Chỉ thị 01-KH-TV quản lý quỹ sản xuất trường phổ thông đã được thay thế bởi Thông tư 17-TT quản lý quỹ lao động sản xuất trường phổ thông và được áp dụng kể từ ngày 14/09/1971.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 01-KH-TV quản lý quỹ sản xuất trường phổ thông
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-KH-TV | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 1964 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ QUỸ SẢN XUẤT Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Để thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, sử dụng lực lượng học sinh sản xuất ra của cải vật chất vừa làm dồi dào của cải xã hội, vừa góp phần xây dựng trường sở, trong mấy năm nay các trường phổ thông đều đã tổ chức cho học sinh lao động ở các cơ sở của trường, thu nhặt lâm sản và phế phẩm bán cho Mậu dịch hay lao động ở các công, nông trường, xí nghiệp lấy tiền gây quỹ trường.
Ngày 23-10-1960, Bộ đã có chỉ thị số 38-TV-KH tạm thời hướng dẫn các tỉnh tổ chức quản lý quỹ sản xuất, nhằm thiết thực sử dụng một phần quỹ đó vào phúc lợi cho học sinh và xây dựng nhà trường để nâng cao chất lượng giảng dạy. Do quản lý tốt quỹ đó, nhiều trường đã bớt chi cho ngân sách nhiều khoản như sách báo thư viện, sách tham khảo, giải thưởng thi đua, mua sắm thêm bản đồ, dụng cụ thí nghiệm, dụng cụ thể dục thể thao… Nhưng có nhiều địa phương chưa chú ý hướng dẫn các trường quản lý quỹ này, nên có hiện tượng chi tiêu lãng phí, sử dụng sản phẩm làm ra không đúng, thậm chí có nơi bán nông sản ra thị trường tự do, tham ô, gây ảnh hưởng không tốt với phụ huynh học sinh và có khó khăn cho chính quyền địa phương.
Để khắc phục những thiếu sót trên đây nhằm đưa việc quản lý quỹ sản xuất của các trường phổ thông vào nguyên tắc chế độ, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ tài chính, Bộ quy định những nguyên tắc quản lý và sử dụng quỹ ấy như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Quỹ sản xuất của các trường phổ thông không phải là một khoản thu chi của ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn phải coi là một khoản tiền công của một tập thể và phải quản lý theo đúng chế độ kế toán Nhà nước quy định.
2. Việc sử dụng thành phẩm phải được ban sản xuất của trường tập thể bàn bạc và được Ủy ban hành chính trực tiếp quản lý trường đó thông qua; đặc biệt việc tiêu thụ nông phẩm phải theo đúng chính sách lương thực đang thi hành tại địa phương trường đóng.
3. Cơ quan tài chính ở từng cấp (Ban Tài chính xã, Phòng Tài chính huyện, thị xã, khu phố và Sở, Ty Tài chính) có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính trong việc hướng dẫn các trường về mặt quản lý tài vụ, kiểm tra các trường về mặt chi tiêu để kịp thời ngăn chặn những trường hợp lãng phí, tham ô, chi sai chế độ.
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CỤ THỂ
1. Tổ chức ban sản xuất:
Chỉ thị số 3417-TH ngày 15-08-1963 của Bộ đã quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức và theo dõi học sinh tham gia sản xuất ra của cải vật chất ở hợp tác xã, ở gia đình và ở trường học.
Để lãnh đạo sản xuất được tốt, mỗi trường cần lập một ban sản xuất gồm:
- Đồng chí hiệu trưởng hay hiệu phó: trưởng ban;
- Một giáo viên dạy kỹ thuật: ủy viên;
- Một đại diện chi đoàn Thanh niên lao động: ủy viên;
- Một đại diện Công đoàn: ủy viên.
Ban sản xuất sẽ phân công một cán bộ phụ trách giữ sổ sách kế toán tiền và kế toán tài sản của ban sản xuất. Ở các trường lớn có nhân viên văn phòng thì có thể cử thêm nhân viên này vào ban sản xuất và giao trách nhiệm về giữ sổ sách kế toán, tài sản của ban.
2. Nội dung thu, chi của quỹ sản xuất.
Quỹ sản xuất có thể gồm các khoản thu, chi dưới đây:
a) Về thu:
- Thu tiền bán hoa màu do học sinh trồng cấy ở vườn trường, ruộng trường;
- Thu tiền bán gia súc do học sinh chăn nuôi ở trường;
- Thu tiền học sinh đi lao động lấy tiền ở các công, nông, lâm trường, xí nghiệp hay hợp tác xã (không kể tiền của các đoàn thể trong trường đi lao động lấy tiền gây quỹ cho đoàn thể);
- Thu tiền bán các sản phẩm do xưởng trường sản xuất ra;
- Thu tiền bán các phế liệu, lâm sản mà học sinh đã thu nhặt được (do trường tổ chức thu nhặt).
Các khoản thu do tổ công đoàn giáo viên sản xuất tự túc không có mục đích góp vào quỹ sản xuất của trường thì không ghi vào quỹ sản xuất của trường.
b) Về chi: Có ba loại chi lớn:
- Chi phí sản xuất như mua giống, nguyên liệu, phân bón, nông cụ, dụng cụ, đóng chuồng chăn nuôi, lương công nhân thuê để sản xuất, giấy đóng sổ sách kế toán…
- Chi về phúc lợi cho trường như vui khỏe, sách báo thư viện, sách tham khảo, lập tủ thuốc, tiền nước trong những buổi lao động, chi tiêu về giải thưởng thi đua cho các lớp, các đội có nhiều thành tích sản xuất, tham quan trong hè, mua giấy bút cho học sinh nghèo…
- Chi về tu bổ, xây dựng trường và nâng cao chất lượng giảng dạy như mua sắm thêm dụng cụ thí nghiệm, hóa chất, trang bị dụng cụ ở xưởng trường, góp một phần vào quỹ xây dựng trường.
Tùy tình hình thực tế của từng trường, từng huyện mà Sở, Ty Giáo dục sẽ quy định tỷ lệ chi của ba loại trên, làm sao vừa bồi dưỡng thỏa đáng cho học sinh khi đi lao động, vừa dành một phần tiền thu được để mua sắm thêm dụng cụ hóa chất cho phòng thí nghiệm, dụng cụ cho xưởng trường, mà hiện nay khả năng ngân sách chưa đài thọ được. Có thể ước lượng phân phối như sau:
a) Phần dành để sản xuất 30%
b) Phần chi về phúc lợi 30%
c) Phần chi về tu bổ, xây dựng trường và nâng cao chất lượng giảng dạy 40%
3. Lập kế hoạch và chấp hành kế hoạch thu chi quỹ sản xuất.
Đầu năm học, ban sản xuất căn cứ vào chương trình học tập và sản xuất cả năm học đã được hội đồng giáo viên thông qua mà nghiên cứu xây dựng phương hướng sản xuất của trường.
Các trường ở nông thôn cần dựa theo phương hướng sản xuất của hợp tác xã nơi trường đóng mà lập kế hoạch sản xuất.
Các trường ở thị xã, thị trấn, thành phố, khu công nghiệp thì tùy hoàn cảnh cụ thể mà xây dựng phương hướng sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp hoặc công nghiệp làm sao có lợi ích thiết thực, thực sự sản xuất ra của cải vật chất.
Các trường ở miền núi, ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, còn cần phối hợp với cơ quan thương nghiệp địa phương để vận động học sinh thu nhặt lâm sản.
Căn cứ vào phương hướng sản xuất đã được hội đồng nhà trường thông qua, ban sản xuất lập kế hoạch sản xuất cụ thể và kế hoạch thu chi của quỹ sản xuất cả năm học, tranh thủ ý kiến của Ủy ban hành chính và Đảng ủy xã (đối với trường cấp I và cấp II ở xã), của Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố (đối với trường cấp I, II và III trực thuộc huyện, thị xã, khu phố) hay Sở, Ty Giáo dục (nếu là trường trực thuộc Sở, Ty).
Sau khi các kế hoạch này đã được Ủy ban hành chính góp ý kiến rồi thì gửi cho Phòng Giáo dục (đối với các trường do Phòng trực tiếp quản lý) hay cho Sở, Ty Giáo dục (đối với các trường trực thuộc Sở, Ty) để các cơ quan này tổng hợp và chuyển sang cho cơ quan tài chính đồng cấp có cơ sở theo dõi, góp phần đôn đốc thực hiện và nhất là biết được khả năng thu nhập của từng trường để có dự kiến phân phối kinh phí chỉ tiêu nghiệp vụ của trường cả năm cho sát (ngoài phần trường đã tự túc được).
Hiệu trưởng căn cứ vào kế hoạch thu chi đã được thông qua, đôn đốc hội đồng nhà trường và ban sản xuất thực hiện kế hoạch và ký duyệt các chứng từ thu chi hàng ngày.
4. Chế độ kế toán và báo cáo.
a) Chế độ kế toán: Vì quy mô sản xuất ở các trường phổ thông nói chung là nhỏ, nên việc ghi sổ sách sẽ theo phương pháp kế toán đơn. Đối với các trường phổ thông có học nghề, quy mô sản xuất tương đối lớn thì nên hạch toán dần từng bước.
b) Sổ sách: Mỗi trường cần có một quyển sổ nhật ký thu chi kiêm sổ quỹ và một quyển sổ kho thành phẩm.
Sổ nhật ký thu chi kiêm sổ quỹ và sổ kho thành phẩm ngày nào có thu chi phải ghi ngay trong ngày ấy, cuối tháng phải khóa sổ và hiệu trưởng ký duyệt.
c) Chứng từ: Mỗi khoản chi phí phải có hóa đơn hoặc bảng kê và được hiệu trưởng ký duyệt thì mới được chi, vào sổ quỹ và giữ lại để cuối năm học quyết toán.
Mọi khoản thu phải có biên lai gồm hai “liên” giao cho người nộp tiền một “liên” có chữ ký của người nộp tiền coi như chứng từ gốc để vào sổ quỹ và giữ lại để cuối năm học quyết toán.
Việc xuất nhập kho thành phẩm phải có giấy xuất nhập kho và phải được hiệu trưởng thông qua.
d) Quản lý tiền mặt: Căn cứ vào quy mô sản xuất của từng trường, các Sở, Ty Giáo dục quy định số tiền được giữ tối đa ở quỹ sản xuất, số tiền còn lại không được giao cho một cá nhân nào giữ riêng hoặc cho vay mượn mà phải đứng tên trường (không đứng tên cá nhân) gửi vào quỹ tín dụng của xã hay gửi vào tài khoản vãng lai (15-48) ở chi điếm Ngân hàng.
đ) Báo cáo: Sau mỗi học kỳ, ban sản xuất phải lập báo cáo kết quả sản xuất và quyết toán thu chi quỹ sản xuất.
Nội dung báo cáo và quyết toán gồm:
- Các hàng đã sản xuất ra, số lượng nhập kho thành phẩm, số lượng xuất bán, và xuất ra để dùng, số lượng còn lại (chép ở sổ kho thành phẩm ra).
- Số đã trồng cấy chưa thu hoạch được.
- Các khoản đã thu, đã chi về sản xuất, đã chi về phúc lợi và đã chi về nâng cao chất lượng giảng dạy, số tiền còn lại (chép ở sổ nhật ký thu chi kiêm sổ quỹ ra).
Báo cáo và quyết toán này phải thông qua hội đồng giáo viên, ban sản xuất và lấy ý kiến của Ủy ban hành chính xã (đối với các trường cấp I và II ở xã), Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố (đối với các trường cấp I, II và III do huyện, khu phố, thị xã trực tiếp quản lý), Sở, Ty Giáo dục (đối với các trường trực thuộc Sở, Ty).
Sau khi đã có ý kiến nhận xét của Ủy ban hành chính xã hay huyện rồi thì các trường phải gửi cho Phòng Giáo dục một bản để Phòng Giáo dục tổng hợp ghi vào một mục trong báo cáo công tác giáo dục của huyện, thị xã, khu phố cuối học kỳ gửi lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố.
Trong báo cáo sơ kết học kì I hay tổng kết năm học của các Sở, Ty Giáo dục gửi về Bộ cần có phần kết quả sản xuất của các trường trong tỉnh và tổng số thu chi của quỹ sản xuất (có phân tích chi bao nhiêu cho sản xuất, bao nhiêu cho phúc lợi và bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy).
5. Quản lý tài sản do quỹ sản xuất mua sắm hay do xưởng trường làm ra.
Các tài sản này đều coi là tài sản chung của trường. Trường cần ghi vào sổ mục lục tài sản chung của trường, nhưng có ghi chú riêng và phân công người chịu trách nhiệm bảo quản. Mỗi khi hư hỏng cần hủy hoặc nhượng lại lấy tiền nộp quỹ sản xuất thì phải lập biên bản và cuối học kỳ báo cáo cho Phòng Giáo dục (đối với các trường do Phòng trực tiếp quản lý) hay cho Sở Giáo dục (đối với các trường do Sở, Ty trực tiếp quản lý) cùng với báo cáo kiểm kê tài sản của trường.
Trong dịp nghỉ hè, ngoài việc phân công giáo viên thay nhau làm nhiệm vụ trực trường, ban sản xuất cần có kế hoạch trông nom bảo vệ các cơ sở sản xuất cũng như tài sản dùng trong sản xuất.
Mỗi khi thay đổi hiệu trưởng và giáo viên chuyên trách công tác kế toán tiền và kế toán tài sản của quỹ sản xuất thì phải có biên bản bàn giao cẩn thận để tránh mất mát, khó tra cứu.
Trên đây là những điểm chính trong việc quản lý quỹ sản xuất của các trường phổ thông, các Sở, Ty có thể căn cứ vào hướng dẫn này để xây dựng nội quy quản lý quỹ sản xuất của các trường trong địa phương mình.
Trong khi tiến hành, nếu có gặp khó khăn gì thì phản ảnh cho Bộ biết để kịp thời góp ý kiến giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |