Chỉ thị 02/CT-TTg

Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2019 về tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Chỉ thị 02/CT-TTg 2019 tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan các cấp


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÁC CẤP

Thực hiện các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số, trong thời gian qua, cơ quan nhà nước các cấp đã chủ động, tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn những bất cập, hạn chế như: chữ ký số chuyên dùng Chính phủ chưa được sử dụng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; thời gian cung cấp chứng thư số có lúc, có nơi chưa kịp thời; hiệu quả công tác triển khai sử dụng chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi; công tác kiểm tra đánh giá tại các cơ quan nhà nước chưa tiến hành thường xuyên.

Nguyên nhân chủ yếu của các bất cập, hạn chế nêu trên là hành lang pháp lý liên quan đến cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại, gia hạn chứng thư số chưa thuận lợi cho cơ quan, tổ chức thực hiện và trách nhiệm triển khai các thủ tục hành chính này của một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của lãnh đạo và cán bộ công chức một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa cao; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí và nguồn nhân lực chuyên trách thực hiện lĩnh vực công tác này còn mỏng và hạn chế.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ như một công cụ quan trọng để đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương):

a) Quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong việc tham mưu, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

b) Rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Đồng thời, khẩn trương ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các loại hình giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên nguồn lực để triển khai công tác này. Trường hợp cơ quan, đơn vị đang sử dụng chữ ký số công cộng phải có kế hoạch chuyển sang sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

d) Đảm bảo sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

đ) Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân nhằm tạo động lực thúc đẩy sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

e) Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ trưởng, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước các cấp:

a) Gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

b) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

3. Ban Cơ yếu Chính phủ:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao địch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh điện tử hóa quy trình cung cấp, quản lý chứng thư số, bảo đảm rút ngắn thời gian cấp, tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong quá trình sử dụng chứng thư số, hoàn thành trong quý II năm 2019;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, sẵn sàng cung cấp chứng thư số, mục tiêu phấn đấu đến tháng 6 năm 2019: 100% cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức lãnh đạo cấp vụ, cục, sở và tương đương trở lên được cấp chứng thư số để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc qua mạng và các yêu cầu khác theo đề nghị của cơ quan nhà nước các cấp; tổ chức đào tạo, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

c) Tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025;

d) Nghiên cứu phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ trì triển khai thực hiện một số hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý II năm 2019;

đ) Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, phát triển các giải pháp xác thực điện tử phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2020, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 -2025;

- Xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ với các nền tảng ứng dụng và hệ điều hành khác nhau (web, desktop, mobile, windows, linux, Mac OS...) và hướng dẫn cơ quan nhà nước các cấp triển khai sử dụng, hoàn thành trong năm 2019;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thông qua hệ thống kỹ thuật kết hợp kiểm tra nắm tình hình thực tế khi cần thiết;

g) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ bảo đảm triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đối với các hệ thống thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, triển khai;

h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp đảm bảo bảo mật, an toàn cho các tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

i) Chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đảm bảo hạ tầng hệ thống và các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử; đưa tiêu chí về sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin;

b) Chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành các quy định và giải pháp kết nối liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3 năm 2019.

5. Bộ Nội vụ:

a) Rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn thư, lưu trữ theo nguyên tắc văn bản điện tử đã được xác thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, gửi qua mạng và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử có giá trị lưu trữ theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và Thông tư quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử. Trong đó, quy định rõ thể thức văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo hoàn thành trong quý I năm 2019 tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi để cơ quan nhà nước các cấp tổ chức thực hiện.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch ngân sách cho các chương trình, đề án, dự án xây dựng, phát triển mở rộng Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí để Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện giai đoạn 2 của dự án phát triển, mở rộng Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí kế hoạch ngân sách để các bộ, ngành, địa phương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Luật Đầu tư công.

7. Bộ Tài chính:

a) Ưu tiên bố trí kinh phí đủ, kịp thời từ ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm để Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về cung cấp chứng thư số và duy trì hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

b) Khẩn trương rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử trong ngành tài chính, trong đó các quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này;

b) Đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Ban của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và các quy định khác có liên quan./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KSTT (2b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 02/CT-TTg

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu02/CT-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/01/2019
Ngày hiệu lực23/01/2019
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Công nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Chỉ thị 02/CT-TTg 2019 tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan các cấp


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 02/CT-TTg 2019 tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan các cấp
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu02/CT-TTg
                Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
                Người kýNguyễn Xuân Phúc
                Ngày ban hành23/01/2019
                Ngày hiệu lực23/01/2019
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Công nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Chỉ thị 02/CT-TTg 2019 tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan các cấp

                          Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 02/CT-TTg 2019 tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan các cấp

                          • 23/01/2019

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 23/01/2019

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực