Nội dung toàn văn Biên bản kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại Việt Nam - Thỗ Nhĩ Kỳ 2008
BỘ NGOẠI GIAO |
|
Số: 16/2009/SL-LPQT | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2009 |
Biên bản kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban hỗn hợp kinh tế và thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (bản tiếng Anh), ký tại An ka ra ngày 05 tháng 11 năm 2008.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
BIÊN BẢN KỲ HỌP LẦN THỨ 4
ỦY BAN HỖN HỢP KINH TẾ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - THỔ NHĨ KỲ
Phù hợp với “Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật” ký ngày 27 tháng 8 năm 1997 giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ;
Căn cứ Biên bản Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế Thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ ký ngày 29 tháng 8 năm 2006 tại Hà Nội, Việt Nam;
Được sự đồng ý của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ,
Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế Thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ (sau đây gọi tắt là Ủy ban Hỗn hợp) đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 4 từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 11 năm 2008 tại Ankara.
Đoàn Việt Nam do Ngài Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn đầu. Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Ngài Hayatti Yazici, Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.
Thành phần của Đoàn Việt Nam và Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ được liệt kê tương ứng trong Phụ lục I và Phụ lục II.
Trong thời gian ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có các cuộc gặp xã giao với Ngài Kursad Tuzmen, Quốc vụ khanh Thổ Nhĩ Kỳ và Ngài Zafer Caglayan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại phiên toàn thể, Trưởng đoàn hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế của hai nước trong thời gian qua và kiểm điểm lại kết quả hợp tác trong một số lĩnh vực đã thỏa thuận kể từ Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp và đề ra phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên hài lòng ghi nhận tổ chức Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai bên nhất trí cần gia tăng hơn nữa trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thảo luận về các nội dung hợp tác cụ thể.
Hai bên nhất trí duy trì các cuộc trao đổi ý kiến định kỳ về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm cũng như phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức khu vực và quốc tế.
Trong các phiên họp, nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm đã được thảo luận và kết quả được tổng kết như sau:
QUAN HỆ THƯƠNG MẠI
1. Hai bên đã kiểm điểm lại sự phát triển của thương mại song phương và nhận thấy mặc dù đang có sự gia tăng về kim ngạch trao đổi thương mại kể từ Kỳ họp trước của Ủy ban Hỗn hợp nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng của mỗi bên.
Về vấn đề này, hai bên nhấn mạnh cần gia tăng và đa dạng hóa hơn nữa cơ cấu trao đổi thương mại song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hai bên đã nhất trí thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD vào cuối năm 2010.
2. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các chương trình nhằm mục đích tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bền vững và hai bên cùng có lợi.
Về vấn đề này, hai bên hài lòng việc hoàn tất một lộ trình cho các năm 2009 - 2010 trong Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp.
Hai bên cũng nhất trí sẽ nỗ lực để thực hiện đầy đủ lộ trình nói trên.
3. Trong khuôn khổ của lộ trình nói trên, hai bên đã quyết định thực hiện các hoạt động sau đây trong năm 2009 - 2010.
- Tổ chức một “Chương trình Đoàn Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ” ở cấp Bộ trưởng sang thăm và khảo sát thị trường Việt Nam trong năm 2009. Hai bên đã quyết định phối hợp với nhau để xác định các lĩnh vực tiềm năng được đưa vào trong phạm vi của chương trình này.
- Triển khai các Chương trình Phái đoàn các nhà mua hàng Việt Nam sang tham dự các hội chợ thương mại quốc tế được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về vấn đề này, Phía Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm chuyển cho Phía Việt Nam các thông tin chi tiết và các chương trình liên quan đến các hội chợ này trong thời gian sớm nhất.
- Đảm bảo việc tham gia mang tầm quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào các Hội chợ Thương mại Quốc tế được tổ chức hàng năm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổ chức một “Hội chợ các sản phẩm xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ” ở Việt Nam trong quý tư năm 2010.
- Tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau cùng với các cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
- Khuyến khích các ý tưởng đầu tư sang lẫn nhau.
4. Hai bên nhận thấy tầm quan trọng của sự hợp tác trong khu vực tư nhân nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế thông qua các cuộc tiếp xúc chặt chẽ và liên kết hệ thống.
Trong khuôn khổ này, hai bên hài lòng ghi nhật việc tổ chức Hội thảo doanh nghiệp tại Istanbul vào ngày 6 tháng 11 năm 2008 và các chuyến thăm, khảo sát của đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới Bursa và Gebze trong các ngày 4 đến 5 tháng 11 năm 2008 nhân dịp chuyến thăm của Ngài Vũ Huy Hoàng Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
6. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ giữa Liên đoàn các Phòng Thương mại, Công nghiệp và Sở Giao dịch hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ (TOBB) với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trong bối cảnh này, hai bên nhất trí sẽ ký Thoả thuận hợp tác giữa TOBB và VCCI trong năm 2009 tại Hà Nội nhằm tạo khuôn khổ cho việc thành lập đối tác phía Việt Nam trong Hội đồng Doanh nghiệp.
7. Phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thiện chí muốn ký Hiệp định thương mại tự do với ASEAN nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước ASEAN.
Phía Việt Nam ghi nhận đề xuất này và sẽ tham vấn tích cực với Ban thư ký ASEAN.
8. Phía Việt Nam đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền kinh tế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí xem xét đề nghị này và trả lời thông qua kênh ngoại giao.
9. Nhằm đạt kim ngạch trao đổi thương mại đã đặt mục tiêu cho năm 2010, hai bên đã nhất trí các tổ chức tín dụng xuất khẩu ca mỗi bên cấp tính dụng và tạo thuận lợi về bảo hiểm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.
10. Hai bên đã chỉ ra tầm quan trọng của hợp tác giữa các tổ chức hữu quan của hai nước trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường, kiểm định.
Về vấn đề này, hai bên bày tỏ thiện chí ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tổ chức Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ (TSE) và Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Việt Nam (STAMEQ)” trong thời gian tới.
Đầu tư
11. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư trong phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Xem xét tiềm năng to lớn và khía cạnh bổ sung của hai nền kinh tế, hai bên đã quyết định khuyến khích các công ty tham gia vào các dự án thành lập kinh doanh ở Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
12. Về vấn đề này, phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thiện chí tổ chức một “Đoàn đầu tư” trong năm 2009 - 2010 đi thăm và khảo sát thị trường Việt Nam nhằm xác định những lĩnh vực tiềm năng và làm quen hơn nữa với môi trường đầu tư của hai nước.
13. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán thứ 3 về “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần” vào thời điểm thuận tiện nhất nhằm mục đích góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
14. Hai bên nhất trí nối lại các cuộc đàm phán về “Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư” vào thời gian hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước.
Dịch vụ đấu thầu và tư vấn
15. Xem xét tiềm năng và khả năng của ngành dịch vụ đấu thầu và tư vấn, hai bên nhất trí tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa các công ty hai nước ở tại Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nước thứ 3.
16. Phía Thổ Nhĩ Kỳ bào tỏ ý định tổ chức một “Chương trình Đoàn dịch vụ đấu thầu và tư vấn” sang thăm, khảo sát thị trường Việt Nam trong năm 2009.
HỢP TÁC KINH TẾ VÀ KỸ THUẬT
17. Nhận biết tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và kỹ thuật nhằm tiếp tục cải thiện quan hệ song phương, hai bên đã quyết định làm sâu sắc thêm sự cộng tác trong lĩnh vực này và nỗ lực để xác định những dự án cụ thể trong những ngành nghề khác nhau.
Công nghiệp
18. Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hữu quan của hai nước nhằm phát hiện ra nhu cầu cụ thể và khả năng của mỗi bên để có sự hợp tác tốt hơn trong những ngành công nghiệp tiềm năng.
19. Hai bên cũng nhất trí xem xét khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp dệt may và giày dép bao gồm các liên doanh nhằm mục đích xuất khẩu sang nước thứ 3.
Giao thông vận tải
20. Nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa giữa hai nước và tận dụng đầy đủ lợi thế địa lý của hai nước, hai bên đã nhất trí tổ chức đàm phán Hiệp định về vận chuyển hàng không và Hiệp định về vận tải Biển giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất có thể.
Về vấn đề này, phía Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phía Việt Nam tổ chức đàm phán Hiệp định vận chuyển hàng không nhân dịp Hội nghị đàm phán vận chuyển hàng không của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế - ICAO được tổ chức tại Dubai từ ngày 24 đến 25 tháng 11 năm 2008.
Phía Việt Nam ghi nhận đề nghị của phía Thổ Nhĩ Kỳ và nhất trí trả lời qua kênh ngoại giao.
Văn hóa
21. Hai bên hài lòng ghi nhận sự phát triển trong hoạt động trao đổi văn hóa gần đây và nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này để hiểu biết lẫn nhau tốt hơn vì tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước.
Hai bên nhất trí khám phá những khả năng tổ chức “Tuần văn hóa quốc gia” luôn phiên ở cả hai nước trong những năm tới.
Du lịch
22. Hai bên bày tỏ “Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch” ký năm 2004 nhân dịp Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Về việc này, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện Hiệp định nói trên bằng cách khuyến khích tổ chức các chuyến khảo sát lẫn nhau của các hãng lữ hành du lịch, các phóng viên và công ty tổ chức du lịch cũng như tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các tổ chức hữu quan của hai nước.
Phía Việt Nam mời Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đi thăm Việt Nam trong năm 2009 cùng với đoàn các nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn và du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thể thao
23. Hai bên nhất trí khai thác các khả năng hợp tác về thể thao thông qua trao đổi các đoàn và tham gia vào các sự kiện được tổ chức ở cả hai nước.
Phía Việt Nam mời đội bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ tham dự vào Giải vô địch bóng đá quốc tế sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hai bên nhất trí tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp tại Hà Nội vào ngày sẽ được hai bên xác định thông qua kênh ngoại giao.
Làm và ký tại Ankara vào ngày 5 tháng 11 năm 2008 thành hai bản gốc bằng tiếng Anh.
TM. CHÍNH PHỦ | TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
Ngài Vũ Huy Hoàng: Bộ trưởng Bộ Công Thương (Trưởng Đoàn)
Nguyễn Văn Hòa: Phó vụ trưởng Vụ QHQT, Văn phòng Chính phủ (Trưởng đoàn kỹ thuật)
Lý Quốc Hùng: Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương
Nguyễn Thành Đô: Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính
Nguyễn Đình Hoàng Long: Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương
Tạ Văn Hường: Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương
Cao Quốc Hưng: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương
Đoàn Ngọc Bội: Phó Vụ trưởng Vụ Tây Á, Châu Phi, Bộ Ngoại giao
Bùi Quốc Trung: Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư
Nguyễn Thanh Huyền: Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục đào tạo
Nguyễn Hải Anh: Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch
Phan Văn Chính: Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Trần Quang Huy: Phó Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương
Bùi Huy Sơn: Phó Văn phòng kiêm Thư ký Bộ trưởng, Bộ Công Thương
Tạ Hoàng Linh: Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Nguyễn Ngọc Thăng: Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp
Lê Thái Hòa: Chuyên viên, Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương
Phạm Thị Mai Thanh: Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương
PHỤ LỤC II
Ngài Hayatti Yazici: Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh (Trưởng Đoàn)
Sevket Ilgac: Vụ trưởng Vụ Hiệp định, Ban Thư ký ngoại thương (Trưởng đoàn kỹ thuật)
Recep Peker: Trưởng phòng, Bộ Ngoại giao
Ender Oncu: Trưởng phòng, Vụ Hiệp định, Ban Thư ký ngoại thương
Ozgur Simsek: Trưởng phòng, Vụ Quản lý nguồn thu, Bộ Tài chính
Ihsan Ovut: Vụ trưởng Vụ quan hệ nước ngoài, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa.