Nội dung toàn văn Chỉ thị 04/CT-UBND 2019 tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh bảo đảm tăng trưởng Quảng Bình
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Quảng Bình, ngày 03 tháng 5 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ CÁC GIẢI PHÁP TẬP TRUNG THÁO GỠ CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, BẢO ĐẢM MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 6 THÁNG VÀ CẢ NĂM 2019
Xác định năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019 để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp đề ra, tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2019 của tỉnh ta cơ bản ổn định và phát triển.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng kinh tế như: chưa có các yếu tố đột phá làm động lực phát triển nhanh; chuyển đổi trong nông nghiệp còn chậm; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp công nghiệp gặp nhiều khó khăn; du lịch có sự phát triển mạnh nhưng số ngày lưu trú của khách du lịch vẫn còn thấp, hoạt động kinh doanh lữ hành còn yếu; hậu quả của sự cố môi trường biển vẫn còn; dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của ngành chăn nuôi…
Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2019 là 7,2%, nhiệm vụ của những tháng cuối năm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các cấp, các ngành. Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nội dung công việc được giao, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
Các Sở, ngành và địa phương:
1. Tập trung công tác chỉ đạo điều hành; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 10/01/2019 UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
2. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tăng trưởng cụ thể của ngành, địa phương mình để chủ động thực hiện tạo động lực phát triển không chỉ cho năm 2019 mà còn cho các năm tiếp theo.
3. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019.
4. Triển khai thực hiện Công văn số 447/UBND-KSTT ngày 04/4/2019 của UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 320/TTg-KSTT ngày 15 tháng 3 năm 2019 về việc thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.
II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA TRONG NĂM 2019
1. Tăng cường công tác quy hoạch
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
Thực hiện nghiêm túc Luật Quy hoạch và các văn bản liên quan; triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Danh mục quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch chuyển tiếp, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng.
2. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
Nắm chắc, theo dõi sát diễn biến tình hình để có các giải pháp quản lý, điều hành kinh tế phù hợp, kịp thời, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TW ngày 01/11/2016 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
c) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Thực hiện gói tín dụng tiêu dùng và cho vay tín chấp ở nông thôn do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai nhằm giúp người dân thoát khỏi tín dụng đen.
3. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, hướng tới các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực, có hiệu quả thiết thực. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đã được cấp phép đầu tư triển khai theo tiến độ; tập trung hướng dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục chuẩn bị dự án, đất đai, giấy phép đầu tư và xây dựng đối với các dự án lớn, trọng điểm được cấp phép và ký biên bản hợp tác đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình năm 2018.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, thực hiện chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp. Tiếp tục đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp ít nhất 1 lần/quý theo hướng thực chất, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa.
- Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu vào nhóm khá của cả nước.
- Tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Đề án của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2020 để khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
- Triển khai xây dựng hoàn thiện Bộ Chỉ số DDCI để đánh giá công tác điều hành của các sở, ban ngành và cấp huyện (hoàn thành trong năm 2019); Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị (hoàn thành trong năm 2019).
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương liên quan:
- Nắm chắc tiến độ, đôn đốc đẩy nhanh thực hiện các dự án; tăng cường giám sát đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai theo cam kết, đặc biệt là các dự án ở Bảo Ninh, Nhật Lệ, Phong Nha – Kẻ Bàng, khu kinh tế, khu công nghiệp… Rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đảm bảo hợp lý.
c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan: nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
4. Thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cẩm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng. Tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
- Tập trung đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch vùng nông sản hàng hóa tập trung. Rà soát, chuyển đổi linh hoạt, có hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; Đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra. Tăng cường công tác phát triển và bảo vệ rừng, quan tâm phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao su kém hiệu quả; Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 – 2025.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Xây dựng Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (hoàn thành trong năm 2019).
c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng phương án kịch bản ứng phó với những diễn biến thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ,... chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
d) Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn; đồng thời các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền về tác hại của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
e) Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh và đổi mới phương thức tuyên truyền, truyền thông về chủ trương, chính sách pháp luật hợp tác xã, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên để nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về hợp tác xã kiểu mới.
5. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công năm 2019
a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
- Tập trung tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn để các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, phát huy hiệu quả tốt trong năm 2019 như: xi măng, bia, may xuất khẩu, gạch không nung, nhôm Asia... Tập trung các giải pháp, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai Dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch đảm bảo chặt chẽ, đúng luật định và theo tiến độ đề ra. Tiếp tục triển khai các dự án công nghiệp lớn: Dự án điện mặt trời của Tập đoàn Dohwa – Hàn Quốc, Tập đoàn Sơn Hải; điện gió của Công ty CP Điện gió B&T, Dự án xây dựng Cụm cảng Hòn La; các dự án đường dây và trạm biến áp 500-220-110kV theo Quy hoạch điện. Xúc tiến triển khai các dự án: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, dệt may, chế biến gỗ OKAL, MDF, thu hồi nhiệt điện ở các nhà máy xi măng, chế biến thủy sản... Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
b) Ban Quản lý Khu Kinh tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
Có giải pháp phát huy hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng. Tiếp tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án mới, các dự án đã cam kết đầu tư, các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Khu kinh tế Hòn La nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh tạo tiền đề cho phát triển lâu dài và bền vững.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn trong quản lý đầu tư xây dựng; áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng. Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 đạt 100%.
- Báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành trung ương trong tháng 9 năm 2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.
d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
Kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, inh bạch của thị trường.
e) Các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, kế hoạch tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; sớm giải ngân kế hoạch vốn được giao, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019.
6. Chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ phát triển
Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp để phát triển thương mại, du lịch dịch vụ:
- Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý thị trường; thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường xuất khẩu mới.
- Tập trung phát triển du lịch, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường liên kết, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức quảng bá du lịch (qua điện ảnh) để tăng hiệu ứng lan tỏa của thương hiệu điểm đến ra các thị trường trong nước và quốc tế; khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn đang triển khai: Dự án Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình của Công ty CP Tập đoàn FLC, Khách sạn 5 sao của Tập đoàn Pullman, sân golf Bảo Ninh – Trường Thịnh, sân golf Bảo Ninh – Hải Ninh, Khu nghỉ dưỡng Bang của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh,…
- Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những giá trị tiêu biểu đã được thế giới và quốc gia công nhận của Phong Nha – Kẻ Bàng, như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; Phát triển mới các sản phẩm du lịch: Du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch tâm linh, đặc biệt là du lịch mạo hiểm, trải nghiệm: khám phá hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa), thác Tam Lu (Quảng Ninh), Khe Nước Lạnh, Khe Nước Trong, Khu bảo tồn rừng Động Châu và hình thành các khu du lịch sinh thái khác.
- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn trật tự, văn hóa tại các điểm du lịch; chỉ đạo các cơ sở du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng khách sạn sửa chữa, chỉnh trang để đón khách du lịch; kiểm tra, tuyên tuyền về thái độ phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh, giá cả phù hợp làm hài lòng khách đến; xây dựng phố đi bộ tại thành phố Đồng Hới để tạo điểm nhấn và địa điểm vui chơi, giả trí, mua sắm cho du khách.
III.TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các Sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tại các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6, tháng 9 và tháng 12 năm 2019./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |