Nội dung toàn văn Chỉ thị 01/2007/CT-BCT công tác phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 001/2007/CT-BCT | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ NĂM 2008.
9 tháng đầu năm 2007, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, đời sống nhân nhân ngày càng được cải thiện, ước tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội cả năm đạt 714.273 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2006. Thị trường trong nước luôn sôi động với sự đa dạng, phong phú của nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, do tác động của giá cả hàng hoá thế giới tăng cao cùng với tình hình thiên tai (hạn hán, bão, lũ lụt), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nhu cầu có khả năng thanh toán tăng (tiền lương, tiền thưởng, lượng kiều hối tăng, các nguồn vốn đầu tư phát triển tăng) đã làm cho giá cả của một số mặt hàng trong nước tăng, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2007 tăng 7,32%. Dự báo sức mua xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008 tăng trên 20 - 30% so với Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007.
Để tổ chức tốt nguồn hàng cho nhân dân đón Tết Mậu Tý 2008 vui vẻ, an toàn, tiết kiệm với giá cả hợp lý và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại thông báo số 201/TB-VPCP ngày 12 tháng 10 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đồng chí giám đốc các Sở Công nghiệp, Sở Thương mại/ Sở Thương mại - Du lịch, các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức thực hiện nghiêm túc các công việc sau:
1. Sở Công nghiệp, Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành báo cáo UBND địa phương chỉ đạo thực hiện các công việc sau:
- Triển khai ngay việc chuẩn bị lực lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại…) của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn. Có biện pháp bảo đảm sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầy đủ với giá cả tương đối ổn định trên cơ sở bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
- Có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, không gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, ít người và các vùng bị hậu quả nặng nề của bão lũ, lốc xoáy, đồng bào vùng bị tai nạn sập cầu Cần Thơ với giá ổn định trong dịp Tết để mọi nhà, mọi người đều được đón Tết trong không khí đầm ấm, hạnh phúc.
- Tăng cường công tác Quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết và sau Tết, đặc biệt cấm triệt để lưu thông và sử dụng pháo các loại, đồ chơi nguy hiểm, rượu lậu Chú trọng công tác bảo đảm VSATTP, phối hợp với các ban ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm theo các qui định hiện hành.
- Có kế hoạch tổ chức tốt hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí trong dịp Tết trên địa bàn; mở rộng các mối liên kết, khai thác thêm nhiều hàng hóa mới và hàng truyền thống để chợ vừa là nơi mua bán hàng, vừa là điểm giao lưu văn hóa vui chơi lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.
2. Các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện các công việc sau:
- Các doanh nghiệp sản xuất tập trung đẩy mạnh sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi đối tượng trong xã hội, nhất là các mặt hàng bánh mứt kẹo, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, quần áo, sữa, thực phẩm chế biến khác... với giá bán ổn định, kiên quyết không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
- Các doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng các mặt hàng chính sách (dầu hỏa, muối iốt) phải tiến hành dự trữ, chuẩn bị chu đáo đủ lượng hàng hóa, bảo đảm đưa hàng đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trước Tết theo kế hoạch để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải nhận thức rõ phục vụ hàng hóa, dịch vụ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm với xã hội nên phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo và tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm đủ hàng với chất lượng tốt, hình thức bao bì đẹp, an toàn và giá cả hợp lý.
3. Chế độ báo cáo:
- Các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương tham gia sản xuất hàng hóa phục vụ Tết gửi báo cáo kế hoạch sản xuất hàng hóa phục vụ Tết về Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 11 năm 2007. Các doanh nghiệp sản xuất gửi thông báo phân phối hàng hóa phục vụ Tết cho các doanh nghiệp kinh doanh ở trung ương và các địa phương trước ngày 15 tháng 01 năm 2008.
- Các doanh nghiệp kinh doanh trực thuộc Bộ Công Thương gửi báo cáo kế hoạch kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết trước ngày 15 tháng 01 năm 2008.
- Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam gửi báo cáo thực hiện kế hoạch cung ứng dầu hỏa cho các tỉnh miền núi trước ngày 15 tháng 01 năm 2008.
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi báo cáo về kế hoạch bảo đảm nguồn điện phục vụ Tết trước ngày 15 tháng 01 năm 2008.
- Các Sở gửi báo cáo về Bộ Công Thương theo nội dung trên vào các thời gian cụ thể sau đây:
+ Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết trước ngày 15 tháng 11 năm 2007.
+Tình hình thị trường, giá cả hàng hoá phục vụ Tết (đợt 1 trước ngày 20/01/2008; đợt 2 trước ngày 31/01/2008).
+ Báo cáo tổng kết tình hình phục vụ Tết trước ngày 15/02/2008.
Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh ngay về Bộ ( Vụ Chính sách thị trường trong nước – FAX 04. 9365774 – Email : [email protected] - Điện thoại : 04. 9342848) để xử lý kịp thời.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |