Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2010 phòng chống bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn đã được thay thế bởi Quyết định 1893/QĐ-UBND năm 2013 Danh mục văn bản pháp luật hết hiệu lực toàn bộ một phần Quảng Trị và được áp dụng kể từ ngày 18/10/2013.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2010 phòng chống bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Đông Hà, ngày 02 tháng 02 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG THỰC HIỆN PHÒNG CHỐNG BỆNH LÙN SỌC ĐEN VÀ BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ TRÊN CÂY LÚA VÀ NGÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian gần đây, bệnh lùn sọc đen và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã phát sinh gây hại gây hại trên cây lúa và ngô vụ Hè Thu 2009 ở các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra. Hiện nay, trên mạ xuân sớm ở một số tỉnh phía Bắc và trên lúa Đông Xuân ở hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen. Đây là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra được lây truyền bởi rầy lưng trắng, rầy nâu đặc biệt là rầy lưng trắng chưa có thuốc phòng trị, nếu không phòng chống dịch bệnh sẽ nguy cơ xẩy ra thành dịch trên lúa và ngô trong vụ Đông xuân 2009-2010, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, đời sống và tình hình an ninh lương thực.
Hiện nay, trên cây lúa và ngô địa bàn tỉnh ta chưa phát hiện thấy bệnh, nhưng các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng đã phát sinh thành dịch. Do điều kiện sản xuất cây lúa, cây ngô của các tỉnh trong khu vực cơ bản giống nhau, nhất là về thời vụ, bộ giống và biện pháp canh tác. Đồng thời năm 2009, trên cây lúa ở địa bàn tỉnh ta đã nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng với mật độ khá cao, diện tích bị nhiễm khoảng 20%. Từ thực trạng trên tình hình dịch bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại trên cây lúa và ngô ở địa bàn tỉnh ta là rất cao.
Thực hiện Chỉ thị số 146/CT-BNN-BVTV ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng chống bệnh lùn sọc đen và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa, ngô vụ Đông xuân 2009-2010. Để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã:
a) Thường xuyên kiểm tra rà soát chỉ đạo kịp thời việc thực hiện công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khi dịch xẩy ra trên địa bàn; Phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với cơ sở để kiểm tra, theo dõi và đôn đốc bà con nông dân thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh.
b) Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về tác hại của bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và biện pháp quản lý; đưa nội dung phòng chống dịch rầy lưng trắng, rầy nâu, bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa và các chính sách hỗ trợ vào sinh hoạt thường xuyên ở xã, thôn, để người dân biết nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ sản xuất.
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở hướng dẫn bà con nông dân làm đất và vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi gieo cấy, bố trí thời gian gieo cấy hợp lý, đảm bảo lịch thời vụ; thường xuyên theo dõi rầy nâu, rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ trên ruộng để diệt trừ kịp thời.
d) Triển khai việc giám sát đồng ruộng chặt chẽ, thường xuyên, liên tục từ đầu đến cuối vụ, nếu lúa có triệu chứng bệnh, xử lý ngay cây lúa bị bệnh xuống bùn sâu, trường hợp có trên 20% cây lúa trong ruộng bị nhiễm bệnh cần tiến hành tiêu huỷ cả ruộng lúa đó.
e) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, xử lý tiêu hủy, giải quyết chính sách hỗ trợ nông dân khi có dịch xẩy ra; Kịp thời trích ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân tiêu huỷ ruộng lúa bị bệnh nặng và hướng dẫn biện pháp phòng trừ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn lịch thời vụ cho phù hợp từng vùng, bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh vi rút rầy nâu, rầy lưng trắng để thực hiện tốt công tác dự tính dự báo kịp thời.
b) Phân công, cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát và nắm bắt thông tin về tình hình bệnh đối với từng địa bàn cụ thể; tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở và nông dân về nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa và ngô.
c) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Trị điều tra, theo dõi diễn biến bệnh vi rút trên lúa, ngô cung cấp thông tin nhanh, kịp thời đến nông dân và các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp xử lý; xây dựng hệ thống bẫy đèn để theo dõi rầy di trú và có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh; tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kỹ thuật giám định khi có triệu chứng bệnh.
d) Chỉ đạo Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị mở nước từ giai đoạn đầu vụ để hạn chế rầy chích hút thân lúa khi còn non.
d) Phối hợp với các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại trên lúa, ngô và các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Trung ương để các đối tượng có liên quan biết thực hiện có hiệu quả.
3. Sở Tài chính triển khai hướng dẫn cụ thể các chính sách hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, dự trù nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác phòng dịch và chính sách hỗ trợ thiệt hại khi có dịch xẩy ra.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thường xuyên thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác về công tác chỉ đạo phòng bệnh chống bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu và rầy lưng trắng và tác hại của dịch bệnh để nông dân nhận thức đúng đắn nhằm nâng cao tính chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, an tâm sản xuất.
5. Các Sở, Ban, ngành liên quan, đoàn thể các cấp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã vận động tuyên truyền nông dân quán triệt và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch hại, chính sách hỗ trợ cho nông dân, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm khôi phục lại sản xuất khi có dịch xảy ra.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực các nội dung trên và báo cáo thường xuyên về Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |