Nội dung toàn văn Chỉ thị 016-TTg đẩy mạnh thu mua tiêu thụ sản xuất đường trong nước, hạn chế việc nhập đường ngoài nước
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 016-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1960 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THU MUA, TIÊU THỤ VÀ SẢN XUẤT CÁC LOẠI ĐƯỜNG TRONG NƯỚC, HẠN CHẾ VIỆC NHẬP ĐƯỜNG NGOẠI
Kính gửi | - Bộ Nội Thương
|
Mấy năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Ủy ban hành chính các cấp, việc phát triển trồng mía và sản xuất đường, mật đã tăng lên rõ rệt. Song, tình hình đó vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của nhân dân. Cho nên, hàng năm Nhà nước đã phải bỏ ra một số không ít ngoại tệ để nhập khẩu thêm đường kính về bán cho nhân dân. Đó là một điều không hợp lý, vì nước ta có rất nhiều điều kiện và khả năng để đẩy mạnh trồng mía và phát triển sản xuất các loại đường, mật. Mặt khác, trong khi ta đã sản xuất được một phần đường cát trắng và các loại đường khác trong nước có thể tiến lên thay thế dần cho đường ngoại khi các nhà máy đường của ta sản xuất thêm, thì trong nhân dân, nhất là nhân dân đô thị hay trong một số cán bộ hoặc bộ đội chỉ muốn dùng đường ngoại, chưa có ý thức đầy đủ dùng đường nội. Vì vậy, chủ trương của Nhà nước năm 1960 và sau này là: phát triển trồng mía, đẩy mạnh tiêu thụ đường nội, hạn chế và tiến tới không nhập đường kính nước ngoài nhằm không ngừng thúc đẩy phát triển sản xuất các loại đường mật trong nước; như vậy sẽ dành thêm ngoại tệ để nhập những thiết bị, máy móc cần thiết cho việc xây dựng đất nước. Để thực hiện chủ trương trên đây. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành và Ủy ban hành chính các cấp tiến hành mấy việc sau đây:
1. Tuyên truyền, giải thích sâu rộng trong hàng ngũ cán bộ, công nhân viên, bộ đội và nhân dân hiểu rõ chủ trương nói trên của Nhà nước là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của việc phát triển kinh tế chung, để mọi người có ý thức tiêu dùng đường nội. Cán bộ, bộ đội, công nhân viên các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân phải gương mẫu trong việc tiêu dùng đường nội, tránh chạy theo thói quen hay thị hiếu chỉ muốn dùng đường ngoại.
2. Từ nay, đường kính không bán tự do như trước đây, mà bán theo kế hoạch cho những nhu cầu thật cần thiết, như nhu cầu của chuyên gia và khách quốc tế, trẻ em, người ốm,v.v… Bộ Nội thương căn cứ vào khả năng đường kính năm 1960 để quy định mức bán ra cụ thể cho từng loại nhu cầu đó. Việc sản xuất bánh mức kẹo trước đây làm bằng đường kính thì nay cho chuyển sang sản xuất bằng đường nội. Đối với những cửa hàng giải khát, cũng cần hướng dẫn dùng đường nội thay thế đường kính nhập khẩu. Trong khi các nhà máy của ta chưa đủ điều kiện để sản xuất đường kính ngay trong năm nay, Bộ Nội thương cần có biện pháp giúp đỡ ngành thực phẩm cải tiến sản xuất, chế biến các loại đường trong nước nhằm đảm bảo phẩm chất tốt, hợp với nhu cầu thực tế của nhân dân để đẩy mạnh bán ra thay thế cho đường kính.
Riêng tháng 1/1960, để chiếu cố dịp Tết nên còn bán cho cán bộ và nhân dân một số để ăn Tết, những cũng không thể bán tự do như trước, mà Bộ Nội thương chỉ được phân phối theo mức Thủ tướng phủ đã duyệt y. Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành căn cứ vào số lượng đường kính đã được Bộ Nội thương phân phối mà điều hòa việc cung cấp trong địa phương mình cho hợp lý. Từ tháng 2/1960 việc cung cấp đường kính phải theo đúng những điều đã quy định ở trên.
3. Từ nay đến tháng 3/1960 là thời vụ sản xuất đường mật, Bộ Nội thương, ngành Thực phẩm và Ủy ban hành chính các cấp phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo, tổ chức thu mua đường mật nhằm đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch thu mua của Nhà nước. Ở những vùng có nhiều đường, mật, cần dựa vào các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tăng cường ngay việc giáo dục nông dân bán đường mật cho Mậu dịch. Cần quản lý chặt chẽ thị trường thu mua và tiêu thụ nhất là ở những nơi sản xuất và tiêu thụ tập trung. Ngành Thực phẩm cần đặt quan hệ chặt chẽ với các nông trường quốc doanh, các tập đoàn sản xuất miền Nam, các nông trường quân đội và các trại cải tạo có sản xuất đường, mật, để đặt kế hoạch đẩy mạnh sản xuất đường mật và trực tiếp ký hợp đồng thu mua. Mặt khác, để thực hiện tốt việc phân phối đường mật theo kế hoạch, Ủy ban hành chính các cấp phải chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch phân phối và điều động đường mật của trung ương (Bộ Nội thương).
Kết quả thu mua và bán đường mật ra sao, cứ nửa tháng một lần Bộ Nội thương và các Ủy ban hành chính địa phương cần gửi báo cáo lên Thủ tướng phủ biết.
4. Ngay từ bây giờ, Bộ Nông lâm và Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phải hết sức quan tâm đến việc chỉ đạo phát triển trồng mía và sản xuất đường mật trong năm tới, ra sức phấn đấu đảm bảo bằng được chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước (kể cả về diện tích và sản lượng), nhất là ở những vùng có nhà máy đường, ở các nông trường, các tập đoàn và trại cải tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đường mật ngày càng tăng trong nhân dân.
Mong các Bộ, các ngành liên quan, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành nghiên cứu kỹ chỉ thị này và tích cực thi hành những chủ trương đã nêu ra ở trên.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |