành và các tiêu chí đánh giá việc lồng ghép giữa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động, kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu tại địa phương, hỗ trợ người dân những vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai đảm bảo sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức về Biến đổi khí hậu.
- Cân đối, tăng đầu tư từ ngân sách, kết hợp với đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung các nguồn vốn ưu đãi cho các dự án trọng điểm ứng phó biến đổi khí hậu.
Trên đây là Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TÊN CƠ QUAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH: UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI | PHỤ LỤC 1 |
TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN CTMTQG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2010-2015
(NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP KINH TẾ)
(Kèm theo Báo cáo số: 253/BC-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội)
Đơn vị: Triệu đồng
TT | Danh mục nhiệm vụ | Kinh phí được phê duyệt | Tổng kinh phí được giao giai đoạn 20102015 | Tổng kinh phí thực hiện | ||||||
Tổng | Trong đó | |||||||||
Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | |||||
1 | Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu Thành phố Hà Nội | 2.400 | 2.400 | 2.400 |
| 1.400 | 1.000 |
|
|
|
2 | Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội | 2.200 | 2.200 | 2.200 |
|
|
| 1.200 | 1.000 |
|
3 | Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Thành phố | 830 | 830 | 830 |
|
|
|
| 600 | 230 |
TÊN CƠ QUAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH: UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI | PHỤ LỤC 3 |
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MTQG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2010-2015
(Kèm theo Báo cáo số: 253/BC-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội)
TT | Danh mục nhiệm vụ, dự án | Thời gian thực hiện | Mục tiêu | Nội dung | Kết quả đạt được đến hết năm 2015 | Các nội dung chưa thực hiện được |
(a) | (b) | (c) | (d) | (e) | (f) | (g) |
1 | Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu Thành phố Hà Nội | 2010-2012 | Nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với Biến đổi khí hậu của các sở, ban ngành và cộng đồng dân cư thành phố trong từng giai đoạn cụ thể nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các lĩnh vực và khu vực, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phòng tránh và giảm thiểu những hiểm họa của Biến đổi khí hậu và qua đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu | - Phân tích các đối tượng và các thiệt hại do tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội dựa trên cơ sở dữ liệu đã được thiết lập - Xây dựng Khung chương trình hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu cho Thành phố Hà Nội - Đề xuất hành động, giải pháp và các chương trình ưu tiên, kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai cho thành phố Hà Nội | Hoàn thành |
|
2 | Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động và các biện pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội | 2013-2014 | Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư về vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cách thức tác động của biến đổi khí hậu đến các khả năng tổn thương thực tế | - Biên soạn các khẩu hiệu về biến đổi khí hậu, bộ tài liệu hướng dẫn các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tuyên truyền về BĐKH. - Triển khai thực hiện các chương trình, chiến dịch tuyên truyền phù hợp với nhận thức, trình độ của các đối tượng tuyên truyền khác nhau. Các hoạt động tuyên truyền theo các phương pháp phù hợp với điều kiện của từng đối tượng. Các hoạt động tuyên truyền cần được tổ chức linh hoạt, nghiêm túc và đạt kết quả cao | Hoàn thành |
|
3 | Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Thành phố | 2014-2015 | - Nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng có hiệu quả với BĐKH để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động điều tiết lũ, nâng cao năng lực các công trình thủy lợi và thoát nước nội đô đáp ứng yêu cầu chống ngập úng khu vực đô thị và nông thôn. - Nâng cao nhận thức về nguồn tác động, các vấn đề về BĐKH, biện pháp thích ứng với BĐKH, hình thành ý thức chủ động phòng, chống thiên tai của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô. Gắn kết, lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. | - Xây dựng các đề án, dự án, chương trình và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, trong đó khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý; ứng dụng khoa học, công nghệ đổi mới sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, hạn chế thấp nhất tình trạng phải khắc phục hậu quả và nhiều khó khăn phát sinh trong công tác ứng phó với BĐKH. - Huy động nguồn lực và có cơ chế tài chính phù hợp để tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng gắn với xây dựng kinh tế Thủ đô phát triển xanh, bền vững, ứng phó có hiệu quả với BĐKH. | Hoàn thành |
|