Chỉ thị 05/2008/CT-UBND

Chỉ thị 05/2008/CT-UBND tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Nội dung toàn văn Chỉ thị 05/2008/CT-UBND quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2008/CT-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trái phép để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp; cháy rừng; khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ, lâm sản, săn bắt, mua bán, động vật rừng trái phép…vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và có chiều hướng gia tăng với qui mô và mức độ ngày càng nghiêm trọng (điển hình là vụ phá rừng ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; trình trạng phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng trồng cây công nghiệp ở Lâm trường Kon Tum trên địa bàn huyện Đăk Hà và thị xã Kon Tum…). Tình hình trên đã làm cho tài nguyên rừng của tỉnh bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, làm cho dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng và các ngành chức năng chưa chặt chẽ, còn buông lõng khâu kiểm tra, giám sát; một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm để kẻ xấu lợi dụng khai thác gỗ, lâm sản và xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Mặt khác một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nắm bắt và hiểu biết hết các quy định của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nên đã xâm hại đến tài nguyên rừng.

Để khắc phục những tồn tại trên, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Căn cứ Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 9 tháng 01 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt điều chỉnh kết quả rà soát 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đăng ký lâm phần của các chủ rừng, phân định lại ranh giới đất lâm nghiệp, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tiến hành giao đất lâm nghiệp cho chính quyền địa phương (huyện, xã), các chủ rừng quản lý nhằm quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp đối với rừng và đất lâm nghiệp theo tinh thần Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan đề xuất, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý, sử dụng và phát triển rừng tỉnh Kon Tum theo hướng bền vững (giai đoạn 2007- 2010).

b. Khẩn trương hoàn thành trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt theo qui định, làm cơ sở thực hiện:

- Đề án giao đất giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007-2010 theo Quyết định số 2740/QĐ/BNN-KL ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Báo cáo kinh tế kỹ thuật đóng mốc ranh giới 03 loại rừng (đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh kết luận tại Thông báo số 181/TB- UBND ngày 4 tháng 7 năm 2008).

c. Chỉ đạo Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh khẩn trương xây dựng Tổng quan Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Kon Tum trình cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định, phê duyệt.

d. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng các loại theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Đối với giống cây trồng lâm nghiệp phải tuân theo Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

đ. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

- Phối hợp với UBND các cấp (huyện, xã) và các ngành liên quan:

+ Tăng cường công tác tuyên truyền vận động một cách sâu rộng để quần chúng nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, tố giác tội phạm phá hoại tài nguyên rừng.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát: Công tác quản lý bảo vệ rừng; khai thác lâm sản; các cơ sở chế biến, cửa hàng kinh doanh gỗ - lâm sản và các Khách sạn, Nhà hàng, cửa hàng ăn uống đặc sản chế biến từ thịt các loại động vật hoang dã, quý hiếm…phát hiện và xử lý nghiêm (kể cả việc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh) đối với các trường hợp vi phạm.

- Xây dựng kế hoạch, có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên rừng ở các khu vực Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới; đường đông Trường sơn; vùng lòng hồ thuỷ điện có tận dụng lâm sản, các khu vực chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su và các vùng lân cận...

e. Hàng quí, có kế hoạch họp giao ban giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng để nắm bắt tình hình, có biện pháp quản lý và xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.

f. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức trong toàn ngành để rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng. Xử lý kiên quyết mọi trường hợp làm ngơ, thông đồng bao che để tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại rừng.

g. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn dùng cho công tác giao đất giao rừng theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg và triển khai thực hiện (Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tại văn bản số 980/UBND-TH ngày 26 tháng 5 năm 2008 về việc triển khai kinh phí giao đất giao rừng).

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Chủ rừng đóng trên địa bàn và lực lượng dân quân xã có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét những ổ nhóm lâm tặc phá rừng trên địa bàn mình quản lý; đặc biệt chú trọng đối với những khu rừng tự nhiên ở dọc các đường giao thông mới thi công như Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới, đường đông Trường Sơn, khu vực giáp ranh giữa các huyện và giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh lân cận (chú ý khu vực Sê San-huyện Sa Thầy), khu vực biên giới với 2 nước bạn Lào và Cam Pu Chia, các khu rừng phòng hộ và đặc dụng như Vườn quốc gia ChưMomRay, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng phòng hộ Thạch Nham…Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ rừng, những phần tử tiếp tay, bao che cho lâm tặc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, những người tiêu thụ, tàng trữ lâm đặc sản trái phép; triệt phá những ổ, nhóm lâm tặc hung hãn chống đối người thi hành công vụ.

Các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của quốc gia thuộc địa phương mình quản lý. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng, người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND huyện, xã và những người lãnh đạo có liên quan trực tiếp của huyện, xã đó phải chịu trách nhiệm.

Mỗi huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện, thị xã làm trưởng ban cùng với các đơn vị, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng, Chủ rừng phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị này trên địa bàn.

4. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét về biên chế của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng theo tinh thần Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành việc định giá rừng theo tinh thần Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng và Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN- BTC của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng.

6. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác tận dụng, Chủ rừng quản lý các lâm phần đang khai thác tận dụng:

- Khi được cấp giấy phép khai thác, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm công bố địa danh, diện tích, sản lượng khai thác cho chính quyền địa phương và đại diện nhân dân trong khu vực khai thác biết, để theo dõi.

- Thường xuyên phối hợp với Hạt kiểm lâm sở tại tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện đúng quy trình, quy phạm, nghiệm thu trong khai thác gỗ, lâm sản trên địa bàn mình quản lý và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về những sai phạm xảy ra. Hàng tháng các Chủ rừng, đơn vị liên quan phải báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, kết quả nghiệm thu, quy trình, quy phạm khai thác gỗ và lâm sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh biết, chỉ đạo kịp thời. Những trường hợp cố tình bao che, thông đồng với đơn vị khai thác để khai thác trái phép, làm sai quy định đều bị xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.

7. Đối với các đơn vị, tổ chức tham gia khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh: Trong mỗi hiện trường khai thác phải bố trí số lượng các tổ, đội khai thác phù hợp, có biện pháp quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm về khai thác, các quy định trong hồ sơ thiết kế khai thác đã được phê duyệt, các khoản trong hợp đồng ký kết với chủ rừng, đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác tận dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm do các tổ, đội khai thác gây ra.

8. Đối với các Công ty Đầu tư phát triển lâm nông công nghiệp và dịch vụ các huyện, Lâm trường Kon Tum, Ban quản lý Vườn quốc gia ChưMomRay, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Ban quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng…: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý; phát hiện và kiên quyết xử lý theo qui định những tổ chức, cá nhân có các hoạt động, hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng xảy ra; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng…chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh nếu để tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai trên lâm phần mình quản lý.

9. Nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn, buôn bán, chế biến và tiêu thụ trái phép động, thực vật rừng và các sản phẩm của chúng. Mọi trường hợp vi phạm tuỳ theo mức độ đều bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các Chủ rừng, các Ban quản lý, các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp) để xem xét, xử lý./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Quí

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 05/2008/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu05/2008/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành25/07/2008
Ngày hiệu lực04/08/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 05/2008/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 05/2008/CT-UBND quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 05/2008/CT-UBND quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu05/2008/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Kon Tum
                Người kýĐào Xuân Quí
                Ngày ban hành25/07/2008
                Ngày hiệu lực04/08/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Chỉ thị 05/2008/CT-UBND quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum

                  Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 05/2008/CT-UBND quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum

                  • 25/07/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 04/08/2008

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực