Nội dung toàn văn Chỉ thị 03/CT-UBND 2018 công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản Hà Tĩnh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND | Hà Tĩnh, ngày 12 tháng 02 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2018
Năm 2017, công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản được tăng cường; giá trị chăn nuôi chiếm 50% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Công tác thông tin tuyên truyền về Luật Thú y và các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao; dịch Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm và Đốm trắng, Gan tụy trên tôm vẫn xảy ra một số địa phương; khi dịch xảy ra, việc triển khai các biện pháp chống dịch chưa đồng bộ và thiếu quyết liệt; kết quả tiêm các loại vắc xin thuộc diện phải tiêm bắt buộc tại nhiều địa phương đạt thấp; công tác quản lý mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa được quan tâm đúng mức; mạng lưới thú y cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Để chủ động phòng, chống nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường sinh thái. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Kế hoạch số 01/KH- UBND, Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 02/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, trong đó cần tập trung các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh, phổ biến các quy định của pháp luật về thú y nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, tổ chức trong công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Tổ chức giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, lấy nhân viên thú y xã, trưởng các thôn, xóm làm nòng cốt, huy động các tổ chức đoàn thể cùng tham gia; đồng thời gắn trách nhiệm của người chăn nuôi, nuôi trồng trong việc theo dõi, phát hiện và chủ động báo cáo dịch bệnh để tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện.
- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả cao, đảm bảo chất lượng trong 02 đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm theo chỉ tiêu, kế hoạch của UBND tỉnh giao; tiêm bổ sung đầy đủ các loại vắc xin thuộc diện phải tiêm bắt buộc cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm trong các đợt chính và số hết thời hạn miễn dịch.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật theo quy định; đồng thời, triển khai các đợt, tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi, nuôi trồng do Trung ương và tỉnh phát động đạt hiệu quả.
- Thực hiện tốt công tác quản lý mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giết mổ gia súc, gia cầm; quản lý con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thuốc thú y, thức ăn gia súc và quản lý hành nghề thú y; tổ chức giám sát chặt chẽ các loại con giống nhập về chăn nuôi, nuôi trồng thuộc các chương trình, dự án và của các hộ chăn nuôi, nuôi trồng để thực hiện kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn nuôi cách ly, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh.
- Tăng cường công tác quản lý bệnh Dại theo hướng chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, lập danh sách hộ nuôi chó, nắm chắc số lượng thực tế chó nuôi trên địa bàn để quản lý, xử lý triệt để chó thả rông, chó không tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định; yêu cầu chủ nuôi chó thực hiện đăng ký nuôi chó và cam kết thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, xích nhốt giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông chó.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, triển khai thực hiện công tác giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu theo Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 02/01/2018 của UBND tỉnh.
- Địa phương nào lơ là, chỉ đạo thiếu quyết liệt, không sâu sát, để dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh lây lan trên diện rộng thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chủ động bố trí, trích ngân sách địa phương để tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời, hiệu quả.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tham mưu ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch bệnh động vật. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tại các địa phương.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và đơn vị liên quan thuộc Sở triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản đạt kết quả, hiệu quả cao.
- Đôn đốc, theo dõi việc thực hiện tại cơ sở; định kỳ, đột xuất tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, làm rõ những địa phương làm tốt, chưa tốt, tham mưu đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.
3. Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời, hiệu quả.
4. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |